Tồn tại người là tồn tại tự do tuyệt đối

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng triết học hiện sinh cơ bản của albert camus qua một số tác phẩm (Trang 35 - 36)

1. 1 Bối cảnh văn hoá tinh thần cho sự ra đời triết học hiện sinh

1.2. Quan niệm chung về tồn tại người qua nhãn quan triết học hiện sinh

1.2.2. Tồn tại người là tồn tại tự do tuyệt đối

Tự do là giá trị thiêng liêng nhất của tồn tại người. Và, vấn đề tự do càng trở nên cấp thiết hơn khi con người ý thức được tình trạng bị nô dịch của mình. Trong hoàn cảnh mà sự bị nô dịch về tinh thần là tình trạng phổ biến, cùng với tồn tại, tự do phải trở thành đề tài trung tâm của bất kỳ một triết thuyết nào muốn đi vào cuộc sống. Con người là tự do trong từng hoàn cảnh, tồn tại người phải đối mặt với từng khoảnh khắc, với những quyết định làm ra chính mình chứ không phải tự do là nhận thức cái tất yếu. Berdyaev coi tự do là tự do tuyệt đối “ý nghĩa sâu xa của sự sinh tồn là tự do. Tất cả những cái diễn biến trong thế giới hiện sinh là ở ngoài những quan hệ nhân quả. Tính nhân quả chỉ tồn tại trong thế giới khách quan hoá”. Tự do trở thành điều kiện tiên quyết cho tồn tại người, “hoặc là tự do hoặc không là gì cả”. Theo cách nói của Sartre, con người bị kết án phải tự do, một thứ tự do “giáng xuống đầu như sấm sét”. Con người phải nhận lấy tự do này cùng với trách nhiệm cho hành động của mình. Mỗi hành động đều là sự phủ nhận những hành động khác vì vậy con người phải gánh lấy trách nhiệm mà không lời biện hộ. Con người phải lựa chọn và nhận về mình trách nhiệm. Không có ý nghĩa nào trong thế giới này. Hiện sinh thể không tìm thấy bất cứ mục đích nào cho cuộc đời của hắn, sự hiện hữu của hắn chỉ là môt sự kiện ngẫu nhiên, bị ném vào thế giới. Sự hiện hữu đó không biểu hiện cho tính tất yếu nào. Nếu hiện sinh thể có khả năng khước từ những hy vọng sai lầm, những ảo tưởng rằng sự hiện hữu của hắn có một ý nghĩa nào đấy, thì đó là lúc hắn chạm trán với phi lý, với sự vô ích của cuộc sống.

Tự do không có liên hệ vì với Thiên Chúa nữa. “Nếu không có Thiên chúa con người được phép làm mọi thứ, nhưng dù có Thiên Chúa, điều đó cũng không có gì thay đổi, con người vẫn tự do”[64, 52].

Vị trí của con người trong thế giới không phải là tiền định, được sắp sẵn mà mỗi cá nhân bắt buộc phải lựa chọn. Lựa chọn là điều mà con người có nhân tính phải làm. “Tôi lựa chọn, tôi tồn tại”, chính vậy mà Jaspers gọi hiện sinh là

hiện sinh khả hữu (existence possible) tức “hiện sinh là chính chủ thể tuyệt đối độc đáo, nhìn vào mình và khám phá ra mình là nguồn mạch duy nhất và gần như vô tận của những gì có thể thực hiện được”[65, 47]. Sartre nói rằng “trong khi lựa chọn mình thì con người cũng lựa chọn tất cả mọi người” nhưng mặt khác, “con người cũng tự chọn mình khi chọn mọi người” [64, 22]. Lựa chọn là tự chọn lấy ý nghĩa, bản chất và định mệnh của mình một cách nguy hiểm và đầy ưu tư. Khi bàn về tự do hiện sinh, Jaspers đã dùng cách “soi vào hiện sinh” để thấy những cản trở tự do trong đời người: đó là bản năng sinh lý, tính liều lĩnh và những luật lệ đạo đức. Sống chạy theo bản năng là sống như cây cỏ, sống liều lĩnh là phá huỷ đời mình một cách vô trách nhiệm; sống theo luân lý là làm nô lệ cho đạo đức. Tự do là tự quyết, lựa chọn về mình một cách ưu tư. Lựa chọn chính là tiến từ sự có ở đó, không lý do, bị ném vào, tới hành động kiến tạo nên bản chất người và hành động này hoàn toàn có nguồn mạch từ tự do của một tồn tại cho nó. Chính ý thức, chứ không phải thế giới, mới là lý do cơ bản cho hành động, vì chỉ có nó mới dẫn tới sự phủ định ẩn sau mỗi hành động. Mà ý thức là tuyệt đối trong suốt, trống rỗng và buộc phải làm cho nó trong suốt trong nhận thức và vì vậy mà phi tiền đề trong từng hành vi. “lý do, động cơ, mục đích là ba điều có thể tan biến trong sức ép của tự do và ý thức sống động cái mà phóng chiếu bản thân nó thành những khả năng và tạo nên nó từ những khả năng này”[60, 148]. Vì vậy, việc lựa chọn không chỉ được giải thích là một hành động tự do mà còn là tự do tận gốc, tự do tuyệt đối.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng triết học hiện sinh cơ bản của albert camus qua một số tác phẩm (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)