3.2 Những giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đố
3.2.1 Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch
Trước hết, cần xây dựng quy hoạch tổng thể về thu hút FDI. Từ trước đến nay, tỉnh mới chỉ có định hướng thu hút FDI mà chưa xây dựng một quy hoạch, chiến lược thu hút FDI có gắn với các loại quy hoạch khác như quy hoạch vùng, quy hoạch ngành... Việc phân cấp đầu tư mạnh trong điều kiện thiếu các quy hoạch cũng như chưa chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý đã dẫn đến tình trạng ồ ạt triển khai một loạt các dự án theo kiểu "phong trào" như dự án xây dựng nhà máy giấy, xi-măng, may mặc... gây lãng phí vốn đầu tư, khiến cơ cấu kinh tế có nguy cơ bị lệch, vì vậy cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch:
- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch phát triển KTXH của tỉnh đến năm 2020 cho tất cả các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhân dân trong tỉnh; trên cơ sở đó, từng bước cụ thể hóa công tác quy hoạch khu vực FDI và đưa vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện. Tùy theo sự thay đổi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời cho phù hợp với quá trình phát triển; Thực hiện thống nhất các quy định mới của Luật Đầu tư trong công tác quy hoạch, đảm bảo việc xây
dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với các cam kết quốc tế. Ban hành các văn bản hướng dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp về lộ trình cam kết mở cửa đầu tư nước ngoài làm cơ sở xem xét cấp phép đầu tư.
- Tăng cường hiệu lực và hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư FDI. Từ đó ngăn chặn được tình trạng các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai thực hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về: tiến độ thực hiện dự án, việc tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động, môi trường, thuế và các nghĩa vụ tài chính, đảm bảo an ninh trật tự tại hiện trường dự án.
- Tổ chức giới thiệu, quảng bá các dự án ưu tiên trong các dịp mời gọi, xúc tiến đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến và đầu tư. Đồng thời, cần tập trung đầu tư nhiều hơn ở những vùng có thế mạnh chứ không phải các vùng chậm phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao nhiều hơn doanh nghiệp khác. Thay vì hỗ trợ tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa như trước đây, tỉnh nên hỗ trợ kinh phí, tài chính cho tập đoàn lớn để mong muốn thu hút dự án công nghệ vào địa phương.
- Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2011-2020; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chế độ phân cấp quản lý FDI, bao gồm việc phân cấp cấp giấy chứng nhận đầu tư, quản lý hoạt động FDI và phân cấp quản lý một số lĩnh vực; nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI; nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn FDI; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án FDI có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất,…
- Sớm bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh chủ động hơn trong mời gọi đầu tư và khi nhà đầu tư vào tỉnh thì không phải chờ đợi. Đi đôi với việc không ngừng đổi mới thể chế để thu hút FDI, cần hoàn thiện thể chế để ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực có thể có như trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm điều kiện cần thiết cho người lao động theo luật định.. Những dự án có tính chất quan trọng, có vị trí lợi thế sẽ xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, làm cơ sở giao cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh tổ chức mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.
- Nghiên cứu, ban hành các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài cho các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục, đào tạo, y tế, quy hoạch đô thị; ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tăng cường công tác phối hợp đồng bộ các chính sách đất đai, đầu tư tài chính, tín dụng để khuyến khích đầu tư nước ngoài.
- Về chiến lược thu hút FDI thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung vào tiêu chí phát triển bền vững, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng, đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ. Về không gian đầu tư, quy hoạch các dự án đầu tư theo cụm, vùng, tạo liên kết thành chuỗi giá trị trong toàn quốc để tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí vận chuyển và tạo sự hỗ trợ lẫn nhau về công nghệ, môi trường và lao động.
- Vị trí thuận lợi về giao thông, thị trường tiêu thụ lớn, nguồn nhân lực trình độ cao khá dồi dào... là những lợi thế để các KCN và khu chế xuất Phú Thọ thu hút những dự án loại này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là thiếu đất sạch để cung cấp cho nhà đầu tư vì công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, giá đất tăng cao. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư. Ngoài ra,
cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, bảo vệ môi trường..
