8. Cấu trúc của luận văn
1.3. Các khái niệm liên quan đến đề tài
1.3.3. Lý luận về tham vấn cho người chồng có hànhvi bạo lực gia đình
1.3.3.1. Tham vấn tâm lý
Tham vấn là một tiến trình tương tác giữa người làm tham vấn và thân chủ nhằm giúp thân chủ khơi dậy những tiềm năng của bản thân để họ tự giải quyết vấn đề của mình - tham vấn là một nghề nghiệp, nghề trợ giúp những người có khó khăn tâm lý. Có rất nhiều khái niệm về tham vấn tâm lý, chúng tôi chỉ liệt kê ra đây những khái niệm điển hình:
Theo Hiệp hội các nhà tham vấn Hoa Kỳ - ACA (1997), tham vấn là sự áp dụng nguyên tắc tâm lý, sức khỏe tinh thần hay nguyên tắc về sự phát triển con người thông qua các chiến lược can thiệp một cách có hệ thống về nhận thức, xúc cảm, hành vi, tập trung vào sự lành mạnh, sự phát triển cá nhân, phát triển nghề nghiệp cũng như vấn đề bệnh lý.
Nhóm tác giả James Hutchinson Haney và Jacqueline Leibsohn (1999) chỉ ra rằng, tham vấn tâm lý được định nghĩa là sự tương tác ở đó nhà tham vấn tập trung vào những trải nghiệm, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của thân chủ với những đáp ứng một cách có chủ định nhằm tạo ra sự khám phá, chấp nhận hoặc thách thức ở thân chủ.
Theo tài liệu tập huấn về công tác tham vấn cho trẻ em của UNICEF:
“Tham vấn không giống như một cuộc nói chuyện. Tham vấn là một mối quan hệ, một quá trình trong đó nhà tham vấn (NTV) giúp thân chủ (TC) cải thiện cuộc sống của họ bằng cách khai thác, hiểu và nhìn nhận được nội dung, ý nghĩa, cảm giác và hành vi của họ. NTV tạo động lực cho thân chủ tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của họ. NTV không giải quyết vấn đề cho thân chủ. [18]
Nhưng trong đề tài này chúng tôi sử dụng định nghĩa tham vấn của tác giả Trần Thị Minh Đức (2011): “Tham vấn là một quá trình tương tác giữa nhà tham vấn (người có chuyên môn tham vấn và kĩ năng tham vấn, có các
phẩm chất đạo đức của nghề tham vấn và được pháp luật thừa nhận) với thân chủ (Còn gọi là khách hàng- Người có khó khăn về tâm lý đang muốn giúp đỡ). Thông qua các kĩ năng trao đổi và chia sẻ tâm tình (dựa trên các nguyên tắc đạo đức và mối quan hệ mang tính nghề nghiệp), thân chủ hiểu và chấp nhận thực tế của mình, tự tìm lấy tiềm năng của bản thân để giải quyết vấn đề của chính mình”. [4, tr. 19]
Theo chúng tôi, đây là định nghĩa khá đầy đủ và phản ánh rõ nhất bản chất của nghề tham vấn. Trong khái niệm có nêu rất rõ: “Nhà tham vấn: là người có chuyên môn tham vấn và kĩ năng tham vấn, có các phẩm chất đạo đức của nghề tham vấn và được pháp luật thừa nhận”. Tình hình thực tế tại Việt Nam chưa có quy định chính thức từ pháp luật công nhận nghề than vấn, cũng như chưa có chứng chỉ chính quy nào công nhận một người là nhà tham vấn, do vậy trong đề tài này chúng tôi tạm công nhận một người là nhà tham vấn dựa trên nền tảng đào tạo của họ, họ được đào tạo chính quy tại các trường đại học đào tạo cử nhân tâm lý và có chuyên ngành tham vấn. Sinh viên các khoa này đã được tiếp cận với kiến thức về tham vấn tâm lý, biết về các phẩm chất đạo đức của nghề tham vấn và chắc chắn đã được thực hành cá kĩ năng kiến thức này tại trường đại học.
