Khó khăn trong việc lãnh nhận bí tích Hôn phối và tình trạng sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 52 - 59)

sống thử, quan hệ trƣớc hôn nhân

2.3.1. Khó khăn trong việc lãnh nhận bí tích Hôn phối

Theo giáo lý Công giáo, việc thực hiện nghi thức Hôn phối là điều bắt buộc đối với những người Công giáo muốn kết hôn. Để được lãnh nhận bí tích này, hai người phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Đều đã được rửa

tội, tự do kết hôn, phải học giáo lý hôn nhân, thực hiện các nghi lễ theo quy định của Giáo hội,…

Căn cứ theo quy định của Tòa Tổng giám mục Hà Nội về việc học giáo lý hôn nhân [29], ở giáo xứ Bình Hải thường tổ chức một năm 2 lớp giáo lý hôn nhân, hoặc khi tập hợp đủ một số lượng học viên cần thiết. Ngoài việc hoàn thành khóa học giáo lý, các bạn trẻ còn phải học thuộc các bài kinh cơ bản. Khi các thủ tục đã hoàn thành, lễ cưới sẽ được thực hiện sau đó ít nhất 3 tuần. Trong khoảng thời gian 3 tuần, cha xứ sẽ làm tờ rao hôn phối và rao (công bố) trong 3 thánh lễ Chúa nhật ở giáo xứ mỗi bên.

Việc học giáo lý hôn nhân không chỉ giúp trang bị kiến thức hôn nhân gia đình cho các bạn trẻ mà còn là việc bắt buộc. Tuy nhiên, việc hoàn thành khóa học này là điều không hề dễ dàng đối với nhiều bạn trẻ. Mỗi khóa học ở Bình Hải thường diễn ra trong ba tháng, tức là 12 tuần, mỗi tuần 3 buổi, tổng cộng là 36 buổi. Nếu trường hợp nào nghỉ quá 2 buổi thì coi như bị loại. Được biết, không có nhiều bạn có thể theo học đầy đủ 36 buổi này. Bởi vì những bạn theo học lớp này đều đã ở tuổi đi làm. Do bận bịu công việc hoặc do yêu cầu chuyển địa điểm làm việc, nhiều bạn đành bỏ dở khóa học. Anh Lê Văn C hiện đang học một khóa Giáo lý Hôn nhân tại Bình Hải cho biết:

“Mình học lần này là lần thứ ba rồi đấy. Nhưng hai lần trước đang học dở thì mình lại đi làm ăn ở xa nên đành bỏ. Lần này chả biết thế nào; học được 4 tuần rồi đấy. Mình cũng đang cố đây”. Anh C cho biết thêm: “Mình thấy học 3 tháng lâu quá. Mà cha xứ bắt học nghiêm túc lắm, chỉ cần nghỉ quá 2 buổi là cha cho nghỉ hẳn luôn. Kể cả đi muộn quá 10 phút là cha cũng ghi sổ”

(Phỏng vấn anh Lê Văn C, 30 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, lao động tự do). Ngoài việc theo học đầy đủ, các cha xứ còn đặt thêm những yêu cầu khác như học viên phải thường xuyên đi tham dự thánh lễ, mỗi buổi đều có điểm danh. Còn đối với những trường hợp “tân tòng”, tức là người ngoài Công giáo nhưng trở lại đạo để được kết hôn, thì ngoài những khó khăn của những người “đạo gốc”, họ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu giáo lý, giáo

luật của Công giáo - điều mà trên thực tế một người Công giáo phải học từ nhỏ mới nắm được.

Sau khi được cấp chứng chỉ giáo lý Hôn nhân và hoàn thiện các thủ tục khác, đôi bạn trẻ sẽ được làm lễ cưới trong nhà thờ. Đây là giây phút mà các bạn trẻ chờ đợi nhất. Tuy vậy, việc thực hiện các nghi lễ Hôn phối cũng không phải là điều đơn giản đối với nhiều người.

Trước khi bước vào nghi lễ Hôn phối, cô dâu chủ rể và hai bên gia đình phải chuẩn bị hoa, lá, dây ruy-băng,… để trang trí nhà thờ. Thường thì sẽ có 1-2 lẵng hoa để trên bàn thờ; nếu gia đình có điều kiện thì sẽ gắn những khóm hoa nhỏ ở đầu các hàng ghế. Việc trang trí làm cho lễ cưới thêm phần trang trọng, lung linh, nhưng cũng là một yếu tố để người ta đánh giá về gia đình. Vì thế, nhiều gia đình dù không có điều kiện nhưng ngày hôm đó cũng cố gắng “vung tay quá trán” để cho được “mát mặt” với bà con làng xóm.

