Quá trình chỉ đạo thực hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh bắc giang lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 45 - 49)

7. Bố cục của luận văn

2.3. Quá trình chỉ đạo và kết quả thực hiện

2.3.1. Quá trình chỉ đạo thực hiện

Bước sang những năm từ 2006 đến 2010, thực hiện đường lối của Đảng, của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa – Thông tin (từ năm 2008 là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tăng cường công tác bảo tồn và phá huy giá trị DSVHPVT của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVI đã nhấn mạnh đến vai trò của việc phát triển văn hóa, nghệ thuật trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH; coi văn hóa là nền tảng quan trọng, là một trong các mục tiêu trong chiến lược phát triển KT - XH chung. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng đã chỉ ra cần phải phát triển hơn nữa hoạt động du lịch, gắn du lịch với công tác bảo tồn và phát huy các DSVH, sử dụng tốt hơn các tiềm năng tự nhiên, văn hóa và con người Bắc Giang, gắn phát triển du lịch tỉnh với mạng lưới du lịch vùng và cả nước, vì các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh.

Để bảo tồn, phát huy giá trị DSVH quan họ, ngày 13/8/2008, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Chương trình hành động số 34/CTr-UBND về việc “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Quan họ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2008 - 2015”. Chương trình hành động đã đặt ra mục đích, yêu cầu cụ thể như sau:

Nhằm tôn vinh giá trị của DSVH quan họ, một DSVHPVT tiêu biểu của vùng quê Kinh Bắc xưa, trong đó có Bắc Giang ngày nay. Nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về DSVH quan họ của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là nhân dân các làng quan họ để họ ngày càng có ý thức giữ gìn DSVH quan họ, đưa các sinh hoạt văn hóa quan họ trở về cộng đồng như nguyên bản vốn có trong lịch sử, với nhu cầu tự nguyện, không thể thiếu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần bảo tồn lâu dài, có hiệu quả DSVH quan họ. Chương

trình hành động phải được quán triệt, tuyên truyền phổ biến và thực hiện có hiệu quả, tạo những chuyển biến mới trong công tác bảo tồn và phát huy DSVH quan họ trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh ở cơ sở và thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[105, tr.2-3].

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Chương trình đề ra, UBND tỉnh Bắc Giang đã xác định các nhiệm vụ chủ yếu:

Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về giá trị DSVH quan họ. Để tổ chức chức tuyên truyền sâu rộng về giá trị DSVH quan họ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành VHTT&DL, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các huyện, thành phố nhất là huyện Việt Yên xây dựng kế hoạch thường xuyên, liên tục tuyên truyền về giá trị DSVH quan họ, phù hợp với các đối tượng khác nhau để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy DSVH quan họ; Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, bản tin của Sở VHTT&DL từ tháng 10 năm 2008 mở chuyên trang, chuyên mục nội dung về bảo tồn DSVH quan họ, biểu dương, giới thiệu các điển hình tiêu biểu trong công tác này, kịp thời động viên, cổ vũ phong trào ca hát quan họ trong toàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với cơ quan báo chí TW tuyên truyền về công tác này trên địa bàn tỉnh; Sở VHTT&DL tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo huyện Việt Yên và các huyện có liên quan tổ chức tuyên truyền về DSVH quan họ thông qua các hội thi, hội diễn văn nghệ, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, các sinh hoạt nhà văn hóa, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cuộc họp các đoàn thể, đưa nội dung bảo tồn DSVH quan họ vào hương ước, quy ước của làng để tổ chức thực hiện; chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề về DSVH quan họ, các đơn vị văn hóa – nghệ thuật của ngành xây dựng các chương trình, tiết mục đặc sắc về dân ca quan họ biểu diễn phục vụ nhân dân; trên cơ sở kết quả điều tra, sưu tầm và nghiên cứu về DSVH quan họ, Sở VHTT&DL tuyển chọn những bài viết, bài nghiên cứu về dân ca quan họ bờ Bắc sông Cầu, nguồn gốc cũng như lề lối chơi quan họ, số lượng vốn bài bản, những bài đối đáp trong dân ca quan họ, ghi âm những giọng điệu mới, chụp ảnh các nghệ nhân quan họ, ghi hình các sinh hoạt quan họ ở các làng quan họ… tổ

chức dựng phim tư liệu, làm đĩa ca nhạc, in sách để lưu giữ lâu dài, tuyên truyền rộng rãi trong và ngoài tỉnh về DSVH quan họ bờ Bắc sông Cầu, tức Bắc Giang ngày nay (hoàn thành trong năm 2009). Khẳng định cái hay, cái đẹp của văn hóa quan họ, qua đó giáo dục cho mọi người có trách nhiệm giữ gìn những giá trị âm nhạc, ngôn ngữ, văn học cũng như lề lối sinh hoạt tao nhã và độc đáo của quan họ. Động viên, thu hút mọi người hát quan họ, nhất là lớp trẻ, tạo nên sự nối tiếp qua các thế hệ trong việc phát huy các hình thức hát quan họ phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Thứ hai, tiếp tục điều tra, nghiên cứu, khôi phục các làng quan họ cổ. Sở VHTT&DL phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ VHTT&DL tiếp tục điều tra, sưu tầm, nghiên cứu không gian văn hóa, tổ chức các hội thảo khoa học về quan họ bờ Bắc sông Cầu, kiểm kê toàn bộ DSVH quan họ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tiếp tục khôi phục, bảo tồn 5 làng quan họ đã được công nhận từ năm 1971 gồm: Giá Sơn, Hữu Nghi, Mai Vũ, Sen Hồ, Nội Ninh và 13 làng được xác định thêm năm 2006 gồm: Quang Biểu, Núi Hiểu, Tam Tầng, Thổ Hà, Tiên Lát Thượng, Tiên Lát Hạ, Thần Chức, Yên Ninh, Trung Đồng, Vân Cốc, Đình Cả, Đông Long, Khả Lý Thượng (đều thuộc huyện Việt Yên); tiếp tục điều tra nghiên cứu 2 làng: Bùi Bến, Bùi Kép (huyện Yên Dũng) và Cẩm Xuyên (huyện Hiệp Hòa). Đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát một số làng mới thuộc huyện Việt Yên và Hiệp Hòa [105, tr. 4].

