Những thủ tục, nghi lễ trong hôn nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 39 - 49)

2.1.1. Nghi lễ hôn nhân Công giáo

Hôn nhân là một bậc sống trong Giáo hội, là một trong bảy bí tích Công giáo. Bởi vậy, đối với bí tích Hôn phối, Giáo hội cũng có những thủ tục và lễ nghi nhằm diễn tả bản chất đích thực của giao ước hôn nhân, đồng thời giúp đôi tân hôn đón nhận dồi dào ơn sủng do bí tích Hôn phối mang lại. Cũng như ở các giáo xứ khác, ở giáo xứ Bình Hải, để đôi bạn trẻ được công nhận là vợ chồng theo luật Giáo hội, họ phải được lãnh nhận bí tích Hôn phối. Để được lãnh nhận bí tích này, đôi bạn trẻ phải đáp ứng những yêu cầu nhất định và thực hiện đầy đủ các nghi lễ bắt buộc.

* Điều kiện cử hành bí tích Hôn phối

Để lãnh nhận bí tích Hôn phối, đôi bạn cần hội đủ những điều kiện sau: Thứ nhất, người nam và người nữ phải được rửa tội theo nghi thức Công giáo, nghĩa là hai anh chị phải là người đồng đạo. Nếu một trong hai là người ngoại đạo thì thường phải học một lớp giáo lý tân tòng và được rửa tội.

Thứ hai, hai người tự do để kết hôn. Tự do ở các khía cạnh: Tự do về tinh thần: tự do kết hôn, không chịu sức ép nào từ bên ngoài (gia đình, người thân, các khoản khế ước, vay nợ...); Tự do về dân sự: không bị ràng buộc về mặt pháp lý hôn nhân dân sự (như đang có hôn thú với người khác) và pháp lý về độ tuổi dân sự theo luật pháp quốc gia (ở Việt Nam, nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên); Không bị vướng vào một hay nhiều “ngăn trở” theo quy định của Giáo luật.

Thứ ba, hai người phải đi đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân nơi cư trú và được cấp Giấy chứng nhận kết hôn.

Thứ tư, người nam và người nữ chưa lãnh nhận bí tích hôn phối lần nào, hoặc không còn bị ràng buộc bởi một bí tích hôn phối trước đó (khi chồng/vợ mình đã qua đời tự nhiên).

Thứ năm, đôi bạn trẻ phải học lớp giáo lý hôn nhân và gia đình. Ở giáo xứ Bình Hải, cha xứ thường tổ chức một năm 2 lớp giáo lý hôn nhân, hoặc khi tập hợp đủ một số lượng người cần thiết. Cha xứ thường trực tiếp lên lớp, hoặc có thể giao cho một dì dòng phụ trách. Mỗi lớp như vậy thường kéo dài khoảng ba tháng.

Việc học giáo lý hôn nhân rất quan trọng. Trước khi làm việc gì, muốn đạt kết quả thì người thực hiện phải có đủ kiến thức và trình độ chuyên môn về công việc sắp làm. Cũng vậy, muốn xây dựng được một gia đình hòa hợp hạnh phúc, đôi bạn trẻ cần được trang bị những kiến thức cần thiết. Nội dung khóa giáo lý hôn nhân gồm các đề tài liên quan đến kiến thức cơ bản về giáo lý công giáo và việc thực hành đức tin trong đời sống hôn nhân gia đình, về các phương cách duy trì và thăng tiến tình yêu vợ chồng, về việc “nuôi con khỏe dạy con ngoan” và về hôn lễ mà đôi tân hôn sẽ cử hành tại nhà thờ. Đặc biệt, các học viên sẽ được chỉ dạy về phương pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên dựa trên việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt.

Một điều cần lưu ý là, đối với những người trở lại đạo (gọi là tân tòng), việc học giáo lý cũng là một hành vi tự nguyện chứ không bị ép buộc. Nếu một người bị ép buộc theo đạo mà không có đức tin và không thực tâm theo thì phép rửa tội sẽ không thành sự. Do đó, nếu sau một thời gian học giáo lý mà học viên không thực lòng muốn theo, thể hiện qua việc không đến nhà thờ dự Thánh lễ Chúa Nhật, không cầu nguyện sớm tối, không thuộc các câu Lời Chúa quan trọng và các kinh thường đọc… thì không nên viết đơn xin gia nhập đạo, để tránh tình trạng chịu phép bí tích không thành, mà còn mắc tội phạm sự thánh nữa. Người ta cũng thường phê phán những người theo đạo thiếu thành tâm này như sau: “Sấp mình lạy Chúa Ba Ngôi; Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ!”

