Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh bắc giang lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 27 - 33)

7. Bố cục của luận văn

1.3. Sự lãnh đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Đảng bộ Bắc Giang

1.3.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định vai trò, vị trí và giá trị của các DSVH trong đời sống xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đã khẳng định:

“Kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần, đạo đức và thẩm mỹ, các di sản văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc.” [26, tr. 111].

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW Đảng khóa VIII (Ngày 16 tháng 7 năm 1998), lần đầu tiên Đảng ra Nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) đã thể hiện sự phát triển cả nhận thức và tư duy lý luận về văn hóa, lãnh đạo văn hoá của Đảng. Đó cũng chính là kết tinh của sự kế thừa và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, về xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, về phương pháp lãnh đạo văn hóa, quản lý văn hóa; là sản phẩm từ tổng kết lý luận và thực tiễn trong quá trình hơn 70 năm lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo văn hóa của Đảng.

Nghị quyết đã xác định: “Di sản vǎn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu vǎn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị vǎn hóa truyền thống (bác học và dân gian), vǎn hóa cách mạng, bao gồm cả vǎn hóa vật thể và phi vật thể.” [27, tr. 63].

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) tiếp tục nhấn mạnh vị trí của văn hóa trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, khẳng định sức sống lâu bền của những quan điểm, tư tưởng nêu trong Nghị quyết TW 5 (khóa VIII). Đại hội đã khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” [29, tr. 114]. Quan điểm coi văn hoá là nguồn lực để phát triển KT-XH của Đảng là quan điểm khoa học, hiện đại và mang tính thực tiễn cao, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh

công nghiệp hóa gắn với kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay. Chúng ta phải đặc biệt chú trọng nâng cao tầm nhìn, tầm văn hoá trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực khác nhau. Hiểu biết sâu sắc thời đại và dân tộc là điểm xuất phát quan trọng để chúng ta đề ra được chủ trương và hành động đúng.

Ngày 29/6/2001, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa được ban hành nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Đây rõ ràng là một bước tiến, thể hiện sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân về tài sản văn hóa quốc gia.

Tháng 7 năm 2004, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành TW Đảng khoá IX đã kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW Đảng khoá VIII và ra kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII). Nghị quyết kết luận: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước” [31, tr. 242]. Kết luận quan trọng này là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá được khẳng định trong Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) từ năm 1998.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH.

Nhận thức quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa nói chung, DSVH nói riêng, quán triệt và thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), Chỉ thị số 38-CT/TW về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh nhà. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết TW

5 (Khóa VIII) được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án phát triển văn hóa.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kết luận về việc thực hiện Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII) như: đẩy mạnh thực hiện phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản hướng dẫn phân loại tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có công tác lãnh đạo xây dựng làng văn hóa là một trong những tiêu chuẩn xếp loại chi bộ đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa của địa phương đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV để tổ chức thực hiện. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII) để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Cấp ủy Đảng các cấp đã tập trung chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của TW và tỉnh liên quan đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như:

Ngày 15/6/1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 03-CT/TU về “thực hiện nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Chỉ thị đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể về việc thực hiện nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong đó, Chỉ thị nhấn mạnh: Nội dung tổ chức lễ hội phải đúng quy định của Nhà nước; bảo đảm tính giáo dục truyền thống và là dịp tổ chức các hình thức hoạt động văn hóa, thể thao vui tươi, lành mạnh. Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức lợi dụng lễ hội hành nghề mê tín, cờ bạc, xâm phạm di tích văn hóa, làm mất trật tự an toàn xã hội [2, tr.3].

Ngày 20 tháng 11 năm 1998, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra Chương trình hành động số 16 – CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Chương trình đã đánh giá về thực trạng văn hóa của tỉnh, trong đó có những kết quả đạt được như: Các lễ hội văn hóa truyền thống của tỉnh như hội Phồn Xương (Yên Thế), Xương

Giang (thị xã Bắc Giang), Cầu Vồng (Tân Yên), hát dân ca các dân tộc (Lục Ngạn) cùng hàng trăm lễ hội khác đã được các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động đúng hướng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. [82, tr.2].

