Tổng quan về giáo xứ Bình Hải

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 28 - 39)

1.2.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo xứ Bình Hải nằm trên địa bàn xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Sự hình thành và phát triển của giáo xứ Bình Hải gắn liền với lịch sử xã Nghĩa Phú.

Xã Nghĩa Phú nằm trong vùng đồng bằng ven biển, thuộc miền hạ (miền biển) của huyện Nghĩa Hưng cách trung tâm hành chính của huyện (thị trấn Liễu Đề) khoảng 20 km, cách trung tâm thành phố Nam Định 40 km về phía nam, cách bờ biển Đông 10 km. Phía đông giáp xã Nghĩa Phong, phía tây giáp sông Đáy, phía nam giáp xã Nghĩa Hòa, phía bắc giáp xã Nghĩa Hồng.

Diện tích tự nhiên là 1003 ha. Chiều dài từ đông sang tây nơi rộng nhất là 4 km. Chiều ngang từ bắc xuống nam theo đường chim bay nơi hẹp nhất gần 2 km. Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào cho biết cụ thể về thời gian hình thành vùng đất ven biển này.

Xã Nghĩa Phú cũng như miền duyên hải Nghĩa Hưng được hình thành do quá trình bồi đắp lâu dài của các con sông lớn như sông Đáy, sông Ninh Cơ, làm cho đất liền tiến dần ra biển. Cùng với quá trình tạo tác của thiên nhiên là công sức quai đê, lấn biển của con người. Theo nghiên cứu, tìm hiểu của tôi, cho đến khoảng cuối thế kỷ XVIII, vùng đất Bình Hải - Nghĩa Phú mới xuất hiện. Những nghiên cứu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Phú cũng cho thấy rằng, thời điểm mà những cư dân đầu tiên đến định cư và sinh sống ở mảnh đất này là vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XIX.

Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Phú: Năm Đinh Mùi 1848, Tự Đức lên ngôi vua ra lệnh cho các tỉnh huyện ven biển phải thành lập đồn để canh giữ các cửa sông lớn thông ra biển. Tri phủ Nghĩa Hưng chỉ thị cho các xã Quần Liêu, Lạc Đạo (nằm ở phía bắc xã Nghĩa Phú) và một số nơi khác phải tuyển chọn mỗi xã 50 thanh niên khỏe ra nhập lính lập đồn Bình Hải do ông Lê Tự Nghĩa làm đồn trưởng [3, tr. 16]. Nhưng càng về những năm sau, nhiệm vụ canh giữ và phòng thủ bờ biển của đồn Bình Hải càng trở nên không phù hợp. Sự ra dân của hàng loạt địa danh: Đài Môn, Thuần Hậu, Đồng Quĩ, Giáo Phòng... đưa đồn Bình Hải lọt vào giữa vùng dân cư và đồng bằng đang cải tạo phát triển. Mặt khác những người lính ở đây đều xuất thân từ nông dân nên họ cũng muốn trở về với cuộc sống bình thường của họ. Trước tình hình đó, ông Lê Tự Nghĩa đã lập sớ trình vua xin cho đồn Bình Hải mộ dân lập ấp. Ngày 7/3/1878, triều đình xuống chiếu cho đồn Bình Hải ra dân lập ấp Bình Hải lý. Chiếu dụ viết:

“- Nay cho số mộ binh dư thừa của đồn Bình Hải ra dân lập ấp mới tại địa hạt Bình Hải, thuộc tổng Sĩ Lâm phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định lấy tên là Bình Hải lý.

Cấp cho Bình Hải lý gồm 5 khu ruộng đất, phái quan đạc điền tỉnh, huyện, tổng và các hào lý xung quanh hạt Bình Hải về đo đạc…” [3, tr. 16-17].

Như vậy, Bình Hải lý bao gồm diện tích của 3 thôn hiện nay là Âm Sa, Hồng Minh và Hồng Kỳ (các tên Hồng Minh, Hồng Kỳ được chính quyền đặt theo địa bàn hợp tác xã nông nghiệp); phía đông giáp Giáo Dục, phía tây là sông Đáy. Sau đó, đến trước năm 1945, Bình Hải lý được gọi là xã Bình Hải; đến tháng 3 năm 1946, Bình Hải và Giáo Dục hợp lại thành xã Phục Hưng; đến đầu năm 1948 xã Phục Hưng với hai xã Thuận Thành và Quĩ Nhất hợp thành xã Thúc Kháng. Năm 1956, xã Thúc Kháng tách làm 2: xã Nghĩa Phú và xã Nghĩa Hòa; Bình Hải từ đó chính thức thuộc xã Nghĩa Phú [3, tr. 31, 36, 39, 68].

