Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh phú thọ (Trang 81 - 86)

2.3 Đánh giá chung về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn

2.3.1 Những kết quả đạt được

Trong thời gian qua, cùng với các doanh nghiệp khác hoạt động trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, doanh nghiệp FDI đã đóng góp tích cực vào thay đổi bộ mặt của tỉnh trên nhiều phương diện như: tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cấp cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm quản lý, chất lượng lao động… Bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tỉnh ta cũng đang tập trung quy hoạch và phát triển nhiều KCN, CCN nhằm tăng cường thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Thực tế sự ra đời của các KCN, CCN, trong những năm gần đây đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế của tỉnh. Từ đó, Phú Thọ dần khẳng định vị trí của mình trong quy hoạch phát triển kinh tế vùng của cả nước. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã lựa chọn đường lối đổi mới kinh tế đúng đắn, kiên định, phù hợp với xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá, đã mở cửa thu hút và có những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tranh thủ bổ sung nguồn vốn quan trọng, tận dụng khai thác đất đai, tài nguyên của

tỉnh; đồng thời tranh thủ các yếu tố thuận lợi mà nhà đầu tư nước ngoài đem đến, nhất là nguồn vốn.

Để hấp dẫn các nhà đầu tư, tỉnh Phú Thọ thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý và các thủ tục hành chính khác. Các nhà đầu tư đến với Phú Thọ đã yên tâm kinh doanh và bước đầu mở rộng quy mô sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà đầu tư và cho kinh tế của tỉnh. Ông Lê Thế Vang – Phó Giám đốc sở KH&ĐT cho biết: Thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện cơ chế một cửa liên thông, chỉ với một đầu mối đó là Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư sẽ được giao “mặt bằng sạch”. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã mở trang tin điện tử, trong đó có chuyên mục hỏi đáp thủ tục hành chính, phần hướng dẫn chi tiết các thủ tục để doanh nghiệp nắm bắt về thủ tục đăng ký đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư…[30]

Đồng thời, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho số lượng lớn lao động trong tỉnh. Lao động tỉnh Phú Thọ còn mang tính thuần nông nhưng khi được làm việc với các doanh nghiệp này thì tác phong cũng dần mang tính công nghiệp, kỷ luật lao động đã chặt chẽ hơn, chuyên môn cũng khá hơn… Vì vậy, người lao động trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài khi đi tìm công việc ở công ty khác cũng dễ dàng hơn, nhận được thu nhập cao hơn, nhất là người có kinh nghiệm công tác.

Công tác quản lý đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động được chấp hành tốt. Đa số lao động trong tỉnh làm việc trong khu vực này đều được đào tạo tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc được gửi đi đào tạo lại ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ sản xuất mới, ngành nghề mới.

Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từng bước được cải thiện. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận thức

được rằng muốn phát triển sản xuất kinh doanh, làm ăn lâu dài phải quan tâm đến quyền lợi và điều kiện làm việc của người lao động, phải hợp tác với người lao động, nhất là các tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phần lớn các dự án đầu tư vào Phú Thọ là những dự án nhỏ tập trung vào công nghiệp dệt may, gia công. Gần đây cũng có những dự án đầu tư vào nông nghiệp, du lịch hoặc kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, những lĩnh vực này ít dự án và có dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư do không triển khai như cam kết (Công ty cổ phần Phú Thọ - Korea, Công ty TNHH Hasvi, công ty TNHH Hong Myung). Có những dự án đã triển khai từ lâu và hiện nay vẫn là một trong những doanh nghiệp lớn trong tỉnh, có số công nhân lớn và thu nhập cho người lao động ở mức khá so với mặt bằng chung của tỉnh, như doanh nghiệp Pangrim Neotec – vốn đăng ký 79,1 triệu USD, Công ty Miwon Việt Nam – vốn đăng ký 40,0 triệu USD,công ty TNHH KAPS – TexVina – vốn đăng ký 22,8 triệu USD. Ông Shin Hyun Kap – Tổng giám đốc công ty TNHH Pangrim Neotec, chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Hàn tại Phú Thọ nhận định: “Việc FDI vào tỉnh có xu hướng giảm nhẹ ở năm 2008, 2009 không phản ánh thái độ của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này, vì bản thân các tập đoàn trên thế giới cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cơn bão tài chính. Năm 2010 và những năm tiếp theo vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tiềm năng và cơ hội đầu tư. Đến đầu tư tại Phú Thọ, nhà đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo địa phương rất ưu ái. Đây là cơ sở nhìn nhận dòng vốn FDI vào Phú Thọ trong thời gian tới sẽ tăng cao”[7]. Đồng thời, các dự án nhanh chóng phát huy hiệu quả, đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất hàng hoá, thúc đẩy công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo định hướng cho công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này.

