Một số vấn đề đặt ra đối với hôn nhân Công giáo tại giáo xứ Bình Hả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 82 - 107)

Bình Hải trong bối cảnh hiện nay

3.3.1. Hôn nhân Công giáo trước những thách thức mới

Bên cạnh những thách thức đang ngày càng trở nên phổ biến nêu trên, hôn nhân Công giáo đang đứng trước những thách thức mới. Trong luận văn này, tác giả chỉ đề cập đến hiện tượng người Công giáo không kết hôn sẽ gia tăng và những thách thức của hôn nhân đồng tính.

* Hôn nhân Công giáo đối mặt với tình trạng sống độc thân gia tăng

Tại phương Tây, hiện tượng sống độc thân không phải xa lạ nhưng cho đến nay, nó trở nên phổ biến trên toàn cầu và đang lan rộng sang các nước châu Á, kể cả Việt Nam. Theo Viện nghiên cứu thị trường của tổ chức quốc tế

Euromonitor, hiện có trên 300 triệu người sống một mình trên toàn cầu, tăng lên khoảng 80% so với 15 năm trước. Thống kê tại Nhật Bản, ở lứa tuổi từ 18-34 có đến 61% nam giới và 49% phụ nữ cho biết hiện họ chưa có mối quan hệ nào. Ở Hàn Quốc, số hộ gia đình một nhân khẩu chiếm 15,5% năm 2000, thì đến năm 2017, con số này tăng lên 29% và ước tính sẽ chạm mức 36% vào năm 2045 [41].

Không chỉ ở Hàn Quốc hay bất cứ đất nước nào xa lạ, trào lưu sống độc thân ở các thành phố đang hình thành và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong những năm gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở thành thị Việt Nam đã tăng từ 6,23% năm 2004 lên 9,1% năm 2014 và dự kiến tăng lên 10,1% vào năm 2019. Cũng theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở cả nam và nữ thanh niên hiện nay đều tăng, nghĩa là kết hôn muộn hơn so với 10 năm qua. Cụ thể, tuổi kết hôn trung bình của nam tại Việt Nam hiện là 26,2 và con số này là 23 đối với nữ, so với năm 2005, độ tuổi này là 25,4 và 22,8. Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng đưa ra dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, trong khi nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ “dư thừa” [41]. Ở giáo xứ Bình Hải, những thanh niên ở độ tuổi ngoài 30 chưa kết hôn khá phổ biến. Cần lưu ý rằng, ở các làng quê, thanh niên nam nữ qua tuổi 30 mà chưa kết hôn thì đã được xếp vào hàng những người “ế”.

Độc thân, theo cách hiểu ngày nay, không chỉ là tâm thế của sự bị động do những lần đứt gánh duyên phận, do những lần trắc trở đường tình mà trong nhiều trường hợp, còn là kết quả của sự lựa chọn hết sức chủ động của người trong cuộc. Sự lựa chọn lối sống độc thân đã và đang thách thức những quan điểm truyền thống của xã hội về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, lối sống độc thân thách thức mạnh mẽ đến những giáo điều của Công giáo. Theo lập trường Công giáo, “Con người ở một mình thì không tốt”, do đó, con người được Thiên Chúa tạo ra có nam có nữ và Ngài kết hợp họ lại với nhau để họ

nâng đỡ - bổ khuyết cho nhau trong đời sống và tiếp tục thực hiện công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa qua việc sinh con cái. Vì thế, trừ những trường hợp tự nguyện sống độc thân để phục vụ lợi ích của cộng đồng và Giáo hội (như linh mục, tu sĩ,…), còn lại những trường hợp sống độc thân chỉ vì lòng ích kỷ cá nhân thì bị coi là vi phạm luân lý.

* Hôn nhân Công giáo đối mặt với vấn đề hôn nhân đồng tính

Theo quan niệm của Công giáo, “đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hoặc những người nữ với nhau: họ cảm thấy sức quyến rủ về tính dục một cách mạnh hơn hẳn, hoặc một cách độc chiếm đối với những người cùng giới tính” (GLHTCG số 2357) [15, tr. 659].