Chỉ sau một thời gian ngắn Bình Hải lý đã nhanh chóng trở thành một nơi có cư dân đông đúc, đồng ruộng tốt tươi. Ở Bình Hải, khu dân cư bám theo 2 bên bờ sông Mốc, còn đồng ruộng thì ở phía trước và phía sau. Trong khu dân cư chia làm 2 giáp: Giáp Đông và giáp Đoài. Những cánh đồng xa khu dân cư còn có một số chi và trại như: Cánh đồng trung đoạn có 5-6 hộ ở gọi là trại Trung Khu, cánh đồng Chi Tây có trại Chi Tây, cánh đồng Chi Đông có trại Chi Đông, cánh đồng Âm Sa có trại Hải Dục.

Về tên gọi “Bình Hải”, cho đến nay, có nhiều cách hiểu về ý nghĩa tên gọi này. Cách hiểu thứ nhất: những người dân Bình Hải những ngày đầu đặt tên cho đất này theo nghĩa là bình định được biển, làm cho biển phải khuất phục. Cách hiểu thứ hai: Bình Hải có nghĩa là vùng biển bình yên; điều đó cũng là phản ánh nguyện vọng của người dân muốn có cuộc sống yên ổn với biển khơi. Vì vậy, sau này, người dân nơi đây thường gọi là “Bình Hải vô ba”; “vô ba” nghĩa là không có sóng gió.

Đất Bình Hải trước đây được chia làm hai phần (hai giáp) là Bình Hải Đông và Bình Hải Đoài, ranh giới là một con sông cắt ngang sông Mốc chạy

xuống giáp Quĩ Nhất, gọi là sông Phú Lợi. Tuy nhiên, một điều nghịch lý và gây khó hiểu cho chính nhiều người dân bản xứ chính là cái tên ĐôngĐoài

ấy. Sở dĩ, Đông và Đoài là hai danh từ chỉ vị trí địa lý hay phương hướng Đông và Tây; nhưng điều này lại không phản ánh một thực tế là: Đất Bình Hải Đông lại nằm ở phía tây, còn đất Bình Hải Đoài lại nằm ở phía đông. Về điều này, những ý kiến có lý không khỏi có sự khác nhau. Theo như sách Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Phú thì đơn giản là: “Giáp có nhiều người gọi là giáp Đông, giáp có ít người gọi là giáp Đoài” [3, tr. 17]. Nhưng một số cụ cao niên trong xã thì có ý kiến khác. Một cụ cho biết: “Cái tên Đông và Đoài ấy không phải chỉ vị trí địa lý hay phương hướng gì cả, mà là chỉ địa vị xã hội, ngôi thứ. Đông nghĩa là „đàn anh‟ vì là người Đông nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của chính quyền phong kiến địa phương, còn “Đoài” có nghĩa là „đàn em‟” (Phỏng vấn ông Vũ Đình K, 73 tuổi, giáo chức tại Bình Hải). Thời gian trôi đi, thời thế cũng nhiều thay đổi, cái tên Bình Hải Đông và Bình Hải Đoài ít ai còn nhớ tới. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một ý kiến tham khảo.

Về thành phần dân cư, như trên đã nói, đây là vùng đồng bằng ven biển hình thành muộn cho nên không có người bản địa, dân đều là người di cư từ nơi khác đến khai hoang lập ấp. Những người đầu tiên lập nên Bình Hải lý, cũng là thành phần dân cư phải được nhắc đến đầu tiên là những người lính của đồn Bình Hải. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho canh tác và sản suất, chỉ sau một thời gian ngắn, Bình Hải lý đã nhanh chóng trở thành một địa bàn có dân cư đông đúc. Ngoài những người lính ở đồn Bình Hải, dân cư ở các nơi như Duy Tiên, Kim Bảng, hải Hậu, Kim Sơn, Nam Ninh cũng tụ tập về đây làm ăn, sinh sống [3, tr. 18].

Cho đến đây, chúng ta đang nói tới Bình Hải như một địa danh hành chính, bây giờ, chúng ta xét ở góc độ tôn giáo.

Cũng giống như những đơn vị hành chính, Giáo hội chia ra các địa hạt theo cấp độ lớn nhỏ khác nhau, bao gồm: Giáo hội hoàn vũ, giáo hội địa

phương (giáo phận) và giáo hội cơ sở (giáo xứ). Bên dưới giáo xứ là giáo họ, là những đơn vị chưa đủ tiêu chuẩn thành giáo xứ. Ở Việt Nam, một giáo xứ thường bao gồm một số giáo họ vệ tinh, trực thuộc. Giáo xứ Bình Hải hiện nay bao gồm họ nhà xứ mang tên Bình Hải và các giáo họ trực thuộc là giáo họ Giáo Dục, giáo họ Hải Dục, giáo họ Quần Hào và giáo họ Trung Chính. Tất cả đều nằm trên địa bàn xã Nghĩa Phú. Do đó, danh từ giáo xứ Bình Hải có thể hiểu là bao gồm cả họ nhà xứ và những giáo họ trực thuộc, cũng có thể chỉ nói đến họ nhà xứ. Ở đây chúng tôi nghiên cứu giáo xứ Bình Hải theo cách hiểu thứ hai, nghĩa là chỉ tiếp cận giáo xứ Bình Hải như một làng Công giáo, không xem xét các giáo họ trực thuộc.

Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu cũng như chưa có một tài liệu chính thức nào viết chi tiết về sự hình thành và phát triển của giáo xứ Bình Hải. Vì vậy, những thông tin của bài viết này chủ yếu được khai thác trong quá trình nghiên cứu thực địa và phỏng vấn một số vị cao niên và chức sắc trong giáo xứ.

Giáo xứ Bình Hải thuộc giáo phận Bùi Chu là giáo phận có nhiều xứ đạo lâu đời và cho đến nay vẫn được coi là nơi đầu tiên mà Công giáo du nhập vào Việt Nam. Giáo phận Bùi Chu hiện nay nằm gọn trong tỉnh Nam Ðịnh, bao gồm 6 huyện (Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực) và khu vực giáo xứ Khoái Ðồng cùng khu vực phía nam sông Đào (các xã Nam Phong, Nam Vân và phường Cửa Nam) của thành phố Nam Ðịnh. Tòa giám mục Bùi Chu đặt tại xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Diện tích của Giáo phận Bùi Chu vào khoảng 1.350 km2. Giáo phận Bùi Chu hiện có 159 giáo xứ, 17 chuẩn xứ và 425 giáo họ. Theo thống kê năm 2017, dân số trên địa bàn Giáo phận Bùi Chu khoảng 1.274.467 người, trong đó người Công giáo là 412.539 người, chiếm khoảng 32,37% tổng số dân [54].

Giáo xứ Bình Hải ngày nay tiền thân là giáo họ Bình Hải thuộc giáo xứ Lạc Đạo, thành lập từ năm 1887, dưới thời giám mục (còn gọi là đức cha) Wenceslao Oñate Thuận (1882 - 1897). Năm 1920, do nhu cầu mục vụ, giám mục Pedro Muñagorri Obineta Trung (1907 - 1924) lấy giáo họ Bình Hải, Giáo Dục và Hải Dục để thành lập chuẩn xứ. Năm 1937, giám mục Hồ Ngọc Cẩn ban sắc chính thức đặt Bình Hải lên hàng giáo xứ. Tên giáo xứ Bình Hải được đặt theo tên của chính vùng đất này. Tuy nhiên, địa giới của giáo xứ Bình Hải hiện nay tương ứng với Bình Hải Đoài với hầu hết người dân theo Công giáo. Như vậy, giáo xứ Bình Hải là một giáo xứ tòng thổ, nghĩa là bao gồm tất cả các tín hữu thuộc một địa sở nhất định. Giáo xứ Bình Hải nhận thánh Tôma (một trong 12 vị tông đồ của Chúa Giêsu) là Thánh Quan thầy.

Theo thông tin từ những người cao tuổi trong làng, nhà thờ (thánh đường) giáo xứ Bình Hải được xây dựng từ trước khi thành lập giáo xứ. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên nhà thờ lúc đó chỉ là một ngôi nhà gỗ nhỏ. Dưới tác động của thời tiết và chiến tranh, sau một thời gian không lâu, nhà thờ bị hư hại nặng nề, chỉ còn lại một tháp chuông. Sau đó, trên nền nhà thờ cũ, bà con giáo dân đã xây dựng một ngôi thánh đường mới quy mô hơn nhiều. Theo chỉ dẫn của văn bia cuối nhà thờ, nhà thờ Bình Hải được hoàn thành năm 1938, được xây dựng theo kiến trúc của một nhà thờ Pháp. Ông Vũ Viết Khóa (dân trong họ quen gọi là Ông Quản Khóa vì có thời gian ông đã làm chánh quản của giáo xứ) được ghi nhận là người có công đầu trong việc xây dựng thánh đường này. Ông đã từng có thời gian sang Pháp làm quan trong việc quân binh. Hết hạn trở về, ông đã chụp ảnh nhà thờ Pháp và đưa về nước; trong tư cách chánh quản, ông đã vận động bà con trong giáo xứ xây dựng nhà thờ mới. Ông trực tiếp đứng ra đốc công. Vì vậy, kiến trúc nhà thờ về cơ bản theo kiểu phương Tây, từ trên cao nhìn xuống, nhà thờ như một cây Thánh giá lớn, chiều dài 75m, rộng 25 mét, cao 30m. Tháp chuông của nhà thờ cũ thấp hơn nhà thờ mới nên gần đây đã được nâng cấp, tôn cao lên 40

