2.2 Thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư
2.2.2 Cấp và điều chỉnh giấy phép đầu tư
Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục phân cấp sâu rộng hơn, lớn hơn cho các địa phương trong việc quản lý cũng như cấp phép các dự án FDI. Chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ cho chủ trương đó thực hiện thắng lợi. Công việc phải làm trước mắt là tập huấn cho đội ngũ cán bộ địa phương hiểu rõ hơn vai trò của mình, về hệ thống chính sách cũng như việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở địa phương. Ngoài ra, các bộ ngành trung ương cũng sẽ hỗ trợ trong giai đoạn đầu. Thời gian qua, hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư tực tiếp nước ngoài của Phú Thọ đã có nhiều cải thiện theo hướng tạo môi
trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư nước ngoài, nhất là trong việc xem xét cấp phép đối với các dự án FDI.
Phú Thọ ban hành và thực hiện có kết quả cải cách thủ tục hành chính, thông qua thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo Quyết định số 417/2009/QĐ-UBND ngày 25/2/2009 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ, đã rút ngắn thời gian kể từ khi quyết định chủ trương đầu tư đến bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, góp phần đáng kể cải thiện môi trường đầu tư, được các nhà đầu tư hoan nghênh và đánh giá cao. Nhà đầu tư nước ngoài được miễn các chi phí liên quan đến công tác giải quyết thủ tục đầu tư, trừ việc nộp lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Quy trình thụ lý hồ sơ và cấp giấy phép đầu tư được quy định riêng tại tỉnh: Nhà đầu tư chỉ cần làm việc trực tiếp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thành hồ sơ dự án FDI, nhận giấy phép đầu tư và triển khai thủ tục thực hiện dự án (hoặc trực tiếp với Ban Quản lý các KCN tỉnh đối với các dự án đầu tư vào KCN).
Bên cạnh đó, thời gian đăng ký cấp giấy phép đầu tư là 7 ngày làm việc; thời gian thẩm định cấp giấy phép đầu tư là 20 ngày làm việc; 10 ngày làm việc đối với dự án mà UBND tỉnh tham gia ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định và cấp giấy phép đầu tư. Thời gian quy định đối với các thủ tục trên mặc dù đã rút ngắn so với những quy định chung của Chính phủ nhưng vẫn dài hơn so với một số tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội…
Theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có quyền quyết định chấm dứt hoạt động của dự án trong trường hợp nhà đầu tư không triển khai dự án sau 12 tháng được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc
dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp được gia hạn hoặc cho tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án... Do đó, một số dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng triển khai đã bị rút giấy phép, như: Công ty TNHH Dệt Philip, công ty TNHH Lessco Việt Nam, công ty TNHH Lâm Phú Hào, công ty TNHH BeeWoo…
Từ năm 2002, tỉnh Phú Thọ đã có quyết định thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông đối với các dự án đầu tư nước ngoài vào địa bàn. Sở KH&ĐT với trọng trách là 1 cơ quan tham mưu và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã tập trung vào 3 khâu có tính chất đột phá: xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng, nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giảm tối đa đầu mối tiếp xúc giải quyết công việc, giảm thời gian, chống phiền hà cho nhà đầu tư trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... Tại nơi tiếp nhận và trả hồ sơ đều niêm yết công khai các quy trình, thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, lệ phí… Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả được trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ và hiện đại; có đầy đủ các loại sổ theo dõi, quản lý hồ sơ tiếp nhận và giải quyết theo quy định. Từ tháng 10/2010, Sở đã thực hiện hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia (NBRS) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trang bị giúp cho việc đăng ký doanh nghiệp thành lập mới đã giảm từ 05 ngày xuống còn 03 ngày và bỏ qua bước gửi hồ sơ đến Cục Thuế để đề nghị cấp mã số thuế, tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức và công dân.