Biến đổi của hôn nhân Công giáo tại giáo xứ Bình Hải

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 70)

3.1.1. Biến đổi trong nhận thức về hôn nhân

Trước đây, người Việt nói chung, người Công giáo nói riêng vẫn quan niệm vợ chồng đến với nhau là “cái duyên, cái số”, hôn nhân là do trời định, do Chúa an bài. Hiện nay, quan niệm này vẫn phổ biến ở nhiều người, nhất là những người có tuổi; còn nhận thức của nhiều bạn trẻ hiện nay mang tính thực dụng hơn. Một bạn trẻ chia sẻ: “Xã hội ngày nay yêu ai, lấy ai là do mình tự tìm hiểu và quyết định chứ có ai bắt buộc đâu. Vì vậy phải sáng suốt lựa chọn người hợp với mình. Không tìm hiểu kỹ càng, lấy nhau tùy tiện sau này có vấn đề gì lại đổ tại số là không được” (Phỏng vấn chị Vũ Hồng P, 32 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, nghề nghiệp).

Về tiêu chí lựa chọn người bạn đời, người Công giáo ở Bình Hải trước đây rất coi trọng hai tiêu chí: Một là đồng đạo; hai là “môn đăng hộ đối”. Ngày nay, những người có tuổi đã ít nhiều có sự thay đổi trong nhận thức. Dù vẫn rất coi trọng việc định hướng cho con cháu kết hôn với người đồng đạo nhưng người ta ít quan tâm đến tiêu chí môn đăng hộ đối. Còn đa số những bạn trẻ ngày nay, nhất là phái nữ, đề cao hai tiêu chí: Một là hai người hợp nhau; hai là người kia có công ăn việc làm ổn định. Điều đó cho thấy, trước đây hôn nhân được coi như việc của cộng đồng; hai người lấy nhau không chỉ vì nhau mà còn vì gia đình, dòng họ. Ngày nay, hôn nhân được tiếp cận chủ yếu ở khía cạnh cá nhân khi dành sự quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của người trong cuộc.

Những giá trị tốt đẹp của hôn nhân Công giáo là điều đã được khẳng định từ lâu. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của xã hội và sự thay đổi nhận thức cá

nhân, nhiều bạn trẻ Công giáo ở Bình Hải ngày nay có những quan niệm, cách suy nghĩ khác xưa về giá trị, vai trò của hôn nhân và gia đình.

Người ta thường nói “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, tình hết vui khi đã vẹn câu thề”. Khi mới gặp nhau, quen nhau, phải lòng nhau, người ta cứ quấn quýt mãi bên nhau, mong ước luôn ở bên nhau. Nhưng lấy nhau rồi, ngày nào cũng bên nhau, chung nhà, chung bàn, chung giường ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác quen rồi thành chán. Về vấn đề này, một thanh niên tâm sự: “Yêu thì ai cũng có, nhưng chủ yếu thời gian đầu thôi, lấy nhau về rồi bắt đầu bù đầu với con cái, suốt ngày lo cơm áo gạo tiền. Như mình bây giờ sống với nhau vì trách nhiệm với gia đình, con cái là chính. Yêu thì cũng có nhưng mà ít” (Phỏng vấn anh Trần Văn Đ, 39 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, lao động tự do).

“Bất khả phân ly” là một trong những điều làm nên đặc trưng của hôn nhân Công giáo. Tuy nhiên, trong nhận thức của một số bạn trẻ Công giáo hiện nay, trong một số trường hợp, hôn nhân không nên là vĩnh viễn. Đối với những đôi vợ chồng không được hòa thuận, êm ấm, hôn nhân và gia đình đối với họ không còn là “Hội Thánh tại gia” nữa, mà trở thành “địa ngục trần gian”. Nhất là khi vợ chồng cãi cọ nhau, hơn lúc nào hết, người ta coi gia đình là gánh nặng, làm mất đi sự tự do của họ. Qua năm tháng, với nhiều cách thức khác nhau nhưng họ không thể tìm lại được vẻ đẹp của hôn nhân thuở ban đầu. Một khi gia đình trở thành nơi đầy đọa nhân phẩm, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người (do bạo hành,…) thì việc chấm dứt hôn nhân là sự cần thiết về mặt đạo đức để cứu lấy người yếu thế. Một bạn trẻ cho rằng:

“Hai người lấy nhau là để nâng đỡ nhau, bổ khuyết cho nhau chứ không phải lấy nhau về rồi hành hạ nhau, làm khổ nhau. Tôi cho rằng những trường hợp vợ chồng không thể hòa hợp được thì nên cho người ta chia tay. Điều này trái với quy định bất khả phân ly, nhưng không phải vì vậy mà cứ bắt người ta cam chịu sống khổ sở được” (Phỏng vấn chị Vũ Hồng P, 32 tuổi, giáo dân tại Bình

Hải). Về điều này, theo cách nhìn của những người lớn tuổi thì: Đành rành có những gia đình mà người vợ hoặc chồng bỗng dưng “thay tính đổi nết”, trở nên quá quắt, nhưng đa số những mâu thuẫn trong các gia đình trẻ thường do hai bên chưa hoặc không chịu hiểu nhau, không thông cảm cho nhau,…

Vì để lạc mất niềm tin, hay không còn tin vào những giá trị thiêng liêng nên một bộ phận các tín hữu Công giáo ngày nay đã coi bí tích Hôn phối như một ràng buộc có tính cách pháp lý hơn là một dấu chỉ tình yêu linh thiêng. Việc cử hành bí tích Hôn phối chỉ là một nghi thức mang màu sắc tôn giáo, mang tính thủ tục. Quan niệm này dẫn đến kết quả cho rằng hôn nhân là một việc làm có thể thay thế được khi con người cảm thấy cần có sự thay đổi.

3.1.2. Biến đổi trong nghi lễ hôn nhân

Hiện nay, cưới xin vẫn được người Công giáo Bình Hải coi là một trong những việc hệ trọng nhất của đời người. Tuy nhiên, cùng với sự vận động, biến đổi chung của đời sống xã hội, cưới xin của người Công giáo đã có nhiều thay đổi so với trước đây.

Dưới sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, ở Bình Hải trước đây, việc dựng vợ gả chồng cho con cái là việc của cha mẹ, con cái hầu như không có quyền kén chọn. Thế nên trước đây mới có “lễ chạm mặt” là lúc đôi nam nữ được thấy mặt nhau. Tuy nhiên, ngày nay, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã bị coi là một hủ tục. Và trên thực tế hiện nay, điều này, nếu muốn cũng khó mà thực hiện được. Bởi lẽ ngày nay đôi bạn trẻ mới chính là chủ nhân của đám cưới, chính họ là người quyết định vợ hoặc chồng mình sẽ là ai, còn cha mẹ chỉ có thể tư vấn, khuyên bảo chứ hầu như ít có quyền quyết định.

So với trước đây, các thủ tục cưới hỏi ngày nay cũng biến đổi theo chiều hướng đơn giản hóa. Một số tục lệ trong đám cưới xưa đã được lược bớt để phù hợp với đời sống hiện đại. Về cơ bản, hiện nay chỉ còn giữ lại 4 lễ chính là dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới, lại mặt. Tùy từng gia đình, nhất là những gia đình có con cái đi làm ăn xa hoặc lấy người xa quê, người ta có thể gộp các lễ này

lại với nhau hoặc tổ chức trong cùng một dịp để tránh phải đi lại nhiều và hạn chế tốn kém.

Việc mời cưới ngày nay cũng khác xưa: Nếu ngày xưa chủ yếu mời miệng thì ngày nay hầu hết đều dùng thiệp mời, vừa lịch sự, vừa giúp khách mời nhớ rõ được ngày giờ tổ chức đám cưới. Đối với những trường hợp khách mời thân thiết như bạn bè, đồng nghiệp, vì lý do xa xôi không thể đưa thiệp mời tận tay, người ta cũng có thể mời nhau qua điện thoại. Nhiều gia đình ở Bình Hải có điều kiện kinh tế, có nhiều mối quan hệ làm ăn nên việc mời cưới rất rộng, có đám lên tới hàng trăm mâm cỗ, việc ăn uống diễn ra trong vài ngày. Với những gia đình đó, đám cưới còn là cơ hội thể hiện vị thế của gia đình, dòng họ.

