Chính sách khoa học và công nghệ ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện tại tỉnh nam định (Trang 25 - 28)

CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY

1.1. Hoạt động khoa học và công nghệ với tư cách là đối tượng quản lý

1.1.6. Chính sách khoa học và công nghệ ở Việt Nam

a. Các quy định về KH&CN trước năm 2000

Trước khi có Luật KH&CN năm 2000, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về KH&CN. Song hầu hết các văn bản này (trừ một vài văn bản về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ) đều là loại văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp bộ/ngành hoặc chỉ là những văn bản cá biệt có chứa đựng một số quy phạm pháp luật; nội dung tản mạn, hiệu lực pháp lý thấp, thiếu tính hệ thống, không đầy đủ, không đồng bộ... Về mặt nội dung, các văn bản quy phạm pháp luật trước khi có Luật KH&CN năm 2000 bao gồm hai nhóm: Nhóm được ban hành trước khi có đường lối đổi mới (năm 1986) và nhóm được ban hành từ sau năm 1986 đến khi có Luật KH&CN năm 2000.

Nhóm văn bản về KH&CN ban hành trước khi có đường lối đổi mới

Đặc điểm nổi bật của nhóm văn bản này thể hiện ở chỗ đã thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách quản lý KT-XH nói chung và quản lý hoạt động KH&CN nói riêng trong thời chiến, thời bao cấp; thực hiện đồng loạt việc hành chính hoá, nhà nước hoá các hoạt động kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực, bao gồm cả hoạt động KH&CN.

Nhóm văn bản về KH&CN ban hành từ sau khi có đường lối đổi mới đến trước khi có Luật KH&CN

Nhóm văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN ban hành trong thời gian này thể hiện việc đổi mới các cơ chế, chính sách KT-XH nói chung và các cơ chế, chính sách KH&CN nói riêng, không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, trong giai đoạn từ sau khi có đường lối đổi mới đến trước khi có Luật KH&CN năm 2000, các văn bản pháp luật tập trung vào việc tạo cơ sở pháp lý thích hợp để khuyến khích, thúc đẩy mọi tổ chức, cá nhân, bất kể thành phần kinh tế, chủ động, tích cực tự mình hoặc hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác chăm lo, đầu tư tiền của và sức lực cho hoạt động KH&CN dưới các hình thức và biện pháp hết sức phong phú để rồi được hưởng đầy đủ các thành quả đầu tư của mình, không trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước về vật lực,

tài lực, nhân lực, tin lực và cả kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

b. Hệ thống các quy định về KH&CN từ năm 2000 đến nay

Hệ thống các quy định về KH&CN từ năm 2000 đến nay được chứa đựng trong gần 600 văn bản, bao gồm các loại văn bản sau: Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001); Luật KH&CN năm 2000; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành các Luật; các văn bản cấp bộ/ngành hướng dẫn thi hành các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về KH&CN; các bộ luật, luật, pháp lệnh chuyên ngành và các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp bộ/ngành hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật, pháp lệnh chuyên ngành có các quy định về/liên quan đến hoạt động KH&CN; các văn bản cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thi hành tại địa phương các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ/ngành có các quy định về/liên quan đến hoạt động KH&CN.

Nội dung các quy định của Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) về KH&CN; Hiến pháp năm 1992 dành 2 điều (Điều 37 và Điều 38) để quy định về KH&CN. Năm 2001, Điều 37 được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

- Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu; KH&CN giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.

- Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách khoa học, công nghệ quốc gia; xây dựng nền KH&CN tiên tiến; phát triển đồng bộ các ngành khoa học, nghiên cứu, tiếp thu các thành tựu KH&CN của thế giới nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách và pháp luật, đổi mới công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển của nền kinh tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”.

Các quy định của Hiến pháp là cơ sở cho việc xây dựng toàn bộ hệ thống các quy định của pháp luật hiện hành về KH&CN.

- Luật KH&CN đã kế thừa và nâng cao hơn tầm hiệu lực của những quy định về vấn đề tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN đã được khẳng định trong các văn bản pháp quy ban hành trước khi Luật được thông qua, còn phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, đồng thời làm rõ hơn, bổ sung thêm cho đầy đủ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Luật KH&CN đã quy định rõ các nhiệm vụ của hoạt động KH&CN gồm: 1) Đẩy mạnh sự phát triển KH&CN, xây dựng nền KH&CN Việt Nam tiên tiến, hiện đại; 2) Bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, của xã hội trong hoạt động KH&CN; 3) Đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; 4) Góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

- Luật còn khẳng định rõ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động KH&CN bao gồm: 1) Phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; 2) Xây dựng và phát huy năng lực nội sinh, tiếp thu có chọn lọc các thành tựu KH&CN của thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam; 3) Kết hợp chặt chẽ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn; gắn với giáo dục và đào tạo, với hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường công nghệ; 4) Phát huy khả năng lao động sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân; 5) Trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự do sáng tạo, dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Luật KH&CN dành phần lớn các điều khoản để quy định về: Các nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động KH&CN; thành lập và đăng ký hoạt động của các tổ chức KH&CN, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN; các chính sách, biện pháp đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các biện pháp bảo đảm phát triển KH&CN ở nước ta,…

Để triển khai các quy định của Luật KH&CN, một số văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành. Ví dụ: Nghị định số 81/2002/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật KH&CN; Nghị định số 201/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học xã hội và nhân văn; Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về cơ

chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN…

Ngoài các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một loạt văn bản cấp bộ/ngành và các văn bản cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cũng được ban hành để triển khai thực hiện các quy định của Luật KH&CN và các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về KH&CN.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện tại tỉnh nam định (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)