2.1. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu
2.1.1. Thời kỳ Chính quyền G.W.Bush
2.1.1.1. Chiến lược an ninh của chính quyền Tổng thống G.W.Bush
Dưới thời Tổng thống G.W. Bush (2001-2008), mục tiêu bao trùm của chiến lược an ninh quốc gia là tập trung củng cố thực lực của nước Mỹ và vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ trên trường quốc tế. Qua đó, thiết lập một trật tự thế giới mới do Mỹ ban hành, ngăn chặn bất kỳ nước nào nổi lên đe dọa vị trí của Mỹ. [46]
Trong những tháng đầu dưới thời Chính quyền G.W. Bush, chính quyền Cộng hòa với bộ máy hoạch định chính sách có thiên hướng chủ nghĩa hiện thực. Chính sách đối ngoại của Mỹ có những biểu hiện cứng rắn hơn trong nhiều vấn đề, gây căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với nhiều nước, đặc biệt là Nga. Mặc dù vậy, trước những phản ứng không đồng thuận từ đồng minh và quốc tế, Chính quyền Bush đã có những điều chỉnh chính sách theo hướng ôn hòa hơn.
Sau sự kiện 11/09/2001, Tổng thống V.Putin là nguyên thủ đầu tiên gửi điện chia buồn đến Tổng thống Bush và hứa Nga sẽ hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khoảng thời gian này, Mỹ đã có thái độ ôn hòa và hợp tác hơn với Nga trong nhiều sự kiện và việc làm. Tuy nhiên, cũng sau sự kiện này, vấn đề chống khủng bố đã trở thành trọng tâm của chiến lược an ninh quốc gia của Chính quyền G.W.Bush trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Vấn đề khủng bố trên thực tế vẫn là một vấn đề tồn tại trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, sự kiện này đã làm cho vấn đề chống khủng bố trở thành mục tiêu hàng đầu trong chính sách của Mỹ.
Bản chiến lược an ninh quốc gia năm 2002 đã tập trung vào vấn đề chống khủng bố và an ninh quân sự thể hiện ở học thuyết “đánh đòn phủ đầu”. Bản chiến lược an ninh quốc gia ban hành tháng 2/2006 nhấn mạnh, nước Mỹ phải “tăng cường liên minh để đánh bại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và xúc tiến ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại chúng ta (Mỹ) và bạn bè của chúng ta (Mỹ)”.
Sau ngày 11/09/2001, chính quyền G.W.Bush ngay lập tức gia tăng xây dựng lực lượng quân sự và tình báo. Chi phí quốc phòng cũng vì đó mà tăng một cách chóng mặt, các sáng kiến phản kích ngày càng mở rộng, các căn cứ mới được xây dựng từ Trung Á đến Tây Á, chỉ huy quân sự mới được thiết lập ở châu Phi. Cuộc chiến chống khủng bố trở thành mối bận tâm trong chính sách an ninh quốc gia của Chính quyền Bush.
Năm 2001, với lý do đối phó với các mối đe dọa sau thời kỳ chiến tranh lạnh, chính quyền G.W.Bush đã quyết tâm theo đuổi kế hoạch “lá chắn tên lửa”, sẵn sàng phá bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ký với Liên Xô năm 1972.
Tháng 3/2003, Mỹ bắt đầu châm ngòi cuộc chiến tranh xâm lược Iraq với lý do loại bỏ chính quyền S.Husein vì cho rằng (i) chính quyền này sở hữu vũ khí giết người hàng loạt (vũ khí hóa học, vũ khí sinh học); (ii) chính quyền này có quan hệ chặt chẽ với tổ chức khủng bố quốc tế AlQeada và (iii) Chính quyền S.Husein là chính quyền “độc tài”.
Những hành động nêu trên của Mỹ đã vấp phải nhiều sự phản đối của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Nga và cả đồng minh Tây Âu của Mỹ như Pháp, Đức. Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo được coi là nền tảng quan trọng nhất để duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu suốt 30 năm đã được Mỹ sử dụng để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược...Trong khi đó, cuộc chiến tranh xâm lược Irac năm 2003 là cuộc chiến phi nghĩa, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm “thô bạo” các nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế và tạo ra một tiền lệ xấu trên chính trường thế giới.
2.1.1.2. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, để duy trì thế cân bằng chiến lược quân sự, Liên Xô và Mỹ đã thoả thuận ký kết Hiệp ước phòng thủ tên lửa vào năm 1972, gọi tắt là Hiệp ước ABM (Anti Ballistic Missile Systems). Theo tinh thần của Hiệp ước này, hai bên cùng thoả thuận hạn chế hệ thống phòng thủ chống tên lửa của mình tại hai khu vực: một là, để bảo vệ thủ đô và hai là, để bảo vệ một căn cứ cố định của tên lửa đường đạn xuyên lục địa. Mỗi bên triển khai không được quá 100 bệ phóng tên lửa đánh chặn (tên lửa chống tên lửa).
