Các nước ASEAN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đối thoại shangri la và sự tham gia của việt nam (Trang 42 - 83)

Nằm ở trung tâm của khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương và là cầu nối giữa các cường quốc, các nước vừa và nhỏ, ASEAN có vị trí hết sức quan trọng trong tiến trình hợp tác ở châu Á – TBD, vì vậy mà các nước đều thừa nhận vai trò trung tâm của Hiệp hội ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Để đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và phát triển, ASEAN sẽ tăng cường hoạt động của cơ chế, diễn đàn, thúc đẩy xây dựng và thực hiện các công cụ, chuẩn mực, quy tắc.

Xét về vị thế địa chiến lược, các nước ASEAN với hệ thống cảng biển, eo biển và đường hàng hải thuận tiện nhất từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, chiếm vị trí vô cùng quan trọng đối với các nước bên trong cũng như bên ngoài khu vực. Đông Nam Á – là cầu nối giữa hai châu lục Âu – Á, giữa Tây Nam Á, Trung Cận Đông, Bắc Phi với Đông Bắc Á và Bắc Mỹ. Do vậy, tuy là những nước không lớn hoặc rất nhỏ, nhưng đây là khu vực chiến lược có quan hệ về lợi ích với tất cả các cường quốc thế giới và do đó khu vực các nước ASEAN cũng trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước lớn từ rất sớm trong lịch sử. Cũng vì thế, Đông Nam Á là khu vực hiện vẫn tiềm ấn nhiều nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống, đe dọa hòa bình và sự phát triển bền vững trong khu vực. Nhiều nước trong ASEAN vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tranh chấp về biên giới trên đất liền, cũng như tranh chấp chủ quyền trên biển đảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột. Ngoài ra, các nước trong khu vực vẫn chịu tác động của các bên ngoài khu vực có “lợi ích sống còn” tại đây. Trong bối cảnh đó, các nước

ASEAN có nhu cầu tất yếu phải hợp tác quốc phòng an ninh với các nước trong khối cũng như ngoài khối.

Môi trường an ninh châu Á-TBD đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, với sự tăng lên cả về mật độ lẫn mức độ các điểm nóng đe dọa leo thang thành xung đột. Giải quyết những nguy cơ này đòi hỏi các quốc gia thành viên trong khu vực phải tăng cường hợp tác và đối thoại toàn diện, trên nhiều kênh ngoại giao, nhiều cấp độ và nhiều phương diện khác nhau. Ngoại giao quốc phòng, mà tiêu biểu là hình mẫu Đối thoại Shangri-La, hứa hẹn sẽ là cơ chế đa phương về an ninh và quốc phòng có đầy đủ khả năng trong việc định hình nền tảng an ninh của khu vực trong thời gian tới.

Xây dựng môi trường khu vực hòa bình và ổn định vì phát triển và phồn vinh luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nước Đông Nam Á vồn là những quốc gia nhỏ bé, chịu nhiều khổ đau bởi các khác biệt và bất đồng, bởi tranh chấp và xung đột, bởi chia cắt và chiến tranh. Đối với ASEAN, với mục tiêu xây dựng cấu trúc CA-TBD dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Khối, ASEAN luôn ủng hộ một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, dựa trên tiến trình hợp tác khu vực hiện có để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau; trong đó, ASEAN giữ vai trò trung tâm và là động lực chính.

Chính vì vậy, đóng góp cho mục tiêu này không chỉ được khẳng định trong nhiều văn kiện quan trọng khác nhau của ASEAN mà còn được thể hiện thông qua các sáng kiến quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các nước tại Đối thoại Shangri-la. Các nước ASEAN tham gia Đối thoại Shangri-La để bảo vệ các lợi ích quốc gia đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực để cùng nhau phát triển.

2.1.2. Mỹ

Từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, khu vực châu Á – TBD ngày càng trở nên quan trọng với Mỹ . Ở khu vực này, Mỹ có lợi ích kinh tế và an ninh chặt chẽ, không thể tách rời với các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) châu Á tổ chức hàng năm tại Xinh-ga-po, thực chất là theo khởi xướng của Mỹ. Vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, khu vực châu Á – TBD, trong đó có Mỹ đã và đang phải đương đầu với những vấn đề quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả trên bình diện đa phương và song phương. Vì vậy, sau khi IISS mở rộng Văn phòng ra nước ngoài, trong đó có Văn phòng tại Xinh-ga-po vào 20/9/2001, từ năm 2002 bắt đầu tổ chức Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn về Quốc phòng – an ninh cấp cao nhất (cấp Bộ trưởng Quốc phòng) các nước trong khu vực châu Á – TBD.

Trong các diễn đàn Shangri-La, Mỹ luôn công bố rõ ràng chiến lược tài cân bằng lực lượng của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Và trên thực tế thời gian qua, song song với việc tham gia ngày càng tích cực vào các cơ chế hợp tác đa phương của khu vực, Mỹ cũng đang triển khai nhiều bước đi mạnh mẽ, can dự tích cực hơn vào các vấn đề khu vực, tăng cường hiện diện và điều chỉnh chính sách đối với một số quốc gia.

