Một số mặt công tác khác của ngàn hy tế ThanhHoá

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo phát triển y tế (1986 - 2005) (Trang 88 - 97)

7. Bố cục của luận văn

2.2 Quá trình chỉ đạo thực hiện chủ trương phát triển y tế của tỉnh

2.2.6 Một số mặt công tác khác của ngàn hy tế ThanhHoá

Y học cổ truyền

Công tác YHCT trong bất cứ giai đoạn nào cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, trong những năm đầu của giai đoạn đổi mới, trong bối cảnh khó khăn chung, công tác YHCT bị mai một. Từ năm 1990, công tác này mới thực sự chuyển biến.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa VII) về “Những vấn đề cấp bách trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân” đã khẳng định cần phải triển khai mạnh mẽ việc nghiên cứu, ứng dụng và hiện đại hóa YHCT dân tộc, kết hợp với y học hiện đại. Phát triển nuôi trồng cây, con làm thuốc, trang bị thêm phương tiện cho việc khám chữa bệnh và sản xuất thuốc YHCT dân tộc. Khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ và cán bộ đầu đàn y học dân tộc. Tăng thâm đầu tư và nâng cấp cơ sở y học dân tộc

Ngày 03 tháng 11 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt chính sách quốc gia về Y Dược học cổ truyền đến năm 2010”. Mục tiêu chung nhằm kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền, kết hợp với y dược học hiện đại trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xây dựng nền y dược học Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác y dươc học cổ truyền, ngày 12/11/1999, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ra Chỉ thị số 33/1999/CT-UB về việc đẩy mạnh công tác y dược học cổ truyền, với chủ trương:

- Đẩy mạnh việc kế thừa tiềm năng vốn quý của y dược học cổ truyền, thẩm định, nghiên cứu để thừa kế và phổ biến rộng rãi những bài thuốc hay, những cây thuốc quý và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc cho cộng đồng.

- Tích cực triển khai nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong nghiên cứu ứng dụng, hiện đại hoá y dược học cổ truyền trên các lĩnh vực chẩn đoán, chữa bệnh, phòng bệnh và bào chế thuốc, kết hợp chặt chẽ giữa y dược học cổ truyền và y học hiện đại trong tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.

- Phát triển cây con dược liệu từ các vùng chuyên canh và các vườn thuốc, tạo nguồn dược liệu để bào chế và chiết xuất thành hàng hoá sử dụng trong nước và xuất khẩu, tạo thế mạnh đối với y dược học cổ truyền.

- Tăng cường phát triển mạng lưới y dược cổ truyền, tăng cường quản lý hành nghề y dược cổ truyền tư nhân theo đúng quy định của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ nhân dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của xã hội.

- Tập trung cao hơn cho công tác đào tạo cơ bản về y dược học cổ truyền để tất cả các bệnh viện đều có khoa y dược học cổ truyền hoặc có bác sỹ YHCT, các xã phường phải có cán bộ y tế y học dân tộc.

Được sự quan tâm Đảng, Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của ngành và của tỉnh, Bệnh viện Y học dân tộc Thanh Hoá được xây dựng quy mô 150 giường bệnh nội trú và 200 giường ngoại trú. Trong những năm qua, bệnh viện không ngừng cũng cố về chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chỉ đạo việc trồng cây thuốc Nam trong cộng đồng, tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý và chữa bệnh trong dân gian. Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện đại hoá đất nước, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng trên lĩnh vực YHCT, từ năm 1995 bệnh viện đã liên tục được đầu tư các máy móc phục vụ bào chế, sản xuất thuốc phục vụ bệnh nhân như máy xay, máy xát, máy nghiền, máy chế hoàn, giàn sắc thuốc tự động đóng túi. Công tác chuyên môn cũng phát triển theo hướng đa khoa hoá, hiện đại hoá và chuyên khoa sâu để làm tốt công tác kết hợp hai nền y học.

Tính đến năm 2001, các bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Phụ sản) đã thành lập khoa YHCT với tổng số 50 giường bệnh (chiếm 6% tổng số giường bệnh). Chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng lên rõ rệt, lưu lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày một tăng, cơ sở vật chất và trang thiết bị được cũng cố và tăng cường.

Tại tuyến huyện, có 17 TTYT thành lập khoa YHCT, 11 trung tâm lồng ghép các khoa Nội-Nhi, với tổng số 175 giường bệnh YHCT (chiếm 13% tổng số giường bệnh). Hoạt động khám chữa bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc (như xoa bóp, day, ấn) ngày một tăng.

