Những bất cập và yếu kém của ngành năng lượng Nga

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cải cách năng lượng nga và vai trò của nó trong chính sách đối ngoại của liên bang nga (Trang 32 - 37)

Chương 1 TỔNG QUAN VỀ CÁC NGÀNH NĂNG LƯỢNG CỦA NGA

1.3. Những bất cập và yếu kém của ngành năng lượng Nga

Mặc dù nắm giữ vai trò cường quốc năng lượng, ngành năng lượng Nga vẫn mang trong mình rất nhiều yếu kém và bất cập, đòi hỏi chính phủ Nga phải có những biện pháp cải cách.

Thứ nhất, vai trò kiểm soát của Nhà nước trong ngành năng lượng quá lớn. Sau khi Putin đắc cử, ông đã tiến hành tái quốc hữu hóa ngành năng lượng, đưa nó về nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Cùng với sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản nhà nước, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế ngày càng lớn, nhà nước ngày càng can thiệp sâu và thâu tóm mọi hoạt động trong ngành năng lượng. Điều đó đã tạo cơ hội cho “chủ nghĩa thân hữu” và nhóm lợi ích phát triển, hình thành nên quan hệ mật thiết, gắn bó giữa giới chính trị và các tài phiệt. Mặt khác, căn bệnh này làm triệt tiêu các động lực tích cực của cơ chế thị trường, phá hủy những ảnh hưởng mà tư nhân có thể mang lại như khả năng cạnh tranh, công nghệ mới, động lực phát triển cao hơn và những kỹ năng quản lý mới. “Nhờ tài trợ của nhà nước, các công ty dầu khí quốc doanh có nhiều tín dụng để sử dụng hơn các đối thủ trong khu vực tư, và những công ty này sẵn sàng trả cao hơn giá thị trường cho các nhà cung cấp vật tư để có được các hợp đồng dài hạn. Điều này cho thấy, hệ thống tư bản nhà nước đã làm gia tăng chi phí và làm giảm hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh”43. Việc nhà nước nắm giữ tỷ lệ cao và vẫn thực hiện cơ chế bảo hộ, trợ giá, độc quyền đối với ngành năng lượng còn tác động tiêu cực tới sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn tới không minh bạch trong nguyên tắc định giá, ảnh hưởng tới quá trình gia nhập WTO cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, việc triển khai công tác thăm dò, khảo sát chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác mặc dù các công ty dầu khí và tập đoàn Gazprom đã tiến hành thăm dò địa

42TS. Nguyễn Cảnh Toàn, Dầu khí và chiến lược năng lượng của Nga, TCNCCA số 9 (96), 2008, tr. 36 43 Nguyễn An Hà, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Cảnh Toàn, Liên bang Nga hai thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB Khoa học Xã hội, 2011, tr. 56

chất ở những vùng mới và trên biển. Sự thăm dò nguồn dầu khí không khả quan dẫn tới sau năm 2010 tỉ lệ của các mỏ có sản lượng cao trong tổng khối lượng có thể giảm từ 45 % xuống 30 %, đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của Nga.

Thứ ba, nền kinh tế của Nga phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng và dễ bị tổn thương khi có biến động mạnh về giá cả nguyên liệu trên thế giới. Tỷ trọng của ngành năng lượng Nga trong nền kinh tế quá lớn (gấp 3 - 4 lần so với các nước phát triển khác), hơn một nửa thu nhập ngân sách của Nga trông vào nhiên liệu thô, đặc biệt là dầu khí. Theo cơ quan đánh giá toàn cầu Fitch Ratings thì doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga chiếm khoảng hai phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012, chiếm 50 % doanh thu của Chính phủ và chiếm đến 20 % GDP. Đây là “một nguyên nhân quan trọng làm cho độ ổn định của nền kinh tế Nga không cao, chỉ cần những biến động nhỏ trên thị trường năng lượng có thể gây nên những tác động lớn tới tăng trưởng GDP, tới ngân sách quốc gia, làm mất ổn định kinh tế vĩ mô, làm trầm trọng các vấn đề an ninh và ổn định xã hội. Tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là một minh chứng”44. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều quốc gia khám phá ra trữ lượng lớn khí đá phiến sét giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Vấn đề này sẽ khiến cho nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng của Nga phải đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro hơn bao giờ hết.

