Cấu trúc dòng họ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay (Trang 43 - 46)

Chƣơng 2 : Dòng họ của ngƣời Tày ở xã Quang Lang

2.2. Cấu trúc dòng họ

Tổ chức nội bộ trong dòng họ của người Tày cũng là hệ thống được mở rộng đến “cửu tộc” (Bế Văn Hậu 2012, tr. 161). Nếu lấy một cá nhân (Ego) nào làm chuẩn thì dòng họ được tính ngược lên bốn đời là cha, ông, cụ, kỵ và tính ngược xuống bốn đời là con, cháu, chắt, chút. Thể hiện rõ thông qua quan hệ họ hàng trong thờ cúng, đời sống sinh hoạt và trong chính gia phả dòng họ. Cấu trúc dòng họ của người Tày Quang Lang có thể được sơ đồ hóa giản lược như sau:

Sơ đồ 1: Cấu trúc dòng họ người Tày Quang Lang.

Ghi chú: : Nam giới, : Nữ giới, :Quan hệ vợ chồng, :Quan hệ sinh thành

:Trưởng họ, :Trưởng chi

Có thể xem cách thức tổ chức dòng họ theo hai trục: hàng dọc và hàng ngang. Hàng dọc bắt đầu từ ông tổ xuôi xuống cho đến đứa trẻ mới sinh trong dòng họ. Hàng ngang có sự phân biệt chi trưởng và chi thứ, bao gồm cả các thế hệ được sinh ra từ dòng trực hệ và người do các chi trong dòng họ sinh ra.

Trong cấu trúc dòng họ của người Tày Quang Lang con trưởng của dòng trưởng sẽ làm trưởng họ (trưởng tộc). Trưởng họ là người có quyết định lớn nhất trong dòng họ. Tuy nhiên, hiện nay trong dòng họ đã có nhiều thay đổi. Do đã trải qua nhiều đời, số lượng thành viên đông lên nên nhiều dòng họ có xu hướng tách thành từng cành, từng chi nhỏ. Con trai trưởng của chi đó sẽ đứng ra làm trưởng chi. Trưởng chi sẽ là người đứng ra quyết định công việc của chi mình, như vậy, sẽ thuận lợi cho việc sinh hoạt và bảo ban nhau làm ăn. Tuy nhiên, xu hướng này cũng tạo nên khoảng cách giữa anh em họ hàng giữa các chi.

Tổ chức thân tộc của người Tày bao gồm Tam tộc. Nghĩa là mỗi cá nhân không chỉ có quan hệ với họ nội (họ của bố), họ ngoại (họ của mẹ), mà còn quan hệ với cả họ bên vợ/ bên chồng mình (họ thông gia tùy theo nam/ nữ). Do vậy, trong bất cứ công việc gì, dòng họ người Tày đều đông đủ “ba bề bốn bên” họ hàng.

Trong người Tày Quang Lang, những người có quan hệ họ hàng bên nội (bên của bố) là anh trai, em trai, chị gái, em gái và những người cùng huyết thống bên bố. Đây là những người có quan hệ gần gũi về huyết thống trên cơ sở chung bố mẹ, ông bà, tổ tiên.

Quan hệ họ hàng bên ngoại (bên mẹ) là anh trai, em trai, chị gái, em gái và những người có quan hệ huyết thống bên mẹ. Quan hệ gần gũi nhất của những người bên họ ngoại là người có quan hệ gần gũi với bố vợ và mẹ vợ.

Ngoài quan hệ họ hàng bên nội và bên ngoại, người Tày còn rất coi trọng quan hệ họ hàng bên thông gia. Khi mỗi thành viên bắt đầu lập gia đình, đều có thêm quan hệ với họ hàng bên vợ hoặc bên chồng mình. Đồng thời, những người trong dòng họ cũng thiết lập mối quan hệ với gia đình bên thông gia. Qua khảo sát cho thấy khi gia đình bên thông gia (nhà vợ/ nhà chồng) tổ chức đám cưới, đám ma, mừng nhà mới… anh em họ hàng đều đến mừng chung vui hoặc có mâm lễ chung của cả họ để dâng lên chia buồn với gia đình thông gia.

Người Tày coi trọng chế độ phụ quyền gia trưởng, tính huyết thống theo đằng cha, con sinh ra mang họ bố. Do vậy, người đàn ông luôn giữ vai trò làm chủ gia đình, theo cách nói của người Tày là “người đầu nhà” (cháu

rườm) (La Công Ý 2010). Điều này đã tác động đến mối quan hệ họ hàng,

thường họ nội sẽ được coi trọng hơn họ ngoại.

Người Tày có hệ thống từ ngữ riêng biểu thị quan hệ huyết thống như:

chựa chọi(kỵ), ú chựa/ méchựa (cụ ông/ cụ bà), ú/mé (ông nội/ bà nội), tả/ tải

(ông ngoại/ bà ngoại) pắc/ pá (bác trai/ bác gái), chủ/ ả ụa (chú/ thím), ả (cô),

khạu/ ná lùa (cậu, mợ), cả (anh), a (chị), nỏong (em), lục báo/ lục slao (con

trai/ con gái),lan (cháu), mẩn (chắt),… (theo ông Lô T, 92 tuổi). Qua đó, ta thấy rằng dòng họ của người Tày Quang Lang luôn thể hiện tôn ti, trên dưới tầng bậc, trưởng ấu, nam – nữ và có sự phân biệt rõ ràng giữa họ nội và họ ngoại.Đây là nguyên tắc tất yếu của quan hệ huyết thống, không nhằm tạo ra sự đối lập giữa những người tronghọ mà giúp các thành viên thấy được trách nhiệm của mình trong dòng họ.

Cách đặt tên đệm của người Tày Quang Lang thường theo tên họ của người con trưởng. Điều này có phần khác biệt với cách đặt tên đệm theo hệ thống và phân theo từng thế hệ của người Tày ở nơi khác và người Nùng, Dao. Ví dụ như ở một nhánh họ Lô thôn Khun Phang, người con trưởng lấy tên đệm của mình là “Lô Tiến”, ở một nhánh họ Vi thôn Khun Phang người con trưởng lấy tên đệm là “Vi Khánh” thì con cháu đời sau chỉ lấy tên đó để đặt cho tên đệm con mình1. Hệ thống tên đệm chỉ quy định với con trai, còn con gái thì tên đệm đặt tự do. Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng cách đặt tên đệm của người Tày Quang Lang có mang ảnh hưởng của người Kinh từ vùng miền xuôi lên sinh sống, lập nghiệp. Tuy nhiên so với thời kỳ trước những năm 1980 thì cấu trúc dòng họ thể hiện qua tên đệm đã có phần lỏng lẻo hơn.

Một số gia đình không còn áp dụng quy định đặt tên đệm, mà đặt tên đệm theo ý muốn của mình.

Nhìn chung, cấu trúc trong dòng họ của người Tày Quang Lang tương đối chặt chẽ, thể hiện rõ tôn ti, trật tự, thứ bậc trong quan hệ họ hàng. Do vậy, anh em trong dòng họ luôn hòa thuận, ít xảy ra mâu thuẫn và quan hệ trong dòng họ luôn được các thành viên coi trọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay (Trang 43 - 46)