Khái quát về điểm nghiên cứu chính

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay (Trang 37 - 41)

Chƣơng 1 : Tổng quan về vấn đề nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu

1.4. Khái quát về điểm nghiên cứu chính

1.4.1 Thôn Khun Phang, xã Quang Lang.

Điểm nghiên cứu thứ nhất được lựa chọn là thôn Khun Phang. Khun

trong tiếng Tày có nghĩa là thung lũng, khe; Phang nói lái của từ pheo, có

nghĩa là tre1. Khun Phang là vùng thung lũng trồng nhiều tre.

Khung Phang là thôn nằm trên đường quốc lộ 1A, liền kề thị trấn Đồng Mỏ, gần chợ, nhà ga xe lửa, thuận lợi cho giao lưu, buôn bán và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thôn có tổng số 83 hộ dân, trong đó người Tày 49 hộ (chiếm59%), còn lại là người Nùng và người Kinh. Thôn có các dòng họ Tày như như: Lô (23 hộ), Vi (22 hộ), Hoàng (2 hộ), Lương (2 hộ). Trong đó, dòng họ Vi, Lô là hai họ được xem có công khai phá và đặt nền móng xây dựng thôn.

Hoạt động kinh tế của người Tày thôn Khun Phang trước khi có đường quốc lộ 1A Hà Nội – Lạng Sơn chạy qua thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp: trồng lúa nước, ngô, khoai, sắn, kết hợp với trồng cây ăn quả, trồng rừng… Kinh tế của thôn chỉ thực sự phát triển khi có đường quốc lộ 1A chạy qua. Ngoài hoạt động nông nghiệp, đã có khoảng hơn 10 hộ chuyển sang hoạt động kinh doanh buôn bán ngay cạnh đường quốc lộ, một vài hộ gia đình làm ăn buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ trong vùng. Đồng thời, do gần thị trấn, cách trung tâm huyện hơn 1km nên nhiều cán bộ, công nhân viên chức về định cư ở đây hơn so với thôn khác.

Bên cạnh đó, đến nay nguồn thu nhập của hộ gia đình từ hoạt động làm thuê cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu thu nhập của hộ. Hầu như trong thôn gia đình nào cũng có thành viên đi làm công nhân, thợ xây, xe ôm…

Theo báo cáo tổng kết năm 2015của thôn Khun Phang, tỷ lệ hộ giàu chiếm 5%. Đây là những hộ có ô tô hoặc nhà hàng, có thu nhập cao. Tỷ lệ hộ khá chiếm khoảng 20%, chủ yếu là các hộ cán bộ, viên chức. Còn lại các hộ

trung bình, cận nghèo và nghèo. Đây là những hộ thuần nông, kết hợp với đi làm thuê.

1.4.2 Thôn Làng Đăng, xã Quang Lang.

Điểm nghiên cứu thứ hai là thôn Làng Đăng. Thôn có địa bàn rộng, trải dài khoảng hơn 2 km, dân cư sống tập trung thành 6 cụm, có tuyến đường quốc lộ 1A chạy qua thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán. Tuy nhiên, do đặc điểm cư trú và địa hình nên thôn Làng Đăng không có nhiều hộ kinh doanh buôn bán cạnh quốc lộ 1A như thôn Khun Phang.

Làng Đăng có tổng 123 hộ, trong đó 118 hộ là người Tày (chiếm 96%), còn lại 5 hộ là người Kinh. Với các dòng họ như: Vi (110 hộ), Hoàng (5 hộ), Lý (1 hộ), Lương (1 hộ), Trịnh (1 hộ). Dòng họ Vi là họ đầu tiên đến khai hoang, lập nghiệp tại thôn.

Hoạt động kinh tế thôn Làng Đăng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) chiếm 95% dân số của toàn thôn. Ngoài canh tác 2 vụ lúa trong năm (45 ha), người dân còn trồng thêm ngô (15 ha), khoai tây (5 ha) và ớt (2 ha)1. Khoai tây và ớt là hai sản phẩm được xuất sang Trung Quốc, nên đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đồng thời, các hộ gia đình còn trồng thêm cây ăn quả và tham gia trồng rừng theo dự án rừng Việt – Đức để tăng thêm thu nhập.

Tóm lại, điểm chung ở cả hai điểm nghiên cứu là người Tày cư trú với tỷ lệ dân số Tày cao. Mỗi thôn đều có dòng họ lớn, cư trú lâu đời. Trong từng thôn, mặc dù có các dòng họ khác nhau, nhưng có đủ các mối quan hệ thân tộc, thông gia giữa gia đình, họ tộc với nhau. Điều này đã tạo nên một mạng lưới xã hội quan trọng giúp phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, thôn Khun Phang có điều kiện vị trí địa lý và giao thông thuận lợi hơn nên đã nhanh chóng thu hút nhiều người dân từ nơi khác về sinh sống, lập nghiệp. Đồng thời, hoạt động kinh doanh, buôn bán dịch vụ…mở rộng hơn nên kinh

1Báo cáo Tổng kết cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của Ban công tác mặt trận thôn Làng Đăng năm 2015.

tế phát triển hơn thôn Làng Đăng. Ngược lại, Làng Đăng chủ yếu là người Tày bản địa, ít có sự nhập cư của người dân từ nơi khác đến, các hộ gia đình chủ yếu làm nông nghiệp. Sự tương đồng và khác biệt của hai thôn cho phép đánh giá, so sánh sự phát triển dòng họ và biến đổi quan hệ dòng họ hiện nay của người Tày.

Tiểu kết chƣơng 1

Dân tộc Tày là một trong 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, thuộcnhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Ngoài tên gọi chung là “Tày”, một số nơi người họ còn có tên tự gọi là “Thổ”, có nghĩa là thổ dân hay người bản địa.Người Tày có lịch sử cư trú ở nước ta từ lâu đời, với các giá trị văn hóa độc đáo, phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc. Dòng họ là một giá trị văn hóa nổi bật của tộc người này.

Qua quá trình di cư và tụ cư của dòng họ người Tày Quang Lang cho ta thấy được sự đa dạng về nguồn gốc tộc người. Công “khai sơn phá thạch” đầu tiên phải kể đến hai dòng họ Lô và Vi. Đây cũng là hai dòng họ lớn, có lịch sử cư trú “bền vững” trên địa bàn xã Quang Lang. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn có rất nhiều dòng họ Tày khác về ở rể, mua đất sinh sống lập nghiệpnhư: Hoàng, Trịnh, Lương, Lý.

Để làm rõ được biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày, luận văn sử dụnglý thuyết vốn xã hội như một khung phân tích để lý giải và diễn giải vấn đề nghiên cứu. Đồng thời, từ đó có thể đưa ra được một cái nhìn toàn diện, tổng thể và chân thực hơn về quan hệ dòng họ trong mọi mặt đời sống của người Tày.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay (Trang 37 - 41)