Sự điều chỉnh chiến lược đáng chú ý nhất của Mỹ là đầu năm 2011, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang châu Á – TBD nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược xuyên suốt là tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thế giới, không để xuất hiện bất cứ đối thủ nào có thể cạnh tranh hay thách thức vị thế số một của Mỹ ở một khu vực được đánh giá là phát triển nhanh và năng động nhất thế giới này. Để thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á – TBD, bước đầu Mỹ đã thực hiện một số biện pháp chiến lược. Một là, tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các đồng minh truyền thống trong khu vực, như Phi-líp-pin, Thái Lan, Xinh-ga-po, Nhật Bản,

Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, trong đó có liên minh Mỹ - Nhật Bản là cốt lõi của cả hệ thống an ninh trong khu vực. Đồng thời, Mỹ phát triển và tăng cường quan hệ với nhiều đối tác khác trong khu vực, như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Theo hướng này, Mỹ tiến hành bố trí lại lực lượng ở Nhật Bản và quyết định mở thêm căn cứ quân sự ở Ô-xtrây-li-a và Phi-líp-pin; tăng cường các cuộc diễn tập quân sự phối hợp song phương hoặc đa phương với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Hai là, tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á – TBD. Ba là, tăng cường sự tham gia và ảnh hưởng của Mỹ tại các diễn đàn ở khu vực có liên quan tới Biển Đông, như ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Đông Á; Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á; Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – TBD (APEC), Đối thoại Shangri-La… Việc Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực châu Á – TBD để duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, văn hóa, sức mạnh quân sự và ngoại giao, nhất là để kiềm chế các nước thách thức vai trò vượt trội của Mỹ trong khu vực này và trên toàn thế giới.

Lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Nhưng lợi ích này luôn được duy trì cho dù chính quyền Mỹ có thay đổi, Mỹ gia tăng ảnh hưởng vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là để phục vụ lợi ích này.

Như vậy, việc Mỹ tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực như tại Đối thoại Shangri-La trước tiên phải xuất phát từ chính lợi ích của

nước Mỹ (trong đó có cả lợi ích về kinh tế, an ninh, quân sự và tự do hàng hải…). Mỹ muốn có tiếng nói quyết định tại các diễn đàn, các tổ chức, các liên kết trong khu vực, trên cơ sở đó tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò là trung tâm lãnh đạo thế giới. Để đạt được các mục tiêu này, Mỹ cần phải đóng vai trò như một đối tác tích cực, tin cậy và có trách nhiệm góp phần duy trì môi trường hợp tác, hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.

2.1.3. Trung Quốc

Đối với Trung Quốc – một cường quốc khu vực đang trên con đường trở thành cường quốc toàn cầu, hiện đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại châu Á và cụ thể là Đông Nam Á thì Biển Đông là “sân sau” quan trọng để bảo vệ đại lục trước các cuộc tấn công từ biển. Nếu như trên đất liền, Trung Quốc chỉ có thể tạo được ảnh hưởng chiến lược đối với 3 quốc gia giáp ranh (Lào, Myanmar và Việt Nam), thì trên biển, mà cụ thể là Biển Đông, Trung Quốc có thể tạo ảnh hưởng đối với tất cả các quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc luôn thể hiện mục đích tham gia vào Đối thoại Shangri-La qua các bài phát biểu đó là nhằm phản ánh mong muốn tăng cường hợp tác với các bộ quốc phòng và quân đội của tất cả các nước để cùng nhau bảo vệ an ninh khu vực và hòa bình thế giới. Thông qua nền tảng này, Trung Quốc hy vọng sẽ cho thế giới thấy được lập trường và chính sách giải quyết các tranh chấp hòa bình và thảo luận với tất cả các nước về cách đối phó với các mối đe dọa an ninh, để cùng nhau giữ vững hòa bình và ổn định cho khu vực.

Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt là tại Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hành động quy mô chưa từng có, tạo ra nhiều quan ngại cho các nước về ý định chiến lược của Trung Quốc. Việc tiến hành ồ ạt các hoạt động cải tạo trên diện rộng các cấu trúc địa lý tại các quần đảo, các hoạt động nạo vét, lấn biển để bồi đắp, xây dựng các công trình trái phép trên các khu vực

tranh chấp… đã làm cho tình hình Biển Đông luôn là chủ đề “nóng” trong các kỳ Đối thoại Shangri-La gần đây.