Đối với tuyến xã, phường từ năm 1995 bắt đầu khôi phục lại các vườn thuốc Nam và phát triển điều trị bằng YHCT. Theo thời gian, công tác này đã có nhiều chuyển biến so với trước đây. Trong những năm 2002-2004, thực hiện Chỉ thị 06 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cũng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Quyết định số 370, ngày 07/02/2002 của Bộ Y tế ban hành Chuẩn quốc gia về y tế xã với 10 chuẩn, trong đó có chuẩn về công tác YHCT nên hầu hết các trạm y tế đã và đang xây dựng vườn thuốc Nam. Năm 2005, có 248 xã đạt chuẩn, trong đó chuẩn về y học dân tộc đã được các xã thực hiện nghiêm túc.

Cho dù còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực YHCT đang từng bước khẳng định vị trí của mình bên cạnh nền y học hiện đại. Trong vòng 5 năm (1998- 2003), số lượng bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng YHCT tăng nhanh: Năm 1998 là 208.583 người, đến năm 2002 tăng lên 399.829 người [51, tr. 299]. Năm 2005, có hơn 20% bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng y học dân tộc so với khám chữa bệnh chung.

Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ là một nội dung quan trong trong đường lối YTDP, tích cực, chủ động của ngành y tế nhằm giải quyết căn bản nhiều vấn đề về bệnh tật mà nguyên nhân liên quan đến hành vi, lối sống của cộng đồng.

Ngày 03/01/1998, Chính phủ có Nghị định số 10 quy định hệ thống tổ chức y tế địa phương, trong đó Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ là một trong những đơn vị y tế tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế. Thực hiện Nghị định trên, ngày 17/05/1999, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá có Quyết định số 900/TC-UBTH thành lập Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khoẻ Thanh Hoá. Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt, từng bước tiếp cận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2000, mạng lưới cộng tác viên truyền thông bắt đầu được xây dựng. Đến năm 2003, đã kiện toàn mạng lưới từ tỉnh đến huyện, xã. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ đang được đẩy mạnh sang hướng giáo dục sức khoẻ phát triển cả về bề rộng và bề sâu, từng bước sân khấu hoá, văn nghệ hoá.

Nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ

Công tác nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giai đoạn này có nhiều tiến bộ vượt bậc. Chỉ tính trong 10 năm, từ 1991-2000, toàn ngành đã thực hiện 20 đề tài cấp tỉnh, 103 đề tài cấp cơ sở. Nhiều đề tài có giá trị và ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả tốt. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều bệnh nhân trước kia phải đi bệnh viện Trung ương, nay đã được điều trị tại tỉnh. Năm 2005, đã triển khai 3 đề tài cấp tỉnh, 15 đề tài cấp ngành. Hoạt động nghiên cứu khoa

học đã có những bước chuyển biến tích cực và đồng đều hơn, nhiều kỹ thuật công nghệ mới được áp dụng vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhiều đơn vị có phong trào nghiên cứu khoa học tốt như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ Sản, Trung tâm YTDP, Trung tâm Nội Tiết, Công ty Dược-Vật tư y tế….

Trong lĩnh vực điều trị, tuyến tỉnh đã có đủ các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị, đã phát triển phẫu thuật sọ não, nội soi, chạy thận nhân tạo, truyền máu chọn lọc, phẫu thuật vá nhĩ, ghép xương, phẫu thuật nội soi sản khoa, điều trị vô sinh hiếm muộn. Hệ dự phòng cũng được đầu tư nâng cấp nhiều loại máy, thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu xét nghiệm, chẩn đoán và nghiên cứu khoa học như máy phá mẫu, miễn dịch huỳnh quang, trưng cất đạm, sắc ký lớp mỏng, máy đo chuyển hoá cơ bản, máy đo lưu huyết não…..

Hệ YHCT đã đầu tư theo hướng hiện đại hóa, đa khoa hoá YHCT, có máy sắc thuốc và đóng túi tự động, đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân.

Hệ phục hồi chức năng đã áp dụng điều trị bằng xung điện, máy hút chân không, thuỷ trị liệu.

Hệ dược đã xây dựng cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP cùng tiêu chuẩn phòng kiểm nghiệm thuốc tốt GLP.

Tại tuyến huyện đã được trang bị tương đối đầy đủ các thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu điều trị. Hầu hết các bệnh viện huyện đã làm chủ các phẫu thuật ngoại bụng, ngoại sản, điều trị các bệnh nội khoa, điều trị tương đối cơ bản các bệnh chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, thực hiện cơ bản các xét nghiệm sinh hoá, huyết học.

