Albert Camus: cuộc đời và sáng tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng triết học hiện sinh cơ bản của albert camus qua một số tác phẩm (Trang 48 - 56)

1. 1 Bối cảnh văn hoá tinh thần cho sự ra đời triết học hiện sinh

2.1. Albert Camus: cuộc đời và sáng tạo

Albert Camus - đời sống nhiều bi kịch. Ông sinh ngày 7 tháng 11 năm 1913 tại Modovi, Algeria. Cha ông, Lucien August Camus - một công nhân làm rượu, trong Thế chiến I ông bị động viên vào phục vụ quân đội, bị thương rồi qua đời, lúc cậu bé Albert mới một tuổi. Mẹ ông, Catherine Hélène Sintès, gốc Tây Ban Nha, bị điếc nặng và ít học, sau khi cha Camus mất, bà mang hai con về miền ngoại ô Belcourt của thành phố Algiers. Đây là một khu kỹ nghệ với nhiều căn hộ chật chội, một khu phố gồm nhiều sắc dân. Khung cảnh thiên nhiên rực rỡ nơi này trái ngược với cuộc sống nghèo khó của tầng lớp lao động, như Camus đã viết trong tập Bề mặt và Bề trái:“Tôi được sinh ra giữa ánh dương và khốn cùng”. Thời gian sau đó, khi đang theo học khoa Triết tại trường đại học Algiers, ông bị mắc bệnh lao phổi. Kinh nghiệm sống còn trước tử thần đã trở nên một nỗi ám ảnh đối với Albert Camus, để sau này cảnh chết chóc thể hiện trong hầu hết các tác phẩm của ông. Camus trải qua hai cuộc hôn nhân, hoặc bi kịch hoặc mờ nhạt. Và, con người có hoàn cảnh cá nhân bi đát ấy bị đặt trong một thời đại, mà như ông đã đau đớn thừa nhận: “Hơn hai mươi năm sống trong một lịch sử điên loạn, chết không được cứu vớt, sống như tất cả mọi người cùng tuổi với tôi trong những cơn co quắp của thời đại…Những con người sinh ra khi bắt đầu Thế chiến I này, những kẻ bước vào tuổi hai mươi khi Hitler lên cầm quyền và khi diễn ra những vụ án cách mạng đầu tiên, những con người sau đó còn phải hoàn thiện nền giáo dục của mình bằng cách đương đầu với chiến tranh Tây Ban Nha, với Thế chiến II, với hệ thống những trại tập trung, với cái Châu Âu của nhục hình và

giam cầm, những con người ấy giờ đây đang phải nuôi con cái họ và nuôi dưỡng các tác phẩm của họ trong một thế giới bị nạn hủy diệt hạt nhân đe dọa.”[21, 68] và rồi “Thừa hưởng một lịch sử đồi bại, thời kì pha trộn những cuộc cách mạng thất bại, những kĩ thuật đang trở thành điên rồ, những thần linh đã chết và những hệ tư tưởng kiệt sức, thời kì của những quyền lực tầm thường đủ sức hủy diệt nhưng không có sức thuyết phục ai, thời kì trí tuệ tự hạ mình đến mức chỉ để phục vụ cho thù hận và áp bức, cái thế hệ này của tôi, từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết.”[21, 69]

Albert camus - Con người hành động: Năm 1934, Albert Camus tham gia Đảng Cộng Sản Pháp. Năm 1936, ông hoạt động cho Đảng Nhân Dân Algerie, sự việc này đã khiến cho các đảng viên Cộng sản khác bất bình với ông và lên án ông là một kẻ Trốt-kít. Giữa các năm 1937 và 1939, Camus đã viết nhiều bài khảo luận cho tờ báo khuynh tả “Người Cộng Hòa Algier” (Algier-Republicain) rồi làm chủ bút cho tờ “Người Cộng Hòa - Buổi Chiều” (Soir-Republicain). Lúc này, Camus mô tả hoàn cảnh nghèo khó của người Ả Rập, chỉ trích gay gắt chính phủ Pháp vì các chính sách tại xứ Algeria, đòi quyền bình đẳng cho người Ả Rập. Sau khi tờ báo bị đóng cửa, Camus phải rời Algeria qua sống tại Paris. Ông làm trong một thời gian ngắn cho tờ báo “Paris - Buổi Chiều” (Paris-Soir) nhưng nghề viết báo này chấm dứt khi quân đội Đức tràn sang xâm chiếm nước Pháp. Năm 1942, ông trở về Pháp, tham gia vào Phong trào kháng chiến chống Đức Quốc xã, viết bài cho tờ báo “Chiến Đấu” (Combat). Năm 1944, khi Paris được giải phóng, Camus tiếp tục làm chủ bút cho tờ báo này với các bài khảo luận về thời kỳ chiến tranh. Trong những năm 1950, Albert Camus hiến mình cho các hoạt động về nhân quyền. Năm 1953, ông là một trong một số ít người đứng lên chỉ trích kiểu đàn áp công nhân tại vùng Tây Berlin. Ông cũng phản đối quân đội Liên Xô đã can thiệp Hungary. Camus chủ trương chính sách hòa bình, phản đối

