Bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh lạnh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ sau Chiến tranh lạnh đến nay (Trang 36 - 40)

6. Cấu trúc luận văn

1.2. Lực lƣợng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sau Chiến tranh lạnh

1.2.1. Bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh lạnh

Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, trật tự thế giới tồn tại gần nửa thế kỷ đã bị phá vỡ, cục diện thế giới và quan hệ chính trị quốc tế thay đổi về cơ bản, dẫn đến hình thành trật tự thế giới mới. Từ đây, tình hình thế giới cũng có nhiều diễn biến thay đổi với những nét nổi bật, đó là:

Một là, thế giới phát triển nhanh chóng theo hướng đa cực. Sự tan rã của Liên Xô đã tạo ra cho Mỹ một lợi thế tạm thời. Là cực duy nhất còn lại, Mỹ ra sức củng cố vị trí siêu cường, mưu đồ giữ vai trò chi phối bá chủ thế giới. Tuy nhiên, thời kỳ này thực lực giữa ba trung tâm của chủ nghĩa tư bản là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản không còn quá chênh lệch như trước đây. Mỹ không còn quá mạnh để áp đặt các nước, còn Nhật Bản và Tây Âu cũng muốn khẳng định vai trò của mình, không chấp nhận trật tự thế giới một cực do Mỹ chi phối. Bên cạnh đó Trung Quốc, Nga, Ấn Độ là những nước tuy còn có mặt yếu, nhưng cũng đang trên đà phát triển và ủng một mạnh mẽ một trật tự thế giới nhiều cực. Hơn nữa xu hướng liên kết tam giác Nga-Trung-Ấn đã bộc lộ khá rõ nét với mục tiêu tạo thành một trong những cực của trật tự thế giới mới.

Hai là, hòa bình thế giới được củng cố, nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi rõ rệt, nhưng hòa bình ở nhiều khu vực bị đe dọa, thậm chí ở nhiều nơi xung đột quân sự, nội chiến diễn ra ác liệt. Đó là các mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chạy đua vũ trang, các hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố quốc tế... vốn bị che đậy dưới thời Chiến tranh lạnh nay bộc lộ thành xung đột gay gắt. Phần lớn những mâu thuẫn, tranh chấp này đều có căn nguyên lịch sử, nên việc giải quyết không thể nhanh chóng và dễ dàng.

Ba là,xu thế phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm. Bài học của thời kỳ chiến tranh lạnh đã chứng tỏ phương pháp quan hệ quốc tế lấy đối đầu chính trị - quân sự là chủ yếu không còn phù hợp, phải chịu nhiều tổn thất hoặc thất bại như hai nước Mỹ - Xô. Trong khi đó, phương thức lấy hợp tác và cạnh tranh về kinh tế - chính trị là chính lại thu được nhiều tiến bộ, kết quả như các nước Đức, Nhật và NIC. Sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia được quyết định bởi sức mạnh tổng hợp của quốc gia đó, mà chủ yếu là thực lực kinh tế và khoa học - kỹ thuật. Vì vậy, sau Chiến tranh lạnh, tất cả các quốc gia đều đang ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển và tập trung mọi sức lực vào ưu tiên phát triển kinh tế. Trong thời điểm hiện nay, kinh tế trở thành trọng điểm trong quan hệ quốc tế, cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia thay thế cho chạy đua vũ trang đã trở thành hình thức chủ yếu trong

cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Những cân nhắc về địa - kinh tế trên mức độ nào đó đã vượt quá tính toán về địa - chính trị.

Bốn là, sau khi trật tự hai cực tan rã, hiện tượng đáng chú ý nhất là chủ nghĩa dân tộc nổi lên ở khắp nơi. Khác với phong trào giải phóng dân tộc trong thập niên 60, hiện tượng chủ nghĩa dân tộc "mới" thường chứa đựng sự rạn nứt giữa dân tộc và quốc gia, thách thức nghiêm trọng tính hợp pháp của chính quyền về nền tảng của chủ quyền nhà nước. Trong khi đó, một hiện tượng nổi bật trong nền chính trị của thế giới hiện đại là: ở nhiều nơi một quốc gia có nhiều chủng tộc, dân tộc hoặc bộ tộc; hoặc một chủng tộc, dân tộc lại phân bổ trong nhiều quốc gia (như người Cuốc có ở Irắc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây). Chỉ ở một số ít nước có sự đồng nhất về dân tộc (một dân tộc chủ yếu hoặc một tập đoàn chủng tộc chiếm hơn 90% số dân như ở Nhật Bản, Ba Lan...). Sự phức tạp của vấn đề dân tộc là do trước đây các nước thực dân phương Tây khi phân chia thuộc địa, khu vực ảnh hưởng không tính đến biên giới tự nhiên cùng tình hình phân bố dân cư các chủng tộc, dân tộc, mà thực hiện chính sách chia để trị, đồng hóa cưỡng bức về sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, tiến hành hoạch định biên giới theo sức mạnh và sự thỏa hiệp giữa chúng bằng những đường kẻ thẳng tắp. Nhiều nước đã sống trong sự chênh nhau giữa các biên giới dân tộc và biên giới chính trị của họ. Sự phục hồi và gia tăng hoạt động của các tôn giáo, nhất là gắn kết với các phong trào chính trị - xã hội, phong trào dân tộc càng làm phức tạp thêm tình hình ở nhiều nước. Có tài liệu cho rằng trên 1/3 số nước tồn tại sự bất đồng tôn giáo nghiêm trọng là do sự khác biệt về bộ tộc, chủng tộc và dân tộc. Mặt khác, một xu hướng xuất hiện ngày càng mạnh mẽ sau Chiến tranh lạnh đó là "làn sóng nguyên tố hóa" - thành lập quốc gia trên cơ sở dân tộc, chủng tộc đơn nhất. Những người theo xu hướng này sẵn sàng dùng mọi biện pháp, kể cả vũ lực tàn bạo, để thành lập cho được nhà nước chủ quyền riêng của dân tộc mình.

