Sabi-cái đẹp sâu lắng của nỗi cô đơn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thiên nhiên trong thơ Matsuo Bashô dưới ánh sáng Thiền Tông (Trang 96 - 101)

Sabi (tịch, cô tịch , tịch liêu ) là cảm thức nổi bật của haiku, trong nội hàm khái niệm đã bao hàm cả sự ảnh hưởng của Thiền tông đối với thể loại này. Sabi là linh hồn của tịch liêu, là cảm thức về sự tĩnh mịch sâu thẳm của sự vật. Gốc của từ của sabi là “gỉ” [14, tr.60], là “nước bóng trên mặt đồ cổ”, “vẻ đe ̣p nhuốm màu thời gian”, có nghĩa sabi mang đến một cảm giác của cái cổ kính, rêu phong. Đến thời Bashô, sabi mang ý nghĩa có phần giống sự giản dị, tao nhã, khổ hạnh nhuốm vẻ u sầu gần giống với yūgen (u huyền).

Cuộc sống vận động, mọi thứ theo thời gian và sự phát triển đều có những thay đổi nhất định. Nhưng có những giá trị thuộc về truyền thống, phong tục mà không phải là lạc hậu, cổ hủ thì luôn được lưu giữ, tôn tạo và phát triển. Nhật Bản là một đất nước đa tôn giáo. Người Nhật linh hoạt đã mở cửa cho các luồng văn hóa khắp thế giới ùa vào, tại đây diễn ra một quá trình tiếp biến mãnh liệt. Nói đến đất nước này người ta có thể gọi nó là: “một đất nước của những gia đình và những cộng đồng”. Người Nhật tôn thờ những gì thuộc về truyền thống nhưng sẵn sàng hội nhập để phát triển. Bởi thế trong chiều sâu văn hóa luôn có dấu vết của thời gian, bởi cái chân giá trị qua thước đo thời gian càng được tỏa sáng.

Sabi trong ý nghĩa sâu xa nó mang đến một cảm thức cô đơn, nhưng “huy hoàng”, không mang sự bi lụy cá nhân. Sự tĩnh mịch không giới hạn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lý trí, nó tồn tại như bản thể tự nhiên. Con người là một phần của thiên nhiên nên cái buồn của con người hay thiên nhiên không tách rời. Có phải bởi “tức cảnh sinh tình” hay vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”? Mối quan hệ của con người trong thiên nhiên đó là sự đồng hiện, hòa hợp, trong con người có thiên nhiên và trong thiên nhiên có con người. Bởi thế có những nỗi cô đơn như thấm sâu vào đá núi và cũng có những nỗi cô tịch của vũ trụ xâm chiếm lòng người. Sự đồng điệu đó gặp nhau trong haiku. Sự kiệm lời của haiku góp phần cô đặc những nỗi cô đơn ấy, thi sĩ đặc tả để cho người đọc tự cảm nhận. Bởi thế, niềm cô tịch thường

chứa đựng những nỗi u huyền bí ẩn, người ta gọi nó là yugen (u huyền)1. Trong tịch liêu có u huyền, đó là cốt tủy của haiku.

Cội nguồn của sabi trong văn hóa Nhật Bản nó là cái cũ kỹ , cổ kính , âm hưởng quá khứ, tịch lặng, hiu quạnh, cô đơn, cái chết, nó được triển khai thành một quan điểm thẩm mỹ phản ánh các giá trị của cô đơn, sự rút lui, lặng im và tuổi già; đồng thời cũng hàm chứa tính chất bình thường. Sabi có một giá trị quan trọng trong thể haiku, nó không dễ để đạt được, Mukai Kyorai nói.

Yamei hỏi: “xin dạy cho tôi tiếng tịch (sabi) trong haiku nghĩa là gì?”

Kyorai trả lời: “tịch là màu sắc của bài thơ. Nó không diễn tả sự cô đơn, cũng không nói về tuổi già. Thí dụ một người nam mặc áo giáp tại chiến trường, hoặc mặc áo thêu rực rỡ ở buổi yến tiệc, người đó không che dấu được tuổi tác. Tịch

có thể hiện hữu trong một bài thơ sống động, cũng như trong một bài thơ tĩnh lặng. Bây giờ hãy nghe bài thơ của ta:

Hai người gác dan rạng rỡ Họp lại với hai mái đầu bạc Tán gẫu với nhau.

Thầy của Kyorai là Bashô khen: “thật là tuyệt diệu, màu sắc tịch đã nổi lên mạnh mẽ”. Như thế có nghĩa mái đầu dù đã bạc, tuổi thì đã già rồi nhưng họ vẫn có cái lạc quan vui vẻ, cảm giác yên lặng của thời gian rơi xuống trong từng sợi tóc bạc, độc giả phải tự cảm nhận cái sâu lắng ấy từ ngôn từ trong bài thơ. Bashô là bậc thầy của haiku vì thế thơ ông không thể thiếu cái thẩm mỹ gọi là sabi đó:

Tịch mịch

thấm sâu vào đá tiếng ve kêu

Một tiếng ve kêu giữa thinh không, lấy một mà đối chọi cả vũ trụ làm sao không khỏi đơn độc. Nỗi cô đơn của chú ve khắc khoải mang tiếng hát hiến dâng mùa hè không khỏi khiến Bashô chạnh lòng khi nghĩ đến bước chân mình lẻ loi trên con đường của mình. Nỗi cô đơn của chú ve như thấm sâu vào đá, cái lạnh lẽo đến vô tình của đá là sự trả lời từ vũ trụ. Đó chính là sự im lặng. Dùng tiếng ve để khắc

1

Có một thuật ngữ yugen khác do thiền sư-thi sĩ Seigan Shotetsu phát triển vào thế kỷ XV, đó là phong cách đi từ yoen (yêu diễm) đến yugen (u huyền) và gọi bằng tên yugen nhưng với nghĩa khác hẳn: yêu huyền (yêu kiều và huyền ảo).

họa cái không gian tĩnh lặng, tịch mịch và giá lạnh. Dường như Bashô không muốn nói nhiều đến nỗi lòng con người và ông không cho con người xuất hiện, nhưng nỗi cô đơn từ thiên nhiên bao la đã lan tỏa và chiếm lĩnh tâm hồn thi nhân. Không phải một lần mà Bashô nhiều lần dùng sự tương phản để khắc họa cái cô tịch của thế giới. Đó là hình ảnh một chú quạ giữa chiều thu mênh mông, một con khỉ chống chọi lại cả mùa đông giá lạnh, hay một chú ếch giữa ao xưa… Bashô không dùng nghệ thuật lấy động tả động, mặc dù có âm thanh đó, có sự vận động đó nhưng cái mà ông muốn nói là sự tĩnh tại, cái im lặng phía sau ngôn từ:

Con đường này vắng người qua lại lúc hoàng hôn mùa thu

Con đường thiếu vắng bóng người, chỉ có bóng hoàng hôn đổ xuống khiến lòng người lữ khách bâng khuâng. Bashô không đặc tả nỗi buồn của cảnh vật lúc chiều tà mà ông sử dụng nó như một điển ngữ trong văn học. Nói đến những buổi chiều tàn là nói đến thời khắc tranh tối tranh sáng, bóng tối ngập đầy dần và ánh sáng thu hẹp lại để rồi vụt tắt khi mặt trời khuất núi. Lúc này, những con chim cũng muốn tìm chốn ngủ, con người cũng muốn trở về đoàn tụ trong mâm cơm đầm ấm. Giữa thời khắc ấy mà Bashô lại chứng kiến cảnh người thưa thớt, thì nỗi cô đơn trào dâng là điều dễ hiểu. Con người cảm được cái tịch mịch, và những con vật trong thơ Bashô cũng có cảm giác phù du ấy:

Chập chờn

thân đóm dường như

tiền thân đã gọi kiếp phù du mang

Thân đóm nhỏ nhoi đốt cháy mình để đương đầu với màn đêm ken dày của vũ trụ. Đom đóm hình như cũng hiểu được việc mình làm giống như hạt cát trên sa mạc, dễ dàng tan biến như những hạt cát mà con dã tràng đã se để lấp biển đông mà thôi. Biết định mệnh, biết kiếp sống phù du sao con đóm vẫn chọn lấy cuộc sống ấy? Cuộc sống chọn nó hay nó chọn cuộc sống, điều đó không quan trọng bằng sự cô đơn mà nó đang mang. Cái phù du đó là sự sống của đom đóm, giống như Bashô là kiếp sống lãng du:

Khách lãng du

mưa mùa thu

Cũng có lúc Bashô băn khoăn về con đường mình đã đi vì sợ rằng sau mình không còn ai theo bước và định mệnh haiku sẽ đi đâu về đâu? Nhưng nỗi lo của Bashô đã được các môn đệ trong và ngoài nước trả lời. Hình ảnh mưa mùa thu bay khiến tôi nghĩ đến những cánh hoa Bồ Công Anh, khi nó nở ra cũng đồng nghĩa với sự rơi rụng… những cánh hoa tung mình theo gió bay đi khắp nơi, hình ảnh đó không phải sự hủy diệt mà trong nó có cái mãnh liệt của một sức sống hiến dâng. Nỗi cô đơn của nó đã cảm đến tấm lòng của những khách lãng du. Hành trình cuộc đời họ giống như những cánh hoa kia, lang thang phiêu bạt khắp mọi miền, một mình, một con đường… Bashô gặp rất nhiều những vẻ đẹp đã rêu phong, cổ kính như các đền chùa ông gặp trên cuộc hành trình, đặc biệt hơn cả đó là nỗi lòng nhà thơ trước những cố nhân mà ông một lòng thành kính:

Ánh trăng sáng làm sao chiếu trên những hạt cát Yugyô gánh về

Hay:

Người xưa đáng kính làm sao

Lung linh ánh nắng lọt vào rừng sâu

Cái còn lại của con người là gì? Đó là những nấm mồ xanh cỏ, cái chết là nơi bắt đầu một sự sống mới. Cỏ mùa hè vẫn lan ra khắp ngôi mộ, sức sống đang tràn lan, nhưng ngôi mộ kia vẫn im lặng:

Cỏ mùa hè

Là những gì còn lại của chiến sĩ sau giấc mơ

Haiku nói cái cô đơn khiến con người day dứt. Những câu thơ của thể loại đoản thi này khiến người đọc phải vận động và mở rộng đến tối đa trường liên tưởng của mình. Những khoảng trống mà haiku để lại trên trang giấy cũng tạo nên cảm giác trơ trọi, đơn điệu. Những vần thơ haiku của Bashô khiến người đọc nghĩ suy về sự sống còn và phần nào hiểu được tại sao có những nỗi cô đơn xuất hiện ngay giữa cuộc sống ồn ào náo nhiệt này. Con người nếu thiếu đi tri kỷ, thiếu đi những phút tĩnh tại sẽ không thể tồn tại được. Giống như cánh quạ cô đơn ám ảnh mãi trong haiku của Bashô mà khi nói về sabi người ta không thể bỏ qua dù biết

điều đó không mới, nhưng chính cái xưa cũ ấy đã thêm một lần khẳng định giá trị thẩm mỹ mà thơ ca Bashô mang lại:

Cành khô quạ đậu chiều thu

Mùa thu hiện ra trong những hình ảnh đơn điệu tưởng như rời rạc, xác xơ, tiêu điều trong hình ảnh bất động của cánh quạ, cành khô héo hắt và chiều thu tĩnh mịch. Những hình ảnh tưởng như tách bạch ấy được xâu chuỗi trong một mối tương quan mà Henderson gọi là: nguyên lý tương quan nội tại. Cái nội tại đó là sự cô đơn tịch liêu của cành khô, cánh quạ, chiều thu. Không gian thu ảm đạm, hay nỗi lòng thi nhân đơn độc? Đến với haiku của Bashô là lạc vào thế giới của những dự cảm, những nỗi niềm mà người đọc mang lại. Thì chính nhà nghiên cứu Henderson đã nói: “Ở đây không chỉ đơn giản là phong cảnh héo úa đậu xuống một chiều thu giống như hình bóng một con quạ, nó còn là sự tương phản của thân hình đen muội, nhỏ xíu của con quạ với bóng tối bao la vô định của buổi chiều hôm và với nhiều điều khác nữa tuỳ người đọc”. Bashô đã thấu hiểu nỗi cô đơn của mình như giọt sương trắng kia:

Không bao giờ quên Mùi vị cô đơn

của giọt sương trắng

Ánh trăng thường được nhắc đến như một biểu tượng của trí tuệ Bát nhã, cho sự Viên giác khi cái tâm đạt đến chỗ hư không trong suốt. Ánh trăng có thể lung linh huyền ảo, có thể sáng vằng vặc giữa trời thu, cũng có thể soi mình dưới làn nước. Nhưng dù xuất hiện thế nào thì trăng gợi cho chúng ta nghĩ đến một không gian rộng lớn, cao và sâu. Sự đơn lẻ của vầng trăng sáng càng khắc sâu cảm giác về sự tịch mịch, vô cùng vô tận và trống không của thế giới ngoại vật trong “con mắt tuệ”. Mặt khác trăng cũng là biểu tượng của ảo giác, nó gây nên sự huyền bí. Trăng đã mang trong mình nó sự kết hợp của sabi và yugen:

Vầng trăng tan nhanh trong giọt mưa đọng đó đây trên cành

huyền trong thơ Bashô: chú trọng tâm linh, coi hình thức là thứ yếu, bỏ qua khâu trung gian hình thức, chỉ có con đường đi thẳng từ tâm linh này đến tâm linh kia; đề cao lối sống giản dị, ném cái nhìn khinh bỉ vào những thứ màu mè, xa xỉ, coi sự bần cùng là vừa đủ, không màng vật chất; không không gian, không thời gian, chỉ có duy nghiệm; trọng tâm của Thiền là “vĩnh tịch”, đó là cảm giác về sự cô liêu. Trong sự cô liêu ấy có cái đơn giản mà không tầm thường được gọi là wabi.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thiên nhiên trong thơ Matsuo Bashô dưới ánh sáng Thiền Tông (Trang 96 - 101)