mọi hình thức tử hình trên thế giới. Cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria nổ ra năm 1954 đã khiến cho Camus ở vào tình trạng khó xử. Trước kia, ông đã từng nhận rằng mình thuộc về lớp người “chân đen” (pied-noirs) là những người gốc châu Âu tại Bắc Phi, tới nay, ông ủng hộ nền tự trị của Algeria nhưng lại bênh vực các chính sách của nước Pháp vì cho rằng cuộc cách mạng tại xứ thuộc địa Bắc Phi là do Ai Cập, là một phần của chủ nghĩa đế quốc Ả Rập mới và cũng do Liên Xô xúi giục để bao vây châu Âu và cô lập Hoa Kỳ. Trong suốt cuộc đời, Camus luôn luôn nói rõ và tích cực hành động để chống lại chế độ toàn trị (totalitarianism) dưới bất cứ hình thức nào. Ông đã viết: “Bây giờ, chỉ có một giá trị đạo đức là lòng cam đảm, đức tính này cần thiết để xét xử các kẻ bù nhìn và các kẻ to mồm thường khoe rằng mình lên tiếng vì nhân dân”. Nhìn chung, trong hoạt động chính trị, mặc dù Camus là người tả khuynh nhưng thực tế, ông là người đứng giữa nhiều làn đạn. Đặc biệt là với vấn đề Algeri.

Albert Camus với sứ mệnh văn nghệ hiện đại. Tháng 10 năm 1957, Albert Camus được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương với lời tuyên dương “tất cả các tác phẩm của ông đã đưa ra ánh sáng một cách nghiêm chỉnh và đi vào lòng người những vấn đề xẩy ra cho chúng ta hiện này cùng với lương tâm của con người”. Kết hợp hài hoà giữa ba yếu tố: Con người, hành động và tác phẩm, toàn bộ văn nghiệp của Camus hướng đến thân phận con người, khởi đi từ phi lý, dẫn đến nổi loạn và tự do.

Từ nhiều năm trước đó, Camus đã dấn thân vào nghiệp viết cũng như các hoạt động nghệ thuật khác. Năm 1936, Camus thành lập một nhóm kịch Đoàn Hát Công Nhân (Théatre du Travail). Năm 1937, ông cho xuất bản tác phẩm khảo luận đầu tiên Mặt Trái và Mặt Phải, trong đó gồm các hồi tưởng thời thơ ấu tại Belcour, pha trộn sự khôi hài với đặc tính trữ tình, mô tả nỗi bất lực và cô đơn của con người trước cảnh chết. Nhà triết học Brice Parain đã coi cuốn này tuy nhỏ nhưng là tác phẩm hạng nhất của Albert Camus, dù cho chính tác giả đã nhận rằng hình thức viết còn vụng về. Camus tiếp tục viết và cho xuất bản vào năm

1942 hai tác phẩm Kẻ Xa LạHuyền Thoại Sisyphus và cho trình diễn hai vở kịch Ngộ nhận Caligula được nhiều người tán thưởng. Thế chiến II chấm dứt, Camus trở thành thành viên của nhóm các nhà văn do J.P.Sartre đứng đầu. Năm 1947, Dịch hạch xuất hiện và trở nên một tác phẩm văn chương nổi tiếng nhất của ông. Năm 1951, Con Người Nổi Loạn ra đời gây nhiều tranh luận và bị J.P. Sartre chỉ trích một cách đặc biệt. Sự tranh cãi đã khiến cho Albert Camus và J.P.Sartre đi đến đoạn tuyệt tình bạn vốn được ca ngợi trong giới văn chương, triết học Pháp lúc bấy giờ.

