2.2.1 Khái niệm vị từ tình thái và vị từ tình thái hàm hƣ
Vị từ tình thái (Modality verbs) là một cách gọi khác của động từ tình thái và là một trong những phương tiện đánh dấu tình thái rất quan trọng: “Tình thái, trong tất cả các phương tiện của nó, là một thành tố nội dung của ngôn ngữ và các động từ tình thái là phương thức rất quan trọng để biểu thị các đặc trưng rất khác nhau của tình thái trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới” [dẫn theo Bùi Trọng Ngoãn, 2004, tr1]. Tuy nhiên như Nguyễn Văn Hiệp [2006, tr10] đã nhận xét, khái niệm vị từ tình thái khi được thể hiện ở văn liệu tiếng Việt đã “gây ra ít nhiều ngộ nhận”.
Nguyên nhân của sự ngộ nhận này là do tiếng Việt đã dùng thuật ngữ vị từ tình thái để dịch hai khái niệm khác nhau của ngôn ngữ học thế giới, thể hiện qua hai thuật ngữ này được dùng khác nhau trong tiếngViệt là modal verbs “nói gọn là verbs) (tạm dịch là thái vị từ) và modality verbs (vị từ tình thái).
Trong tiếng Anh các thái vị từ có số lượng rất hạn chế như may, might, must,
shall, should, can, could, will, ought, need, dare và các thái vị từ trong tiếng Việt
là: có thể, phải, nên, cần, tất ... trong khi đó danh sách các vị từ tình thái rất lớn. Với những mức độ khác nhau và cách nói khác nhau, các nhà ngôn ngữ học Châu Âu là những học giả đầu tiên nghiên cứu sâu rộng nhất về tình thái. Trong số đó, định nghĩa của T.Givón- nhà ngôn ngữ học Âu Mĩ nổi tiếng được nhiều tác giả trong và ngoài nước chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay. Theo T.Givón, danh sách các vị từ tình thái lập thành một danh sách rất phong phú, ông đã xác định một định nghĩa rõ ràng về cả nghĩa học và kết học đối với vị từ tình thái như sau:
- Về mặt nghĩa học: Các vị từ tình thái là vị từ chính biểu thị sự bắt đầu, sự
kết thúc, sự kéo dài liên tục, sự thành công, sự thất bại, cố gắng, ý định, sự bắt buộc hoặc khả năng đối với sự tình được miêu tả ở bổ ngữ; và chủ thể của mệnh đề chính bắt buộc cũng là chủ thể của mệnh đề phụ”.
- Về kết học: Vị thế của vị từ tình thái trong quan hệ với các thành tố khác
trong câu được thể hiện sơ đồ hình cây sau:
S S: câu
Subj VP Subj: Chủ thể ngữ pháp
V S VP: Động ngữ
= Subj VP V: Vị từ tình thái [Dẫn theo Nguyễn Văn Hiệp 2003, tr11]
Định nghĩa này của Givón đã đề cập những nét cơ bản nhất của động từ tình thái về kết học và nghĩa học đồng thời đó cũng là cơ sở để phân biệt vị từ tình thái với thái vị từ như đã đề cập ở trên.
Riêng ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đề cập sâu rộng nhất đến vấn đề tình thái là Nguyễn Kim Thản, Diệp Quang Ban, Cao Xuân Hạo, gần đây nhất là Nguyễn Văn Hiệp, Bùi Trọng Ngoãn. Nguyễn Kim Thản [Động từ trong tiếng Việt, 1977] là học giả chỉ ra sớm nhất những đặc điểm chính của động từ tình thái và xác định các động từ tình thái là: cần, chịu, có thể, dám, định, nên, chực, khỏi, buồn,
khỏi, chực, toan...Tiến thêm một bước nữa, Diệp Quang Ban đã định nghĩa động từ tình thái theo ngữ pháp- ngữ nghĩa: “Động từ tình thái là động từ chỉ mối quan hệ giữa chủ thể nêu ở chủ ngữ hoặc chủ thể nói với nội dung của từ đứng sau động từ tình thái”.
Nghiên cứu động từ tình thái theo khuynh hướng mới nhất là áp dụng những thành tựu của ngữ pháp chức năng, theo đó khi nghiên cứu theo ngữ nghĩa chức năng nhiều nhà ngữ học đã chuyển tên gọi động từ tình thái thành vị từ tình thái nhằm nhấn mạnh mối liên hệ của vị từ làm vị ngữ có vai trò vị tố với chủ tố vốn vẫn được gọi là chủ thể.
Người nghiên cứu về phạm trù tình thái và vị từ tình thái một cách toàn diện và sâu sắc nhất theo quan điểm chức năng là Cao Xuân Hạo qua hai công trình: Tiếng Việt- sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991) và Tiếng Việt- mấy vấn đề ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp (1998). Tán thành và kế thừa quan điểm của T.Givón, Cao Xuân Hạo đã đưa ra khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu vị từ tình thái tiếng Việt viện dẫn [dẫn theo Bùi Trọng Ngoãn, 2004, tr 23]: “Vị từ tình thái (VTTT) như Huỳnh Văn Thông (1996) quan niệm, theo một nghĩa rộng và có phần ước định, là những vị từ hoạt động đòi hỏi một bổ ngữ vị ngữ (nghĩa là cần có một ngữ đoạn vị từ làm bổ ngữ trực tiếp- thay vì một ngữ đoạn danh từ thường làm bổ ngữ cho các vị từ ngoại động (không phải là vị từ tình thái) cùng chung một chủ thể với nó”.