Theo truyền thống chung dựa trên các nền văn hóa thì người đồng tính và sinh hoạt đồng tính bị coi là bất bình thường, bệnh hoạn. Người đồng tính vì thế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bộc lộ bản tính tự nhiên của mình. Tuy nhiên, từ năm 1990, khi Tổ chức Y tế Thế giới công nhận rằng đồng tính không phải là “bệnh”, người đồng tính như vùng lên, đặc biệt, trong những thập niên gần đây để tiến xa hơn về việc đòi quyền được kết hôn. Kết quả là, một số quốc gia trên thế giới (như Hà Lan, Na Uy, Bỉ,…) đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính [38].

Cho đến nay, tại Việt Nam, đồng tính vẫn là một chủ đề khá nhạy cảm, mới nổi lên và thu hút sự chú ý của dư luận. Có nhận định cho rằng, ở Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người người đồng tính, song tính và chuyển giới [50]. Thời gian gần đây, với những phát triển của phương tiện truyền thông và với sự nhận thức mạnh mẽ hơn về giới tính của mình, nên họ mạnh dạn hơn trong việc biểu lộ khuynh hướng giới tính của mình và tập hợp dần dần lại với nhau thành nhóm hay thành cộng đồng. Ở một chiều hướng khác, bởi thái độ phân biệt đối xử của xã hội khiến rất nhiều người đồng tính không dám công khai thân phận của mình. Điều đó mang đến một hậu quả là, có nhiều người

đồng tính vẫn phải sinh hoạt và duy trì các mối quan hệ xã hội như những người bình thường, trong đó bao gồm cả vấn đề hôn nhân.

Trước tình trạng hôn nhân đồng tính ngày càng phổ biến và được hợp thức hóa ở nhiều nơi trên thế giới, Giáo hội Công giáo không thể đứng ngoài cuộc. Trong tông huấn về hôn nhân, gia đình với tiêu đề Niềm vui trong tình yêu, Giáo hoàng Francis bày tỏ cảm thông cho những gia đình có người đồng tính, đồng thời mong muốn Giáo hội không đối xử bất công với những người này. Mặc dù cho rằng người đồng tính cần được tôn trọng, nhưng Giáo hoàng Francis kiên quyết khẳng định rằng Giáo hội “hoàn toàn không có căn cứ” đánh đồng sự kết hợp giữa những người đồng tính là hôn nhân dị tính. Điều đó có nghĩa là, cho đến nay, Giáo hội không công nhận hôn nhân đồng tính.

Dù Giáo hội không công nhận hôn nhân đồng tính nhưng không thể chối bỏ thực tế là những người đồng tính, bao gồm cả người Công giáo vẫn có nhu cầu kết hôn, ít nhất là để hoàn thành nghĩa vụ. Vì gia đình và xã hội, họ buộc phải chấp nhận sống như vợ chồng với một người mà xét về tâm lý, tình cảm là cùng giới tính với họ. Cuộc sống vợ chồng trong những trường hợp này chắc chắn sẽ không bình thường và nguy cơ hôn nhân đổ vỡ là rất lớn.

Đối mặt với vấn đề hôn nhân đồng tính ngày càng hiện thực hóa, Giáo hội đang đứng trước hai lựa chọn: Một là không cho phép người đồng tính kết hôn với nhau mà phải kết hôn theo truyền thống hôn nhân “nam - nữ”, nghĩa là họ vẫn phải tiếp tục sống trong vỏ bọc của một người khác. Hai là kêu gọi những người đồng tính không nên kết hôn tức là lựa chọn đời sống độc thân. Đây chắc chắn sẽ là những nan đề tiếp tục gây khó khăn cho những suy tư và quyết định của Giáo hội Công giáo trong tương lai.

Nhìn chung ở đa số các giáo phận chưa có những hướng dẫn mục vụ cụ thể dành cho người có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Cũng chưa có những cuộc học hỏi đào sâu giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này. Do những khó khăn về tâm lý cũng như phong hóa người Việt Nam đối với người đồng tính,

nên các giáo xứ ít quan tâm và có lẽ cũng không biết con số những người hay những gia đình có các thành viên có khuynh hướng đồng tính luyến ái.

Thiết nghĩ, các giáo phận, giáo xứ cần có sự chuẩn bị về ứng xử đối với những người đồng tính trong cộng đồng. Việc tôn trọng người đồng tính là điều cần thiết, tránh những cử chỉ, hành động hay lời nói vô tình gây tổn thương họ. Nhờ các hội đoàn hay cá nhân để tìm hiểu, tế nhị tiếp cận những người đồng tính để có thể giúp đỡ họ một cách thiết thực về đời sống đạo đức và những phương diện khác. Trong chương trình giáo lý giáo phận, nên dành một phần nói về đạo lý của Giáo hội đối với vấn đề đồng tính nói riêng và đạo đức tính dục nói chung.

