Thách thức trong việc duy trì tính bền vững của hôn nhân Công giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 59 - 70)

giáo và vấn đề hôn nhân khác tôn giáo

2.4.1. Thách thức trong việc duy trì tính bền vững của hôn nhân Công

giáo

* Một số khái niệm

Tính bền vững của hôn nhân Công giáo đã và đang đứng trước những thách thức của tình trạng ly dị, ly thân, tái hôn và tình trạng ngoại tình.

Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Trên thế giới, ngoài Philippines và Vatican là các quốc gia Công giáo không có quy định tố tụng dân sự về ly hôn, cho đến nay, hầu hết các nước trên thế giới ngày nay đều có luật cho phép ly dị. Gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất

hiện khái niệm Ly hôn xanh để chỉ những cuộc hôn nhân sớm nở tối tàn, kết thúc nhanh trong 5 năm sau đám cưới, khi cả vợ lẫn chồng còn đang rất trẻ.

Ly thân là khái niệm chỉ tình trạng của hai người vẫn là vợ chồng trên phương diện pháp lý nhưng trên thực tế họ không còn chung sống như vợ chồng. Tái hôn ở đây được hiểu là việc một người nào đó đã ly hôn mà nay muốn kết hôn với người khác. Ngoại tình (dân gian gọi là bồ bịch, gian dâm,…) là khái niệm đề cập đến việc một người đã kết hôn nhưng có hành vi tình dục với người khác không phải là vợ hoặc chồng của họ.

* Lập trường của Giáo hội Công giáo

Về ly hôn: Công giáo luôn mạnh mẽ chống lại sự phân ly, ly dị vợ chồng, coi đây là là sự vi phạm nặng nề đối với giao ước đã được hai vợ chồng tự do ký kết trước Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì những lý do chính đáng khiến hai vợ chồng không thể tiếp tục chung sống (như: ngoại tình, bạo lực gia đình, đời sống chung trở nên quá cơ cực, không thể chịu đựng nổi,..), giáo quyền có thể chấp nhận cho họ ly thân. Tuy nhiên, họ vẫn là vợ chồng của nhau trước mặt Thiên Chúa. Trong một số trường hợp đặc biệt khác, cấp có thẩm quyền trong Giáo hội sẽ tuyên bố một cuộc hôn nhân nào đó không thành sự, hai người không còn là vợ chồng theo giáo luật.

Về vấn đề tái hôn: Theo luật Công giáo, một người chỉ có thể tái hôn sau khi người vợ hoặc chồng của mình đã qua đời cách tự nhiên. Nếu người nào đó kết hôn với người khác trong khi người vợ (hoặc chồng) cũ của mình còn sống thì điều đó đồng nghĩa với tội ngoại tình.

Về vấn đề ngoại tình: Theo luật của Giáo hội Công giáo, khi hai người nam nữ có quan hệ tình dục với nhau, dù là nhất thời mà trong đó có ít nhất một người đã kết hôn, thì cả hai đều phạm tội ngoại tình. Ngoại tình làm tổn hại đến dây liên kết hôn nhân là dấu chỉ của giao ước trước Thiên Chúa, vi phạm quyền của người phối ngẫu và xâm phạm định chế hôn nhân khi lỗi phạm hôn ước. [34, tr. 77-78].

* Nhận diện những thách thức trong việc duy trì tính bền vững của hôn nhân Công giáo

Tình trạng ly dị và tái hôn

Có rất ít số liệu thống kê của các giáo phận về các trường hợp ly thân, ly dị, tái hôn dân sự của các gia đình Công giáo khiến các giáo hữu khó hình dung về sự tan vỡ trong các gia đình Công giáo. Tuy nhiên trong cuộc sống đời thường nơi các họ đạo, người giáo hữu có thể nhận diện phần nào hiện trạng các gia đình đang trong tình cảnh rối về hôn nhân. Ở giáo xứ Bình Hải, khoảng 10 năm trở về trước không có trường hợp nào ly hôn. Nhưng trong mấy năm trở lại đây xuất hiện 2 trường hợp. Hai trường hợp ly hôn này đều có đặc điểm chung là: Thứ nhất, lấy người ngoài Công giáo, sau một thời gian chung sống không hợp, người kia bỏ đi; Thứ hai, đều ly hôn một thời gian ngắn sau khi cưới, tức đều là “ly hôn xanh”, trong đó có 1 trường hợp mới kết hôn được khoảng 6 tháng; Thứ ba, cả hai trường hợp này sau khi ly hôn (theo tòa đời) đều đã kết hôn với người khác.

