Vai trò của tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện tại tỉnh nam định (Trang 30 - 34)

CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY

1.3. Chính sách thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ tại các tỉnh/thành phố

1.3.1. Vai trò của tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế

- xã hội

KH&CN có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như của toàn thể nhân loại. Trình độ phát triển KH&CN ở mỗi thời đại là cơ sở để tạo ra các phương tiện và cách thức sản xuất.

Sự khác biệt về trình độ KH&CN là cơ sở để tạo ra sự khác biệt về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sự phát triển của mỗi thời đại, mỗi quốc gia. Sự phát triển đó vừa mang tính tiệm tiến vừa bao hàm cả những nhảy vọt và cách mạng dẫn đến những thay đổi sâu sắc và triệt để về phương tiện và cách thức sản xuất của toàn thể nhân loại.

Đặc điểm của cuộc cách mạng KH&CN hiện nay là: cách mạng KH&CN xảy ra đồng thời và tạo nên một sự tiến bộ nhanh chóng, vượt bậc của cả khoa học và công nghệ, KH&CN đã mở đường cho kinh tế phát triển. Các yếu tố then chốt của nền kinh tế truyền thống như: đất đai, tài nguyên thiên nhiên, tiền vốn, sức lao động,... đã trở nên ít quan trọng hơn trong thế giới ngày nay so với yếu tố KH&CN. Trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên có xu hướng giảm dần giá trị thì nguồn tài nguyên chất xám lại có giá trị ngày càng tăng.

Ngày nay khoảng thời gian từ phát minh khoa học đến vận dụng vào thực tế đã được rút ngắn đáng kể. Sự rút ngắn khoảng cách này làm cho KH&CN có ý nghĩa là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia.

Chỉ có nhờ KH&CN, các nước đang phát triển mới có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo khổ và kém phát triển. Thành công của các nước Châu Á như: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapo,… đã dựa trên triết lý phát triển và chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục và KH&CN nhằm tạo ra nội lực quốc gia mạnh để có thể đồng thời tận dụng thời cơ hội nhập vào nền kinh tế thế giới trong giai đoạn phát triển KH&CN hiện nay và phát huy tối đa lợi thế so sánh của nước mình trong quá trình phát triển đất nước.

Tác động của KH&CN đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cùng với các cơ chế, chính sách trong quản lý, hoạt động KH&CN đã tạo nên những kết quả bước đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

- Trong lĩnh vực trồng trọt: Việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ KH&CN như: các loại giống: lúa, ngô,… có năng suất và chất lượng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu sản xuất. Các giống mới có năng suất cao, thích hợp với các điều kiện sinh thái, chống sâu bệnh, các giống lai, các biện pháp thủy lợi,... đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Những tiến bộ KH&CN này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và kết quả là đã biến một nền nông nghiệp độc canh cây lúa thành một nền nông nghiệp đa canh với tập đoàn cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao: Cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, rau, hoa...

- Trong lĩnh vực chăn nuôi: Các tiến bộ KH&CN về con giống như lợn lai, lợn nạc, bò lai Sind, bò sữa, gia cầm siêu thịt, siêu trứng hoặc kiêm dụng; công nghệ sinh sản nhân tạo một số giống tôm, cá...; về thức ăn; về các biện pháp nuôi dưỡng cũng như các tiến bộ KH&CN để chuyển đổi phương thức chăn nuôi công nghiệp mà chúng ta đã theo đuổi trong thập niên 70 và những năm đầu của thập niên 80 sang hình thức chăn nuôi bán công nghiệp với qui mô hộ gia đình đã góp phần đáng kể trong việc đẩy nhanh tốc độ gia tăng giá trị tổng sản phẩm chăn nuôi nhanh hơn trồng trọt.

- Trong lĩnh vực cơ khí hóa nông nghiệp và chế biến nông sản: Các công nghệ thích hợp đã được áp dụng ở các mức độ khác nhau góp phần vào việc gia tăng năng suất lao động và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và nhất là góp phần vào tốc độ gia tăng giá trị của công nghiệp chế biến, đạt gần 10% trong những năm qua. Song chính đây là một khâu còn yếu và cần phải được thay đổi trong những năm tới xét về khía cạnh KH&CN.

- Trong phát triển nông thôn và miền núi: Đây là vấn đề mà trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đang tập trung các nguồn lực của đất nước để giải quyết. Ba vấn đề lớn mà toàn ngành KH&CN đang nỗ lực để góp phần vào sự nghiệp lớn lao này đó là nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo.

Việc đưa các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất của nông thôn và miền núi ngoài ý nghĩa rất quan trọng trong việc trực tiếp nâng cao trình độ dân trí, nó còn góp phần kích thích sự học hỏi và tự nâng cao trình độ trong cộng đồng dân cư ở nông thôn và miền núi để có khả năng tiếp thu các tiến bộ

KH&CN nhằm đạt được khát vọng mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn là thoát khỏi đói nghèo.

Ngoài ra, những tiến bộ KH&CN mà cách đây không lâu còn rất mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ,... nay đã được sử dụng phục vụ sản xuất và đời sống ở nhiều vùng nông thôn, miền núi.