Trong khi Sartre được coi là nhà văn kiêm nhà triết học thì A.Camus, ngay trong những tác phẩm triết học cũng mang phong cách của một nghệ sĩ. Camus có quan điểm về nghệ thuật và sứ mệnh của nó trong thời hiện đại rất đặc biệt. Người nghệ sĩ trong thời hiện đại có số phận và do đó, có sứ mệnh đặc biệt so với các nhà văn trước đó. “Kể từ khi không tham dự cũng bị coi là một cách lựa chọn, đáng bị trừng trị hoặc đáng khen ngợi vì chính bản chất lựa chọn của nó thì văn nghệ sĩ dù muốn hay không cũng bị đẩy xuống thuyền…con thuyền của thời đại họ.”[21, 28]. “Ngày nay sáng tác là sáng tác một cách đầy nguy hiểm. Mỗi sự công bố tác phẩm là một hành động và hành động ấy bắt buộc phải hứng chịu giông bão của một thế kỷ không tha thứ”[21, 30]. Camus phản đối cả hai quan niệm về nghệ thuật: chối bỏ hoàn toàn thực tại và phủ nhận tất cả những gì không phải hiện thực, coi như vậy là sự thủ tiêu nghệ thuật còn sự thống khổ thì thêm trầm trọng. “Nghệ thuật hiểu theo một chiều hướng nào đó là sự nổi loạn chống lại những gì là dở dang của cuộc thế: nó chẳng dự định gì khác hơn là tạo một hình thái khác cho thực tại, thực tại mà dù sao nó cũng bị bắt buộc gìn giữ bởi vì là nguồn cảm xúc của nó…Cùng lúc nó là sự chối bỏ và sự chấp nhận và chính vì thế nó là sự cấu xé muôn đổi mới”[21, 50]. “Nghệ thuật không phục vụ đảng phái nào, nó chỉ phụng sự nỗi thống khổ và quyền tự do của con người mà thôi”[21,54]. Vì vậy, nghệ thuật lần bước giữa hai vực thẳm: một bên là phù phiếm, một bên là tuyên truyền. Trên đỉnh cheo leo là con

đường đi của mỗi chân nghệ sĩ, mỗi bước tiến là một cuộc mạo hiểm cực độ. Nhưng quyền tự do của nghệ thuật nằm ở sự mạo hiểm đó[21, 54]. “Không cần biết rằng, trong khi mải miết theo đuổi công lý ta có thể bảo vệ được tự do hay không? Chỉ cần biết, không có tự do ta sẽ chẳng thực hiện được gì và chúng ta sẽ mất cả công lý tương lai lẫn cái đẹp cũ. Chỉ một mình tự do giải thoát con người khỏi cảnh cô đơn. Thời đại của các nhà văn vô trách nhiệm đã qua rồi. Không có sự yên ổn nào khác cho nghệ sĩ ngoài sự yên ổn ở ngay cơn nồng cháy nhất của cuộc chiến đấu”[21,62].

Albert Camus từ trần do một tai nạn xe hơi vào ngày 4 tháng 1 năm 1960.

Albert Camus và chủ nghĩa hiện sinh. Camus, giống như rất nhiều triết gia hiện sinh, không thừa nhận cái nhãn hiệu triết gia hiện sinh. Ông nói: “không, tôi không phải là một nhà hiện sinh. Sartre và tôi luôn ngạc nhiên khi tên chúng tôi được gắn với nhau. Chúng tôi thậm chí nghĩ tới việc cho ra một tuyên bố ngắn trong đó nói rõ ràng rằng chúng tôi không có gì chung với nhau và từ chối phải phản hồi cho những nghi ngờ họ có thể mắc phải. Đó chỉ là một trò đùa thôi. Sartre và tôi đã xuất bản các cuốn sách của mình kể cả trước khi chúng tôi gặp nhau. Khi chúng tôi quen biết nhau, phải nhận thấy rằng chúng tôi khác nhau. Sartre là một nhà hiện sinh còn cuốn Huyền thoại Sisyphus của tôi đã trực tiếp chống lại các nhà hiện sinh”. Mặc cho sự chối từ của ông, cái tên Albert Camus luôn được đặt cạnh những nhà hiện sinh. Khi nói tới chủ nghĩa hiện sinh người ta nhắc tới Camus và ngược lại. Trong tư tưởng của Camus xuất hiện nhiều chủ đề giúp người ta nhận diện một nhà triết học hiện sinh. Thậm chí, có thể nói tư tưởng Albert Camus là sự tổng kết, một cách không chính thức, song rất đáng chú ý, các chủ đề của triết học hiện sinh. Sau Camus, triết học hiện sinh hầu như không mở rộng hơn nữa. Các chủ đề của chủ nghĩa hiện sinh trong triết học Camus không phải được liệt kê và luận giải, đi lại những con đường trùng lặp với các nhà hiện sinh tiền bối, mà, thông qua các tác phẩm

văn học cùng với các tuyến nhân vật và vấn đề của họ, Camus xây dựng khá vững vàng quan điểm của ông về cuộc hiện sinh và con đường thích hợp cho nó. Như trên chúng tôi đã nói, vấn đề quan trọng nhất và cũng là vấn đề gây khó khăn nhiều nhất cho các nhà hiện sinh là: con đường hướng tới hiện sinh đích thực. Hư vô, phạm trù siêu hình học quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện sinh, cho tới Sartre vẫn chưa tìm được lối ứng xử thích hợp có triển vọng đưa tới hiện sinh đích thực. Dấn thân, lựa chọn, coi mình là dự phóng...một mặt, vẫn còn nằm trên bình diện lý thuyết, mặt khác cũng chưa soi rõ con đường hiện sinh. Vấn đề đó được Camus đưa ra ánh sáng.

