Sự ra đời của trào lưu văn học hiện thực phê phán

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sự chuyển đổi của loại hình tác giả văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám qua trường hợp Nguyễn công Hoan. (Trang 40 - 50)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Sự ra đời của trào lưu văn học hiện thực phê phán

Những năm đầu thế kỉ XX, nền văn học Việt Nam nhanh chóng bước vào quá trình hiện đại hóa. Đươi ngòi bút của phong trào Tân Thư và Duy Tân, các nhà nho chí sĩ đã hướng tới cái ngưỡng của sự thay đổi trong quan niệm văn học. Họ là người có “đầy đủ thẩm quyền đọc lên bản án khai tử… đối với thể loại được coi là điển – phạm – cùng – cực của truyền thống” (Trần Ngọc Vương). Tuy nhiên họ không thể tiến hành đến cùng công cuộc đổi mới, cách tân văn học do sự quy định của nguồn gốc xuất thân và sức hút trọng lực của văn học truyền thống.

Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam được hoàn tất với vai trò của các tri thức Tây học. Sự ra đời của các tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam. nhiều truyện ngắn trên tạp chí Nam Phong (1917 – 1934) thành tiền thân của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực giai đoạn 1930 – 1945.

Những năm 30 của thế kỉ XX, bên cạnh cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp còn diễn ra cuộc đấu tranh không kém phần quyết liệt, đó là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, ý thức hệ, hình thành những quan điểm, những tâm lí thẩm mĩ và khuynh hướng, trào lưu văn học khác nhau.

2.2.2.1. Thuật ngữ “Chủ nghĩa hiện thực”

Chủ nghĩa hiện thực bắt nguồn từ thuật ngữ “Réalisme”. Năm 1935, tại Đại hội nhà văn Xô Viết lần I, Gorki gọi văn học thế kỉ XIX là nền văn học hiện thực phê phán.

Về “Chủ nghĩa hiện thực” có khá nhiều định nghĩa, trong đó có định nghĩa

của F. Enghels được coi là quan trọng hơn cả.

Trong bức thư gửi cô M.Hackness, ông nói “Theo ý tôi, đã nói đến chủ nghĩa hiện thực thì ngoài tính chân thực của các chi tiết, còn đòi hỏi tính chân thực trong việc tái hiện những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”.

Với quan niệm này, PGS Trần Nho Thìn đánh giá “thực tế cho thấy, để vận dụng được công thức này vào nghiên cứu văn học dân tộc có không ít phức tạp và khó khăn. Tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình trong một tác phẩm chỉ có thể định tính chứ không định lượng được…Vậy muốn được công nhận là tính cách

điển hình thì nhân vật ấy được miêu tả ở cấp độ nào, đến một liều lượng nào về các phương diện tiểu sử, ngoại hình, tâm lí, ngôn ngữ…? Còn khái niệm trung thành

của chi tiết cũng không phải dễ gì nắm bắt được cái hồn của nó” [52/168-169]. Và

theo ông, để hiểu tinh thần công thức kinh điển của Enghels về chủ nghĩa hiện thực phải đặt nó “dưới ánh sáng của mối quan hệ giữa mục đích nhận thức, khám phá bản chất và quy luật của hiện thực và phương pháp điển hình hóa với tư cách là

một phương tiện tương ứng tất yếu với mục đích này”.

Quan niệm về chủ nghĩa hiện thực của Enghels được đánh giá cao, nhưng thực tế cho thấy để áp dụng nó vào việc nghiên cứu một tác phẩm hiện thực chủ nghĩa là khó.

Viện sĩ N.Kônrát – nhà nghiên cứu về văn học Phương Đông lại đặt vấn đề nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực ở một khía cạnh khác. Theo ông, để hiểu được những yếu tố cấu tạo nên chủ nghĩa hiện thực “tốt hơn cả là căn cứ trên việc so sánh chủ nghĩa hiện thực giữa thế kỉ XIX trong văn học Pháp với văn học lãng mạn

chủ nghĩa từng tồng tại trước nó và một thời gian song hành với nó”[31/336]. “Chủ

nghĩa hiện thực phủ nhận nguyên tắc sáng tạo của chủ nghĩa lãng mạn… yêu cầu nhà văn xuất phát trực tiếp từ thực tế… khi lựa chọn đề tài đương thời, nhà văn hiện thực chủ nghĩa tìm trong sự đa dạng của thực tế cái điển hình và hi vọng tạo

ra được cái tiêu biểu cho một loại hiện tượng”[31/337].

Chủ nghĩa hiện thực theo Konrat được hiểu trong sự đối lập với chủ nghĩa lãng mạn và có phần cụ thể hơn định nghĩa của Enghels.

Chủ nghĩa hiện thực được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

Khái niệm chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa rộng “dùng xác định quan hệ giữa tác phẩm văn học đối với hiện thực, bất kể tác phẩm đó là của nhà văn thuộc trường phái khuynh hướng nghệ thuật nào”[18/67]. Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì khái niệm chủ nghĩa hiện thực gần như đồng nghĩa với khái niệm “sự thật đời sống”. Với cách hiểu này, khái niệm nghĩa hiện thực mang tính chung chung, mơ hồ, do nền văn học từ cổ chí kim đều bám rễ từ cuộc sống. Văn học nghệ thuật nói riêng và các hình thái ý thức xã hội nói chung, đều có nhu cầu phản ánh cuộc sống ở nhiều chiều khác nhau: tốt – xấu; thật – giả… Trong sáng tác của các nhà văn trong quá

khứ như : Homerơ, Đỗ Phủ… yếu tố hiện thực đã xuất hiện và đạt được thành tựu khá cao nhờ gần gũi cuộc sống mang tính chân thực sâu sắc. Tuy nhiên những tác phẩm đó không được coi là tác phẩm hiện thực chủ nghĩa, mà chỉ có thể gọi đó là những tác phẩm mang yếu tố hiện thực.

“Khái niệm chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa rộng như vậy hiện nay không được lưu hành vì không mang lại hiệu quả gì đáng kể cho nghiên cứu văn học” [18/67].

Theo nghĩa hẹp, khái niệm chủ nghĩa hiện thực được dùng để chỉ một phương pháp nghệ thuật hay một khuynh hướng, một trào lưu văn học có nội dung chặt chẽ, xác định trên cơ sở nguyên tắc mĩ học sau:

“Mô tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với những bản chất hiện tượng của chính cuộc sống và bằng điển hình hóa các sự kiện của thực tế đời sống.

Thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người và môi trường sống, giữa tính cách và hoàn cảnh, các hình tượng nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa hướng tới tái hiện chân thực các mối quan hệ khác của con người và hoàn cảnh.

Cùng với sự điển hình hóa nghệ thuật, coi trọng những chi tiết cụ thể và độ chính xác của chúng trong việc mô tả con người và cuộc sống, coi trọng việc khách quan hóa những điều được mô tả, làm cho chúng tự nói lên được tiếng nói của mình. Chủ nghĩa hiện thực luôn quan tâm đến sự đa dạng, phong phú về hình thức…song tất cả đều phải phục tùng những nguyên tắc sáng tạo hiện thực chủ nghĩa, phục tùng nhận thức con người trong các mối quan hệ phức tạp với thế giới xung quanh, những điều kiện lịch sử cụ thể” [18/68].

Như vậy, chủ nghĩa hiện thực dù hiểu ở góc độ nào cũng đều tập trung vào luận điểm cơ bản, tác phẩm phải mang hơi thở cuộc sống, phải phản ánh sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ bản chất nhất, thể hiện quy luật của cuộc sống con người, xã hội.

Về sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực, có khá nhiều quan niệm khác nhau. Có người cho rằng, chủ nghĩa hiện thực xuất hiện từ thời Phục hưng thế kỉ VVI – XVII, và và W. Shakespeare được xem là người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng (Xuskop, Pêtơrốp).

Shakespeare phản ánh chân thực cuộc sống con người. Ông nghiên cứu xã hội trên tinh thần phân tích, mô tả thế giới bên trong con người trong sự thống nhất

với tồn tại xã hội. Ở vở kịch Hăm Lét, trong tư tưởng của chàng hoàng tử Đan Mạch đã diễn ra quá trình đấu tranh để nhận ra: thật- giả; tốt- xấu và đi đến hành động đòi lại công lí.

Quan niệm: “Chủ nghĩa hiện thực trong văn học thế giới chỉ có thể xuất hiện vào những năm 20- 30 của thế kỉ XIX trong văn học Pháp” được khá nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận.