Đúc kết các nghiên cứu đi trước, có thể đưa ra một khái niệm cơ sở để miêu tả: “Vị từ tình thái là những vị từ làm chính tố trong ngữ đoạn vị từ và luôn có một
vị từ khác làm bổ ngữ cho nó mà cả hai vị từ này đều có chung một chủ thể”. Định
nghĩa trên đã chỉ ra rằng: trong ngữ đoạn vị từ, vị từ tình thái đóng vai trò làm chính tố để biểu thị tính chất, hoạt động, trạng thái của sự tình. Ngữ đoạn có chứa vị từ tình thái làm chính tố như vậy còn được gọi tắt là ngữ đoạn vị từ tình thái.
Về việc phân loại các vị từ tình thái, chúng tôi đi theo hướng của Nguyễn Văn Hiệp, Bùi Trọng Ngoãn,… tức chủ trương phân loại các vị từ tình thái dựa trên
khả năng biểu thị các nội dung thuộc tình thái nhận thức. Theo đó, các vị từ tình thái có thể phân làm 3 loại:
+ Nhóm vị từ tình thái hàm thực biểu thị tình thái nhận thức thực hữu: chớm, bắt đầu, thôi, ngưng, ngừng, bỏ, nghỉ, mất, hết, hả, dứt, tạnh, có, còn, tiếp tục, mải, bật, phát, vụt, chợt, sực, đâm ra, hoá ra, trở nên, sinh, sinh ra, buồn, thích, cố tình, cố ý, giả bộ, giả vờ, tỏ vẻ, dám, cố gắng, biết, tập, quen, bị, được, phải, chịu, kiêng, tránh...
Nhóm này giả định hành động, trạng thái, tính chất...mà vị từ bổ ngữ của chúng đã tồn tại thực.
Ví dụ: Nó nghỉ làm rồi.
Việc dùng vị từ tình thái “nghỉ” giả định rằng trước nó đã đi làm. Vì thế ta không thể nói: “Nó nghỉ làm rồi, nhưng thực tế nó chưa bao giờ đi làm cả”. Tương tự, ta cũng không thể nói: “Mưa tạnh rồi, nhưng hôm nay trời có mưa đâu” hay “Anh ấy đâm ra nghiện thuốc, nhưng thực ra anh ấy chẳng hút chút nào”.
+ Nhóm vị từ tình thái vô hàm biểu thị tình thái nhận thức không thực hữu:
mong, ước, muốn, ngại, lo, định, định bụng, chủ bụng, quyết, quyết tâm, quyết định, tính, sẵn sàng, sẵn lòng, thử, thà...
Nhóm này không giả định hành động, trạng thái, tính chất...mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị là tồn tại hay không tồn tại.
Ví dụ: Lan muốn nói với Hùng tình cảm của cô ấy.
Việc dùng vị từ “muốn” không giả định là việc Lan nói với Hùng tình cảm của cô ấy có xảy ra hay không. Vì thế, ta có thể nói:
- Lan muốn nói với Hùng tình cảm của cô ấy và rồi hôm qua, Lan đã nói. - Lan muốn nói với Hùng tình cảm của cô ấy, nhưng đã quá muộn mất rồi, anh ấy đã không bao giờ tỉnh lại nữa.
+ Nhóm vị từ tình thái hàm hư biểu thị tình thái nhận thức phản thực hữu:
Nhóm này giả định hành động, tính chất, trạng thái mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị là không tồn tại, không có thật.
Ví dụ: Nó toan bỏ trốn.
Việc dùng vị từ tình thái “toan” giả định rằng nó đã không hoặc không thể bỏ trốn. Vì thế ta không thể nói “Nó toan bỏ trốn và rồi nó đã bỏ trốn thật”. Tương tự, ta cũng không thể nói: Thằng bé suýt chết đuối nhưng may nhờ có người ngăn mà nó không lao xuống biển khi không biết bơi.; hoặc “Nó chực đánh anh ta, anh ta phải cố sức lắm mới chống trả được”.
Theo cách phân loại này, các vị từ tình thái phản thực hữu thuộc về lớp vị từ tình thái nhận thức. Chính do đặc trưng của tiểu loại này là chỉ ra tính không chân thực, phi hiện thực của sự tình/ nội dung thông tin miêu tả (P) mà các vị từ này được các nhà ngữ học gọi là vị từ tình thái hàm hư. Các vị từ tình thái hàm hư thường được xác định gồm 4 yếu tố: toan, suýt, chực, hòng.
Riêng ở luận án, chúng tôi bổ sung thêm “định” vì vậy nhóm các vị từ tình thái này gồm 5 yếu tố: toan, suýt, định, chực, hòng. Tác tử “định” thường được xếp vào các yếu tố thuộc tiểu lớp tình thái không thực hữu (Ví dụ: Tôi định đến gặp ông ấy vào ngày mai). Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, ngoài nét nghĩa biểu thị tình thái không thực hữu, trong nhiều trường hợp “định” còn được dùng với nét nghĩa “biểu thị vị từ vị ngữ mà chúng biểu thị là không có thực”, chẳng hạn như “tôi định
đến thăm anh thì anh đã tới trước rồi” (việc tôi tới thăm anh đã không xảy ra) vì
vậy chúng tôi đã xếp định vào nhóm biểu thị tình thái phản thực hữu.