Nhìn chung, khái niệm trên gồm có các điểm sau:
1. Tham vấn là một quá trình tạo động lực giúp thân chủ tự giải quyết các vấn đề của bản thân.
2. Nhà tham vấn tập sử dụng các các kĩ năng đặc chuyên môn tập trung vào trải nghiệm, cảm xúc suy nghĩ, hành vi của thân chủ.
1.3.3.2. Tham vấn cho người chồng có hành vi bạo lực gia đình
Trong nghiên cứu này của chúng tôi, người chồng có hành vi bạo lực gia đình là khách hàng, thân chủ chính. Vậy từ các khái niệm trên có thể đưa ra định nghĩa: Tham vấn cho người chồng có hành vi bạo lực gia đình
là một tiến trình diễn ra sự tương tác giữa nhà tham vấn (người có chuyên môn tham vấn và kĩ năng tham vấn, có các phẩm chất đạo đức của nghề tham vấn và được pháp luật thừa nhận) và người chồng (người có hành vi bạo lực gia đình, muốn được giúp đỡ để thay đổi hành vi). Thông qua kĩ năng tham vấn, người chồng hiểu rõ tình trạng tâm lý của mình, hậu quả hành vi của mình từ đó thay đổi nhận thức thái độ và hành vi của mình đối với người vợ.
1.3.3.3. Các kĩ năng được sử dụng trong quy trình tiến hành ca tham vấn cho người chồng có hành vi bạo lực gia đình
Tác giả Trần Thị Minh Đức đã liệt kê được 24 kĩ năng tham vấn [4, tr. 273]. Trong đó, các kĩ năng tham vấn được phân chia theo các nhóm kĩ năng khác nhau như sau:
- Nhóm kĩ năng tham vấn cơ bản: kĩ năng lắng nghe, kĩ năng thấu hiểu, kĩ năng im lặng,
- Nhóm kĩ năng tham vấn phổ biến: kĩ năng đặt câu hỏi, kĩ năng tự bộc lộ bản thân, kĩ năng làm mẫu
- Nhóm Kĩ năng nâng cao: kĩ năng đương đầu, kĩ năng thông đạt
- Nhóm kĩ năng sử dụng thận trọng: kĩ năng khuyến khích, chấp nhận, xây dựng lòng tự trọng, kĩ năng đưa ra lời khuyên, cung cấp thông tin và kĩ năng đưa ra sự lựa chọn
Ngoài ra, còn kĩ năng cao cấp và kĩ năng đặc biệt dành cho nhà tham vấn có trình độ cao sử dụng.
Người chồng có hành vi bạo lực gia đình là thân chủ khá đặc biệt, có rất nhiều nét tính cách khác biệt trong một con người, đồng thời khó khăn tâm lý của họ không chỉ bắt nguồn từ vấn đề cá nhân của họ mà còn bắt nguồn từ sự xung đột tư tưởng sâu sắc. Sự xung đột tư tưởng ở đây là áp lực xã hội về vai trò của người nam giới (tồn tại trong nền văn hóa) và nhận
thức của họ về bản thân mình (năng lực, phẩm chất, lý tưởng), do vậy chiến lược tham vấn cho họ cần tác động ở cả nhận thức (thay đổi nhận thức cơ bản về bất bình đẳng giới và hành vi (tập hành vi mới thay thế hành vi bạo lực). Với chiến lược tham vấn trên, cần có sự kết hợp của rất nhiều kĩ năng tham vấn; đồng thời, cần có sự kết hợp các kĩ năng một cách linh hoạt. Trong luận văn này, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu sâu về 5 kĩ năng thường sử dụng nhất:
(1) Kĩ năng lắng nghe; (2) Kĩ năng đặt câu hỏi; (3) Kĩ năng thấu cảm; (4) Kĩ năng phản hồi; và (5) Kĩ năng đối đầu.
