1. 1 Bối cảnh văn hoá tinh thần cho sự ra đời triết học hiện sinh
1.2. Quan niệm chung về tồn tại người qua nhãn quan triết học hiện sinh
1.2.5 Tồn tại người luôn vượt qua chính mình (siêu việt hóa)
Tồn tại người gắn với sáng tạo. Với các nhà hiện sinh, ý thức không phải là phản ánh mà ý thức là một thực tại sáng tạo, bản chất của nó là “không vâng lời” (Berdyaev), nghĩa là nó đòi hỏi lòng kiên định và sự dũng cảm. Sáng tạo vì vậy không thể thiếu cá tính, nhân cách. Sáng tạo chính là điều kiện cho sự siêu việt hoá. Tồn tại người không thể được xem xét giống như một thực thể, một dữ kiện hay một quá trình. Bên trong nó có một năng lực tự phân biệt. Siêu vượt có nghĩa là luôn vượt lên, vượt ra ngoài cái bản thân. Nền tảng của siêu việt là tự do lựa chọn. Thực chất của siêu việt theo các nhà triết học hiện sinh là sự biến chuyển nội tâm khi con người nhận thức tình trạng vong thân, tình trạng lầm lì của bản thân.
Với chủ nghĩa hiện sinh hữu thần, siêu việt là hướng tới Thiên Chúa. Chủ đề này đã được nói tới bởi Kierkegaard và ba chặng đường đời duy mỹ, duy đạo đức và duy tôn giáo. Đây không phải là sự tiến triển liên tục mà là sự nhảy vọt. Sự nhảy vọt này là kết quả của tự do lựa chọn. Jaspers được coi là triết gia của sự siêu việt vì ông coi con người là một nỗ lực liên tục không giống với sự vật là cái im lìm, an nghỉ. Con người đón nhận cái siêu việt trong những tình huống giới hạn như đau khổ, sa ngã, cái chết. Trong sự sụp đổ của hiện sinh, cái tôi đích thực sẵn sàng hướng tới cái khác, sự hướng tới này chính là siêu việt hoá để hướng tới siêu việt thể ( Thiên Chúa)
Các nhà hiện sinh vô thần, không phải gạt bỏ Thượng đế mà coi Thượng đế là không dính dáng gì tới tự do của con người. Sartre coi siêu vượt có nghĩa là “con người không luôn luôn co rút về mình mà luôn phóng chiếu ở ngoài mình một mục đích như sự giải thoát hoặc một thực hiện nào đó mà con người mới thực sự là con người”[64, 52]. Ở đây, siêu việt hóa gắn liền với tính chủ quan chứ không phải chiếu theo nghĩa siêu việt khi nói về Thượng đế. Mục đích của sự phóng tìm mình ở bên ngoài là để tránh khỏi tình trạng đánh mất mình. Cái nhìn của người khác đánh cắp Tôi, Tha nhân là địa ngục. Con người không phải là cái
là mà là cái chưa là. Sartre lên án thái độ ngụy tín, tức tự lừa dối chính mình không dám đối diện với tự do, không dám tự quyết lựa chọn. Với A. Camus, vượt
khỏi cái mình đang là chính là thái độ nổi loạn. Nổi loạn để tồn tại, để giảm bớt đau khổ của thân phận con người. Khi Husserl và Heidegger coi tồn tại người như là một hội ngộ, không phải kín cửa mà là cuộc đối thoại mang tính cởi mở tối đa thì ở đây cũng hàm chứa tư tưởng luôn vượt lên của tồn tại người. Con người bị ruồng bỏ vào thế giới, sống cùng tha nhân, và việc mở rộng “thế giới sống” hay kéo dài thời gian hiện sinh hay phát hiện những “vật có sẵn trong tay” chính là hành động tự tạo nên mình.