Mức độ và cách thức tham gia của Trung Quốc vào Đối thoại Shangri- La là khác nhau. Đối thoại Shangri-La được bắt đầu từ năm 2002, trong khi tới năm 2007, Trung Quốc mới bắt đầu cử các đoàn đại biểu quân sự cấp cao tới tham dự đối thoại về an ninh châu Á này. Từ năm 2007 đến năm 2010, Trung Quốc có 4 năm liên tiếp cử Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội tới tham dự Đối thoại. Tới năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng đương thời là Lương Quang Liệt mới lẫn đầu xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La. Đây cũng là lần duy nhất Bắc Kinh cử Bộ trưởng Quốc phòng dự Đối thoại này. Năm 2012, người đứng đầu đoàn đại biểu Trung Quốc là Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền- Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc. Các năm 2013 và 2014, đoàn đại biểu Trung Quốc tới Đối thoại Shangri-La dưới sự dẫn dắt của các Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này là các tướng Thích Kiến Quốc, Vương Quán Trung.

Đối với Trung Quốc, Đối thoại Shangri-La trong nhiều năm qua đã có sự chuyển đổi trọng tâm. Từ ban đầu tập trung vào các vấn đề an ninh và các mối đe dọa truyền thống, dần dần chuyển sang các hợp tác an ninh phi truyền thống trên các lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, khủng bố, hải tặc… Sự đa dạng về trọng tâm giúp diễn đàn này trở nên toàn diện và khác quan hơn trong vai trò điều phối khả năng hợp tác, đảm bảo an ninh khu vực nói chung giữa các quốc gia. Tuy nhiên, diễn đàn các năm gần đây, các chủ đề nặng về quân sự (an ninh truyền thống) lại đóng vai trò chủ đạo. Trong khi trọng tâm của phái đoàn Trung Quốc tham dự đối thoại là vai trò quản trị phối hợp giữa các cường quốc trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định chung cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng nhân cơ hội đó để tiếp xúc song phương với một loạt các phái đoàn quốc phòng cấp cao của các quốc gia quan trọng. Trong các kỳ đối thoại, Trung Quốc luôn bị các nước

đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, … chỉ trích mạnh mẽ, gay gắt về các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông như bồi đắp đảo nhân tạo Trường Sa, xây dựng các cơ sở quân sự, đưa vũ khí đến khu vực nhằm khống chế một vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hơn 80% diện tích. Vì thế, thay vì đóng góp cho Shangri-la, Trung Quốc lại chuyển sang thúc đẩy Hội nghị an ninh riêng mang tên Diễn đàn Hương Sơn (Xiangshan Forum), diễn ra 2 năm/lần vào mùa thu (bắt đầu từ năm 2014). Việc mở diễn đàn riêng cho phép Bắc Kinh quyết định chủ đề để bàn luận hoặc lựa chọn lảng tránh vần đề nào đó.

Như vậy, nếu như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ luôn luôn hiện diện tại Shangri-La từ năm 2004 đến nay, thì những người đồng cấp bên phía Trung Quốc không muốn tham gia Hội nghị do cơ chế đa phương của nó ảnh hưởng tới một số lợi ích về quốc phòng và an ninh của Bắc Kinh. Các Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) hay ARF khi họ có thể đối thoại song phương với từng nước có liên quan.

2.1.4. Nhật Bản

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản phải chấp nhận ô bảo hộ hạt nhân cũng như ô bảo hộ an ninh của Mỹ. Trong bối cảnh châu Á – TBD ngày nay, Nhật Bản muốn trở thành một quốc gia bình thường. Vì vậy, Nhật Bản đã tiến hành nhiều chính sách, chủ yếu trên ba mặt trận kinh tế thương mại, ngoại giao và an ninh quốc phòng.

Trên mặt trận ngoại giao, Nhật Bản lấy việc ủng hộ cho ASEAN làm điều kiện chủ đạo cho vai trò của mình tại châu Á – TBD. Chính sách “hướng Nam” của Chính phủ Nhật Bản chiếm vị trí quan trọng trong Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, với ưu tiên “cải thiện môi trường an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương” và “đóng vai trò lãnh đạo trong giải quyết tranh chấp”, nhằm thực hiện ba mục tiêu quan trọng là: phục hồi kinh tế, bảo

đảm an ninh hàng hải và mở rộng ảnh hưởng. Nhật Bản cũng tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại đa phương, thúc đẩy những cuộc đối thoại song phương thẳng thắn về những vấn đề an ninh khu vực để nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực.

Tại Đối thoại Shangri-La năm 2014, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản bây giờ sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn trong “phòng vệ tập thể” tại châu Á – TBD. Ông nói “Nhật Bản ủng hộ tối đa các nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc bảo đảm an ninh trên biển và trên không, duy trì triệt để sự tự do đi lại trên biển và trên không. Chúng tôi phản đối các hành động sử dụng máy bay và tàu thuyền nhằm gây gia tăng căng thẳng trên biển. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà trong đó có một nước đơn lẻ không còn có thể tự đảm bảo cho hòa bình của chính mình”.

Nhật Bản ngày càng can dự sâu rộng hơn trong các hoạt động đặc biệt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đối thoại shangri la và sự tham gia của việt nam (Trang 42 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)