Bối cảnh quốc tế và khu vực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ việt nam hàn quốc từ 1992 đến nay luận văn ths quốc tế học 60 31 40 (Trang 28 - 33)

“Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” Việt Nam - Hàn Quốc được hình thành và vận động trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động rất nhanh chóng và phức tạp, nhất là sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Bởi vậy, hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc cũng luôn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ bối cảnh đó, đồng thời cả hai nước cũng cần thiết phải có những điều chỉnh chính sách đối ngoại thích hợp, xác định đúng những lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ với nhau nhằm phát triển hợp tác lên ngang tầm của khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện trong điều kiện lịch sử mới.

1.2.1.1.Đặc điểm chủ yếu của bối cảnh quốc tế

Đặc điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất trong bối cảnh quốc tế thời kỳ sau chiến tranh lạnh đó là tính phức tạp của quá trình hình thành trật tự thế

giới mới do những biến đổi sâu sắc về tương quan lực lượng thế giới. Đặc điểm này ngày càng bộc lộ rõ nét, đã và sẽ còn tiếp tục tác động mạnh trên nhiều mặt đến đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của các quốc gia dân tộc trên thế giới, trong đó có quan hệ Việt- Hàn.

Sau gần nửa thế kỷ tồn tại kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, trật tự thế giới hai cực trong vai trò là hình thái biểu hiện của cuộc đối đầu Đông - Tây khốc liệt đã chấm dứt khi chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, khiến cho cơ cấu địa - chính trị và sự phân bố quyền lực toàn cầu bị đảo lộn, tương quan lực lượng thế giới nghiêng hẳn về phía có lợi cho chủ nghĩa tư bản (CNTB), nhất là các nước tư bản phát triển hàng đầu. “Quá trình hình thành trật tự thế giới mới chứa đựng nhiều yếu tố bất trắc, khó đoán định, trong đó nổi lên hai khuynh hướng đối nghịch: Mỹ chủ trương một thế giới đơn cực, trong khi các nước lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, EU…lại đấu tranh cho một trật tự thế giới đa cực mà ở đó vị trí bá quyền của Mỹ được kiềm chế, quyền lãnh đạo thế giới được chia sẻ cho các nước lớn. Mặt khác, do tính chất và nội dung trong giao lưu quốc tế thay đổi một cách căn bản với vị trí ưu tiên hàng đầu thuộc về yếu tố kinh tế, nên phương thức tập hợp lực lượng trên thế giới cũng bị chi phối trước hết và chủ yếu từ lợi ích kinh tế - chính trị của các quốc gia, đồng thời trở nên rất cơ động, linh hoạt, vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình” [ 39, tr 12 ]

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục có bước tiến nhảy vọt tác động sâu sắc tình hình kinh tế, chính trị xã hội và quan hệ quốc tế. Đây là một đặc điểm quan trọng của tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay. Cách mạng khoa học - công nghệ (KHCN) hiện đại làm bùng nổ những thành tựu trong các ngành mũi nhọn như điện tử - tin học, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ sinh học, tự động hoá..., thúc đẩy lực lượng sản xuất của thế giới phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy; đồng thời đưa đến sự phát triển, biến đổi theo chiều sâu các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, những tiến bộ của cách mạng KHCN lại chủ yếu thuộc về các nước phát triển do họ có thực lực

kinh tế, tiềm lực khoa học hùng mạnh cùng với mạng lưới công ty xuyên quốc gia vươn rộng khắp hành tinh. Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, do những hạn chế về nhiều mặt nên không dễ dàng có thể tiếp cận những thành tựu KHCN tiên tiến, thậm chí đứng trước nguy cơ trở thành nơi thu nhận những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường được chuyển giao từ các nước phát triển.

Sau chiến tranh lạnh xu thế phát triển kinh tế tri thức đang ngày càng lôi cuốn và tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia, dân tộc tạo ra những thay đổi căn bản không chỉ trong đời sống kinh tế - xã hội, mà cả trong so sánh lực lượng cũng như ngôi vị của mỗi quốc gia trên trường quốc tế. Mức độ phát triển kinh tế tri thức trở thành một tiêu chí - thước đo hàng đầu của trình độ phát triển của mỗi quốc gia hiện nay. Việt Nam và Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác đang phải chạy đua để gia tăng phát triển KHCN. Việt Nam quyết tâm thực hiện CNH- HĐH đất nước, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Để thực hiện nhiệm vụ này, việc phát triển quan hệ với Hàn Quốc có một vị trí khá quan trọng, bởi tiềm năng to lớn của Hàn Quốc về nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật (KHKT) và công nghệ hiện đại.