Không chỉ sản xuất cung cấp các sản phẩm trong nước, các doanh nghiệp FDI còn xuất khẩu hàng hóa, chủ yếu là hàng may mặc hoặc nhận gia công, góp phần mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đến nay Phú Thọ đã có quan hệ kinh tế với nhiều nước trên thế giới, tuy tỷ lệ xuất nhập khẩu còn ít nhưng phần nào đã để lại thương hiệu về các mặt hàng xuất khẩu, tạo cơ hội thu hút hơn nữa đối với các nhà đầu tư.

Các đơn vị hành chính quản lý doanh nghiệp FDI ngày càng dày dặn kinh nghiệm, chủ động hơn trong công tác thu hút, cấp và điều chỉnh giấy phép, khâu thanh tra, kiểm tra cũng chặt chẽ hơn. Bên cạnh việc áp dụng các pháp lệnh của Nhà nước về thu hút và quản lý doanh nghiệp FDI, tỉnh Phú Thọ đã ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, không rập khuôn máy móc bài học kinh nghiệm của các tỉnh khác hoặc chủ trường chung chung, xa rời thực tế. Nhờ vậy, môi trường đầu tư đã thông thoáng hơn, hấp dẫn các nhà đầu tư và đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Từ khi thực hiện mở cửa hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Phú Thọ đã tiến bộ nhiều và dần hoàn thiện kỹ năng quản lý của mình. Các khâu quản lý đã đi vào nền nếp và sáng tạo, linh hoạt trong quá trình đưa ra chủ trương, kế hoạch thu hút FDI. Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã được giải quyết; công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh chóng với sự giúp đỡ của người dân sở tại, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phát triển.

Mặt khác, để phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, các chính sách ưu đãi với doanh nghiệp FDI đã được cụ thể hóa, chi tiết với từng lĩnh vực hoạt động, từng địa phương như: ưu đãi về giá đất, về ngành nghề, về địa bàn các xã, huyện, miễn giảm thuế với các ngành ưu tiên…

Với quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục cấp phép dự án FDI nói riêng, Phú Thọ đã có nhiều cố gắng nỗ lực rút ngắn thời gian cấp giấy phép, thay đổi tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ trực tiếp liên quan đến giải quyết các thủ tục đầu tư, thay đổi nhận thức của các cơ quan ban, ngành có liên quan, đúng như Chủ tịch tỉnh Hoàng Dân Mạc đã khẳng định: “Việc cấp phép dự án đầu tư thông thường được thực hiện trong vòng một tuần, với những dự án có đầy đủ hồ sơ, chúng tôi có thể cấp phép trong vòng 3 ngày”; “Phú Thọ khuyến khích các nhà đầu tự thực hiện đầu tư dự án với mọi hình thức như BOT, BT, 100% vốn nước ngoài, liên doanh liên kết. Tỉnh chủ trương và có cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực đô thị và hạ tầng; đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, kinh doanh bất động sản, các khu đô thị, khu trung tâm thương mại, các khu du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ cao cấp có quy mô lớn. Phú Thọ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất trên địa bàn tỉnh với những ưu đãi và các thủ tục hành chính thông thoáng theo các cam kết của tỉnh đã được thể hiện trên các văn bản, chính sách đã được ban hành”.[6]

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trong đầu tư cấp phép với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; thành lập Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng UBND tỉnh từ tháng 6 - 2011. Phòng Kiểm soát TTHC đã công khai niêm yết địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân về quy định hành chính với đầy đủ số điện thoại, địa chỉ hòm thư liên lạc trên Cổng giao tiếp điện tử của tỉnh. Các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài KCN có thể phản ánh rào cản hành chính bằng con đường này, về các thủ tục cấp, điều chỉnh giấy phép, về tệ tham ô, sách nhiễu…

Những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ về quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế của tỉnh. Dần dần, vị trí của tỉnh Phú Thọ trong khu vực vùng đã được khẳng định và ngày càng có nhiều nhà đầu tư không chỉ ngoài tỉnh mà còn các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Phú Thọ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh phú thọ (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)