7. Bố cục của luận văn
2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về công tác thanh niên
2.1.1. Tình hình và yêu cầu mới của công tác thanh niên ở tỉnh Vĩnh Phúc
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa công tác thanh niên lên một tầm cao mới góp phần làm cho thanh niên xứng đáng là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Công tác thanh niên và phong trào thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 1997 - 2005 diễn ra trong bối cảnh thuận lợi đan xen khó khăn: năm 2005, lực lương thanh niên trong tỉnh, tuổi đời từ 15 - 35 tuổi có khoảng 384.000 người, chiếm khoảng 32% dân số và 55,5% lực lượng lao động toàn tỉnh [84, tr.303]. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, lực lượng thanh niên được học tập, đào tạo, bồi dưỡng khá toàn diện, trình độ học vấn cao hơn trước, đại bộ phận thanh niên có sức khỏe, có kiến thức, có đạo đức và lối sống lành mạnh, có ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, xung kích đi đầu trên mọi lĩnh vực, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của Đoàn thanh niên và Hội liên hiệp thanh niên các cấp từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo
hướng sát cơ sở, sát đối tượng. Trong phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên điển hình, tiên tiến trên các lĩnh vực, trong đó có nhiều tấm gương thanh niên lập thân, lập nghiệp, vượt khó làm giàu, dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, lao động cần cù, sáng tạo, tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ, xuất hiện nhiều tài năng trẻ trong thanh niên.
Bên cạnh những mặt tiến bộ, tích cực, một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, mơ hồ trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Học vấn của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tỉ lệ thanh niên nhiễm HIV/AIDS còn cao.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khoá X khẳng định: “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Song, do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên thanh niên cần được sự giúp đỡ, chăm lo của các thế hệ đi trước và toàn xã hội” [58]. Trên cơ sở phân tích tình hình thanh niên và công tác thanh niên, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25 - 7 - 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau hơn 10 năm tái lập tỉnh, công tác thanh niên của tỉnh đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thực sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của thanh niên, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thanh niên, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp thanh niên các cấp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình hoạt động cụ thể đạt nhiều kết quả; quan tâm lãnh đạo xây dựng tổ chức Đoàn, Hội càng trong sạch vững mạnh; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở, vật chất, về kinh phí, về cơ chế, chính sách, về môi trường để thanh niên có điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu. Đặc biệt, những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, nhất là thành tựu sau hơn 10 năm tái lập tỉnh đang tạo ra môi trường thuận lợi để thanh niên Vĩnh Phúc có điều kiện học tập rèn luyện, phấn đấu phát triển tài năng, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh niên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của thanh niên, thiếu quan tâm giáo dục, định hướng tư tưởng và hành động cho thanh niên, chưa quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho Đoàn thanh niên và Hội liên hiệp thanh niên hoạt động.
Trong những năm qua, hoạt động của tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên các cấp nhìn chung là chậm đổi mới, nhất là hình thức đoàn kết, tập hợp thanh niên, năng lực vận động thanh niên còn yếu. Tỷ lệ tập hợp thanh niên trong tổ chức còn thấp hơn so với yêu cầu; chất lượng cơ sở Đoàn, nhất là vùng nông thôn còn thấp. Sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát triển mạnh, thu hút phần lớn những thanh niên có trình độ văn hóa, kĩ thuật vào làm việc. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức Đoàn thanh niên và Hội liên hiệp thanh niên, do đó công tác vận động, tập hợp giáo dục, rèn luyện thanh niên ở khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.
2.1.2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về công tác thanh niên từ năm 2006 -2010 niên từ năm 2006 -2010
Trước thực tiễn của công tác thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIV (12 - 2005): “Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo,tình nguyện của thanh niên trên tất cả các lĩnh vực. Quan tâm chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, xây dựng tổ chức đoàn thanh niên vững mạnh, xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng. Triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thanh niên trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [38, tr.55]. Tỉnh ủy đã đề ra nhiều nghị quyết, chỉ thị cụ thể liên quan đến việc tăng cường công tác lãnh đạo thanh niên trong từng lĩnh vực kinh tế xã hội. Đồng thời cũng đưa ra biện pháp đổi mới nội dung và hình thức đối với công tác lãnh đạo thanh niên.
Trong công tác cải cách hành chính, Tỉnh ủy ra nghị quyết số 04- NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2007 - 2010 nêu rõ quan điểm cải cách hành chính là yếu tố quan trọng góp phần quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu chung là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, từng bước hiện đại hóa, có tính chuyên nghiệp cao, thực sự là nên hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáp ứng yêu cầu trên, Tỉnh ủy đề ra một trong những giải pháp như sau: “Đổi mới công tác quy hoạch cán bộ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ... Xây dựng quy chế đưa cán bộ trẻ, có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài trong một số chuyên ngành quan trọng mà tỉnh đang cần như kinh tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, viễn thông, chế tạo máy...” [ 84, tr.428].
Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, Tỉnh ủy nhận định phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là
nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã mở ra một thời kỳ mới thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nền kinh tế luôn tăng trưởng liên tục ở mức cao cũng đặt ra yêu cầu mới về chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, Tỉnh ủy xác định rõ mục tiêu tổng quát phát triển nguồn nhân lực có liên quan đến công tác thanh niên: “Đầu tư phát triển toàn diện giáo dục, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng từ bậc học mầm non đến phổ thông, trong đó coi trọng chất lượng giáo dục thể chất, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, nhất là ở bậc cao đẳng, đại học. Tích cực phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong đào tạo nghề, coi trọng phẩm chất đạo đức, tác phong, kỷ luật lao động, kiến thức, kỹ năng, khả năng thích ứng với thị trường lao động và chuyển đổi nghề nghiệp...Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, chuyên môn giỏi, trình độ cao làm công tác xây dựng đảng, đoàn thể và trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, xã hội, có khả năng làm việc trực tiếp với người nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập” [84, tr.444-445]. Với đặc điểm nguồn nhân lực của tỉnh là thanh niên chiếm phần đông đảo, việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là phát triển công tác thanh niên. Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy,với mục tiêu phát triển Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015, UBND tỉnh xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2008 - 2015”. Các cấp ủy Đảng căn cứ thực tiễn thanh niên ở từng địa phương, đơn vị, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên được tỉnh chú trọng quan tâm, đầu tư. Các
cơ sở dạy nghề đã định hướng và chọn những nghề đào tạo trên cơ sở các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và nhu cầu của thị trường lao động. Thanh niên trong tỉnh đã được thụ hưởng nhiều chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm như: Nghị quyết số 16/2007/NQ-HĐND tỉnh ngày 14 - 7 - 2007 về chương trình giảm nghèo, học nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2007 - 2010; Nghị quyết số 34/2008/HĐND ngày 15 - 12 - 2008 về quy định một số chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn từ năm 2009 đến năm 2010; Kế hoạch số 4705 KH/UBND về việc thực hiện Quyết định 103/2008 QĐ-TTg ngày 21 - 7 - 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015; Nghị quyết số 22/2008/NQ-HĐND ngày 25 - 7 - 2008 về trích ngân sách tỉnh cấp vốn cho quỹ phát triển hợp tác xã; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đồng ý cho Đoàn thanh niên thực hiện Đề án tổ chức lễ đón, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung trong đó có cán bộ trẻ được các cấp ủy quan tâm. Hàng năm có từ 25 đến 30 cán bộ trẻ trong quy hoạch được Tỉnh ủy cử đi học cao cấp lý luận chính trị; một số đồng chí được cử đi học thạc sỹ trong nước và ngoài nước, đi bồi dưỡng chuyên ngành ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương và Nghị quyết số 16/2008/NQ- HĐND ngày 25 – 7 - 2008 về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh đến 2015 hướng đến 2020.
Phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp được Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, có tính chiến lược của Đảng, làm cho Đảng không ngừng lớn mạnh, đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH. Tuy nhiên, số lượng tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp và số lượng Đảng viên
trong công nhân chiếm tỷ lệ thấp. Nhằm đẩy mạnh phát triển Đảng trong các doanh nghiệp, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng, củng cố các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp vững mạnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Tỉnh Đoàn có kế hoạch cụ thể xây dựng các tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên trong các doanh nghiệp: "Xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp được tiến hành đồng thời với xây dựng các tổ chức chính trị trong giai cấp công nhân lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên vững mạnh, tạo cơ sở chính trị vững chắc để giai cấp công nhân lao động được rèn luyện, học tập, phấn đấu trong tổ chức, đồng thời có điều kiện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật" [84, tr.457]. Trước mắt tập trung vào những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp dân doanh. Cùng với việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, có trách nhiệm phát hiện, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng những đoàn viên, hội viên ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên mới và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho Đảng.
Giai đoạn 2006 - 2010, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã không ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề trực tiếp nào về công tác thanh niên. Tuy nhiên, qua một số chủ trương, chính sách gián tiếp của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác thanh niên đã nhận được sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên học tập, rèn luyện và cống hiến. Công tác đoàn và phong trào thanh niên của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ,
thu hút tập hợp được động đảo thanh niên tham gia đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh.