Giáo dục một số phẩm chất đạo đức trong giáo dục tinh thần lập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục tinh thần lập nghiệp cho thanh niên việt nam hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh (Trang 47 - 54)

7. Kết cấu

1.2.4. Giáo dục một số phẩm chất đạo đức trong giáo dục tinh thần lập

nghiệp cho thanh niên

Thanh niên là lực lượng lao động chủ yếu của xã hội. Xã hội có phát triển hay không tùy thuộc năng lực và phẩm chất của thanh niên đối với lao động. Vai trò to lớn của thanh niên như vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở thanh niên cần có tình yêu lao động, có thái độ trân trọng đối với lao động trí óc cũng như lao động chân tay. Muốn thanh niên yêu lao động thì trước hết phải làm cho thanh niên nhận thức được lao động là bổn phận, là trách nhiệm của mỗi con người đối với Tổ quốc. Người đã từng khẳng định :

“Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Phải giúp cho thanh niên tẩy trừ tư tưởng xem khinh lao động, thói lười biếng, ỷ lại”[47, tr 61] “Trong xã hội ta, không có nghề nào thấp kém, chỉ có những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ” [47, tr 61]. Và “Bất cứ làm nghề gì, có ích cho nước nhà, cho nhân dân, cho giai cấp, đều là vẻ vang. Bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch, đều phải lao động cả, làm gì ích nước lợi dân là vẻ vang”[44, tr 478]

Người đã chỉ rõ cho thanh niên, trong xã hội mỗi nghề nghiệp đều có những đặc trưng riêng về kỹ thuật và tính chất lao động, đều có khó khăn và thuận lợi. Nhưng tất cả đều nhằm cho việc tạo dựng cơ nghiệp cho chính mình và góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc giáo dục cho thanh niên tình yêu lao động, để thanh niên thấy được trách nhiệm của mình đối với tương lai của chính bản thân mình và đất nước. Từ đó, thanh niên sẽ tích cực tham gia lao động sản xuất, để tạo ra của cải cho mình, gia đình và xã hội. Người thường nói: công việc ngày càng nhiều, khó khăn hơn nhiều và phức tạp hơn...Nhận thức được điều đó, thanh niên sẽ quyết tâm làm, để ra sức phấn đấu học tập để phục vụ cho công việc, đó cũng là điều giúp thanh niên biết yêu quý công việc của chính minh.Yêu lao động, thanh niên phải biết quý trọng thành quả lao động, phải biết tiết kiệm, không hoang phí, xa xỉ, phải hăng hái thi đua sản xuất thực hành tiết kiệm, phải tự giác giữ vững kỷ luật lao động, lao động phải có kế hoạch, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả.

Không chỉ giáo dục cho thanh niên biết yêu lao động, Hồ Chí Minh còn giáo giáo dục cho thanh niên ý thức, kỷ luật lao động, thực hành tiết kiệm, dám nghĩ dám làm không sợ khó, không sợ khổ, cần cù nhẫn lại, sáng tạo trong lao động. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Mỗi người phải tự giác giữ vững kỷ luật lao động. Thanh niên càng phải xung phong hăng hái thực hiện khẩu

hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó thanh niên làm”[47, tr 70]. Người không chỉ giáo dục tình yêu lao động cho thanh niên, mà Người còn giáo dục tình yêu lao động cho thiếu niên nhi đồng, Người đã chỉ rõ: Các cháu phải chăm học, chăm làm, giúp đỡ cha mẹ làm những công việc giai đình, đồng thời giúp các gia đình thương binh liệt sĩ, neo đơn, những công việc vừa sức mình như : trông em, lấy củi,… tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, mà những công việc nhỏ cộng lại thành những công việc to. Như vậy, sẽ giúp các bạn nhỏ hình thành được ý thức công việc của mình đang làm và vai trò của họ sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước

Trong tác phẩm “ Đời sống mới” viết năm 1947, Người đã nêu: “Hơn nữa, phải khuyên học trò tham gia việc tăng gia sản xuất. Điều này cũng quan trọng lắm. Một là làm cho họ biết kính trọng sự cần lao. Hai là tập cho họ quen khổ. Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỷ lực (làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Bốn là có ích cho sức khoẻ của họ”[39, tr 121]. Như vậy, thanh niên tích cực tham gia vào lao động, để họ thấy được trong lao động cần phải có ý chỉ, có tinh thần tự lập và thấy được sự vất vả trong quá trình lao động. Qua đó giúp thanh niên tích cực tham gia vào lao động và có ý thức, trách nhiệm hơn đối với công việc của mình và của xã hội, bởi “ Mỗi thứ của cải chúng ta làm ra phải tốn bao nhiêu mồ hôi và sức lao động.”[47, tr 70] thanh niên phải biết trân trọng những thành quả của sức lao động, sản phẩm của quá trình lao động không phải tự dưng mà tồn tại được.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh thanh niên cần phải có ý chí, nghị lực, tinh thần ham làm chứ không phải ham địa vị, sẽ giúp cho thanh niên vượt qua những khó khăn, thử thách. Thanh niên phải có quyết tâm, đã quyết làm việc gì thì phải làm cho đến nơi đến chốn và làm cho bằng được. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mỗi người lao động cần có tinh thần dám nghĩ dám làm, vươn lên hàng đầu, thành người lao động tiên tiến. Công nhân, nông dân ta và