Bên cạnh việc học Giáo lý Hôn nhân, hai người cũng phải ôn lại những kinh cần thuộc (những kinh cơ bản đọc hàng ngày) để cha xứ có thể kiểm tra khi cần.

Sau khi đã đủ điều kiện và quyết định kết hôn, hai bên nam nữ cần đến gặp cha xứ bên nữ để trình diện. Cha xứ sẽ trao đổi, tư vấn và giúp anh chị làm tờ khai hôn phối, để biết anh chị có đúng là Kitô hữu không, có hiểu rõ ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, có biết rõ nhiệm vụ của vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu không. Cha xứ sẽ giúp anh chị học hoặc ôn lại giáo lý hôn nhân cũng như cách sống đức tin trong đời sống hôn nhân và gia đình. Việc chuẩn bị này là điều rất quan trọng để lời cam kết của hai anh chị trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước của anh chị có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài. Để giúp anh chị kết hôn thành sự và hợp pháp theo như luật của Giáo hội quy định, cha xứ cũng cần phải biết chắc hai anh chị không bị mắc ngăn trở nào. Nếu có, cha xứ sẽ giúp anh chị giải quyết. Ngoài ra, anh chị cũng cần được hướng dẫn để hiểu rõ ý nghĩa cũng như cách thức thực hiện các nghi thức khi cử hành bí tích Hôn phối. Nếu anh hoặc chị thuộc một giáo xứ khác thì phải trình giấy chứng nhận đã lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức.

Sau khi hai anh chị hoàn thành những thủ tục trên thì trình cho cha xứ bên gái biết. Ngài sẽ làm tờ rao hôn phối và rao trong ba thánh lễ Chúa nhật ở giáo xứ của mỗi bên. Cha xứ cũng có thể quyết định chỉ rao trong hai tuần, miễn là có lý do chính đáng và chắc chắn không có ngăn trở nào. Việc rao hôn phối tại mỗi bên để cho mọi người trong cộng đoàn biết, thêm lời cầu nguyện và xem xét có gì ngăn trở thì giải quyết trước hoặc trình báo với cha xứ, đồng thời cũng để ấn định lễ cưới.

Hai anh chị cũng cần chuẩn bị hai người làm chứng cho mình trong lễ cưới (nam làm chứng cho nam, nữ làm chứng cho nữ), thường là người trong họ của hai anh chị.

Sau khi hội đủ những yếu tố/điều kiện cần thiết, đôi bạn sẽ được lãnh nhận bí tích Hôn phối. Mục đích của nghi thức này được linh mục nói đến ngay trong lời mở đầu: “Anh chị thân mến, anh chị đến nhà thờ để tình yêu của anh chị được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội Thánh và cộng đồng dân Chúa. Thật vậy, Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc tình yêu này, và Chúa dùng bí tích đặc biệt làm cho anh chị luôn luôn trung tín với nhau, và đảm nhận những trách nhiệm của hôn nhân…”

* Nghi thức Hôn phối

Nghi thức hôn phối sẽ được cử hành trong nhà thờ, thường là nhà thờ giáo xứ bên nữ. Đối với người Công giáo, nhà thờ là nơi linh thiêng nhất đối với họ. Họ tin rằng lễ cưới được thực hiện tại đây sẽ được sự chứng kiến của Chúa. Chúa sẽ làm người chứng giám và che chở cho cuộc hôn nhân kết nối hai con chiên ngoan đạo của Người.

Nếu nghi thức hôn phối lồng ghép trong thánh lễ thì gọi là Thánh lễ Hôn phối; nếu không thì gọi là phép Hôn phối; tuy nhiên, ở Bình Hải, gần đây, hầu hết các đôi tân hôn đều cử hành bí tích Hôn phối của mình trong thánh lễ. Vì các bí tích đều liên quan trực tiếp đến Bí tích Thánh thể nên bình thường Bí tích Hôn phối phải được cử hành trong thánh lễ. Trong thánh lễ, người Công giáo tưởng niệm “Giao ước mới”, trong đó Đức Kitô kết hợp vĩnh viễn với Giáo hội là “hiền thê” được Ngài yêu mến và hiến thân để thánh hóa. Một nữ giáo dân mới kết hôn cho biết: “Tôi nghĩ bí tích Hôn phối được cử hành trong Thánh lễ rất thích hợp vì Thánh lễ chính là bằng chứng tình yêu Đức Kitô hiến thân cho Hội thánh. Hơn nữa, lễ cưới được tổ chức trong thánh lễ với đông đảo giáo dân tham dự cảm giác rất trang trọng” (Phỏng vấn chị Trần Thị N, 28 tuổi, giáo dân Bình Hải, công tác tại Hà Nội).