(1) Kĩ năng lắng nghe
Lắng nghe là một hoạt động tâm lý tích cực có sự tham gia của ý thức, đòi hỏi người nghe phải tập trung cao độ để tiếp nhận và hiểu được ý nghĩa của thông tin (Nguyễn Hà Thu, 2008). Tập trung lắng nghe người đối thoại giúp người nghe không những thấu hiểu được mục đích, tâm tư, nguyện vọng … mà còn học được nhiều điều mới mẻ mà đối tác mang lại. Lắng nghe và quan sát tốt người đối thoại giúp cho người nghe hiểu và nắm bắt được những điều đang được nói tới, và kích thích người đối thoại nói nhiều hơn, cung cấp nhiều thông tin hơn. Đồng thời người nghe học được nhiều kinh nghiệm để tránh được nhiều sai lầm trong giao tiếp. Có thể nói,“người thành công không phải là người thuyết trình giỏi mà là người lắng nghe giỏi” (Dale carnegie, 2016).
Lắng nghe trong tham vấn có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc thu thập thông tin cho quá trình trợ giúp, lắng nghe còn là công cụ quan trọng cho việc tạo nên môi trường tương tác giữa nhà tham vấn và thân chủ, khích lệ thân chủ tìm thấy giá trị. Lắng nghe, một mặt tạo nên sự tin tưởng
của thân chủ với nhà tham vấn; mặt khác, giúp họ trở nên tự tin hơn khi chia sẻ. Lắng nghe của nhà tham vấn là đi vào thế giới của thân chủ, để hiểu khung cảnh, quan điểm của họ. Tác giả Trần Đình Tuấn cho rằng “Mặc dù ngồi yên không nói năng gì nhưng kĩ năng tham vấn đòi hỏi rất nhiều năng lượng và sự tập trung cao độ của trí não. Kĩ năng lắng nghe cũng đòi hỏi sự trấn áp khuynh hướng nói, vì khi tiếp nhận thông tin qua nghe ai cũng có nhu cầu muốn nói, muốn trả lời, muốn góp ý, muốn an ủi, muốn khen chê, muốn đính chính, kĩ năng lắng nghe giúp nhà tham vấn loại bỏ khuynh hướng tập trung vào giải quyết vấn đề của thân chủ và tập trung trọn vẹn vào tìm hiểu mọi khía cạnh vấn đề của thân chủ” [24, tr. 134].
Các yếu tố của lắng nghe tích cực:
Tác giả Katheryn và David Gledard [4, tr. 278] chỉ ra các thành tố của lắng nghe tích cực:
- Nhà tham vấn hòa nhập với ngôn ngữ cơ thể của thân chủ hay còn gọi là đáp ứng không lời. Sự hòa nhập của nhà tham vấn thể hiện ở tư thế, hành vi cơ thể giống thân chủ, chẳng hạn khi thân chủ ngồi thoải mái, nhà tham vấn đáp ứng tự nhiên với tư thế thoải mái đó. Nhà tham vấn có thể gật đầu khi công nhận điều thân chủ nói.