Khi thực hiện các nghi lễ Hôn phối, yếu tố tâm lý rất quan trọng bởi khi đó đôi bạn trẻ đứng trước đám đông cộng đoàn, nếu tâm lý không vững vàng dễ dẫn đến việc thực hiện sai các nghi thức.

Ngoài những khó khăn trên đây, trong thánh lễ hôn phối ở Bình Hải có một số tiết mục bị cho là rườm rà, gây tốn kém cho gia đình tân hôn, như tiết mục dâng của lễ sau khi nghi thức Hôn phối kết thúc. Để có được một lễ cưới ở nhà thờ, gia đình tân hôn đã phải chuẩn bị rất nhiều, từ thuê trang phục, trang điểm cho đến hoa lá trang trí trong nhà thờ,… tốn kém cũng không ít; mấy năm trước ở Bình Hải lại nảy sinh thêm tiết mục dâng của lễ. Mỗi bộ đồ lễ bao gồm rượu nho, bánh miến, hoa quả,… thường mất tiền triệu. Về vấn đề này, một người có con mới cưới cho biết: “Mặc dù tự nguyện, nhưng vì ở nông thôn thường có tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” và hay thích bàn luận, bình phẩm, cho nên gia tôi chẳng khá giả gì cũng phải tự động viên mình “thôi thì đời người chỉ cưới có một lần” và cố làm cho bằng anh bằng em, không người ta cười.” (Phỏng vấn ông Lê Văn L, 56 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, làm nông nghiệp). Vấn đề là “Thiên Chúa cần thiện tâm chứ không

cần lễ tế”, thành ra việc dâng của lễ ở đây mang nặng tính hình thức. Được biết, để tránh gây khó xử cho các gia đình, ở nhiều giáo xứ trong vùng không thực hiện tiết mục này, kể cả khi gia đình đề xuất.

Những khó khăn trong việc theo học lớp giáo lý Hôn nhân làm cho một số bạn trẻ chán nản; nhất là khi chưa có người yêu thì hầu như họ không có động lực để đi học. Cho nên mới có nhiều trường hợp thanh niên ở Bình Hải dù học đi học lại đến 2 - 3 lần mà vẫn chưa lấy được vợ. Thời gian học kéo dài cũng làm cho nhiều người sốt ruột, từ đó tìm đến các cách thức “cấp tốc” càng làm cho việc học giáo lý Hôn nhân trở thành việc “cưỡi ngựa xem hoa”, học cốt cho có chứng chỉ. Thực sự ai cũng biết, học một nghề theo trường lớp cũng phải hai, ba hoặc bốn năm với chương trình đào tạo cao đẳng hay đại học. Thế mà nhiều bạn trẻ Công giáo lại muốn học hôn nhân và dự tòng theo kiểu cấp tốc. Theo quan điểm của nhiều bậc phụ huynh, hệ quả là cấp tốc đến thì cũng cấp tốc đi, cấp tốc yêu nhau rồi cũng cấp tốc bỏ nhau. Sức kháng cự của những gia đình theo kiểu “cấp tốc” này thường yếu hơn so với các gia đình học hành tử tế.

Ngoài ra, tính trọng danh, trọng hình thức ít nhiều làm cho một số lễ cưới hiện nay bị giảm đi tính thiêng liêng. Tính hình thức làm cho việc trang hoàng nhà thờ trong ngày lễ cưới, việc cố gắng thực hiện tốt các nghi lễ,… dường như để vừa lòng những người xung quanh hơn là thể hiện lòng cung kính với Thiên Chúa. Nhiều bạn trẻ “yếu tim” coi việc thực hiện các nghi lễ cốt cho trôi chảy để người ta khỏi chê cười hơn là một hành vi của đức tin. Khi ấy, bí tích hôn phối có nguy cơ bị biến thành “một thứ lễ mừng xã hội hay thế tục nhằm thỏa mãn nhu cầu phô trương tự hào của các người thành hôn, hay của gia đình, bà con và bạn hữu họ” [46].