Trong ngày lễ cưới, bàn thờ được trang trí thêm hoa tươi và băng rôn với dòng chữ: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” hoặc “Thiên Chúa là tình yêu”. Hai hàng ghế ngồi của giáo dân được gắn hoa

hồng và dây ruy-băng. Chú rể thường mặc véc, thắt cà vạt, ngực cài hoa hồng; cô dâu thường mặc áo dài truyền thống màu đỏ/hồng hoặc vàng. Nhìn chung trang phục đôi tân hôn cần sang trọng nhưng phải lịch sự và kín đáo.

Chuẩn bị bước vào thánh lễ, đôi tân hôn cùng với gia đình và người thân xếp thành hai hàng ở cuối nhà thờ. Đôi tân hôn mỗi người cầm một cây nến cháy sáng, còn những người khác mỗi người cầm một bông hồng. Trên nền bài ca nhập lễ của ca đoàn, linh mục cùng với hai lễ sinh sẽ đi từ trên bàn thờ xuống và đón đôi tân hôn lên ngồi trên gian thánh (nơi linh mục cử hành thánh lễ).

Thánh lễ vẫn diễn ra bình thường nhưng lồng vào đó những nghi thức của bí tích Hôn phối.

Trong bài giảng lễ, linh mục thường nói về giá trị, ý nghĩa của hôn nhân Công giáo cùng với lời động viên, căn dặn đôi tân hôn. Bài giảng kết thúc, nghi thức Hôn phối được bắt đầu, hai anh chị được mời đứng trên gian thánh, hai người làm chứng đứng sau.

Nghi thức Hôn phối gồm ba phần:

Phần thứ nhất: Thẩm vấn đôi tân hôn

Vị linh mục (chủ tế) lúc này là người chứng hôn, người đại diện Thiên Chúa, sẽ lần lượt hỏi cô dâu và chú rể ba câu hỏi về sự tự do, về việc yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời và về việc đón nhận con cái. Về câu chữ thì mỗi nơi thường sử dụng một mẫu khác nhau, nhưng nội dung không thay đổi. Ở Bình Hải, cha xứ sẽ lần lượt hỏi đôi tân hôn các câu hỏi sau (ví dụ):

- Anh Tôma A và chị Maria B, anh chị có tự do và thực lòng đến đây, chứ có bị ép buộc, để kết hôn với nhau không?

Anh/chị thưa (thường bên nam thưa trước): Thưa, tự do.

- Khi chọn đời sống hôn nhân, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời không?

- Anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Thiên Chúa ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?

Anh/chị: Thưa, sẵn sàng.

Những câu hỏi này nhằm giúp đôi tân hôn chính thức xác nhận trước mặt Thiên Chúa mọi người rằng họ thực sự ý thức và trưởng thành khi quyết định kết hôn, nghĩa là có sự tự do để lấy nhau, chấp nhận ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là yêu thương và chung thủy với nhau, sẵn sàng đón nhận và giáo dục con cái.

Phần thứ hai: Trao đổi lời thề hứa

Đây là phần chủ yếu của bí tích Hôn phối. Đôi tân hôn sẽ trao đổi lời thề hứa nhận nhau là vợ chồng và cam kết trung thành với nhau suốt đời. Ở Bình Hải, đôi tân hôn đứng quay vào nhau, cầm lấy tay nhau và nói với nhau như sau (ví dụ):

Con là Tôma A, xin nhận em Maria B làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời con.

Bên nữ cũng nói lại như vậy. Sau khi hai bạn đã tự thề hứa với nhau, vị chủ tế kết luận: Xin Thiên Chúa đoái thương xác nhận sự ưng thuận mà anh chị đã tỏ bày trước Hội Thánh, và xin Người đổ tràn đầy ơn phúc cho anh chị. Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly.

Hai người thưa: Amen!