“Một đặc điểm khác của thế giới trong kỷ nguyên cách mạng KHCN hiện đại là toàn cầu hóa kinh tế trở thành một xu thế khách quan lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia. Tuy nhiên, xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh”[ 23, tr 51]

TCH không chỉ tạo ra những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, mà còn thúc đẩy mối quan hệ liên quốc gia gia tăng cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tự do hóa kinh tế và cải cách thị trường trên toàn cầu diễn ra phổ biến. Các nền kinh tế dựa vào nhau, liên kết với nhau, xâm nhập lẫn nhau, khiến cho tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng tăng. TCH thúc đẩy hợp tác, phân công lao

động quốc tế sâu rộng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hình thức hợp tác, liên kết kinh tế trở nên nhiều vẻ và rất phong phú về nội dung. Mặt khác, những lợi ích và bất lợi do toàn cầu hoá tạo ra không được chia sẻ một cách đồng đều, làm trầm trọng thêm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và trong từng quốc gia. “TCH là một quá trình đầy mâu thuẫn và không chỉ thuần tuý là một quá trình kinh tế - kỹ thuật, mà còn là cuộc đấu tranh kinh tế - xã hội, kinh tế - chính trị và văn hoá - tư tưởng rất gay gắt với thời cơ và thách thức đan xen nhau đối với nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển”[21, tr. 66-68]. Mặc dù vậy, trong tư cách một xu thế lịch sử, toàn cầu hoá lôi cuốn tất cả các nước tham gia và mỗi nước cần xác định cho mình đường lối hội nhập toàn cầu hoá một cách thích hợp.

Đứng trước xu thế TCH, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều phải chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ cơ hội, tìm kiếm vị trí có lợi nhất cho mình, đồng thời hạn chế thấp nhất những nguy cơ, thách thức. Phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt - Hàn giúp hai nước có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong quá trình tham gia TCH .

Sau chiến tranh lạnh, môi trường an ninh toàn cầu tiếp tục có những xáo trộn và bất ổn định lớn do Mỹ và đồng minh liên tiếp phát động hai cuộc chiến ở Apganistan và Irắc. Mặt khác, trên thế giới đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc vẫn diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức mới vì hoà bình, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, những bất ổn do mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tại khu vực các nước đang phát triển. Toàn bộ tình hình trên tác động trực tiếp và nhạy cảm đến đời sống quan hệ quốc tế hiện đại, nó đòi hỏi các nước phải có cách tiếp cận phù hợp để bày tỏ chính kiến, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, trước hết là bảo vệ nền độc lập, duy trì định hướng phát triển đã lựa chọn, hội nhập quốc tế một cách hiệu quả.

Độc lập dân tộc và bình đẳng hoá các mối quan hệ quốc tế đang tiếp tục là những vấn đề lớn và bức xúc nhất trong giai đoạn hiện nay của thời đại. Các dân tộc nhỏ yếu, chậm phát triển không những phải gánh chịu những thua thiệt về nhiều mặt, mà còn có nguy cơ bị đẩy ra bên lề cuộc sống hiện đại. Hố ngăn cách giữa “khu vực trung tâm” và “khu vực ngoại vi” của thế giới tư bản ngày càng sâu rộng thêm. Các thế lực đế quốc tiếp tục sử dụng chính sách xâm lược, chia để trị, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của nhiều nước đang phát triển. Trong so sánh lực lượng thế giới nghiêng về phía có lợi cho các nước tư bản đế quốc, những nguy cơ đối với độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc và tiến trình bình đẳng hoá các quan hệ quốc tế luôn hiện hữu tiềm tàng và thách thức nhiều nước mà Việt Nam và cả Hàn Quốc cũng không là ngoại lệ. Đây là cơ sở khách quan thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp hoạt động giữa hai nước trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế có liên quan.

Sự vận động của thế giới sau chiến tranh lạnh, còn cho thấy một đặc điểm nổi lên là các nước lớn và quan hệ giữa các nước lớn trở thành nhân tố cực kỳ quan trọng tác động đến sự phát triển thế giới. Trong số hơn 200 quốc gia, một số cường quốc có sức chi phối lớn đối với chính trị, kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế đương đại. Căn cứ vào sức mạnh tổng hợp, ảnh hưởng thực tế, những quốc gia sau đây được cộng đồng quốc tế coi là nước lớn: Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Italia, Nga Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, trong đó Mỹ có ưu thế khá nổi trội, tỏ rõ tham vọng "lãnh đạo thế giới". Đa số nước lớn là những cường quốc hàng đầu về kinh tế, khoa học, công nghệ, sức mạnh quân sự. Có 5 nước lớn là uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhóm G7 là những nước tư bản phát triển nhất. Quan hệ của Hàn Quốc cũng như của Việt Nam với các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển quan hệ Việt - Hàn.

Hiện nay, nhân loại đang đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu hết sức bức xúc mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được nếu

không có sự hợp tác đa phương. Đây là một đặc điểm quan trọng chi phối đến tập hợp lực lượng quốc tế và quan hệ quốc tế hiện nay. Những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất đe dọa đến sự sống và sự phát triển bền vững của nhân loại trước hết là tình trạng ô nhiễm môi trường, sự bùng nổ dân số, những bệnh dịch hiểm nghèo, tội phạm quốc tế... Những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhiều năm qua đã đưa lại một số kết quả trong việc làm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, xử lý nguồn nước và rác thải, chữa trị các bệnh lây nhiễm HIV/AIDS, SARS, dịch cúm gia cầm.... Nhưng, tính chất nghiêm trọng và phức tạp của những vấn đề toàn cầu rõ ràng đang đòi hỏi các nước, nhất là các nước phát triển cần đóng góp tích cực hơn nữa trong sự phối hợp, hợp tác hành động một cách hiệu quả thiết thực. Trên lĩnh vực này, Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn có cơ sở và điều kiện thực tế để tăng cường các quan hệ hợp tác trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ việt nam hàn quốc từ 1992 đến nay luận văn ths quốc tế học 60 31 40 (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)