7. Bố cục của luận văn
3.1.2 Những hạn chế tồn tại
Thành tựu y tế Thanh Hoá đạt được trong 20 năm đổi mới là hết sức to lớn, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của công tác khám chữa bệnh cũng như phòng chống các dịch bệnh, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy vậy, trong quá trình phát triển của mình, y tế Thanh Hoá cũng gặp không ít những khó khăn, bất cập cần phải giải quyết.
Thứ nhất, khó khăn lớn nổi bật hiện nay của y tế Thanh Hoá đó là vấn đề về nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn nữa sự nghiệp CS&BVSKND trong tỉnh.
Đầu tư cho y tế trong những năm qua tuy đã được quan tâm nhiều những chưa đáp ứng được với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Một số chương trình mục tiêu triển khai trên địa bàn rộng, chi tiêu cao song vật tư kinh phí thấp, vốn đối ứng không có hoặc quá ít nên không thể đáp ứng theo yêu cầu như: chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, chương trình sức khoẻ sinh sản, chống lao, HIV/AIDS, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị….Công tác tạo nguồn còn khó khăn, nhiều nơi thu không đủ chi theo thực tế. Các nguồn đầu tư từ bên ngoài hạn hẹp, nguồn đóng góp của dân còn hạn chế. Các dự án nước sạch sinh hoạt bệnh viện, dự án chất thải còn nhiều khó khăn và bất cập do thủ tục chậm và chưa có nguồn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bổ sung biên chế chưa được chủ động, cần được quan tâm quản lý theo ngành
mới đáp ứng được kế hoạch đề ra, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và miền núi, tỷ lệ một số chủng loại cán bộ thiếu và yếu (sau đại học, của nhân và cao đẳng điều dưỡng, YHCT, dược…). Trình độ quản lý của một số cán bộ quản lý chưa ngang tầm với nhu cầu phát triển. Đời sống của một bộ phận cán bộ công chức ở các đơn vị còn khó khăn (nhất là vùng núi, vùng cộng đồng dân cư kinh tế kém phát triển) đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác ở các đơn vị.
Thứ hai, công tác YTDP và phòng chống các bệnh xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các nguy cơ dịch nguy hiểm như: sốt rét, tả, thương hàn, sốt xuất huyết, sởi, dịch hạch….còn tiềm ẩn tại nhiều địa phương, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong vài năm trở lại đây, một số dịch mới xuất hiện như: dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút (SARS), dịch cúm gà lây từ gia cầm sang người (H5N1)….đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh bởi Thanh Hoá là tỉnh có dân số đông và địa hình rộng, phức tạp. Đặc biệt là đại dịch HIV/AIDS đang trở thành một mối đe dọa lớn, đang ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng con người, trật tự an ninh, kinh tế của các dân tộc trong tỉnh. Năm 1995 mới chỉ phát hiện 1 trường hợp đầu tiên nhiễm HIV ở Thanh Hoá, năm 2000 con số đó là 185, thì đến năm 2005, con số đó đã tăng lên tới 2.343 người nhiễm HIV (trong đó có 1.308 người Thanh Hoá), đã có 306 trường hợp tử vong. Đến 31/08/2006, số người nhiễm HIV đã tăng lên 2.994 người, đã có có 437 trường hợp tử vong do AIDS. Hiện nay, mô hình bệnh tật có sự chuyển dịch, đan xen phức tạp đòi hỏi công tác YTDP ở Thanh Hoá phải có những nỗ lực rất lớn mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, việc thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn mặc dù đã có những nỗ lực lớn.
Khám chữa bệnh cho người nghèo, người thuộc đối tượng ưu đãi xã hội, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là một tồn tại lớn, tạo gánh nặng cho các bệnh viện vì thiếu hệ thống chính sách đồng bộ và sự phối hợp liên ngành. Nhiều bệnh viện vùng cao, vùng sâu, vùng xa bị xuống cấp về cơ sở, lạc hậu về trang thiết bị và thiếu cán bộ chuyên môn giỏi có khả năng công tác độc lập, chỉ đạo chuyên khoa trong phạm vi một huyện hoặc một khu vực.
Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động y tế. Đời sống của đại đa số các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, nhu cầu về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của các tầng lớp nhân dân ngày càng cao và đa dạng. Nhưng do đầu tư kinh phí còn hạn chế nên nhiều cơ sở chưa được nâng cấp, cải tạo và trang bị mới. Cán bộ kỹ thuật chuyên môn, các phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phân bố không đồng đều, hầu hết tập trung ở tuyến tỉnh dẫn đến tình trạng bệnh nhân dồn về các bệnh viện lớn, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Chính sách thu một phần viện phí và cơ chế thị trường đã đặt đồng tiền giữa người phục vụ là nhân viên y tế và người được phục vụ là bệnh nhân. Nạn thu phí ngầm mặc dù có giảm đáng kể nhưng chưa chấm dứt. Tình trạng này nếu không được ngăn chặn có hiệu quả sẽ làm mất lòng tin của nhân dân.
Công tác thông tin quản lý, ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý còn hạn chế, mới chỉ tập trung chủ yếu ở các bệnh viện, trung tâm tuyến tỉnh và huyện. Đời sống cán bộ, công nhân viên trong ngành còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.
Thứ tư, hoạt động của hệ thống y tế cơ sở cả tuyến huyện và xã còn rất nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến việc chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân còn nhiều mặt hạn chế, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ.
Định biên cán bộ ở các tuyến còn thiếu và chưa hợp lý, việc cập nhật thông tin, ứng dụng thực tiễn, kỹ năng thực hành, tiếp cận với bệnh nhân cấp cứu….còn nhiều hạn chế. Cán bộ quản lý trạm năng lực tham mưu cho cấp ủy và điều hành công việc của trạm còn yếu, dẫn đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân hiệu quả không cao. Đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản tuy đã được tăng cường với hơn 92% thôn, bản đã có nhân viên y tế hoạt động và có chế độ phụ cấp, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Việc đào tạo nâng cao trình độ cho y tế cơ sở còn nhiều khó khăn do mặt bằng văn hoá thấp. Để đạt được mục tiêu 100% số trạm y tế xã, phường có bác sỹ vào năm 2010, ngành y tế Thanh Hoá cần phải nỗ lực rất nhiều thì mới thực hiện được mục tiêu đó.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhất là tuyến cơ sở nhiều nơi đã xuống cấp, lạc hậu và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Ngoài 76 xã đạt chuẩn quốc gia và một số xã được đầu tư xây dựng theo Quyết định 950 và một số dự án do tài trợ nước ngoài, vẫn còn tới 50 trạm chưa đạt chuẩn cơ sở hạ tầng, 29 trạm đã xuống cấp, 5 trạm chưa được xây dựng. Trang thiết bị, các phòng chức năng (theo chuẩn) phục vụ công tác khám và điều trị chưa đồng bộ và còn thiếu nhiều, chưa có xã nào đạt chuẩn về trang thiết bị, kể cả 248 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Về tuyến huyện, sau khi chia tách các đơn vị y tế, hiện nay các Trung tâm YTDP 11 huyện miền núi vẫn chưa có cơ sở làm việc. Đội ngũ cán bộ và năng lực chuyên môn của những đơn vị này cũng chưa đáp ứng yêu cầu…
Thứ năm, xã hội hoá y tế là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, quá trình triển khai thực hiện chủ trương này chúng ta còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với các cơ sở y tế Nhà nước: Đây là hệ thống cơ sở chủ đạo trong hoạt động y tế nhưng hiện nay còn thiếu và yếu, đặc biệt là hệ thống các TTYT huyện, thị xã, thành phố nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu do điều kiện cơ sở vật chất nhà cửa còn thiếu. Ngoài hệ thống các bệnh viện, trung tâm tuyến tỉnh về cơ bản được đầu tư tốt, ở các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến xã, nhìn chung hệ thống trang thiết bị y tế chưa được hiện đại hoá, đa số đã lạc hậu và thiếu đồng bộ. Đội ngũ y bác sỹ, thầy thuốc giỏi còn thiếu. Cá thể dịch vụ hoạt động y tế chưa phát triển đặc biết là lĩnh vực khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Đối với các cơ sở y tế tư nhân: Hoạt động hành nghề tư nhân chưa theo một quy định chúng do chưa có cơ chế chính sách đồng bộ và phù hợp. Sức hút bệnh nhân chưa cao. Một số cơ sở không đảm bảo quy chế chuyên môn y tế. Nhìn chung các dịch vụ y tế tư nhân còn nhỏ lẻ, chủ yếu là phòng khám tư, hiệu thuốc tư. Hiện tại, ở Thanh Hoá mới chỉ có Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực là bệnh viện tư nhân đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc khám và chữa bệnh cho nhân dân. Việc kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, chấp hành các quy định của Nhà nước đối với các cơ sở y tế ngoài Nhà nước còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển.