Theo họ, sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực phải dựa trên cơ sở điều kiện xã hội. Chủ nghĩa hiện thực phát sinh và phát triển trong một điều kiện lịch sử cụ thể, đó là giai đoạn thịnh trị của chủ nghĩa tư bản, khi mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và vô sản. Số phận của người công nhân và nông dân được đặt lên hàng đầu. Họ phải phiêu bạt, sống cuộc đời lao khổ trong khi tầng lớp tư sản cứ hưởng lợi, vênh vang tự đắc. Quan hệ đồng tiền được thiết lập và trở thành mối quan hệ cơ bản trong xã hội tư sản. Trước số phận bi thảm của đông đảo quần chúng, các nhà văn tiến bộ không thể quay lưng lại với thực tại. Họ hướng ngòi bút phản ánh cuộc sống một cách chân thực nhất, khách quan nhất, và thấm đượm tình người hơn cả. Cảm hứng phê phán trở thành cảm hứng chủ đạo của các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa hiện thực mang tính lịch sử cụ thể, tồn tại với tư cách phương pháp sáng tác là hiện tượng lịch sử phát sinh ở một giai đoanh phát triển nhất định của lí trí con người.

Ra đời trong lòng xã hội tư sản, chủ nghĩa hiện thực phản ánh những mâu thuẫn bản chất của xã hội đó. Để làm được điều này, nhà văn hiện thực phải dựa vào tri thức khoa học, đặc biệt là thành tựu của ngành khoa học tự nhiên. Thế kỉ XIX, loài người chứng kiến sự sụp đổ của các tư tưởng thời kì Trung cổ. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một lí thuyết hoàn chỉnh về sự tiến hóa của tự nhiên được đón nhận như một thành tựu vĩ đại nhất của ngành Sinh học. Đó là thuyết tiến hóa của Đác Uyn - Lí thuyết cho rằng tự nhiên là bất biến bị ông đánh đổ.

Trong lĩnh vực triết học, phép biện chứng của Hê ghen có ý nghĩa to lớn. Đặc biệt, sự ra đời của chủ nghĩa khoa học của Mác – Ăngghen vào cuối năm 1840 đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng nhân loại.

Sự phát triển của các ngành khoa học tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Nếu trước đây, số phận con người được giải thích bằng những quan niệm duy tâm, siêu hình, bằng những khái niệm trừu tượng, thì vào những năm đầu thế kỉ XIX, với sự ra đời của chủ nghĩa duy vật nói riêng, sự phát triển như vũ bão của các ngành khoa học kĩ thuật nói chung, số phận con người được lí giải bằng những nguyên nhân cụ thể, mang tính xã hội sâu sắc. Khoa học phát triển giúp nhà văn hiện thực chủ nghĩa có cái nhìn đúng đắn và hoàn thiện về chính mình, về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người và xã hội, tạo khả năng bao quát, từ đó phản ánh trung thực bản chất của tự nhiên và xã hội.

Chủ nghĩa hiện thực chỉ có thể ra đời khi nhận thức của con người đã đạt đến một trình độ khoa học nhất định. Mặt khác, cần phải nói tới vai trò của nền văn học quá khứ đối với sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực. Nói cách khác, chủ nghĩa hiện thực ra đời còn do vận động nội tại trong bản thân văn học. Nhà văn hiện thực kế thừa truyền thống trong văn học quá khứ, đó là sự tiếp thu nền văn học thời Phục hưng, nền văn học Ánh sáng ở Đức.

Xét đến vai trò của chủ nghĩa hiện thực, trước đây chủ nghĩa hiện thực phê phán được coi là đỉnh cao trong văn học, là con đường phát triển tất yếu mang tính quy luật của bất cứ nền văn học nào trên thế giới. Nhưng đến nay, vai trò của chủ nghĩa hiện thực không bị phủ nhận nhưng cũng không được khẳng định là một khuynh hướng văn học cao hơn bất cứ một khuynh hướng văn học nào, càng không được xem là điểm đến duy nhất của văn học thế giới. Bởi đề cao quá mức chủ nghĩa hiện thực sẽ dễ bị coi nhẹ, hạ thấp, hoặc phủ nhận, thậm chí phê phán gay gắt các khuynh hướng nghệ thuật khác. Điều này sẽ “quy hẹp sự tiếp nhận của công chúng vào giá trị nhận thức… gây ra sự bất công và bất cập trong khi đánh giá nhiều tác giả, nhiều trào lưu, khuynh hướng khác trên con đường tìm tòi, khám phá các giá

trị mới, độc đáo, không lặp lại trong sáng tác văn học nghệ thuật” (Lê Phong).