3.3.2. Nhận thức, thái độ và ứng xử trước sự biến đổi của hôn nhân Công giáo

* Nhận thức, thái độ

Những biến đổi của hôn nhân Công giáo đặt ra nhiều vấn đề cần giải đáp: Thứ nhất, những khó khăn, thách thức mà hôn nhân Công giáo ở giáo xứ Bình Hải đang đối mặt có phải thực trạng chung của hôn nhân Công giáo không? Thứ hai, phải chăng những biến đổi tiêu cực của hôn hân Công giáo ngày nay phản ánh thực trạng đức tin và lòng đạo đức của người Công giáo đang đi xuống?

Có thể nói, những khó khăn, thách thức mà hôn nhân Công giáo ở giáo xứ Bình Hải đang gặp phải cũng chính là những thách thức đối với hôn nhân Công giáo nói chung. Những điều được trình bày trên cũng chính là nhận thức và trăn trở của chính những người có trách nhiệm trong Giáo hội Công giáo. Trong tông huấn Amoris Leatitia ban hành năm 2016, Giáo hoàng Phanxicô đã cảnh báo về tình trạng ly dị của người Công giáo: “Ly dị là một điều xấu và số lượng các vụ ly dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng lo ngại” [10]. Trong Tâm thư gửi các gia đình Công giáo năm 2016, Hội đồng Giám mục Việt Nam viết:

“…chúng ta không thể phủ nhận thực tếnày là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường...” [18].

Theo ghi nhận của Tòa Giám mục Xuân Lộc, hôn nhân Công giáo trong giáo phận năm 2013 là 9207 đôi; trong đó có 269 đôi chuẩn khác đạo và 642 đôi được hợp thức hóa; ngoài ra có 793 đôi ly dị (nếu năm 2012 tăng 119 đôi thì năm 2013 tăng thêm 195 đôi), 28 đôi ly thân, 2.102 đôi chung sống bất hợp pháp (nếu năm 2012 tăng 365 đôi thì năm 2013 lại tăng thêm 228 đôi). Tổng số các gia đình trong toàn giáo phận là 239.861, tăng 29.396 gia đình, trong đó, có 212.401 gia đình hợp pháp, 1.666 gia đình không hợp pháp (mắc ngăn trở). Dù các gia đình mắc ngăn trở chỉ chiếm tỷ lệ 0,078% nhưng trong cuộc sống, đây là những hình ảnh tác động âm thầm và gây lung lạc đối với các gia đình Công giáo, nhất là với các gia đình trẻ [36].

Những “vết thương” của hôn nhân Công giáo không chỉ gây đau đớn cho các gia đình và cộng đồng tôn giáo mà còn thách thức trực tiếp đến những giáo điều vốn là truyền thống của Giáo hội Công giáo. Tình trạng sống chung - sống thử, quan hệ trước hôn nhân thách thức trực tiếp đến Điều răn thứ 6 trong Mười Điều răn của Thiên Chúa. Tình trạng ngoại tình dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm Điều răn thứ 6 và thứ 9 (Điều răn thứ sáu: “Chớ làm sự dâm dục”; Điều răn thứ 9: “Chớ muốn vợ chồng người”). Tình trạng số vụ ly dị ngày càng gia tăng đã và đang thách thức trực tiếp đến giáo điều “bất khả phân ly” của hôn nhân Công giáo. Ở một số nơi trên thế giới, người Công giáo đã bày tỏ quan điểm của mình mong rằng Giáo hội nên có thái độ mềm dẻo hơn đối với những người ly dị và tái hôn. Ví dụ như có tới 79% người Công giáo ở Pháp mong muốn Giáo hội sẽ cho phép những người ly dị và tái

hôn vẫn được rước lễ [37]. Điều đó cũng có nghĩa là họ muốn Giáo hội thay đổi quan điểm của mình trước những biến đổi của văn hóa và tập quán trong xã hội.

Một câu hỏi nữa đặt ra là, phải chăng những biến đổi tiêu cực của hôn hân Công giáo ngày nay phản ánh thực trạng đức tin và lòng đạo đức của người Công giáo đang đi xuống?