2.3.2. Tình trạng sống thử và quan hệ trước hôn nhân

“Sống thử” là khái niệm thường được báo chí, đặc biệt là báo mạng sử dụng để nói về hiện tượng những đôi nam nữ sống chung với nhau như vợ

chồng nhưng không đăng ký kết hôn. “Sống thử” - theo ngôn ngữ dân gian là “góp gạo thổi cơm chung”, còncác nguồn hàn lâm (như nghiên cứu khoa học, luật pháp...) thì gọi hiện tượng này là “chung sống phi hôn nhân” [52]. So với những cặp vợ chồng thực thụ, “sống thử” hay chung sống phi hôn nhân không được pháp luật cũng như xã hội thừa nhận. Quan hệ trước hôn nhân được hiểu là quan hệ tình dục của những đôi trai gái trước khi họ kết hôn với nhau. Như một hệ quả kéo theo của việc sống thử, hầu hết các trường hợp sống thử đều dẫn đến quan hệ tình dục trước hôn nhân. Có thể nói, tính dục xuất phát từ chính bản chất tự nhiên của con người, tuy nhiên, trong đa số các nền văn hóa, tính dục được coi là vấn đề nhạy cảm. Ở Việt Nam trước đây, vấn đề sống thử, quan hệ trước hôn nhân bị coi là điều cấm kỵ. Ngày nay, mặc dù dư luận xã hội đã bớt khắt khe hơn, nhưng nhìn chung, đây vẫn bị coi là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt ở vùng các nông thôn vốn coi trọng “thuần phong mỹ tục”. Vấn đề sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân, nói rộng hơn là vấn đề tính dục được Giáo hội Công giáo rất quan tâm. Nhìn chung, Công giáo không đề cao tính dục nhưng tôn trọng nó như một món quà mà Thiên Chúa ban cho con người. Công giáo luôn cố gắng triệt tiêu mặt trần tục, tầm thường của tính dục và hướng nó đến những giá trị thiêng liêng. Theo quan điểm của Giáo hội, tính dục chỉ được chấp nhận trong hôn nhân. Do đó, các hành vi như tự do sống chung, sống thử, quan hệ trước hôn nhân,… xúc phạm phẩm giá của hôn nhân, nghịch với luật luân lý, là một tội trọng và không được hiệp thông các bí tích (GLHTCG số 2390) [15, tr. 668].

Người Công giáo chịu rất nhiều ràng buộc về luân lý, đạo đức cũng như giáo luật của Giáo hội về vấn đề quan hệ trước hôn nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng sống chung - sống thử dường như trở thành một “trào lưu” trong giới trẻ, nhất là sinh viên, thì những bạn trẻ Công giáo cũng không phải là những trường hợp “chống chỉ định”.

Do không muốn tiết lộ bí mật đời tư, đặc biệt là những vấn đề quá nhạy cảm, tế nhị cho nên việc khai thác những thông tin về tình trạng sống chung,

sống thử, quan hệ trước hôn nhân của họ là rất khó. Thường thì, người ta sẽ thoải mái hơn khi nói về chuyện của họ trong bối cảnh “sự đã rồi”, tức là vấn đề đã được giải quyết xong xuôi. Những kết quả nghiên cứu thu được chủ yếu do sự “tiết lộ” từ những người xung quanh, từ những người hàng xóm láng giềng của “đối tượng”.

Trò chuyện với chị Trần Thị T, chị đã “điểm danh” 6 trường hợp con ông ý bà nọ đã có bầu trước khi kết hôn. Chị gọi các trường hợp ấy là “ăn cơm trước kẻng”. Trong số 6 trường hợp trên, có 2 trường hợp chị “nghe nói” là hai bạn trẻ đã sống với nhau trước khi bạn gái có thai. Khi được hỏi tại sao chị biết các bạn ấy đã từng sống chung, chị cho biết: “Tự nhiên thì làm sao biết được hả em. Nếu chúng nó có ở với nhau thì chúng nó cũng phải giấu chứ, làm sao để cho ai biết. Nhưng đến lúc có bầu là không giấu được nữa. Có bầu rồi chả lẽ sao, buộc phải báo cáo với bố mẹ thôi. Lúc đấy mới vỡ lở ra mọi người mới biết”. Chị T cho biết thêm: “Thấy bảo chúng nó học cùng lớp. Chắc cũng chơi thân với nhau. Hai năm đầu thì chúng nó vẫn ở với bạn bè bình thường, đến cuối năm thứ ba thì hai đứa thuê phòng ở chung với nhau. Chẳng ai biết”. Khi được hỏi rằng các bạn ấy có sợ người nhà biết chuyện không, chị T cho biết: “Chắc là sợ chứ em. Chị nghe mẹ thằng H bảo là „Thảo nào mấy lần tôi định lên chơi mà nó không muốn cho mình lên. Thì ra là chúng nó ăn ở với nhau‟”. (Phỏng vấn chị Trần Thị T, 40 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, làm công nhân).