Thứ tư, việc xuất khẩu nguyên nhiên liệu của Nga tập trung thái quá và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường châu Âu. Trong điều kiện tốc độ tăng trưởng chậm chạp của thị trường châu Âu cũng như chính sách năng lượng của EU nhằm đa dạng nguồn cung cấp và giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga dẫn đến sự đình trệ xuất khẩu của Nga. Trên thực tế hiện nay, sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga đang giảm dần. Tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên diễn ra trên khắp châu Âu trong các cuộc khủng hoảng Nga - Ucraina45 vào năm 2006 và 2009 là một lời nhắc nhở buồn bã về khả năng các quốc gia châu Âu dễ bị tổn thương như thế nào do phải lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Các nước châu Âu đã bắt đầu phát triển các chiến lược cho phép họ giảm thiểu không chỉ khả năng dễ bị tổn thương do các tranh chấp giữa Nga và các quốc gia quá cảnh trung gian mà

44Nguyễn An Hà, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Cảnh Toàn, Liên bang Nga hai thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB Khoa học Xã hội, 2011, tr. 67-68

cả sự lệ thuộc nói chung của họ vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Ngoài ra, một loạt các chính sách trên toàn EU, trong đó có "Gói năng lượng thứ ba", đã bắt đầu mang lại cho các quốc gia thành viên EU các công cụ chính trị và pháp lý để giảm thiểu sự thống trị của Gazprom trong chuỗi hệ thống cung ứng khí đốt tự nhiên của riêng họ. Cùng với đó là những nỗ lực được EU tài trợ nhằm kết nối mạng lưới vận chuyển khí đốt tự nhiên của các nước thành viên EU ở Trung Âu khiến Nga ngày càng gặp khó khăn trong việc sử dụng dầu khí như một công cụ của chính sách đối ngoại. Những vấn đề đó đã khiến Nga phải đối mặt với một khả năng giản đơn nhưng nghiêm trọng là cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị ở châu Âu sẽ tiếp tục làm suy giảm tiêu thụ năng lượng của lục địa này, hoặc ít nhất là cản trở bất kỳ sự tăng trưởng nào về mặt tiêu thụ trong thập kỷ tới. Do đó, Nga cần phải có chính sách cân đối lại thị trường xuất nhập khẩu của mình.

Thứ năm, hệ thống công nghệ của Nga lạc hậu. Hiện nay, ngành năng lượng của Nga đang bị lão hóa, công nghệ lạc hậu và thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng đòi hỏi những chi phí cao trong khai thác và bảo dưỡng, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các công trình năng lượng như các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân,… đều đã được xây dựng cách đây vài chục năm và đến nay đã bị hao mòn đáng kể. Thiết bị, công nghệ cũ chiếm tỷ lệ cao, mức hao mòn vốn cố định rất cao: trung bình của toàn ngành là 50 %, riêng của lĩnh vực dầu khí là 80 %. Đây là yếu tố tiềm tàng, có thể gây ra "thảm hoạ công nghệ". Công nghệ lạc hậu, kém phát triển cũng làm giảm khả năng khai thác và sản xuất, đồng thời làm tăng chi phí vận chuyển. Theo ước tính, hiện nay, “hơn 50 % trữ lượng dầu khí ở các mỏ truyền thống của Nga đã cạn kiệt và chỉ khoảng 8-10 năm nữa là sẽ cạn kiệt hoàn toàn.Do vậy, việc khai thác và sản xuất dầu khí của Nga đang chuyển dần sang các mỏ khó khai thác nằm trong những khu vực đầy thách thức về địa lý, khí hậu và công nghệ như ở Đông Siberia, Viễn Đông, vùng Bắc Cực và thềm Viễn Đông”46.

Bên cạnh đó, công nghệ lạc hậu cũng dẫn đến việc lãng phí nguồn năng lượng. Theo một số thống kê, toàn bộ năng lượng lãng phí của nước Nga trong năm 2008 đủ để nước Anh dùng trong một năm. Theo lời của ông Vasily Belov – người đứng

46 Vasily Astrov, Current State and Prospects of the Russian Energy Sector, Research Reports , June 2010, pg. 6

đầu nhóm nghiên cứu hiệu quả năng lượng thuộc Quỹ khoa học Skolkovo do chính phủ Nga tài trợ thì Nga hiện đang “sử dụng năng lượng kém hiệu quả khoảng 2,5 lần so với bất kỳ một quốc gia hiện đại tương đối nào ở châu Âu”. Những hệ thống tiện ích tiết kiệm năng lượng, kết hợp cả nguồn nhiệt và điện năng, đã được lắp đặt trong các căn hộ tại Nga, nhưng lại không có hiệu quả vì 200000 km đường ống cấp nhiệt đã già nua và các thiết bị cũ nát. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm năng lượng của Nga lại gặp phải nhiều rào cản do nhận thức của hầu hết các tầng lớp trong xã hội Nga về tiết kiệm năng lượng còn hạn hẹp, thói quen tiêu dùng năng lượng lãng phí, chi phí cho các dự án về tiết kiệm năng lượng cao, và tình trạng độc quyền của các tập đoàn nhà nước. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để Nga đầu tư vào cải cách công nghệ chứ không phải trong tương lai.