Tình trạng ngoại tình

Phải khẳng định rằng tình trạng ngoại tình không phổ biến nơi người Công giáo nhưng không phải là không có. Những thông tin mà chúng tôi thu được chủ yếu qua các cuộc trò chuyện thân mật với một vài người. Khi tiết lộ rằng ở Bình Hải có một số trường hợp ngoại tình bị bắt quả tang, một bà cho biết: “Bình thường thì làm sao mà biết được. Chỉ khi nhà họ cãi nhau thì mới lộ ra, hàng xóm mới biết. Mấy tháng trước trong xóm có vụ hai vợ chồng trẻ cãi nhau ầm ĩ. Lúc hỏi ra thì mới biết là lúc làm trên thành phố thì chị vợ có bồ. Dạo này thấy im im, không biết thế nào rồi. Người ta hay đi làm ăn xa nên mình cũng không biết”. Nói về hai trường hợp ly dị - tái hôn, bà cho biết:

“Thấy bảo là trước khi cưới nhau thì anh kia đã có người yêu rồi mà không biết làm sao không lấy cô đấy lại lấy chị này. Anh này có vợ rồi nhưng vẫn còn liên hệ với cô người yêu cũ. Là bạn bè hay là gì thì không biết. Lúc chị vợ

biết được thì không chịu nổi nên bỏ đi” (Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Đ, 58 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, làm nông nghiệp).

Đấy là những trường hợp bị coi là “có bồ” và bị phát hiện, còn những trường hợp không phải là có bồ mà chỉ là “đi tìm của lạ” thì chắc chắn nhiều hơn. Theo nhìn nhận của người dân nơi đây thì họ cho rằng người đàn ông thường có nguy cơ ngoại tình nhiều hơn nữ, bởi vì: thứ nhất, “bây giờ nhà nghỉ, dịch vụ nhiều, chỉ cần sang bên Hải Thịnh [một bãi biển đẹp của tỉnh nam Định - VVĐ] thôi là tha hồ mà chọn”; thứ hai, “các ông ý có đi chỗ nọ chỗ kia [cách nói tránh, chỉ việc quan hệ tình dục ngoài hôn nhân - VVĐ], nhất là vào nhà nghỉ thì cũng không để lại hậu quả, chứ phụ nữ mà dại dột thì dễ dính bầu lắm, lúc đấy thì khổ” (Phỏng vấn bà Vũ Thị L, 48 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, lao động tự do). Thông thường, nam giới có nguy cơ “quan hệ ngoài luồng” khi đi làm ăn xa nhà hoặc trong thời gian vợ ở cữ. Khi được hỏi rằng chị nghĩ gì về chuyện đó, câu trả lời là: “Biết là các ông ý thiếu thốn nhưng không thể chấp nhận được. Như chồng tôi mà vậy thì tôi chỉ có đuổi ra khỏi nhà (cười)(Phỏng vấn bà Vũ Thị L, 48 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, lao động tự do).

* Hệ quả

Việc vợ chồng ly dị gây ra những hậu quả cho chính những người ly hôn, cho con cái của họ và cho xã hội. Theo quan điểm của Giáo hội: “Ly dị cũng tỏ ra vô luân do những xáo trộn nó gây nên trong gia đình và ngoài xã hội. Sự xáo trộn này kéo theo những tổn thương nghiêm trọng đối với người phối ngẫu bị bỏ rơi, đối với con cái bị chấn thương bởi sự chia ly của cha mẹ, và đau khổ không biết theo cha hay theo mẹ” (GLHTCG số 2385) [15, tr. 667].

Đối với chính những người ly hôn, ly hôn là một trong những mất mát lớn nhất trong cuộc sống của mỗi người đã trưởng thành. Quá trình thích nghi sau ly hôn thường đặc biệt khó khăn và dài. Cuộc ly hôn của hai vợ chồng càng bất ngờ và đột ngột thì thích nghi càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể đến

việc họ luôn đối diên với cái nhìn nghi ngại từ cộng đồng, uy tín cũng như vị thế cá nhân vì thế mà giảm sút.

Đối với con cái, việc cha mẹ ly dị tạo cho đứa trẻ một tâm trạng bất an, và nẩy sinh sự căm thù. Nghiên cứu của các nhà tâm lý cho thấy rằng, con cái của những cha mẹ ly dị sau này khi lập gia đình có xác xuất ly dị cao hơn so với con cái của các cha mẹ không ly dị. Nói về hai trường hợp ly hôn ở giáo xứ Bình Hải, một người cho biết: “Cũng may mà chúng nó bỏ nhau khi chưa có con, chứ có con rồi mà bỏ nhau thì con cái chỉ có khổ” (Phỏng vấn bà Vũ Thị L, 48 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, lao động tự do).

