1.2. Đảng bộ chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
1.2.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phần và cơ cấu kinh tế vùng
* Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phần
Qua 2 năm thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đặc biệt là việc tiến hành CDCCKT, cơ cấu thành phần kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt. Các loại hình doanh nghiệp có những đổi mới, đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh được giữ vững đã tác động quan trọng việc hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển. Kinh tế hợp tác và HTX trong các ngành và lĩnh vực kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, phục hồi và phát triển. KTTN được khuyến khích phát triển đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế góp phần quan trọng vào thành tựu chung trong công cuộc đổi mới toàn diện của Yên Bái.
Bên cạnh đó, việc đổi mới các thành phần kinh tế đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết, như kinh tế quốc doanh quy mô còn nhỏ, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp. Một số doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, hoạt động tài chính trong doanh nghiệp thiếu lành mạnh. Thị trường tiêu thụ không vững chắc, sức cạnh tranh của sản phẩm về chất lượng, chủng loại, mẫu mã kém dẫn tới vai trò chủ đạo trên một số lĩnh vực bị thu hẹp. Đối với kinh tế hợp tác và HTX đã có bước phục hồi và phát triển nhưng chưa mạnh, vẫn còn mang tính hình thức, thiếu nguồn vốn đầu tư, phương hướng hoạt động chưa nhất quán. Năng lực quản lý của cán bộ HTX phần lớn chưa được đào tạo, thiếu những kỹ năng, hiểu biết để thích ứng trong cơ chế mới, nên gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. KTTN có xu hướng phát triển chững lại do thiếu hành lang và môi trường thuận lợi để phát triển...
Tiếp đó, nhằm đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế cùng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, Tỉnh ủy Yên Bái ra Chương trình hành động số 12 CT/TU ngày 18/4/1998 thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ IV khóa VIII Về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000. Để đổi mới, phát triển và quản lý có hiệu quả các loại hình doanh nghiệp, Tỉnh ủy chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế hộ (kể cả hộ gia đình, tiểu chủ, trang trại) phát huy tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh việc chuyển đổi các hợp tác xã cũ theo luật, tạo điều kiện để các loại hình kinh tế hợp tác trong nông - lâm nghiệp và nông thôn phát triển theo nhu cầu của kinh tế hộ trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ cùng có lợi. Các doanh nghiệp Nhà nước trong nông - lâm nghiệp và nông thôn phải không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý, chuyển hướng hoạt động sang làm nhiệm vụ dịch vụ cung ứng các loại giống cây, con, vốn, vật tư hàng hoá cho sản xuất và tiêu dùng; hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phầm cho nông dân. Nghiên cứu lập dự án xây dựng thêm một số nông, lâm trường quốc doanh, hoàn thành dự án thành lập lâm trường Nậm Púng (Văn Chấn). Kiện toàn củng cố hiệp hội sản xuất chè, hội làm vườn... đi vào hoạt động có hiệu quả thiết thực, khuyến khích
phát triển các hiệp hội theo ngành nghề ở nông thôn, lấy quốc doanh và hợp tác xã làm nòng cốt [72, tr. 14].
Chủ trương của Tỉnh ủy là những định hướng căn bản để đẩy mạnh và tạo ra sự chuyển biến trong các thành phần kinh tế, đem lại hiệu quả đối với kinh tế của tỉnh nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng.
Về doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp Nhà nước là một bộ phận quan trọng của kinh tế Nhà nước giữ chủ đạo trong nền kinh tế, bảo đảm cơ bản nguồn thu ngân sách địa phương. Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước thể hiện ở hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh trên thị trường và hướng dẫn các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo định hướng XHCN. Xác định được tầm quan trọng của thành phần kinh tế này, Tỉnh ủy đề ra chủ trương và giải pháp để nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước là:
Thứ nhất, tiến hành chấn chỉnh và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Năm 1998 hoàn thành việc đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp về tài chính, tài sản, hiệu quả kinh tế và cơ chế quản lý, phân loại các loại hình doanh nghiệp, xác định rõ loại doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích, doanh nghiệp kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động có hiệu quả tiếp tục kiện toàn về tổ chức, cán bộ, bổ sung vốn nhất là vốn lưu động, ưu tiên cho vay vốn ưu đãi để đầu tư đổi mới thiết bị - công nghệ, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm 100% vốn, cần lập kế hoạch để cổ phần hoá theo các hình thức Nhà nước nắm cổ phần chi phối (51% trở lên), để tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời tác động tích cực đến các loại hình kinh tế ngoài nhà nước. Xúc tiến lập phương án cổ phần hoá từ 2 - 3 doanh nghiệp, kiện toàn Ban chỉ đạo cổ phần hoá để giúp tỉnh xây dựng phương án và tổ chức thực hiện tốt phương án cổ phần hoá. Đối với những doanh nghiệp nhà nước vốn ít, kinh doanh thua lỗ kéo dài, không cần thiết duy trì sở hữu Nhà nước nữa thì áp dụng các hình thức sáp nhập, cho đấu thầu, cho thuê, khoán kinh doanh hoặc bán... Trong năm 1998, hoàn thành việc sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc ngành thương mại, trọng tâm là các đơn vị xuất nhập khẩu; phân loại các doanh nghiệp nông - lâm nghiệp làm nhiệm vụ công ích và