Trên cơ sở đó, Chương trình đã đề ra mục tiêu chung như sau: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa của tỉnh Bắc Giang tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và vào mọi lĩnh vực, trên từng địa bàn dân cư; tạo ra đời sống văn hóa tinh thần cao đẹp trong nhân dân nhất là về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Không ngừng nâng cao trình độ dân trí, phát triển khoa học kỹ thuật, bảo đảm và phát huy các giá trị tốt của văn hóa các dân tộc thiểu số, tăng cường các thiết chế văn hóa, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH vì mục tiêu dân giàu, tỉnh mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đồng thời có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đề phòng và chống các biểu hiện sai trái trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa và các tệ nạn xã hội” [82, tr.7]. Như vậy, Tỉnh ủy đã xác định loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu trong DSVH truyền thống để phát huy trong điều kiện mới.

Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành TW Đảng (khóa IX) đã ban hành Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII): “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Căn cứ sự chỉ đạo của TW và tình hình thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) ở địa phương, ngày 29 tháng 9 năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 59-KH/TU về thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành TW Đảng (khóa IX) trong nững năm tới. Kế hoạch đã đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục quán triệt và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII) đã đề ra về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhằm không ngừng nâng cao đời sống văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội trên địa bàn; bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế và xây dựng; coi trọng xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh; bảo tồn và phát huy những DSVH tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; Đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội; huy động tốt các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển văn hóa, chăm lo các tài năng văn hóa, nghệ thuật [6, tr.6].

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ về bảo tồn và phát huy DSVH. Kế hoạch đã nêu rõ: Bảo tồn và phát huy DSVH (vật thể và phi vật thể) của cộng đồng các dân tộc trên quê hương Bắc Giang. Tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, gắn với phát triển du lịch văn hóa. Bảo tồn và phát huy giá trị các DSVHPVT thông qua việc tổ chức các lễ hội, hội hát dân ca, văn hóa ẩm thực, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc; trong đó coi trọng việc bảo tồn trang phục, tiếng nói… của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư xây dựng nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số, phục vụ cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Phát huy bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc trong sự thống nhất chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần vào khối đại đoàn kết dân tộc [6, tr.8 - 9].

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra giải pháp chủ yếu là: Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, nâng cao hiệu quả quản lý đối với các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn, báo chí… ngăn chặn các luồng văn hóa độc hại thâm nhập vào địa bàn. Quản lý, bảo vệ và khai thác tốt các công trình văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương. Khai thác tốt các nguồn lực, đầu tư cho sự nghiệp văn hóa cao hơn các năm trước; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển. Quy hoạch và dành đất đai để xây dựng các thiết chế văn hóa ở các địa phương, cơ sở nhất là xây dựng sân vận động, khu vui chơi, giải trí công cộng… đáp ứng yêu cầu sự phát triển cả hiện tại và tương lai. Quan tâm đầu tư phát triển văn hóa ở các xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; có cơ chế khuyến khích các thành phần xã hội, các tổ chức kinh tế đầu tư cho việc xây dựng và phát triển văn hóa; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các bảo tàng, thư viện, đoàn nghệ thuật, đội chiếu phim, câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ do tư nhân đứng ra đầu tư; phát động nhân dân đóng góp các thiết chế văn hóa tại các địa phương với phương châm lấy sức dân mà chăm lo cho dân nhằm thực hiện quan điểm: quần chúng nhân dân vừa là người sáng tạo ra các giá trị văn hóa vừa là người hưởng thụ văn hóa [6, tr.10].

Như vậy, bốn năm sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 1997-2000 đề ra. Nền kinh tế tiếp tục phát triển. Giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hàng năm 6,9%; trong đó nông nghiệp tăng 7,2%, công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 3,8%, dịch vụ tăng 6,3%. GDP bình quân đầu người đạt 208 USD vào năm 2000 [88, tr.198]. Tuy tình hình KT- XH của Bắc Giang còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Sự nghiệp văn hóa Bắc Giang nói chung và công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT nói riêng đã đạt được kết quả tuy còn khiêm tốn nhưng cũng đã góp phần vào sự trưởng thành, phát triển của tỉnh sau khi tái lập.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh bắc giang lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 27 - 33)