người lao động trí óc cần tin rằng chúng ta có đầy đủ sức mạnh, can đảm và thông minh để xây dựng cuộc đời mới của mình. Chỉ cần chúng ta có đầy đủ ý thức làm chủ, tinh thần tập thể, kỷ luật và ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì chúng ta cũng làm được”[47, tr 70]. Thanh niên cần phải có tinh thần nghị lực, tự lập quyết tâm, cộng với tinh thần ham học hỏi, có lòng ham tiến bộ thì sẽ sẵng sàng vượt qua những khó khăn thử thách trong công việc, họ sẽ dễ hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng. Bởi bất cứ làm nghề gì cũng phải học, mục đích của việc học không gì khác hơn là để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh những thanh niên ham học hỏi, không ngại khó khăn, thử thách trong công việc vẫn còn có một số thanh niên vẫn chưa hiểu hết được vai trò của lao động đối với xã hội. Vì vậy, vẫn còn có hiện tượng “họ chưa thiết tha yêu nghề, thường “đứng núi này, trông núi nọ”[47, tr 91]. Bản thân họ khi đã không thích thú hay yêu thích công việc mà họ đã chọn thì bản thân thanh niên cũng không có ý chí muốn cố gắng khắc phục những khó khăn trong hiện tại để vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Với những biểu hiện như vậy, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở thanh niên, cần phải nêu cao tinh thần và ý chí của mình trong mọi hoàn cảnh qua lời khuyên của Người dành cho thanh niên. Lời khuyên đó, đã trở thành g như là một chân lý, phương châm sống và hành động của thế hệ thanh niên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển quyết chí ắt làm nên”[40, tr 440]. Hồ Chí Minh cũng phân biệt rõ cho thanh niên giữa tiền đồ của cá nhân và tiền đồ của dân tộc. Với mục đích giúp cho thanh niên hiểu rõ vai trò của mình đối với tương lai của dân tộc, phấn đấu, hoành thành tốt công việc mà mình đang làm, làm bất cứ

công việc đó có lợi cho quốc gia, nhân dân đều là vẻ vang; chứ không phải cứ được đăng báo, hay được tặng huân chương thì mới vẻ vang và có tiền đồ.

Hồ Chí Minh cũng đã nêu ra yếu điểm về tinh thần làm việc của thanh niên nông thôn “Nhiều thanh niên nông thôn chưa hiểu rằng nông nghiệp là cực kỳ quan trọng cho quốc kế dân sinh, vì vậy mà họ chưa thật thích thú với sản xuất nông nghiệp”[47, tr 91] hay “Phải chăng thanh niên nông dân cho rằng làm ruộng chân bùn tay lấm không xinh trai đẹp gái, cho nên tư tưởng thoát ly nông thôn khá phổ biến? Bác chắc rằng các cháu thanh niên không sai lầm đến thế”[48, tr 108]. Cho nên, bản thân mỗi thanh niên cần phải ra sức học tập, nâng cao trình độ của của mình cũng như khi quyết định chọn công việc gì đó thì phải yêu nghề và có ý chí, nghị lực để vượt qua những khó khăn mà công việc đó gặp phải. Không nên đánh giá công việc này sang hay công việc này hèn, bởi đã là lao động thì đều là quý giá, là vinh quang.

Theo Hồ Chí Minh giáo dục lao động trong nhà trường là khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa nhằm đào tạo thế hệ trẻ có những kiến thức khoa học, vừa có kiến thức cơ bản về kĩ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, sẵn sàng tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong tác phẩm “Học hay cày giỏi” của Người. Hồ Chí Minh đã đề cập đến một yếu tố mới của giáo dục. Đó là việc cung cấp cho học sinh những tri thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Những ngành sản xuất nông nghiệp chủ yếu trong xã hội, đó cũng chính là nội dung giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp cho thanh niên, để thanh niên sử dụng tri thức đó thực hiện việc lập thân, tạo dựng sự nghiệp cho mình.