Ngày xưa, cỗ cưới đều do con cháu trong họ và người làng thân thiết đến làm giúp, bây giờ nhiều gia đình đặt nhà hàng làm giúp, không phiền đến anh em, làng xóm. Cỗ cưới ngày nay cũng đa dạng hơn trước rất nhiều. Giá trị của mâm cỗ phản ánh điều kiện kinh tế cũng như vị thế của gia chủ. Trước đây, việc dùng hiện vật (như đôi gà, thùng thóc, cái phích, cái khăn tay, bức tranh,…) để mừng cưới là rất phổ biến. Nhưng ngày nay, đa số đều mừng tiền mặt, chỉ những người rất thân thiết với cô dâu chú rể mới mừng hiện vật, chủ yếu là vàng, trang sức. Số tiền mừng thường được xác định theo kiểu “ăn sang, ăn giả”, căn cứ trên mức độ thân quen và có sự phân biệt giữa trường hợp có đi đến dự tiệc và không đến dự tiệc. Những khách không tới dự tiệc mà chỉ gửi tiền mừng thì số tiền mừng thường thấp hơn so với người có đi dự tiệc. Thông thường, mức tiền mừng của hàng xóm, anh em họ là từ 200.000đ đến 300.000đ; anh em ruột thịt từ 500.000đ đến hàng triệu đồng.

Trang phục của cô dâu chú rể ngày nay cũng có chút khác xưa. Nếu như trong lễ cưới trước đây cô dâu thường mặc áo dài truyền thống, thì trong đám cưới ngày nay, cô dâu chú rể mặc trang phục theo kiểu phương Tây. Cô dâu diện váy cưới trắng, chú rể mặc vest. Các loại trang phục cưới này cũng đa dạng hơn theo thời gian.

Như vậy, việc cưới xin của người Công giáo Bình Hải hiên nay cơ bản vẫn giữ được những lễ nghi phù hợp với truyền thống, góp phần giáo dục con cháu biết giữ gìn hạnh phúc, sống nhân văn hơn… Tuy nhiên, việc cưới của người Công giáo Bình Hải còn những bất cập, nổi cộm nhất nhiều gia đình tổ chức đám cưới quá linh đình, thể hiện sự ganh đua giữa các gia đình theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Một người cho rằng: “Bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa. Gia đình càng có điều kiện người ta lại càng sinh ra nhiều thứ nhiêu khê. Nhà này làm được nhà kia cũng làng được, ganh đua nhau, rồi bày ra hàng trăm mâm cỗ, hết ngày này sang ngày khác, vừa nhiêu khê, vừa lãng phí!”

(Phỏng vấn bà Trần Thị S, 63 tuổi, giáo chức tại Bình Hải, làm nông nghiệp).

3.1.3. Biến đổi vị trí, vai trò, ý nghĩa của hôn nhân Công giáo

Có thể nói, cho đến nay, hôn nhân Công giáo vẫn được đánh giá cao bởi tính bền vững cũng như những nét đẹp trong đời sống hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, những khó khăn thách thức đối với hôn nhân Công giáo càng trở nên sâu sắc và rõ nét, làm cho hôn nhân Công giáo biến đổi mạnh mẽ so với trước đây. Tình trạng sống chung sống thủ và quan hệ trước hôn nhân không còn là họa hiếm; tình trạng người Công giáo kết hôn với người ngoại đạo ngày càng trở nên phổ biến; Tính bền vững của hôn nhân Công giáo bị đe dọa trước tình trạng ly hôn và ngoại tình;…

Những khó khăn, thách thức đối với hôn nhân Công giáo chính là sự phản ánh những vấn đề nhức nhối của hôn nhân trong xã hội hiện nay. Chẳng hạn, tình trạng sống chung - sống thử và quan hệ trước hôn nhân nơi các bạn trẻ Công giáo chẳng qua cũng là sự phản ánh thực trạng một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay coi tình dục là chuyện bình thường, là nhu cầu cá nhân. Theo số liệu từ một nghiên cứu về tình dục học đường trong các trường trung học trên địa bàn Hà Nội cho biết, đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục; tính đến hết lớp 12 thì con số là 39%. Đáng nói, khoảng 10% học sinh trung học phổ thông báo cáo đã từng quan hệ với từ 3

người trở lên và khoảng 15% các em có sử dụng các chất kích thích trong lần quan hệ gần nhất [47].