Để góp phần xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua các hoạt động KH&CN đã tập trung vào việc xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường khả năng sản xuất lương thực tại chỗ, sử dụng hợp lý đất dốc, xây dựng và phát triển vốn rừng, phát triển kinh tế hộ gia đình,... Những hoạt động này ngoài việc góp phần phát triển kinh tế của những vùng cụ thể, còn là mô hình sống động để bà con nơi khác học tập và làm theo.

Trong những năm qua, những thành tựu trong nông nghiệp là rất lớn, song nhìn một cách toàn diện, kinh tế nông nghiệp nông thôn của chúng ta chưa có nhiều thay đổi, thu nhập của nông dân vẫn chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi.

Các hoạt động KH&CN trong thời gian qua đã tập trung theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp tuy nhiên mới chỉ là chuyển đổi cơ cấu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Để thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có rất nhiều việc cần làm,... ở đây chúng tôi đề cập những vấn đề mà KH&CN sẽ được tập trung đầu tư trong thời gian tới trong đó các dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN được hình thành theo các nhóm gắn với các mục tiêu và nội dung cụ thể sau đây:

- Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng gạo xuất khẩu. Phát triển sản xuất lương thực cho vùng miền núi, dân cư phân tán, điều kiện khó khăn;

- Phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới, dược liệu có lợi thế so sánh cao (cà phê, tiêu, điều, chè, cao su, cây dược liệu, quả nhiệt đới,…) theo hướng nông nghiệp an toàn;

- Nâng cao hiệu quả sản xuất các mặt hàng còn phải nhập khẩu (hàng thay thế nhập khẩu) như: bông, cây dầu thực vật, cây làm nguyên liệu giấy, nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học;

- Ứng dụng thiết bị và công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản trong các ngành sản xuất nông, lâm, ngư,

diêm nghiệp và các ngành sử dụng nguyên liệu tại chỗ để có giá thành hạ, chất lượng cao;

- Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các loại nông sản quý, các loại đặc sản, rau, hoa, nấm ở quy mô công nghiệp;

- Phát triển nuôi thuỷ sản gắn với chế biến hiện đại, các hình thức nuôi công nghiệp, nuôi sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi;

- Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại phù hợp, khép kín từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ;

- Phát triển ngành nghề nông thôn sử dụng máy móc công cụ cải tiến, cơ khí hóa các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng lao động;

- Phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thuỷ điện nhỏ, năng lượng biogas phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn;

- Sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nước sinh hoạt và cải thiện môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; các công nghệ tiên tiến về tưới tiêu, tiết kiệm nước cho vùng gò đồi, vùng khô hạn;

- Xử lý môi trường nông thôn;

- Công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nâng cao dân trí nông nghiệp, nông thôn.

Đây là những nội dung và mục tiêu theo chúng tôi phải được tiến hành trong một thời gian tương đối dài mới có thể giải quyết được vấn đề đói và nghèo của nông thôn và miền núi. Trong thời gian qua, nhiều mô hình theo hướng này đã được xây dựng. Những mô hình này đã thực sự giải quyết được các vấn đề mà sản xuất đặt ra và được đồng bào và chính quyền các địa phương công nhận. Song, mục tiêu nhân rộng không đạt được và vấn đề chủ yếu ở đây là thiếu vốn, tuy rằng vốn không nhiều. Thế nhưng, cùng trên một địa bàn lại có những chương trình đầu tư khác được tiến hành độc lập. Vấn đề ở đây là trong thời gian tới cần có sự lồng ghép các chương trình trên một địa bàn và nhất là các chương trình đầu tư khác cần lấy các mô hình chuyển giao công nghệ đã được khẳng định trên địa bàn hoặc trên các địa bàn khác có điều kiện tương tự để làm nội dung đầu tư.

Trong thời gian tới cần đặc biệt khuyến khích hướng phát triển các loại hình công nghệ phục vụ cho sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng gia tăng sự phân công lao động trong nông thôn, hình thành loại hình lao động dịch vụ - thương

mại ở nông thôn. Để cho những loại hình công nghệ này đi vào được cuộc sống, ngoài khía cạnh KH&CN, những vấn đề về cơ chế chính sách khuyến khích sự hình thành loại hình dịch vụ - thương mại, khuyến khích họ làm giàu là một đòi hỏi cấp bách.

Bên cạnh đó, trong qui hoạch sản xuất nông nghiệp cần định hướng để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, thích hợp với quy luật cung cầu, không để tình trạng phát triển có tính tự phát như thời gian qua.

- Đẩy mạnh những hướng nghiên cứu phát triển công nghệ để phát triển tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nông thôn. Nhiều làng nghề của chúng ta đã bị mai một, nhiều nghề phụ của nông dân đã không còn tồn tại. Lý do ở đây là năng suất lao động quá thấp và những sản phẩm truyền thống không đáp ứng được yêu cầu của thị trường về chất lượng, mẫu mã và hình thức.

Trong thời gian tới những hướng nghiên cứu phát triển công nghệ sẽ được ưu tiên khuyến khích là hiện đại hóa các công nghệ truyền thống và các loại hình công nghệ thích hợp để phát triển các làng nghề, hình thành các xí nghiệp ở nông thôn.

Những giải pháp KH&CN tuy có vai trò khá quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, song các giải pháp này chỉ có thể phát huy được hiệu quả khi nó nằm trong một tổng thể chung của các giải pháp về KT-XH.

1.3.2. Chính sách thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ của Nhà nước và các địa phương trong giai đoạn hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện tại tỉnh nam định (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)