3.2.2. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư
Nói về hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian tới, ông Hoàng Công Thủy – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay: Mục tiêu chiến lược và tầm nhìn đến năm 2020 là xây dựng Phú Thọ trở thành một tỉnh công nghiệp, cơ cấu kinh tế hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, đồng thời là hạt nhân gắn kết các địa phương trong khu vực để cùng phát triển [7]. Phú Thọ đã bắt đầu triển khai những giải pháp mới để tăng cường thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thông tin. Những dự án mời gọi đầu tư vào tỉnh phải tạo được điểm nhấn cho tỉnh trong tương lai. Trong đó, ưu tiên những dự án công nghệ cao trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư hạ tầng cơ sở các KCN, CCN. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của tỉnh rất cần chính sách từ Trung ương như nới rộng cho tỉnh cơ chế vay vốn của các tổ chức nước ngoài (theo quy định hiện nay là vay vốn không vượt quá 30% ngân sách địa phương)... Thêm vào đó, phương hướng phát triển bền vững của tỉnh cũng được thể hiện trong nội dung nghị quyết số 37-NQ/TƯ của Bộ chính trị khóa IX về phương hướng phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Phú Thọ đến năm 2020... Nếu những chiến lược đòn bẩy này được khai thác tốt sẽ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cho tỉnh trong giai đoạn tới.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ để thu hút được những dự án công nghệ cao từ các TNCs. Ðồng thời chú trọng thu hút các dự án R&D... Ban hành các văn bản quy định rõ ràng về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường, nhằm kiểm soát công nghệ mà các nhà đầu tư nước ngoài mang vào, hoàn
thiện hành lang pháp lý cho chuyển giao công nghệ… Cần hướng các nhà đầu tư nước ngoài vào việc góp phần giảm tình trạng nhập siêu vì không ít doanh nghiệp FDI nhập khẩu chính sản phẩm của họ để gia công làm trầm trọng thêm tình hình.
Chủ động tiếp cận và hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào tỉnh; Tăng cường năng lực và nâng cao vai trò tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp của Trung tâm tư vấn và Xúc tiến đầu tư – Sở KH&ĐT. Phát huy vai trò của Sở KH&ĐT, Ban Quản lý các KCN tỉnh trong công tác tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài, thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa nhà đầu tư đối với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài các vấn đề liên quan đến: thủ tục đầu tư, tư vấn về chính sách pháp luật, các chính sách ưu đãi, các quy định của tỉnh….cung cấp các gói thông tin cần thiết về các lĩnh vực: các loại quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực của tỉnh, các thông tin cần thiết khác như: thực trạng nguồn nhân lực, phương thức đào tạo và tuyển dụng nhân lực, thực trạng về cơ sở hạ tầng cứng (hệ thống đường giao thông, quy hoạch các khu công nghiệp, điện, cấp thoát nước,….) và cơ sở hạ tầng mềm (hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông, quyền sở hữu trí tuệ….).
Triển khai thực hiện đa dạng, linh hoạt các hoạt động đối ngoại, xây dựng tình hữu nghị đoàn kết giữa tỉnh với cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Từ đó xây dựng lòng tin, tạo tâm lý ổn định, yên tâm cho những doanh nhân, nhà đầu tư là người nước ngoài đang triển khai thực hiện các dự án FDI tại tỉnh Phú Thọ. Việc này có tác dụng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và sự hiểu biết lẫn nhau giữa tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam với quốc gia có đầu tư trực tiếp tại tỉnh, từ đó thúc đẩy việc mở rộng quy mô các dự án hiện có, thu hút được thêm nhiều dự án FDI mới.
Thực hiện một số bài viết, phóng sự trên một số báo, tạp chí, đài truyền hình trong nước để giới thiệu hình ảnh, chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó phục vụ quảng bá Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Hà Nội và các vùng lân cận. Tỉnh cũng cần dành kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác vận động xúc tiến đầu tư; tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch chi tiết, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và các chính sách khuyến khích đầu tư vào KCN; cung cấp miễn phí các thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có công thu hút các nhà đầu tư vào các KCN.
Tăng cường quảng bá, giới thiệu cung cấp thông tin cho các tổ chức, các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào tỉnh. Triển khai thực hiện giới thiệu thông tin thu hút đầu tư trên trang website của sở, ngành và Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; bổ sung một số trang bị thiết yếu, ấn phẩm, tài liệu cần thiết cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
Xây dựng các danh mục dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư nước ngoài với các thông tin cụ thể về mục tiêu, quy hoạch đất, địa điểm, giá đất, thế mạnh của tỉnh… đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cổng thông tin của tỉnh để làm cơ sở cho việc tổ chức các chương trình vận động đầu tư.