Thứ sáu, cơ sở hạ tầng yếu kém. Nga đối mặt với những thách thức không chỉ về trình độ sản xuất mà còn về trình độ xuất khẩu. Hệ thống đường ống dẫn dầu khí của Nga khá cũ kỹ và lạc hậu. “Thời hạn đã qua sử dụng 73 % toàn bộ đường ống chính của Nga đã vượt quá 20 năm. Trong đó gần 41 % đường ống đã vận hành trên 30 năm”47. Hệ thống đường ống lạc hậu này được thiết kế để vận chuyển các loại dầu có chất lượng khác nhau, điều đó không chỉ làm giảm chất lượng dầu khí xuất khẩu mà còn khiến cho năng lượng của Nga trong quá trình vận chuyển bị tiêu hao nhiều, từ 3 - 7 %. “Trong khi đó tiêu chuẩn của thế giới đưa ra đối với hao hụt cho phép trên đường vận chuyển xuất khẩu không quá 0,1 % so với tổng lượng dầu khai thác được”48. Hiện nay, chỉ có khoảng 2/3 số dầu của Nga có thể được vận chuyển bằng hệ thống đường ống dẫn dầu; phần còn lại được vận chuyển bằng các tyến đường sắt và đường biển tốn kém hơn. Tuy nhiên, việc vận chuyển dầu khí bằng đường biển của Nga còn tồn tại nhiều hạn chế: “hạn chế về khả năng chuyên chở qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ và Đan Mạch, và cả những hạn chế trong tương lai về khả năng chuyên chở qua vịnh Gibralta. Hạn chế trên phần nhiều đã gây nghi ngại cho

47 Nguyễn Quang Thuấn, Quan hệ Nga - ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới, NXB Chính trị Quốc gia, 2007, tr. 285

48Nguyễn Quang Thuấn, Quan hệ Nga - ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới, NXB Chính trị Quốc gia, 2007, tr. 286

triển vọng phát triển xuất khẩu theo hướng truyền thống”49. Bên cạnh đó, Nga cũng không có khả năng tạo bước đột phá tại các thị trường lớn ở nước ngoài như thị trường châu Á – Thái Bình Dương do thiếu đường ống dẫn trực tiếp. Hiện mới chỉ có Trung Quốc và Hàn Quốc có thể nhận trực tiếp khí đốt từ Nga. Hơn nữa, Nga hiện mới chỉ có một nhà máy khí hóa lỏng đáp ứng cho việc xuất khẩu dầu khí sang khu vực này đặt ở cảng Korsakov trên đảo Sakhalin. Do đó, để chiếm lĩnh thị trường châu Á, Nga cần phải xây dựng thêm các nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng. Hạ tầng kém phát triển làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nga và gây nên những bất ổn trong xuất khẩu của Nga nếu giá dầu giảm mạnh. Do vậy, Chính phủ Nga cần phải có những biện pháp để cải thiện cơ sở hạ tầng xuất khẩu.

Tiểu kết chương 1

Hiện tại, năng lượng là một trong những lĩnh vực có hoạt động sản xuất ổn định nhất ở Nga; có tác động tích cực đến hiện trạng và triển vọng phát triển nền kinh tế Nga: số nhân lực làm việc trong lĩnh vực này chỉ chiếm 3 – 4 % tổng số nhân lực của toàn bộ nền kinh tế, nhưng mang lại 25 % GDP, 30 % sản phẩm công nghiệp, 54 % cho ngân sách Liên bang. Với tiềm năng năng lượng dồi dào và chính sách phát triển linh hoạt, Nga đang ngày càng khẳng định vai trò “ông lớn” của mình trên thị trường năng lượng thế giới. Không chỉ là nhà cung cấp nguồn tài nguyên năng lượng mà Nga còn đóng vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn thế giới. Chính phủ Nga và những người đứng đầu Điện Kremlin đã sử dụng năng lượng, đặc biệt là dầu khí, như một thứ vũ khí lợi hại nhằm duy trì sự ảnh hưởng và dần lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ngành năng lượng Nga vẫn đang tồn tại khá nhiều yếu kém và bất cập. Để đạt được mục tiêu lấy lại vị thế, yêu cầu đặt ra đối với Chính phủ Nga là phải có những biện pháp cải cách linh hoạt và kịp thời.

49Nguyễn Quang Thuấn, Quan hệ Nga - ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới, NXB Chính trị Quốc gia, 2007, tr. 273

Chương 2. CHIẾN LƯỢC NĂNG LƯỢNG VÀ CẢI CÁCH NĂNG LƯỢNG CỦA NGA

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cải cách năng lượng nga và vai trò của nó trong chính sách đối ngoại của liên bang nga (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)