Tình yêu đôi lứa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài chiến tranh trong thơ phạm tiến duật, hữu thỉnh, nguyễn đức mậu (từ 1965 đến nay) (Trang 77 - 80)

7. Cấu trúc luận văn

2.3. Hình tượng người lính

2.3.5. Tình yêu đôi lứa

Những chàng trai trẻ với nhiều mộng mơ, với tâm hồn yêu đời khi bước vào cuộc chiến đấu cũng đã kịp có cho riêng mình hình bóng người yêu. Tình yêu đôi lứa cũng là một đề tài muôn thủa trong thi ca bởi nó khơi gợi mọi

ngọn nguồn cảm xúc, những rung động chân thành của con người để thấy cuộc sống này tươi đẹp và nhiệm màu hơn. Tình yêu với dư vị ngọt ngào như một “liều thuốc” thần kỳ, khiến những khó khăn, thử thách của người lính như tan biến. Sau giây phút tàn khốc nhất, hiện thực chiến tranh lùi lại, chỉ còn những xúc cảm ngọt ngào của tình yêu, của khuôn mặt người thương hiện về trong sâu thẳm tâm hồn, cũng đủ tiếp thêm nguồn sinh khí mới cho người lính trên bước đường hành quân. Bom đạn chiến tranh không làm tình yêu nguội lạnh. Ngược lại, trước những mất mát, chia ly, tình yêu thêm nảy nở, trân trọng những phút giây hạnh phúc bên nhau:

Bao kỷ niệm cứ theo anh ra trận Ngôi sao nào anh ngỡ mắt em xanh Buổi mới yêu nhau bên hàng rào đêm ấy Tàu cau rung, hai đứa giật mình

(Hòm thư bưu điện ở trạm giao liên – Nguyễn Đức Mậu)

Tình yêu trong thơ các anh luôn chân thành và sâu sắc. Người lính trẻ ấy yêu bằng cả trái tim, họ luôn hướng về nhau với niềm tin và tình yêu thương vô bờ:

-Em nhớ thương ơi Chúng ta sống vì nhau Chúng ta hát vì nhau

(Một lần – Hữu Thỉnh)

-Trường Sơn Tây anh đi, thương em Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo Muỗi bay rừng già cho dài tay áo

Rau hết rồi, em có lấy măng không?

(Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây – Phạm Tiến Duật)

Tình yêu người lính trong thời kỳ chống Mỹ luôn gắn với tình yêu và vận mệnh đất nước, tình yêu ấy đã giúp cho những người lính luôn ý thức được trách nhiệm cao cả, thiêng liêng của mình. Chiến đấu và yêu sao cho xứng đáng với quê hương, với người yêu. Nhà thơ đã nói lên tiếng nói chung cho cả thế hệ mình:

Anh không ngại phong thư có những dòng dang dở Anh không ngại đỉnh đèo những thân cây gục đổ Anh không ngại nghìn hôm chẳng được thấy em Trong cuộc chiến này

Đừng để ngượng với nhau khi gặp mặt…

(Ý nghĩ không vần – Hữu Thỉnh)

Với một trái tim yêu trẻ trung của lứa tuổi, tình yêu người lính trong những ngày chiến đấu hiện lên thật đẹp, với những rung động thật trong sáng, thật chan chứa ý tình:

Em lại xa cho lòng anh nhớ

Chiến trường rộng, mùa măng nhiều nước lũ Anh nhìn theo chấm nhỏ khuất rừng xanh Em đi rồi: Câu hát ở cùng anh.

(Gửi em gái văn công giải phóng – Nguyễn Đức Mậu)

Tình yêu như nhân lên sức mạnh cho những người lính, cổ vũ tinh thần người lính trên mỗi chặng đường chiến đấu gian lao:

Từ nơi em gửi đến nơi anh

Những đoàn quân trùng trùng ra trận Như tình yêu nối lời vô tận

Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn

(Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây – Phạm Tiến Duật) Tình yêu trong chiến đấu với người lính không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn thể hiện những phẩm chất cao quý của những con người trẻ tuổi trước vận mệnh của đất nước. Họ đã hi sinh tất cả hạnh phúc riêng để bước vào tuyến lửa khốc liệt. Trái tim luôn dành cho nhau tất cả niềm tin yêu. Bằng sự trải nghiệm và những rung động chan chứa yêu thương, mỗi vần thơ Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu viết về tình yêu thật chân thành, xúc động và trong trẻo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài chiến tranh trong thơ phạm tiến duật, hữu thỉnh, nguyễn đức mậu (từ 1965 đến nay) (Trang 77 - 80)