Phần thứ ba: Trao nhẫn cưới

Chủ tế làm phép (thánh hóa) nhẫn, sau đó anh chị trao nhẫn cho nhau, như dấu chỉ của tình yêu và lòng trung thành. Người Công giáo quan niệm chiếc nhẫn với hình vòng tròn là biểu tượng của sự trường tồn và vĩnh cửu. Chính vì vậy, nhẫn là vật không thể thiếu và được chú rể trao cho cô dâu như lời hứa hẹn họ sẽ sống trọn đời bên nhau. Trong lúc đó, hai người lần lượt xỏ nhẫn vào tay nhau (ngón thứ hai cạnh ngón út) và nói: Em (anh)…, em (anh)

hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của anh( em), nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Sau khi những nghi thức được tiến hành với sự đồng thuận của đôi tân hôn, trước sự chứng kiến (làm chứng) của người đại diện Thiên Chúa và cộng đoàn, vị linh mục sẽ tuyên bố bí tích Hôn phối đã hoàn tất, hai anh chị thực sự là vợ chồng. Cùng lúc đó, chuông nhà thờ vang lên rộn rã trong tiếng vỗ tay chúc mừng của cộng đoàn, báo hiệu một gia đình Công giáo mới đã được thiết lập. Cần lưu ý rằng, trong nghi lễ Hôn phối, người thực hiện nghi lễ là đôi tân hôn chứ không phải linh mục; linh mục chỉ có vai trò là chủ tế, là người thay mặt Thiên Chúa làm chứng cho giao ước mà đôi tân hôn thực hiện. Sau phần “Lời nguyện giáo dân”, ở Bình Hải thường có tiết mục “Dâng của lễ”. Gia đình hai bên chuẩn bị một ít đồ gồm bánh lễ, rượu nho, hoa quả,... coi như lễ vật của gia đình mới để dâng lên Thiên Chúa. Tiết mục này tùy vào gia đình, không bắt buộc.

Nghi thức Hôn phối kết thúc, thánh lễ tiếp tục. So với những thánh lễ thường, trong lễ cưới, những lời nguyện của vị linh mục được thêm vào lời cầu cho đôi tân hôn. Đặc biệt, trong lời chúc lành cuối lễ, vị linh mục thay lời cộng đoàn cầu nguyện cho đôi tân hôn được “đầy lòng yêu thương, biết ăn ở thuận hòa, được hồng phúc có con nối dõi tông đường, được bạn hữu mến thương giúp đỡ, và sống hòa hợp với mọi người”; nhưng cũng không quên nhắc nhở anh chị phải “trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa bằng cách luôn rộng lòng đón tiếp người khổ đau nghèo đói, trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian”.

Thánh lễ kết thúc, đôi tân hôn và gia đình hai bên thường ở lại chụp ảnh lưu niệm cùng cha xứ, sau đó hai anh chị và hai người làm chứng vào nhà xứ ký vào sổ hôn phối. Lễ cưới tại nhà thờ là một sự kiện quan trọng, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời đôi tân hôn. Trong ngày này, gia đình nhà gái thường chuẩn bị vài mâm cơm để cảm ơn anh em họ hàng đã tham dự lễ cưới của con cái họ.

2.1.2. Nghi lễ hôn nhân truyền thống

Đối với mỗi người dân Việt Nam thì cưới xin là một trong những việc lớn của đời người. Để tiến đến được hôn nhân, cô dâu chú rể phải được sự đồng ý của gia đình hai bên, đôi khi phải căn cứ theo hoàn cảnh hai nhà, cả hai gia đình đều phải phù hợp, “môn đăng hộ đối” thì đôi uyên ương mới được chúc phúc.

Trong ý thức của người Việt, lễ cưới giống như lời tuyên bố với tất cả mọi người về hôn ước của đôi uyên ương. Đây là dịp báo hỷ, là dịp để mọi người tiệc tùng, liên hoan, chia vui cùng cô dâu chú rể và hai nhà. Vì vậy lễ cưới có ý nghĩa rất thiêng liêng.

Theo tục lệ của người Việt xưa, việc lấy vợ, gả chồng là việc của cha mẹ, vậy con cái đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ tiến hành kén rể, kén dâu. Kén rể, kén dâu là một công việc tiền hôn lễ nhưng rất quan trọng. Trước hết là việc xem xét gia đình dự định trở thành thông gia xem thuộc loại gia đình như thế nào, có môn đǎng hộ đối không. Cô dâu tương lai phải “tam hợp”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân của người công giáo tại giáo xứ bình hải, tỉnh nam định hiện nay (Trang 39 - 49)