Giáo dục cho thanh niên truyền thống lao động cần cù, tiết kiệm của thế hệ cha ông, để thanh niên tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần lao động đó. Truyền thống cần cù, tiết kiệm, thông minh sáng tạo cũng là một trong những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó được hình thành trong điều

kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội khó khăn ngay từ những năm đầu dựng nước và giữ nước. Sống trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả tưởng nhưng nhờ có đức tính cần cù và tiết kiệm mà nhân dân ta đã vượt qua để từng bước khẳng định mình trong quá trình phát triển dân tộc. Chính vì sự khó khăn như vậy đòi hỏi con người phải biết quý trọng những thành quả lao động.Mặc dù trong lao động, dân tộc Việt Nam rất cần cù, nhưng sự cần cù ấy luôn gắn liền với sự tiết kiệm. Bởi lối sống tiết kiệm nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người, mỗi người luôn phải có trách nhiệm với chính bản thân, giai đình, xã hội. Cần và kiệm có gắn kết với nhau thì cuộc sống con người mới đỡ vất vả hơn. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nhờ có cần cù và sáng tạo trong lao động mà cha ông ta đã xây dựng được non sông, gấm vóc và giữ vững nền độc lập của đất nước ta đến ngày nay.

Bên cạnh giáo dục tình yêu, kỷ luật trong lao động cho thanh niên còn cần phải giáo dục phẩm chất đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là phẩm chất bao trùm nhất quan trọng nhất đối với mọi người và cũng rất cần thiết cho thanh niên trong quá trình lập nghiệp .

Cần, tức là lao động cần cù, siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng. Cần còn là làm việc một cách thông minh, sáng tạo, có kế hoạch, khoa học. Với thanh niên là siêng học, siêng làm thể hiện như: ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất khó mấy quyết cũng làm được, hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, ra sức học tập để nâng cao trình độ văn hóa kĩ thuật để cống hiến cho tổ quốc. Vì vậy, Người dạy thanh niên phải học tập tốt, lao động tốt

Kiệm, tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân; phải tiết kiệm từ cái lớn đến cái nhỏ, không phô trương hình thức, không xa xỉ, hoang phí, không liên hoan, chè chén lu bù.. Bác giải thích, tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không đáng tiêu xài

thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, nhưng khi có việc cần làm lợi cho dân, cho nước thì hao bao nhiêu của, tốn bao nhiêu công cũng vui lòng, như thế mới là kiệm.

Liêm, nghĩa là trong sạch, là luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Bác cũng chỉ rõ ngược lại với chữ Liêm là tham ô, là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét nhân dân, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của nhà nước làm quỹ riêng cho địa phương mình. Tham ô là trộm cướp, là kẻ thù của nhân dân. Muốn Liêm thật sự thì phải chống tham ô.

Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới: luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà; không dối trá, lừa lọc.Đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm“ Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm.Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”[40, tr 113]. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước, cho dân.

Chí công vô tư, là ham làm những việc ích quốc, lợi dân, không ham địa vị, không màng công danh, vinh hoa phú quý; “phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ (tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc). Người còn chỉ ra mối quan hệ: cần, kiệm, liêm chính tốt sẽ dẫn tới chí công vô tư, và chí công vô tư, một lòng vì dân, vì nước thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính. Cần mà không kiệm thì chẳng khác “gì gió vào nhà trống”.

Còn kiệm mà không cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng, thì không phát triển được. Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần, Kiệm, Liêm: là gốc rễ của chính , như một cây không chỉ cần có gốc rễ mà còn phải có cành lá, hoa quả mới hoàn chỉnh.

Cần, Kiệm, Liêm, Chính: là tứ đức của con người, những đức tính không thể thiếu được của con người, thiếu một đức tính thì cũng không thành người và cũng là thước đo vững mạnh về tinh thần, sự văn minh tiến bộ của dân tộc. Chí công vô tư, thực chất là nối tiếp cần, kiệm, liêm, chính vì vậy nó có mối quan hệ mật thiết với nhau, thực hiện được cần kiêm liêm chính sẽ dẫn đến chí công vô tư, ngược lại đã chí công vô tư một lòng vì nước, vì dân, vì đảng, thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiêm, liêm, chính.

Đó là một số phẩm chất cần có của thanh niên trong quá trình lập nghiệp. Bởi thiếu đi nền tảng này, thanh niên sẽ khó vượt qua những thăng trầm của lịch sử, khó khăn của hoàn cảnh để kiên trì, phấn đấu đến cùng cho lý tưởng của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục tinh thần lập nghiệp cho thanh niên việt nam hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh (Trang 47 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)