Cơ chế chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập gây ra những khó khăn làm hạn chế tốc độ xã hội hoá y tế. Nhà nước chưa huy động được nguồn lực trong nhân dân những khu vực có đời sống cao, đồng thời vẫn phải bao cấp những khu vực dân cư có đời sống thấp, mức thu viện phí thấp. Đối tượng được miễn giảm lại rộng, do đó các cơ sở y tế không đủ nguồn lực để phát triển chiều sâu.
Cơ chế quản ý thu chi nguồn kinh phí BHYT còn nhiều bất cập. Nguồn thu vẫn chỉ tập trung ở các đối tượng là cán bộ, công nhân viên khu vực hành chính sự nghiệp, cán bộ về hưu mất sức lao động, các đối tượng hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, BHYT do ngân sách Nhà nước cấp, các đối tượng khác chưa khai thác được, đặc biệt là đối tượng tự nguyện. Chế độ chi cho người bệnh có thẻ BHYT cũng chưa thật hợp lý. Số thu BHYT 3% hàng năm tăng dần do việc điều chỉnh mức lương khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh nhưng số chi không tăng. Một số trường hợp bệnh nhân nặng chi phí lớn thì BHYT khống chế chi phí bằng chính sách giá trần, do đó các cơ sở y tế rất căn ce trong việc chi cho bệnh nhân có thẻ BHYT vì một số khoản không được BHYT chi trả như tiền kim chỉ phẫu thuật, màng lọc bể thận, kỹ thuật phẫu thuật laser, nội soi….những chi phí vượt trần phải được xem xét cụ thể BHYT mới chi trả.
Thứ sáu, hệ thống cung ứng thuốc cũng còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Hiện tại năng lực sản xuất thuốc của các đơn vị trong tỉnh mới chỉ đáp ứng được trên 20% nhu cầu về thuốc chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh. Việc quản lý giá thuốc, ngăn chặn việc lưu hành thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục quy định rất khó khăn.
Thứ bảy,hệ thống YHCT cho dù được coi là mũi nhọn ưu tiên trong chính sách, song trên thực tế đầu tư còn hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng hiện có, chưa đủ mạnh so với yêu cầu nhiệm vụ.
Thuốc YHCT đưa vào điều trị chưa đa dạng, chủ yếu dạng thuốc thang và số lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng tăng của nhân dân. Công tác đào tạo chuyên sâu về YHCT chưa tương xứng với nhiệm vụ, chất lượng chưa theo kịp nhu cầu. Đại đa số các trạm y tế xã, phường chưa có biên chế
chuyên về YHCT. Hoạt động khám chữa bệnh bằng y học dân tộc ở các trạm y tế còn hạn chế do thiếu cán bộ được đào tạo YHCT, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc, khuôn viên vườn thuốc Nam tại nhiều trạm chưa đủ cung cấp nguồn thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Hiện tại, mới chỉ có khoảng 20% số bệnh nhân điều trị bằng YHCT. Vì vậy, việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động YHCT trong việc khám và điều trị cho nhân dân trong tỉnh là một nhiệm vụ rất quan trọng đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa để đưa công tác này phát triển.
Đó là những tồn tại, hạn chế cơ bản của ngành y tế Thanh Hoá trong 20 năm đổi mới, cần thiết phải được khắc phục để công tác CS&BVSKND được tốt hơn.