mét. Được biết, kinh phí xây dựng nhà thờ chủ yếu là sự đóng góp của các nhà giàu có trong xứ và một phần là do ông quản Khóa vận động từ nước ngoài, còn bà con giáo dân thì bỏ công sức. Hiện nay, danh sách những “ân nhân” đóng góp xây dựng nhà thờ còn được lưu ở bia khắc trên tường cuối nhà thờ. Tiếp nối những cố gắng của cha ông, nhà thờ ngày càng được tu sửa khang trang. Đối với làng Công giáo, nhà thờ là biểu tượng của làng, là trung tâm điểm với nhiều công năng, vừa là nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo cùng các sinh hoạt văn hóa của làng giáo, lại là nơi gắn với việc đời. Ở mức độ nào đó, nhà thờ Công giáo có vị trí, vai trò giống như đình làng của người Việt.

Ngoài nhà thờ, giáo xứ Bình Hải còn có các công trình khác như: Trung tâm Mục vụ Giáo xứ (nơi ở của cha xứ, nơi họp hành, giải quyết các công việc đạo,…), nhà hội quán (nay không còn), nhà giáo lý (nơi học giáo lý), núi Đức Mẹ, các tượng đài,… Mới đây, nhờ sự ủng hộ của một tín hữu hảo tâm, giáo xứ đã xây dựng tượng 14 đàng Thánh giá xung quanh nhà thờ.

Giáo xứ Bình Hải từ khi thành lập đến nay đã trải qua 17 đời linh mục. Hiện nay, giáo xứ Bình Hải có khoảng 3.500 giáo dân, chia làm 5 giáo khu (còn gọi là dâu, giáp).

1.2.2. Đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội giáo xứ Bình Hải hiện nay

Về kinh tế, giáo xứ Bình Hải - xã Nghĩa Phú tiêu biểu cho vùng nông thôn Việt Nam đang trên đà phát triển. Nói là miền biển, nhưng đến nay biển đã lùi xa hàng chục kilômet, vì vậy, hầu như không còn nghề chài lưới. Nghề nghiệp chính của người dân là trồng lúa nước nhưng cơ cấu ngành nghề đang có sự thay đổi mạnh mẽ với sự phát triển của nhiều ngành nghề khác.

Lịch sử Nghĩa Phú từ khi có mảnh đất, con người đến nay đã gần hai thế kỷ. Nhân dân Nghĩa Phú đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách của thiên nhiên, vật tư, tiền vốn... họ lao động cần cù, sáng tạo và mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm không ngừng nâng cao năng suất cây trồng. Vì vậy lúa và hoa màu đều ngày một tăng lên. Được

thiên nhiên ưu đãi kết hợp lỗ lực của con người, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển. Những năm gần đây, sản lượng lúa đạt trung bình 2,5 tạ trên một sào Bắc Bộ; đặc biệt có năm, có hộ đạt đến 3 tạ một sào. Bên cạnh cây lúa, người dân còn xen canh nhiều loại cây hoa màu như cà chua, su hào, cải bắp, dưa, đậu,…; sản phẩm không chỉ buôn bán trao đổi trong vùng mà còn được mang đi tiêu thụ ở các vùng khác.

Do nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của thị trường, ngành chăn nuôi gia súc gia cầm những năm gần đây cũng có những bước chuyển biến đáng kể. Thoát khỏi phương thức chăn nuôi cũ tốn nhiều thời gian mà ít hiệu quả, được sự giúp đỡ về vốn của nhà nước, người dân trong họ đã áp dụng phương thức chăn nuôi mới, hệ thống chuồng trại được xây dựng quy mô, kiên cố, sử dụng chủ yếu nguồn thức ăn công nghiệp, nhờ đó nhanh chóng nâng cao số lượng đàn vật nuôi. Có nhiều hộ gia đình một lứa nuôi đến hàng trăm con lợn, mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh chăn nuôi và trồng trọt, một số nghề thủ công như mây tre đan, hoa lụa,… tuy không phải nghề chính nhưng cũng là một nguồn thu không nhỏ của một bộ phận người dân lúc nông nhàn.

Các ngành nghề dịch vụ tuy không phải thế mạnh của địa phương nhưng cũng ngày càng phát triển, hai bên đường trục xã san sát các cửa hàng, quán xá. Những cơ sở sản xuất nhỏ do người dân tự lập nên như tiệm hàn xì, tiệm sửa xe máy, tiệm nhôm kính, tiệm mộc,… mọc lên ngày càng nhiều. Khi đã yên tâm về mặt vật chất, người dân cũng chú ý nhiều hơn đến các thú vui như cây cảnh, chim cảnh, và dần biến thú vui này trở thành một nghề mang lại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 28 - 39)