Lựa chọn hình thức, qui mô tổ chức lực lượng hợp lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng lãnh đạo xây dựng và tổ chức lực lượng bộ đội đường trường sơn từ năm 1959 đến năm 1968 (Trang 124 - 126)

3.2. Một số kinh nghiệm lịch sử

3.2.2. Lựa chọn hình thức, qui mô tổ chức lực lượng hợp lý

Quá trình xây dựng và phát triển lực lượng bộ đội Trường Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng đã biết lựa chọn hình thức, qui mô tổ chức thích hợp.

Về hình thức tổ chức lực lượng, đã có sự phát triển vượt bậc, thích ứng với yêu cầu cách mạng trong từng thời kỳ. Trong giai đoạn đầu mới thành lập, Đoàn 559 dược tổ chức thành các phân đội nhỏ, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ gùi, thồ, xoi đường, mở lối. Bước vào giai đoạn 1965 - 1968, khối lượng hàng chi viện lớn, nhiều chủng loại, cần bảo đảm thời gian theo kế hoạch, cách tổ chức theo các phân đội nhỏ như cũ không còn phù hợp nữa, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định tổ chức lực lượng bộ đội Trường Sơn thành các tuyến, binh trạm.

Binh trạm là tổ chức cơ sở trực thuộc Bộ Tư lệnh 559, bỏ hình thức trung gian, giảm gián tiếp để hiệp đồng, chỉ huy thông suốt, nhanh chóng phát huy tác dụng và ngày càng hoàn thiện, thích ứng với tình hình, nhiệm vụ và phương thức hoạt động mới.

Qua mỗi năm hoạt động, binh trạm lại được tổ chức hoàn thiện thêm, từ cung độ, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, phương thức hoạt động, hiệu suất chiến đấu tăng lên rõ rệt.

Tổ chức lực lượng của mỗi binh trạm tuỳ theo chỉ tiêu, nhiệm vụ, tình hình chiến sự, điều kiện địa hình để biên chế. Về biên chế, các binh trạm được tổ chức theo“biên chế mềm”, nghĩa là tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi nơi mà tổ chức lớn hay nhỏ. Một binh trạm cỡ trung bình có quy mô như một trung đoàn. Những binh trạm lớn hơn có quy mô như một lữ đoàn. Các binh trạm đều có các thành phần binh chủng: vận tải ô tô, công binh, cao xạ, giao liên, bộ binh. Mỗi binh chủng có từ 1 dến 2 tiểu đoàn, riêng bộ binh có từ 1 đến 2 đại đội. Ngoài ra, còn có các phân đội bảo đảm như: thông tin, kho hàng, trạm sửa chữa xe máy, súng pháo, đội điều trị, cấp cứu, trạm bảo đảm nhiên liệu, đội dân vận, tăng gia... Tất cả các đơn vị đều phải hoạt động trong kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ của các cơ quan.

Ngoài tổ chức cơ bản là hệ thống binh trạm, Bộ Tư lệnh 559 còn có một số lực lượng chủ lực cơ động thuộc các binh chủng công binh, bộ binh, cao xạ.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, qui mô tổ chức lực lượng cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Buổi đầu thành lập, ngoài Đoàn bộ, Đoàn 559 tổ chức Tiểu đoàn vận tải 301 và các bộ phận: xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Với thắng lợi của phòng trào Đồng khởi, cách mạng miền

Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công cách mạng, Bộ Chính trị chủ trương đẩy mạnh chi viện chiến trường. Tháng 11 năm 1960, Bộ Tổng tham mưu quyết định nâng quy mô tổ chức Tiểu đoàn 301 thành Đoàn 70 thuộc Đoàn 559. Tiếp đó, tháng 10 năm 1961, Bộ Quốc phòng quyết định phát triển Đoàn 559 thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn. Tháng 4 năm 1965, trước tình hình chi viện chiến trường ngày càng lớn, QUTƯ quyết định nâng quy mô tổ chức của Bộ Tư lệnh 559 như một quân khu và Đảng ủy 559 trực thuộc QUTƯ.

Thực tiễn quá trình xây dựng, phát huy vai trò của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, Đảng ta hết sức coi trọng công tác xây dựng lực lượng. Từ hình thức tổ chức các phân đội nhỏ tiến lên thành lập các tuyến, các binh trạm; từ sự ra đời của các tiểu đoàn đến việc nâng quy mô tổ chức như một quân khu đã đánh dấu bước phát triển và trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực đường Trường Sơn. Quá trình phát triển từ thấp đến cao của hình thức và quy mô tổ chức lực lượng Đoàn 559 là một bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng lực lượng trong quân đội ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng lãnh đạo xây dựng và tổ chức lực lượng bộ đội đường trường sơn từ năm 1959 đến năm 1968 (Trang 124 - 126)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)