- Sử dụng câu trả lời tối thiểu: khi nhà tham vấn chú ý nghe nhiều hơn nói thì việc sử dụng câu trả lời tối thiểu tự nó sẽ diễn ra, điều này sẽ làm cho thân chủ cảm thấy mình đang được chú ý, được quan tâm. Những từ phản hồi ngắn giúp thân chủ hiểu rằng nhà tham vấn đang chú ý lắng nghe, ví dụ: à, ừ, vâng, anh cứ nói tiếp đi…
- Nhấn mạnh: Nhà tham vấn có thể nhấn mạnh điều thân chủ nói bằng cách nhắc lại hoặc từ chối, hoặc sử dụng các biểu hiện của hành vi phi ngôn ngữ như: gật đầu, dướn mắt, sử dụng cường độ, nhịp điệu giọng nói.... giúp thân chủ tăng cường và lưu ý những thông tin vừa nói
- Có những câu hỏi phản hồi thích hợp. Mục đích của phản hồi là cho thân chủ thấy nhà tham vấn hiểu thân chủ đã cảm thấy thế nào về điều họ nói. Qua đó giúp thân chủ hiểu vấn đề của mình hơn. Thông thường một người khi nói chuyện với người khác rất muốn biết người kia hiểu như thế nào về câu chuyện của mình, có hiểu đúng ý mình nói hay không? Vì vậy nhà tham vấn cần có câu phản hồi về nội dung thông qua các câu hỏi phản hồi trúng vấn đề, cảm xúc của thân chủ là một biểu hiện của lắng nghe tích cực.
- Không để quan điểm riêng của mình chi phối việc lắng nghe, đối kháng lại thân chủ. Điều này đặc biệt quan trọng trong tham vấn cho người chồng có hành vi bạo lực gia đình. Bởi lẽ quan điểm về bình đẳng giới, về nam tính về vai trò người chồng, người vợ,… là phạm trù thường gây nhiều tranh cãi. Người tham vấn phải là người tỉnh táo trong mọi tình huống chia sẻ của thân chủ, tránh để nội dung câu chuyện của thân chủ làm ảnh hưởng đến cảm xúc của mình. Ví dụ thân chủ có thể chia sẻ rằng: “đối với tôi, đàn bà chỉ nên ở nhà con cái, nên tôi bắt vợ nghỉ việc…”. Nhà tham vấn vốn có trải nghiệm về vấn đề này nên nói: “Anh có thật vô lý, anh có biết ngày nay rất nhiều người phụ nữ đã thành đạt ngoài xã hội hơn cả chồng không?”. Hơn nữa người gây ra bạo lực không dễ cởi mở nói ra câu chuyện của gia đình mình và những khó khăn bên trong của mình, do vậy việc nhà tham vấn đối kháng lại khiến thân chủ cảm thấy mình bị dè bỉu, bị lên án, không được tôn trọng…điều đó là dấu hiệu cho sự thất bại của một ca tham vấn.
- Tóm lược: thông thường khi bắt đầu cuộc tham vấn, thân chủ sẽ kể cho nhà tham vấn một câu chuyện dài vì vậy để chứng tỏ bạn lắng nghe trong suốt quá trình thân chủ trò chuyện bạn nên tóm gọn lại
vấn đề của thân chủ thành một số điểm chính, điều đó cũng giúp nhà tham vấn và thân chủ hình dung bố cục của vấn đề và từng bước giải quyết.
- Lưu ý điều thiếu sót: bằng cách lắng nghe tích cực, nhà tham vấn nhận ra được các thông tin chưa rõ ràng trong câu nói của thân chủ hoặc những điều thân chủ diễn giải sai với bản chất khi họ ở trong trạng thái lo âu, căng thẳng...
(2) Kĩ năng đặt câu hỏi
Đặt câu hỏi là cách thức khai thác, khẳng định, thông tin. Nhà tham vấn có cách đặt câu hỏi tốt còn giúp thân chủ hồi tưởng lại thông tin trong quá khứ giúp vấn đề của thân chủ ngày càng rõ nét hơn.
Có rất nhiều cách phân loại câu hỏi tuy nhiên theo chúng tôi nếu xét về hình thức hỏi thì có hai loại chính, câu hỏi đóng và câu hỏi mở, nếu xét về nội dung câu hỏi thì có câu hỏi tìm hiểu thông tin và câu hỏi tìm hiểu cảm xúc.
Câu hỏi đóng là câu hỏi nhằm khẳng định thông tin, có hoặc không,
đúng hoặc sai, rồi hoặc chưa… Đối với nhà tham vấn câu hỏi đóng giúp kiểm tra thông tin hơn là phát hiện thông tin, đối với thân chủ câu hỏi đóng giới hạn cách trả lời của thân chủ.