Có lẽ ai cũng hiểu rằng những khó khăn thách thức mà hôn nhân công giáo đang gặp phải thực ra là những khó khăn thách thức chung của hôn nhân hiện nay. Tuy nhiên, đối với người Công giáo, vấn đề phức tạp hơn nhiều bởi vì ngoài việc bị chi phối bởi những quan niệm đạo đức của xã hội và luật pháp của nhà nước, người Công giáo còn bị chi phối bởi đức tin, bởi đạo đức tôn giáo và giáo luật. Ngoài ra, hôn nhân Công giáo còn có những khó khăn, thách thức khác mà hôn nhân ngoài Công giáo (nhất là hôn nhân của những người không theo bất kỳ tôn giáo nào) không có, cụ thể là: những khó khăn trong việc thực hiện các nghi lễ hôn nhân Công giáo và những thách thức trong vấn đề hôn nhân khác đạo. Nói về điều này, một người chia sẻ: “Bên Công giáo mình nhiều thủ tục lắm. Như bình thường chỉ cần đi đăng ký kết hôn, xã đóng cho con dấu là xong. Đàng này còn phải học kinh học sách mấy tháng, phải có chứng chỉ thì mới được. Xong còn rao trong 3 tuần, nếu không vấn đề gì thì mới được làm lễ cưới, xong đâu đấy mới tổ chức đám cưới ở nhà. Nói chung là từ lúc quyết định cưới nhau cho đến lúc xong cũng phải nửa năm”

(Phỏng vấn anh Lê Văn C, 30 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, lao động tự do). Còn đối với những trường hợp hôn nhân khác đạo, nếu có bất trắc xảy ra, bên Công giáo sẽ chịu thiệt thòi hơn vì họ không được phép ly hôn và tái hôn. Như vậy, trong vấn đề hôn nhân, người Công giáo chịu hai ràng buộc, một của xã hội và một của tôn giáo, trong đó, theo chúng tôi, ràng buộc của tôn giáo dường như có sức nặng hơn.

Thực ra những khó khăn thách thức đối với hôn nhân Công giáo ngày nay nếu bị coi là “đáng báo động” thì cũng bởi vì nó được so sánh với hôn nhân Công giáo trước đây. Nếu so sánh với thực trạng chung của hôn nhân trong xã hội thì có thể khẳng định rằng hôn nhân Công giáo vẫn là một điểm sáng cần duy trì và phát huy.

3.2. Những yếu tố ảnh hƣởng đến sự biến đổi hôn nhân Công giáo tại giáo xứ Bình Hải

3.2.1. Những mặt trái của đời sống xã hội hiện nay

Trong ba thập niên qua, khi đất nước chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, xã hội Việt Nam đang chuyển mình cách mạnh mẽ và đang có những thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Nhưng cùng với đó là những mất mát to lớn, trong đó đáng kể nhất là sự khủng hoảng những giá trị cơ bản liên quan đến sự bền vững của hôn nhân gia đình và tình liên đới giữa các thành viên trong bối cảnh của thế giới hôm nay. Khoảng 30 năm trước, khi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu sinh hoạt, giải trí, học tập còn đơn sơ, thì đời sống tâm linh lại được chú trọng ngay nơi mái ấm gia đình và ít nhiều lan ra ngoài xã hội. Đạo lý tôn sư trọng đạo được coi trọng, tình cha nghĩa mẹ luôn là trách nhiệm và bổn phận của những người con, huynh đệ tương thân, tình nghĩa vợ chồng; mạng sống và nhân phẩm con người được tôn trọng nâng niu; tương quan giữa con người với nhau đúng là “bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “tối lửa, tắt đèn có nhau”. Những nét đẹp tình cảm, tinh thần và tâm linh, những giá trị đạo đức và luân lý ấy giờ chỉ là những ký ức đã lui vào dĩ vãng. Thay vào đó, khi đời sống con người được nâng cao hơn về kinh tế song song với sự phát triển khoa học hiện đại, những tiện nghi sa hoa, sự hưởng thụ ích kỷ của con người đã ùa đến cùng với mặt trái là cạnh tranh, gian dối, bất nghĩa, vô tâm, vô cảm… Hậu quả là các tệ nạn đã tấn công và tàn phá các mối tương quan trong gia đình, xã hội. Đó là một thứ bóng tối khủng khiếp nhất mà các gia đình đang phải đối diện.

Bên cạnh đó, trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta không thể không quan tâm đến những tác động của văn hóa thời đại trên các gia đình, cách riêng những gia đình trẻ. Đó là nền văn hóa đề cao cá nhân đến mức cực đoan, ai cũng coi bản thân mình là nhất, từ đó dẫn đến xung đột giữa các

thành viên và làm suy yếu những mối liên kết trong gia đình. Đó còn là nền văn hóa đề cao lối sống hưởng thụ, chỉ muốn tiêu xài và thụ hưởng chứ không muốn nhận trách nhiệm. Nền văn hóa này biến quan hệ tình dục thành món

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 70)