Hỏi chuyện một bạn tên Trần Văn B, hiện đang là sinh viên đại học năm thứ 4, sau một hồi “rào trước đón sau”, bạn tiết lộ rằng:“Em có đứa bạn học cùng cấp hai ngày xưa. Em biết nó có bạn gái, mấy lần bạn bè đi chơi nó cũng dẫn bạn gái theo. Em không biết thế nào nhưng mấy lần em đến phòng nó chơi đều thấy bạn gái nó ở đấy, rồi nấu cơn ăn. Thực ra thì em cũng không chắc nhưng đoán là hai bạn ấy ở với nhau rồi”. Khi được hỏi rằng bố mẹ bạn ấy có biết bạn ấy sống chung với bạn gái không, bạn này cho biết: “Chắc là

không đâu anh ạ. Bố mẹ nó mà biết thì chết. Em là bạn thân của nó mà em còn không biết thì bố mẹ nó làm sao biết được. Với lại em cũng đoán thế thôi. Có thể là các bạn ấy chỉ ở tạm với nhau một thời gian thôi”.

Những trường hợp sống chung - sống thử mà chúng tôi tìm hiểu được thì hầu hết đều là sinh viên các trường đại học cao đẳng. Bạn B cho biết thêm:

“Nói về sống chung - sống thử thì bây giờ có gì là lạ hả anh. Các bạn cùng lớp em chúng nó sống chung đầy. Nhiều đứa công khai, bạn bè ai cũng biết. Ngay trong xóm trọ của em có 6 phòng mà có đến 4 phòng ở chung”. Khi được hỏi rằng bạn có thấy nhiều bạn là người Công giáo mà sống chung như vậy không, bạn B cho biết: “Em không tìm hiểu nên không biết lắm. Ở Bình Hải em cũng biết một số trường hợp, chủ yếu là nghe người lớn kể. Em nghĩ người Công giáo thì ít thôi vì Công giáo có nhiều điều ngăn cấm, người ta sợ tội”. (Phỏng vấn anh Trần Văn B, 22 tuổi, giáo dân Bình Hải, sinh viên đại học tại Hà Nội)

Như vậy, có thể thấy, trong những năm gần đây, tình trạng những bạn trẻ Công giáo tự do sống chung, sống thử, quan hệ trước hôn nhân rồi dẫn đến có thai ngoài ý muốn không còn là hiếm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những “đối tác” đồng ý sống chung - sống thử với một bạn trẻ Công giáo thường là người ngoài đạo, tức không phải là người Công giáo. Bởi lẽ những người không Công giáo thường chịu ít ràng buộc hơn, nhất là không bị ràng buộc bởi những giáo luật của Công giáo; quan niệm về tính dục của họ thường tự do hơn người Công giáo.

Ngoài các trường hợp tự do sống chung khi chưa xác định việc thành hôn, còn có những trường hợp sống chung của những đôi bạn trẻ đang trong giai đoạn chuẩn bị cưới. Một người tâm sự: “Trước ngày cưới khoảng một tháng thì bọn anh dọn về ở với nhau. Đàng nào mình cũng quyết định cưới nhau rồi, lại sắp tổ chức đám cưới nên nhiều việc lắm. Bọn anh về ở với nhau luôn cho tiện”. Tuy nhiên, người này cũng cho rằng: “Còn nhiều trường hợp

chưa đâu vào đâu [tức là chưa có thủ tục hay lễ nghi chính thức nào - VVĐ]

mà đã về ở với nhau thì không nên”. (Phỏng vấn anh Trần Văn M, 32 tuổi, giáo dân Bình Hải, làm kỹ sư tại Hà Nội).

Như trên đã đề cập, vấn đề sống chung - sống thử thường kéo theo vấn đề quan hệ trước hôn nhân. Có lẽ không quá khi nói rằng, đối với những trường hợp sống chung - sống thử thì việc quan hệ tình dục là điều tất yếu. Bên cạnh đó, nếu việc sống thử bị coi là dễ bị “lộ” thì việc quan hệ trước hôn nhân do khó bị phát hiện hơn nên do đó cũng phổ biến hơn.

Một hậu quả được coi là nghiêm trọng nhưng không phải là hiếm xuất phát từ việc sống thử và quan hệ trước hôn nhân đó là mang thai ngoài ý muốn. Vì thế, những gia đình nào có con cái “ăn cơm trước kẻng” đều coi đó là một chuyện “tày đình”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có trường hợp vì con cái “chưa chồng mà chửa” nên cha mẹ không còn thường xuyên đến nhà thờ; cả tuần chỉ dám đi lễ ngày chủ nhật và không dám vào nhà thờ vì xấu hổ với cộng đoàn. Không chỉ “con dại cái mang”, chính những bạn trẻ đó cũng ít khi trở về làng, nhất là trong khoảng một năm đầu sau “sự cố”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 52 - 59)