Năm là, các nước lớn điều chỉnh quan hệ với nhau theo chiều hướng xây dựng quan hệ bạn bè chiến lược ổn định và cân bằng hướng về lâu dài. Đây là đặc điểm chủ yếu và nổi bật của quan hệ giữa các nước lớn trong thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Xuất phát từ lợi ích chiến lược căn bản của mình, các cường quốc tiến

hành điều chỉnh lại chính sách đối ngoại để tìm chỗ đứng tốt nhất, xây dựng khuôn khổ quan hệ mới ổn định lâu dài, xác lập các điều kiện quốc tế có lợi hơn, mở rộng hệ thống an ninh quốc gia, tạo ra không khí quốc tế để xây dựng kinh tế nước mình như mục tiêu chủ yếu trong quá trình điều chỉnh. Mối quan hệ giữa các cường quốc và những điều chỉnh của họ rõ ràng có ảnh hưởng to lớn đối với đời sống chính trị thế giới và các quan hệ quốc tế, một nhân tố hàng đầu trong sự hình thành Trật tự thế giới mới.

Sáu là, xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa và sự xuất hiện các tổ chức liên minh quốc tế ngày một gia tăng mạnh mẽ. Nền thương mại thế giới đã có những bước phát triển nhảy vọt. Thương mại quốc tế tăng có nghĩa là nền kinh tế của các nước trên thế giới quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau, tính quốc tế hóa của nền kinh tế thế giới từ đó cũng tăng lên. Ngoài ra, tính quốc tế hóa của nền kinh tế thế giới được tăng cường mạnh mẽ còn do quá trình quốc tế hóa rất nhanh của nền tài chính thế giới. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng về liên lạc viễn thông với những máy tính, vệ tinh viễn thông, sợi quang học và việc vận chuyển cực nhanh của điện tử đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, hình thành một hệ thống liên lạc toàn cầu. Tốc độ thông tin toàn cầu được tăng lên hàng triệu lần. Từ đây những công ty xuyên quốc gia (CTXQG) cũng bắt đầu hình thành và có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Các CTXQG thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa trên thế giới, ngược lại quá trình toàn cầu hóa lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến các CTXQG và chiến lược kinh doanh của họ, kể cả đưa tới làn sóng sáp nhập chúng để trở thành các CTXQG siêu lớn với bao hệ quả tích cực và tiêu cực.

Cùng với xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa, hiện tượng nổi bật từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là sự ra đời của các tổ chức quốc tế. Hiện nay trên thế giới có hơn 4000 tổ chức quốc tế, trong đó có khoảng 300 tổ chức liên quốc gia5. Các tổ chức quốc tế rất đa dạng, chức năng cũng không dừng lại ở việc giải quyết các cuộc xung đột quốc tế và khủng hoảng. Các tổ chức quốc tế quan trọng hàng đầu là LHQ, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO)...

5 Nguyễn Quốc Hùng (1999), “Thế giới sau chiến tranh lạnh: Một số đặc điểm và xu thế”, Tạp chí Nghiên

Như vậy, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, tình hình thế giới đã có những biến đổi mạnh mẽ cả về chiều rộng và bề sâu, trên tất cả các phương diện. Hệ thống quốc tế có một bộ mặt khác mà trong đó, các quốc gia tham gia hệ thống cũng có những bước chuyển mình lớn lao. Tất cả những phát triển đó chính là những nhân tố mới tác động đến nền hòa bình và an ninh thế giới, góp phần tạo nên những thay đổi lớn lao trong hoạt động của LLGGHB LHQ sau Chiến tranh lạnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ sau Chiến tranh lạnh đến nay (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)