Đối với xã hội, ly hôn gây ra trong quần chúng quan niệm ly hôn là dễ dàng, điều đó làm tăng các cuộc kết hôn vội vàng và làm cho người ta không có thiện chí cộng tác cùng nhau để giải quyết các xung đột của gia đình. Nói theo cách của một giáo dân ở Bình Hải, việc ly hôn của các cặp vợ chồng ở đây tạo nên một tiền lệ xấu, trở thành “gương mù gương xấu” cho những người trẻ hôm nay. Tuy nhiên, với một cách nhìn khác, ly hôn không phải hoàn toàn tiêu cực khi giúp đã giải phóng cho các cặp vợ chồng, trước hết là phụ nữ. Đối với những mối quan hệ vợ chồng không thể tránh khỏi sự tan vỡ, Giáo hoàng Phanxicô cho rằng, trong một số trường hợp, ly hôn là cần thiết về mặt đạo đức nhằm cứu lấy người yếu thế và trẻ em khỏi những tổn thương nghiêm trọng hơn do bạo lực, đe dọa,... và từ sự thơ ơ [39].

2.4.2. Thách thức trong vấn đề hôn nhân khác tôn giáo * Khái niệm hôn nhân khác tôn giáo

Hiểu một cách khái quát, hôn nhân khác tôn giáo (hôn nhân khác đạo) là hôn nhân giữa những người theo các tôn giáo khác nhau. Ở Việt Nam, hôn nhân khác tôn giáo cũng có thể hiểu là hôn nhân giữa tín đồ của một tôn giáo với một người không theo tôn giáo. Trong nghiên cứu này, chúng tôi hiểu hôn nhân khác tôn giáo là hôn nhân giữa một người Công giáo và một người không được rửa tội.

* Lập trường của Giáo hội Công giáo về hôn nhân khác tôn giáo

Hiện nay, dư luận xã hội còn nhiều băn khoăn, nói đúng hơn là hiểu lầm rằng muốn kết hôn với người Công giáo thì bắt buộc phải trở lại đạo. Não trạng phổ biến này khiến cho nhiều đôi bạn trẻ rất phân vân khi đã “lỡ” yêu một người Công giáo. Có thể hiểu lập trường của Giáo hội Công giáo về vấn đề này như sau:

Trước kia, Công giáo thường có khuynh hướng bắt buộc những người ngoại đạo phải gia nhập đạo Công giáo (Công giáo gọi là “trở lại đạo”) thì mới được kết hôn với người Công giáo. Nhưng quan điểm đó đã thay đổi. Ngày nay, việc bắt buộc theo Công giáo đã chuyển sang trạng thái là khuyến khích, đồng thời cho phép những cuộc hôn nhân khác đạo được thực hiện theo hướng “đạo ai người nấy giữ”. Nếu một người Công giáo kết hôn với một người không Công giáo mà người kia không trở lại đạo thì hôn nhân của hai người cần có phép chuẩn rõ ràng của giáo quyền. Phép chuẩn hay miễn chuẩn là sự nới lỏng một luật thuần túy của Giáo hội trong một trường hợp đặc biệt khi luật đó trở nên nặng nề cho tín hữu. Khi được phép chuẩn để kết hôn với người ngoài đạo, bên Công giáo phải cam kết giữ đức tin của mình, bảo đảm cho con cái cũng được theo đạo Công giáo và được học hành giáo lý, giáo luật của Công giáo từ nhỏ (GLHTCG số 1635) [15, tr. 486].

* Tình hình hôn nhân khác tôn giáo ở giáo xứ Bình Hải hiện nay

Trong bối cảnh người Công giáo chỉ là một thiểu số trong cộng đồng, hơn nữa người Công giáo ngày nay không quẩn quanh trong lũy tre làng nữa mà đi “tứ phương thiên hạ” để học lập, lao động,… do đó, việc người Công giáo kết hôn với người ngoài Công giáo không còn là điều xa lạ trong xã hội.

Theo thống kê tại Bảng 2.1, số vụ hôn nhân khác tôn giáo chiếm 38,5% năm 2017 và trên 53% năm 2018. Như vậy, số cuộc hôn nhân khác tôn giáo tại giáo xứ Bình Hải có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Trong số các cuộc hôn nhân khác đạo trên, có 02 trường hợp năm 2017 và 03 trường

hợp năm 2018 kết hôn thông qua phép chuẩn vì người ngoại đạo không gia nhập đạo Công giáo (không trở lại đạo).