kinh doanh, nghiên cứu lập phương án tổ chức lại các đơn vị xây dựng cơ bản để trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét quyết định.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Dần thực hiện công ty hoá các doanh nghiệp để áp dụng Luật Doanh nghiệp Nhà nước và Luật Phá sản doanh nghiệp. Đặt các doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh theo pháp luật. Áp dụng chính sách ưu đãi theo luật đầu tư trong nước đối với các doanh nghiệp tự huy động vốn, để đầu tư mở rộng sản xuất và đổi mới thiết bị công nghệ. Tổ chức rà soát lại các tiêu chuẩn định mức kinh tế, kỹ thuật ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, chấn chỉnh cơ chế quản lý nhất là cơ chế "khoán, quản", chế độ phân phối, xây dựng và thực hiện thiết chế dân chủ trong doanh nghiệp. Thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm hình thức huy động vốn của một số doanh nghiệp, trên cơ sở đó ban hành quy chế cho phép các doanh nghiệp tự huy động vốn trong cán bộ công nhân viên và người ngoài doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp trước hết là phân định rõ chức năng quyền hạn của các Sở quản lý chuyên ngành về các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, xây đựng định mức kinh tế kỹ thuật, các chính sách và kiểm tra, kểm soát... phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, tránh gây phiền nhiễu cho các doanh nghiệp [72, tr. 14-15].
Trong 4 năm (1996-2000), các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển dần từ hình thức điều hành trực tiếp sang dịch vụ giống, vật tư, khoa học kỹ thuật cho người nhận khoán và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất, chế biến gắn với phục vụ nhu cầu dân sinh trên địa bàn. Đặc biệt là các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp tiếp tục được đổi mới về tổ chức sản xuất, về cơ chế quản lý... đã áp dụng các hình thức khoán tới tổ sản xuất hoặc tới sản phẩm cuối cùng. Hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch được giao, nhiều doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả cao, đời sống người lao động, tích luỹ cho xí nghiệp và nhà nước đều tăng lên. Năm 1999, riêng các doanh nghiệp nông - lâm nghiệp đã nộp vào ngân sách của tỉnh 5.119 triệu đồng, năm 2000 là 4.963 triệu đồng.
Từ 1997 đến 2000, các doanh nghiệp nhà nước tiến hành sắp xếp, đổi mới, sát nhập. Riêng năm 2000, có 20 doanh nghiệp nông-lâm-thuỷ sản được củng cố, từng bước ổn định và phát triển.
Về kinh tế tập thể: Tính đến năm 1996, các HTX ở Yên Bái đã có những điều chỉnh và đổi mới quan trọng, nhất là từ sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khoá VI, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VII Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII. Các HTX nông nghiệp đã có sự chuyển đổi căn bản cả về quan hệ sở hữu, cơ chế quản lý và quan hệ phân phối. Một phần HTX chuyển hẳn sang làm chức năng dịch vụ phục vụ cho kinh tế từ một khâu đến nhiều khâu, song song với nó là sự ra đời của các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng trong nông thôn, hình thành do nhu cầu và sự tự nguyện của nông dân với nhiều quy mô khác nhau.
Tuy nhiên trong quá trình chuyển sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, khi kinh tế hộ xã viên được xác định là đơn vị kinh tế tự chủ, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, thì các HTX nông nghiệp hoạt động ít có hiệu quả hơn. Những HTX làm dịch vụ cho kinh tế hộ có hiệu quả số lượng còn ít. Đại bộ phận các HTX lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ theo cơ chế thị trường. Các HTX nợ ngân hàng chiếm tỷ lệ cao, số dư nợ phải khoanh lại còn rất lớn. Tình trạng hộ xã viên nợ HTX còn phổ biến dẫn tới việc các HTX mất vốn, việc cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ hoạt động không hiệu quả. Do đó, xã viên không gắn bó với HTX, hệ quả là nhiều HTX tự ngừng hoạt động. Có nơi HTX tự giải tán hoặc chỉ còn tồn tại trên hình thức, hộ xã viên tự lo về mọi mặt trong sản xuất kinh doanh.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng; Chỉ thị 68 của Ban Bí thư Trung ương ngày 24/5/1996; Luật hợp tác xã được Quốc hội khoá IX thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV, Ban thường vụ Tỉnh uỷ ra Nghị quyết Số 01/NQ-TU ngày 6/7/1996 về việc Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong các ngành và các lĩnh vực kinh tế, nhằm làm cho kinh tế hợp tác phát triển mạnh mẽ, rộng khắp vươn lên cùng với kinh tế Nhà nước, dần trở thành nền tảng của nền kinh tế.