Thứ ba, tổ chức phục dựng các hình thức hát đối đáp cổ truyền, xây dựng các tụ điểm hát quan họ. Tổ chức phục dựng các hình thức hát đối đáp cổ truyền ở các làng quan họ để tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng nhân dân hiểu được cái hay, cái đẹp trong sinh hoạt văn hóa quan họ; xây dựng một số tụ điểm hát quan họ như ở Thổ Hà, Trung Đồng, Giá Sơn, Hữu Nghi, Mai Vũ, Sen Hồ, Nội Ninh, tổ chức một số đêm hát canh theo đúng phong tục hát quan họ cổ truyền, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các nơi khác. Đồng thời thành lập các đội quan họ phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế để quảng bá về dân ca quan họ, phục vụ phát triển KT - XH địa phương.

Thứ tư, phát triển dân ca quan họ rộng khắp trong toàn tỉnh. Phát triển dân ca quan họ rộng khắp các vùng trong tỉnh bằng cách xây dựng phong trào truyền dạy,

học tập, biểu diễn hát và sinh hoạt văn hóa quan họ, nhằm đưa hình thức ca hát quan họ trở lại với phong trào ca hát quần chúng – ca hát dân gian; chỉ đạo huyện Việt Yên hàng năm tổ chức “Hội thi tiếng hát quan họ” vào ngày 15 - 17 tháng 2 (âm lịch) tại chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn) với hai hình thức thi: giọng hát hay và thi thuộc nhiều bài hát quan họ, trao giải cho những cá nhân xuất sắc, tạo không khí vui tươi phấn khởi, nhiệt tình say mê ca hát quan họ trong các tầng lớp nhân dân. Năm 2010 Sở VHTT&DL sẽ tổ chức hội thi hát quan họ toàn tỉnh tại huyện Việt Yên với sự tham gia của 10 huyện, thành phố.

Thứ năm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy dân ca quan họ. Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh có kế hoạch đào tạo học sinh có năng khiếu quan họ để bổ sung diễn viên hát quan họ cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật của ngành và cán bộ cho các huyện, thành phố để phục vụ nhân dân, hướng dẫn phong trào cơ sở; tập hợp các nghệ nhân quan họ còn lại thành từng nhóm, sử dụng họ làm hạt nhân cho phong trào ca hát quan họ ở cơ sở. Đầu tư kinh phí mở lớp học hát quan họ ở các làng có phong trào hát quan họ, mời những nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho những người trẻ học những bài hát quan họ cổ, có chế độ, có thù lao bồi dưỡng cho cả người dạy và người học nhằm động viên, khuyến khích họ; xây dựng các tổ, đội, nhóm, các câu lạc bộ quan họ ở các thôn, làng, thường xuyên sinh hoạt ca hát, gặp gỡ giao lưu, hát đối đáp với nhau trong những dịp hội hè, ngày lễ tết, những lúc nông nhà, gắn quan họ với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để cho quan họ phát triển trong môi trường đã sản sinh và nuôi dưỡng nó trong lịch sử, trả quan họ về với nhân dân, để việc bảo tồn và phát huy DSVH quan họ thật sự có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực.

Thứ sáu, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc khôi phục, giữ gìn, phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống; tập hợp được đội ngũ cán bộ từ tỉnh xuống tới cơ sở am hiểu về quan họ và cán bộ phụ trách văn hóa ở các xã có phong trào hát quan họ đầu tư suy nghĩ, tìm tòi một số hình thức sinh hoạt ca hát quan họ phù hợp với cơ sở để tổ chức hướng dẫn nhân dân thực hiện. Nghiên cứu lối kết

bạn, kết chạ, kết nghĩa, các kiểu câu lạc bộ quan họ áp dụng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay để phát huy có hiệu quả.

Thư bảy, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích tại các làng quan họ, gắn với phát triển du lịch văn hóa. Không gian văn hóa quan họ gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa vùng quê quan họ. Xây dựng quy hoạch tu bổ, tôn tạo di tích tại các làng quan họ, nhất là các di tích xếp hạng cấp quốc gia, gắn với quy hoạch phát triển văn hóa để vừa tạo không gian, môi trường cho bảo tồn DSVH quan họ, vừa khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, hình thành tuyến du lịch hành trình DSVH tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Thứ tám, ban hành cơ chế chính sách để bảo tồn và phát huy DSVH quan họ. UBND tỉnh bố trí kế hoạch kinh phí thực hiện Chương trình hành động bảo tồn và phát huy DSVH quan họ tỉnh Bắc Giang trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Sở VHTT&DL; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đầu tư bảo tồn DSVH quan họ và khuyến kích xã hội hóa công tác này từ các doang nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Như vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVHPVT nhất là DSVH quan họ được Tỉnh ủy, UBND quan tâm, chỉ đạo sát sao đã góp phần đưa hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị các DSVHPVT của tỉnh từng bước nâng cao. Chủ trương phát triển văn hóa, trong đó có công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVHPVT của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006 - 2010 đã thể hiện sự nhận thức đúng đắn tinh thần xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng. Nhờ vậy, quá trình quán triệt và vận dụng vào tình hình thực tiễn địa phương có bước đi phù hợp với thực tế đồng thời mang tính khả thi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh bắc giang lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 45 - 49)