Để đáp ứng yêu cầu cán bộ y tế cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng, trong những năm qua ngành y tế đã cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở các bậc trình độ, chuyên ngành và hình thức khác nhau. Chú trọng đào tạo cán bộ có trình

độ kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ thuật y tế, đồng thời đào tạo cán bộ theo chế độ cử tuyển, cán bộ có kiến thức về y tế công cộng để đáp ứng nhu cầu tại tuyến y tế cơ sở. Công văn số 370/YT-TC ngày 27/03/2003 của Sở Y tế Thanh Hoá về việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành y tế đã nêu rõ mục đích của việc xây dựng và triển khai thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành y tế Thanh Hoá:

- Từng bước xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn cử cán bộ đi học đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức đồng thời phù hợp với trình độ chuyên môn và nhu cầu bố trí, sử dụng cán bộ của đơn vị, cơ quan.

- Xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, có năng lực đáp ứng được nhu cầu lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ mới. Đảm bảo đúng tiêu chuẩn, theo đúng quy hoạch, thay thế ngay được các chức danh cán bộ, công chức lãnh đạo khi có nhu cầu.

- Tạo môi trường thuận lợi để cán bộ liên tục phấn đấu, đồng thời thực hiện tốt quy chế bổ nhiệm và bổ nhiệm lại công chức, viên chức lãnh đạo.

Năm 2005, đã cử 102 cán bộ đi đào tạo sau đại học, 106 cán bộ đi học bác sỹ, dược sỹ chuyên tu và cử nhân, 18 cán bộ đi học lý luận chính trị cao cấp và trung cấp, xét tuyển đi học 30 bác sỹ tại đại học y Thái Nguyên cho 11 huyện miền núi và đào tạo 410 nhân viên y tế thôn, bản cho các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh, Mường Lát, Cẩm Thủy, Như Xuân. Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viêc chức được cử đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và chính sách hỗ trợ đối với cán bộ y tế công tác tại vùng cao.

Công tác thanh tra, kiểm tra được ngành xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vì vậy hoạt động này được tăng cường mở rộng ở nhiều lĩnh vực của ngành và được nhiều ngành có liên quan tham gia phối hợp.

Năm 1995, đã kiểm tra hành nghề y dược tư nhân 96 hộ trên địa bàn tỉnh, đã xử lý 24 trường hợp thuốc quá hạn ngoài danh mục. Cũng trong năm 1995 đã tiếp nhận 28 đơn khiếu nại và tố cáo. Qua kiểm tra cho thấy đơn thuốc không thuộc thẩm quyền vẫn còn, một số đơn do tuyến trên gửi về. Nội dung đơn thư chủ yếu tập trung vào công tác quản lý lao động, tài chính, mua sắm vật tư trang thiết bị y tế, thu lệ phía hành nghề y tế tư nhân, tuyển dụng đào tạo.

Năm 2005, đã thanh tra 194 cơ sở, trong đó phát hiện 53 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 31 cơ sở, xử lý và phạt tiền 22 cơ sở, tiêu hủy một số thành phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Tiến hành thanh tra 51 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, phạt hành chính 7 cơ sở và đình chỉ hoạt động 4 cơ sở. Thanh tra 37 trường học về công tác vệ sinh, có 18 trường xếp loại tốt, 18 trường xếp loại khá và 1 trường trung bình. Về giải quyết đơn thư, trong năm 2005 đã nhận được 31 đơn thư khiếu nại tố cáo, đã giải quyết 25 đơn thư [67, tr.7-8].

Nhìn chung, hoạt động thanh tra đã có những tác dụng đáng kể trong việc chấn chỉnh công tác quản lý cũng như việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, giúp cho các đơn vị đi đúng quỹ đạo của quy chế và pháp luật.

Hai mươi năm qua, mặc dù có những thời điểm rất khó khăn nhưng y tế Thanh Hoá dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo của chính quyền tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ cũng cố tổ chức mạng lưới y tế cơ sở đến đào tạo cán bộ, phát triển khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Trong giai đoạn này, bằng các

nguồn vốn trung ương và địa phương, Thanh Hoá đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật làm thay đổi đáng kể diện mạo hệ thống y tế cơ sở, tăng cường và nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ tỉnh đến các xã, phường, phát triển và ứng dụng kỹ thuật trong các lĩnh vực dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội và khám chữa bệnh. Đã khống chế nhiều bệnh dịch nguy hiểm như tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Việc cung ứng thuốc cũng có nhiều tiến bộ, có đủ thuốc đảm bảo cho điều trị, phòng chống các dịch và đề phòng thảm hoạ. Các doanh nghiệp dược địa phương đã sản xuất ngày càng đa dạng các loại thuốc đáp ứng nhu cầu thị trường và công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ngành cũng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển YHCT dân tộc trên cơ sở tiếp cận và áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ đã được chú trọng, góp phần vào việc giáo dục sức khoẻ lành mạnh trong cộng đồng. Những kết quả nêu trên là cơ sở để y tế Thanh Hoá tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.

CHƢƠNG 3

MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

3.1 Thành tựu và hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo phát triển y tế (1986 - 2005) (Trang 88 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)