Ví dụ về câu hỏi đóng:
- Lúc đó anh say rượu à? (TC sẽ hiểu là NTV đang nghi ngờ mình say) - Từ lúc lấy nhau đến giờ hai anh chị có bao giờ xung đột với nhau
không? (Thân chủ hiểu rằng nhà tham vấn đang nghĩ rằng cuộc sống gia đình thân chủ chắc rất hay xung đột)
- Anh có hay đánh con không? (thân chủ hiểu là nhà tham vấn nghi ngờ rằng anh ấy hay đánh con)
Câu hỏi đóng chỉ có ích khi nhà tham vấn đã ngầm nhận ra việc vấn đề nào đó của thân chủ rồi nhưng nhà tham vấn cần khẳng định lại. Ví dụ
- Anh có cảm thấy thoải mái về cuộc nói chuyện này không? (Tạo cơ hội cho thân chủ bày tỏ sự khó chịu nào đó trong lòng mình)
- Dường như hai vợ chồng anh chị ít trò chuyện cùng nhau phải không?
Câu hỏi mở là câu hỏi khai thác thông tin. Thông thường câu hỏi mở
sẽ bắt đấu với các từ hỏi: như thế nào, bao nhiêu, bao giờ, khi nào, vì sao… Đặt câu hỏi mở đòi hỏi nhà tham vấn phải suy nghĩ nhiều hơn câu hỏi đóng, đòi hỏi thân chủ phải suy nghĩ và trả lời một cách rõ ràng cụ thể hơn. Câu hỏi mở giúp thân chủ cởi mở, thể hiện cảm xúc. Trong tham vấn nên sử dụng câu hỏi mở tránh sử dụng câu hỏi đóng.
Ví dụ về câu hỏi mở:
- Anh cảm nhận như thế nào về mối quan hệ vợ chồng anh hiện tại?
- Theo anh vai trò một người đàn ông trong gia đình là gì?
- Sau những lần đánh vợ như vậy anh đã làm gì để tỏ ra hối lỗi với vợ?
- Lần đầu tiên anh đánh vợ là bao giờ?
Nhà tham vấn cần hiểu mục đích của câu hỏi mình đưa ra là gì, điều đó sẽ giúp nhà tham vấn sẽ lựa chọn được hình thức hỏi và nội dung câu hỏi.
Ngoài ra kĩ năng đặt câu hỏi còn là phương tiện để thể hiện các kĩ năng khác, ví dụ đã trình bày trên kĩ năng lắng nghe cũng cần có câu hỏi phản hồi để chứng tỏ nhà tham vấn nắm được thông tin của thân chủ. Đặc biệt với kĩ năng phản hồi thì kĩ năng đặt câu hỏi rất cần thiết. Ví dụ: “theo anh kể thì mâu thuẫn vợ chồng anh thường xuyên diễn ra thường do anh là người khơi mào mâu thuẫn, vậy anh nghĩ gì về điều này”. Hoặc với mục đích giúp thân chủ lường trước được hậu quả của sự việc, nhà tham vấn cần đặt câu hỏi lựa chọn, ví dụ: “nếu chị ấy lựa chọn ly hôn và ly thân thì anh lựa chọn giải pháp nào?”
Tóm lại việc sử dụng câu hỏi rất quan trọng, nhà tham vấn cần đặt câu hỏi theo logic sự kiện của vấn đề và hiểu rõ mình cần gì trong từng câu hỏi, có như vậy mới giúp cuộc tham vấn đi đúng hướng.
(3) Kĩ năng thấu cảm
Từ thời Hi Lạp, thấu cảm đã được các nhà hiền triết coi là một yếu tố hàn gắn những gì nghe được bên ngoài và những gì từ bên trong của người