Tiến trình phát triển của văn học cho thấy, mỗi khuynh hướng văn học đều mang một giá trị tự thân, phản ánh một khía cạnh nào đó của cuộc sống, một góc khuất trong tâm hồn con người. Con người vốn là một thực thể hoàn chỉnh và phức tạp, mang nhiều mối quan hệ khác nhau. Theo Mác “con người là tổng hòa các mối

quan hệ”. Có người cho rằng, chủ nghĩa lãng mạn thường quay lưng lại thực tại, tìm sự cứu cánh ở một thế giới xa xôi, mơ hồ mà không có thực. Nhà văn lãng mạn tự thu mình trong tháp ngà nghệ thuật, thậm chí giam mình trong ốc đảo cô đơn. Quan niệm này chỉ đúng đối với các nhà văn thuộc khuynh hướng lãng mạn tiêu cực. Còn các nhà văn lãng mạn tích cực, chẳng hạn như trong sáng tác của V. Huygo, AMuytxe…lại “tràn trề niềm tin vào thực tại và tương lai, lạc quan về nhân thế và khả năng sáng tạo đời sống”.

Trong văn học Việt Nam, không thể phủ nhận vai trò của chủ nghĩa lãng mạn những năm 1930- 1945 với những tác phẩm của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử….

Như vậy không thể khẳng định khuynh hướng nào cao hơn, thậm chí cao nhất, mà vai trò của chủ nghĩa hiện thực luôn đặt bên cạnh vai trò của các khuynh hướng văn học khác, góp phần mở rộng khả năng tiếp nhận của công chúng đối với các giá rị hiện thực.

2.2.2.2. Sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam.

Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam là một vấn đề gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu.

Trong cuốn “Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại” của cố giáo sư Trần Đình Hượu có phần: “Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong

văn học Việt Nam trung cận đại”. Tác giả đưa ra một số quan niệm về vấn đề thực

tại trong văn học trung đại. Theo Trần Đình Hượu, các tác giả trung đại có nói và bàn đến cái thực trong văn học, nhưng cái thực không như ta hiểu, nghĩ ngày nay. Cái thực trong văn học trung đại khác hẳn với chủ nghĩa hiện thực.

Theo Lê Quý Đôn, thế giới bên ngoài gồm các vật tạo nên yếu tố ngoại giới. Thi sĩ cổ xưa tiếp xúc với ngoại giới thì sinh tình. Họ lấy cái tình đó mà than cảnh và cái cảnh đó đã nói lên được cái có trong lòng thi nhân. Đó được coi là biểu hiện của cái thực, nhưng là cái thực của tâm trạng, chứ hoàn toàn không phải cái thực trong chủ nghĩa hiện thực. Còn theo Ngô Thế Lân, sáng tác là một cảm hứng ngẫu nhiên. Ông nhấn mạnh đến cái vô tâm, vô ý của tinh thần Lão Trang khi nói về mối quan hệ tình và cảnh, giữa hiện thực và sáng tác. Và như vậy, thực tại không phải là

cái mà thi nhân quan tâm. Cái quan tâm của độc giả lại là cái tâm của tác giả: “Văn

chương nhà Nho hướng vào thực tại bằng cái Tâm, Chí”. Điều này khác hẳn với

quan niệm của chủ nghĩa hiện thực.

Ngô Thời Nhậm lại nhấn mạnh “nắm lấy cái thực là cốt tử”, nhưng cái “chân”, “thực” mà Ngô Thời Nhậm bàn đến ở đây là cái chân, cái thực đặt trong sự đối sánh với cái giả dối, xảo trá.

Cái thực trong văn chương trung đại là sự trung thực với cái tâm chứ không phải thực với cảnh. Còn Nguyễn Văn Siêu đề cao cái vô tâm. Theo ông đối với thực tại nhà văn phải vô tâm. Điều này trái với nguyên lý của chủ nghĩa hiện thực.

Cuối cùng cố GS Trần Đình Hượu kết luận: “Đến đây các bậc đại Nho lại theo đuổi cái thần chứ không phải cái thực. Họ đến với văn chương theo con đường

dưỡng tâm chứ không phải ghi chép, mô tả khách quan”. Và “ hướng vào thực tại

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sự chuyển đổi của loại hình tác giả văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám qua trường hợp Nguyễn công Hoan. (Trang 40 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)