Chắc chắn rằng với những người nghiêm khắc và sống lâu năm trong đạo, những vấn nạn của hôn nhân ngày nay chẳng gì khác hơn là biểu hiện của sự thoái hóa về đức tin và đạo đức của giới trẻ. Nhưng với một cái nhìn bao dung hơn, Giáo hoàng Francis trong Tông huấn Amoris Leatitia cho rằng: “Không ai bị kết tội mãi mãi, vì nó không phù hợp với giáo lý Phúc Âm. Ở đây, tôi không chỉ nói về những người ly dị và tái hôn mà dành cho mọi người, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cần tìm lại được chính mình. Họ không bị khai trừ khỏi Giáo hội và không nên bị đối xử như vậy. Họ cũng không được xem là sự suy yếu của đức tin” [10].

Như vậy, những khó khăn thách thức đối với hôn nhân Công giáo mà tác giả luận văn chỉ ra ở đây không phải là kết quả của việc “vạch lá tìm sâu” nhưng chỉ là một trong những nỗ lực nhìn thẳng vào sự thật, để từ đó, nói như Giáo hoàng Francis, tìm ra những phương thuốc “chữa lành những vết thương, để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại chúng ta” [10].

* Ứng xử

Cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, sự thay đổi nhận thức cá nhân cũng như sự suy giảm vai trò của gia đình, những biến đổi của hôn nhân Công giáo là điều tất yếu. Tình hình đó đặt ra cho Giáo hội Công giáo rất nhiều vấn đề cần giải quyết như: Vấn đề có thai trước khi kết hôn; vấn đề ly dị và tái hôn; vấn đề cho người ly hôn rước lễ… và nhiều vấn đề mới nảy sinh.

Theo GLHTCG số 2390, “các hành vi như tự do sống chung, sống thử, quan hệ trước hôn nhân,… xúc phạm phẩm giá của hôn nhân, nghịch với luật luân lý, là một tội trọng và không được hiệp thông các bí tích” [15, tr. 668]. Tuy nhiên, việc có thai trước khi kết hôn thường nằm ngoài ý muốn của đương sự, trở thành “việc đã rồi”, nên Giáo hội - vốn coi mình như người “mẹ hiền”, không thể chỉ biết lên án hoặc bỏ mặc các trường hợp này. Điều này đặt ra cho giới bản quyền của Giáo hội cần có giải pháp đặc thù để giúp các trường hợp này có thể hoàn thành các điều kiện và thủ tục để kết hôn, để các cuộc hôn nhân này, dù khởi đầu từ những lỗi lầm thì cũng được nên trọn vẹn.

Về mặt lý thuyết, đơn nhất và bất khả phân ly là đặc thù của hôn nhân Công giáo. Bởi vì, con người không được tháo gỡ điều mà Thiên Chúa đã nối kết. Nhưng trên thực tế, các vị mục tử phải luôn đương đầu với thực trạng người Công giáo ly dị và tái hôn. Về mặt giáo luật, những người này sống trong tình trạng tội nhân công khai, với hậu quả là không được xưng tội và lĩnh Bí tích Thánh thể. Nhưng về mặt tình cảm, có nên để họ suốt đời sống xa Chúa và Giáo hội hay không? Theo Giáo hoàng Francis: “Không những họ không nên tự coi mình như bị tuyệt thông, mà họ còn cần được sống và lớn mạnh như các chi thể sống động của Giáo hội, cảm nghiệm Giáo hội như mẹ hiền vẫn đang đồng hành với họ, săn sóc họ một cách âu yếm, và khích lệ họ trên đường đời và đường Tin mừng” (Tông huấn Amoris Leatitia, số 299) [10]. Tuy vậy, cho tới nay, giải pháp thường được áp dụng là cố gắng tìm cách tuyên bố giá thú thứ nhất vô hiệu (vì mắc ngăn trở tiêu hôn, thiếu sự ưng thuận, hoặc không tuân theo thể thức). Giải pháp khác là khuyên nhủ họ vẫn chấp nhận sống với nhau. Vậy đâu là giải pháp tốt nhất cho những bế tắc trong hôn nhân? Đây là vấn đề vẫn còn mở ngỏ và là câu hỏi khó cho Giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 82 - 107)