Như trên đã trình bày, trong 6 trường hợp “ăn cơm trước kẻng” mà chị Trần Thị T kể cho tôi thì tất cả đều là hôn nhân khác đạo, nghĩa là một người Công giáo yêu và kết hôn với một người ngoài Công giáo. Chị T cho biết thêm: “Để mà kể ra những trường hợp người Công giáo lấy người Công giáo có khi còn khó hơn là những trường hợp lấy người ngoại đạo. Chị thấy bây giờ các em - những đứa mà đi học hành hoặc đi làm ăn xa toàn dẫn người yêu ở mãi đâu về, mà chả mấy đứa có đạo”. Trong câu chuyện của mình, chị kể cho tôi có đến chục trường hợp kết hôn với người ngoại đạo trong mấy năm gần đây. Đáng chú ý là, trong số những trường hợp đó có cả những trường hợp là con cháu ông bà quản là những người chuyên chăm lo việc kinh, lễ trong nhà thờ. Bên cạnh đó có những bạn trẻ, khi còn ở nhà thì nổi tiếng là ngoan đạo, rất chăm chỉ đi lễ, nhà thờ nhưng cuối cùng cũng lấy “người đi lương” (cách người Công giáo gọi những người ngoài Công giáo). Đặc biệt, có trường hợp một anh kia khi còn ở nhà thì không chỉ ngoan đạo mà còn có chí hướng đi tu (tức là đi làm linh mục, tu sĩ) nhưng sau này khi lấy vợ thì anh cũng lấy một người ngoại đạo.

Chị T còn cho biết: “Nhiều gia đình cứ như thành truyền thống, mấy anh em đều lấy người ngoại đạo. Đấy, như nhà bà Đ có ba người con mà 2 đứa lấy vợ đi lương. May mà đứa con gái lấy được người đi đạo. Nghe đâu hai đứa nó yêu nhau từ thời còn học cấp ba chứ nếu không thì chắc lại lấy người ngoại đạo”. (Phỏng vấn chị Trần Thị T, 40 tuổi, giáo dân tại Bình Hải, làm công nhân).

Cũng nói về vấn đề này, một giáo chức cho biết: “Mới 5, 7 năm nay mới nhiều vậy chứ trước có đâu. Bây giờ bọn trẻ đi làm ăn xa rồi gặp đâu lấy đấy”. Người này còn cho biết thêm: “Ở Bình Hải còn ít đấy, chứ ở nhiều nơi khác, như trên giáo xứ Giáp Phú, bọn trẻ toàn lấy người đi lương. Cứ như thể

nó thành phong trào” (Phỏng vấn bà Trần Thị S, 63 tuổi, giáo chức tại Bình Hải, làm nông nghiệp).

Như vậy, có thể thấy, chỉ trong khoảng gần chục năm trở lại đây, vấn đề hôn nhân khác đạo không còn xa lạ, thậm chí ngày càng trở nên phổ biến ở các xứ đạo - làng Công giáo, trong đó có giáo xứ Bình Hải. Cần lưu ý rằng, mặc dù ngày nay giáo luật cho phép người Công giáo được kết hôn với người khác tôn giáo theo nguyên tắc đạo ai người đó giữ, nhưng việc này vẫn bị xem là “cấm kỵ” đối với nhiều người Công giáo lớn tuổi, nhất là ở các miền quê nơi mà dư luận xã hội có ảnh hưởng quan trọng. Có nhiều lý do khiến họ lo lắng: Thứ nhất, những người Công giáo lớn tuổi luôn lo lắng về những thách thức đối với tương lai gia đình con cái họ khi kết hôn với người ngoại đạo. Thứ hai, tâm lý sợ mất đạo, nhạt đạo khi con mình lấy người ngoại đạo, đó chẳng khác nào một canh bạc lớn; Thứ ba, sợ “mất mặt” với họ hàng, làng xóm rằng gia đình mình không đạo đức. Tuy nhiên, ngày nay cha mẹ ngày càng ít có khả năng can thiệp vào chuyện việc hôn nhân của con cái. “Trời không chịu đất, đất phải chịu trời” là kết quả thường thấy của “cuộc chiến” giữa cha mẹ và con cái. Về vấn đề này, một bạn trẻ Công giáo có vợ là người ngoại đạo cho biết: “Lúc mới nghe em kể chuyện, bố mẹ em giận lắm, phản đối kịch liệt, phân tích đủ các lý do. Nhưng sau em thuyết phục mãi rằng bạn em là người hiền lành và sẽ học giáo lý để trở lại đạo thì bố mẹ em mới xuôi. Thực ra là Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi (cười)” (Phỏng vấn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 59 - 70)