Tỉnh ủy xác định phương hướng chung để phát triển kinh tế hợp tác và HTX hoạt động trong các ngành và lĩnh vực kinh tế cần được đổi mới toàn diện và phát triển mạnh mẽ từ thấp đến cao, dưới nhiều hình thức, với các cấp độ khác nhau. Những hình thức hợp tác một khâu, hoặc nhiều khâu, hợp tác giản đơn, hợp tác từng việc, hợp tác tạm thời (không đăng ký kinh doanh), đồng thời có hợp tác thành doanh nghiệp tổ chức quản lý chặt chẽ đăng ký tư cách pháp nhân đầy đủ. Có loại hợp tác xã vừa góp vốn, vừa góp sức lao động trực tiếp hoặc chủ yếu chỉ góp vốn, không góp sức như hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng. Có hợp tác xã tổ chức sản xuất kinh doanh tập trung hoặc chỉ làm chức năng dịch vụ phục vụ cho hộ thành viên. Quy mô lớn nhỏ khác nhau theo thôn bản, phố phường, địa bàn dân cư hoặc không giới hạn về địa giới hành chính trên cơ sở tự nguyện, dân chủ cùng có lợi, phù hợp đặc điểm ngành nghề, trình độ sản xuất, tập quán của từng nơi [84, tr. 4].
Riêng đối với kinh tế hợp tác và HTX trong nông nghiệp, Tỉnh ủy xác định đối với những HTX còn đang hoạt động thì tiến hành xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh dịch vụ; xác định mức vốn điều lệ, vốn pháp định và mức cổ phần xã viên phải đóng góp; đăng ký lại xã viên, phát triển xã viên mới, đồng thời phải kiểm kê tài sản, vốn, quỹ, các khoản công nợ phải thu, phải trả. Nếu HTX còn vốn, nguồn vốn đủ để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì tính thành cổ phần đóng góp của xã viên. Đối với các hợp yếu kém sẽ tiến hành giải thể chuyển sang các hình thức kinh tế hợp tác khác theo nhu cầu của xã viên...
Tỉnh ủy chủ trương phát triển các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng ở những nơi chưa có HTX, hoặc HTX đã giải thể mà hộ xã viên có nhu cầu hợp tác thì tiến hành vận động, hướng dẫn tổ chức thành lập hợp tác, tổ hợp tác theo nhóm hộ, theo thôn bản, tổ xóm, hoặc liên gia để hợp tác với nhau sản xuất kinh doanh dịch vụ theo từng việc, từng khâu, theo nhóm sản phẩm… Ở những HTX đang hoạt động, nếu các nhóm hộ xã viên có nhu cầu hợp tác với nhau để giải quyết những khâu, những lĩnh vực hoặc ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ mà HTX chưa làm thì cần được khuyến khích, như hợp tác một số hộ làm chế biến mía đường, hoa quả, chế biến chè, dịch vụ tuốt lúa, say sát nghiền thóc gạo, dịch vụ vận tải …
Thực tế cho thấy, Nghị quyết về Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong các ngành và các lĩnh vực kinh tế của Tỉnh ủy ra đời kịp thời và đúng đắn góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế của tỉnh tham gia trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Kết quả là các doanh nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp, các lâm trường đã được sắp xếp lại, phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông, lâm nghiệp. hợp tác xã trong nông nghiệp được chuyển đổi và thành lập mới đã tăng lên; kinh tế hộ, kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại phát triển đa dạng và ngày càng có hiệu quả. Kinh tế hợp tác được chỉ đạo chuyển đổi và thành lập mới theo luật. Toàn tỉnh đã chuyển đổi và thành lập mới 142 hợp tác xã (58 hợp tác xã chuyển đổi, 84 hợp tác xã thành lập mới theo luật), trong đó hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chiếm 51%, hợp tác xã sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm 32%, quỹ tín dụng nhân dân 8%, còn lại là hợp tác xã thuộc lĩnh vực khác [31, tr. 22].
Trong quá trình xây dựng, phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh, mô hình kinh tế hợp tác và HTX của Yên Bái đã góp phần thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương. Doanh số khu vực KTTT năm 2000 tăng gần 60 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3 vạn thành viên, hỗ trợ và đáp ứng một phần nhu cầu của kinh tế hộ, trang trại phát triển. Xu hướng liên kết và hợp tác giữa KTTT với các doanh nghiệp khác trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ bước đầu hình thành có hiệu quả (các HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết với công ty Vật tư nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, ngành điện lực, thủy nông…).
Cuối năm 1997, số HTX nông nghiệp còn hoạt động một số khâu dịch vụ cho hộ xã viên toàn tỉnh là 47 HTX tập trung ở 7 huyện thị vùng thấp, HTX hoạt động khá và trung bình có 34 HTX chiếm tỷ lệ 71%, số hoạt động yếu có 13 HTX, chiếm tỷ lệ