Các nghiên cứu về Camus thống nhất với nhau ở quan điểm cho rằng, hai chủ đề quan trọng nhất và bao quát toàn bộ tư tưởng của Camus là: Phi lý và nổi loạn. Thông qua hai chủ đề đó, Camus đã đặt vấn đề cốt yếu của hiện sinh: thấu hiểu bản thân và hiện sinh đích thực. Trong tất cả các tác phẩm văn học - triết học của mình, hai chủ đề này được Camus hướng tới theo nhiều cách khác nhau. Chủ đề thứ nhất, cái phi lý có thể coi là đóng góp lớn nhất về mặt triết học của Camus. Bản thân Camus coi cái phi lý biểu hiện một trạng thái ý thức đặc biệt của con người, ý thức về cảnh ngộ bi đát của con người, và nhãn quan này đã định hướng hầu như toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của ông. Trong khi đó, nổi loạn được coi là hệ quả của phi lý, nó chỉ có thể được hiểu trong tương quan với cái phi lý.

Tư tưởng hiện sinh của Camus mang sắc thái đặc biệt. Hành trình suy tư của Camus cũng chính là đời sống của ông, là bế tắc và con đường giải quyết bế tắc trong triết lý, là con đường tìm đến với chủ nghĩa nhân bản, tìm ra phương thức bộc lộ hữu hiệu nhất tồn tại người. Khi sống và viết, Camus chưa bao giờ là tỏ ra là cá nhân tách khỏi xã hội, điều này khác với thái độ coi thường dư luận và thói trí thức rởm; nhìn lại quãng đời hoạt động và sáng tác của ông, ta thấy nổi lên con người hành động, con người khắc khoải với những khủng hoảng hiện sinh,với các giá trị nhân bản đích thực. Sự sống, cái chết, giá trị, tự do, hành động, sáng tạo, đam mê… trở thành những chủ đề chính trong tư tưởng của ông.

Trong tập Những ghi chép, Camus đã ghi lại một cuộc bàn luận về các giá trị đạo đức được tổ chức tại nhà của Andrre Marlaux, tháng 10 năm 1946. Trong nhóm thảo luận có những trí thức như Sartre, Arthur Koestler và Malraux, Camus đã đưa ra câu hỏi: "Các anh có đồng ý rằng chúng ta đang chịu trách nhiệm trước những giá trị không có mặt? Tất cả trong chúng ta đều xuất hiện chủ nghĩa Nietzsche, chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa hiện thực lịch sử, chúng ta từ chối một cách phổ biến rằng chúng ta đang sai lầm; và rằng có những giá trị đạo đức và từ đây chúng ta sẽ làm những điều mà để thiết lập được những giá trị ấy và luận chứng cho nó? Các anh có nghĩ rằng điều này có thể sẽ là sự khởi đầu của hy vọng?"

[16,145]. Việc Camus đưa ra vấn đề này cho thấy ông rất băn khoăn vì sự vắng bóng một cuộc sống có sự khẳng định các giá trị trong các thảo luận chính trị của thời đại ông. Lịch sử bóng ma chết chóc châu Âu thế kỷ XX chứng tỏ rằng những quan tâm của Camus là chính đáng. Camus nghĩ rằng các trí thức đã củng cố thêm cái tình trạng bê trễ của các giá trị bằng cách tuân theo logic của các lý thuyết chính trị và các nguyên lý triết học trong những kết luận tuyệt đối của mình. Thừa nhận trách nhiệm của mình, Camus khẳng định khả năng cự tuyệt truyền thống trí thức của bản thân để đấu tranh cho hạnh phúc và giá trị của đời sống con người. Hơn nữa, Camus còn cho rằng các nghệ sĩ hay trí thức có đủ khả năng và trách nhiệm để sáng tỏ các giá trị này cùng với nguồn gốc của chúng.

Camus xây dựng khái niệm phi lý như là hòan cảnh chân thực của con người trước thế giới bên ngoài. Khái niệm phi lý được xây dựng dựa trên khẳng định rằng tồn tại người là tồn tại với khát vọng về cái đơn nhất, ý nghĩa và hạnh phúc. Đối lập với thế giới, cái mà về cơ bản là hỗn độn, vô nghĩa, tồn tại người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng triết học hiện sinh cơ bản của albert camus qua một số tác phẩm (Trang 48 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)