Hiệp ước ABM thực sự là một trong các yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến quá trình hạn chế chạy đua vũ trang hạt nhân chiến lược, là tiền đề dẫn tới ký kết Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I và giai đoạn II (SALT-1, SALT-2, ký năm 1979) và Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-1, ký năm 1991) và giai đoạn II (START-2, ký năm 1993). Mặc dù vậy, chỉ vài ngày trước khi nhậm chức, Tổng thống G.W.Bush công khai tuyên bố coi việc triển khai chương trình lá chắn phòng thủ chống tên lửa là ưu tiên hàng đầu, hứa hẹn triển khai Đạo luật Phòng thủ Tên lửa Quốc gia sớm nhất theo khả năng có thể không những trên mặt đất mà còn ở phạm vi rộng như ở trên biển, trên không và trong vũ trụ. Đồng thời, Tổng thống Bush tuyên bố sẽ triển khai Chương trình phòng thủ tên lửa và nói rằng Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) ký với Liên Xô năm 1972 phải được "thay thế" [34].
Do đó năm 2001, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) giữa Liên Xô-Mỹ ký năm 1972 và sau đó tiến hành triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Việc này đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Mỹ- Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Giới quân sự ngoại giao Nga có lý do thực sự để lo ngại vì ABM đảm bảo sự cân bằng tên lửa hạt nhân giữa hai nước.
Thời điểm này dư luận thế giới đã chỉ ra rằng đây là mưu đồ chạy đua vũ trang của Mỹ nhằm thiết lập một hệ thống tên lửa chiến lược khống chế toàn cầu, nhằm ngăn chặn không để các nước, hay liên minh bất cứ các nước nào có thể thách thức vai trò bá chủ thế giới của Mỹ.
Sau sự kiện 11-9-2001, ban đầu Mỹ và Nga đã nâng quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược” trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ vẫn luôn thực hiện chính sách nước lớn, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Nga để nhằm ý đồ riêng. Những ý đồ này của Mỹ được thể hiện rõ hơn sau khi Nga và một số nước đồng minh truyền thống của Mỹ phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược Irac của Mỹ năm 2003. Chính quyền Mỹ cho rằng Nga có vai trò lớn trong việc tập hợp lực lượng, kể cả việc liên hệ với Pháp và Đức, chống Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Iraq. Do đó, để trả thù Nga, Mỹ đã phản công bằng nhiều hành động chống Nga. Cụ thể như tiến hành các cuộc “cách mạng sắc màu” ở sân sau của Nga như cách mạng hoa Hồng ở Gruzia năm 2003, Cách mạng Cam ở Ukraina năm 2004, cách mạng hoa Tuylip ở Kyrgyzstan năm 2005. Các cuộc “cách mạng sắc màu” này nhằm thực hiện chuyển hóa hoặc lật đổ chính quyền đương nhiệm bằng phương thức phi bạo lực, dùng những “vũ khí mềm” như: kinh tế, chính trị, tư tưởng, cổ súy cho mô hình xã hội đa nguyên, đa đảng, dân chủ, nhân quyền, tự do kinh tế, tự do tôn giáo…. Từ đó, Mỹ thiết lập được chính quyền thân Mỹ ngay tại các nước này, lôi kéo các nước Trung Á là sân sau của Nga ngả theo Mỹ và Phương Tây, từng bước làm cho Nga mất ảnh hưởng ở khu vực truyền thống của họ. Đồng thời, Mỹ còn tích cực ủng hộ và kết nạp các nước Đông Âu và Baltic vào NATO.
Đặc biệt, Mỹ đã tiến hành triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa bằng việc xây dựng lá chắn tên lửa ở Ba Lan và hệ thống radar cảnh báo sớm ở Cộng hòa Séc. Ngày 08/07/2008, Mỹ và Cộng hòa Séc đã ký một thoả thuận về việc xây dựng một phần lá chắn tên lửa Mỹ trên lãnh thổ Séc bất chấp sự
phản đối kịch liệt từ Nga. Lễ kí kết diễn ra tại Prague Thủ đô Cộng hòa Séc với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và người đồng cấp Séc Karel Schwarzenberg. Bà Rice phát biểu: "Thoả thuận phòng thủ tên lửa có ý nghĩa to lớn vì nó không chỉ là lá chắn an ninh của Mỹ và CH Séc mà còn là lá chắn an ninh của cả NATO và cả cộng đồng quốc tế" [10].
Thoả thuận mới kí kết sẽ cho phép Mỹ thiết lập một trạm radar ở tây nam Prague. Theo dự án mà Mỹ đang theo đuổi, trạm radar này sẽ kết nối và dẫn đường cho 10 tên lửa bắn chặn được lắp đặt tại Ba Lan.
Chính quyền Mỹ khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ bảo vệ Mỹ và các đồng minh châu Âu trước cái gọi là khả năng Iran phát triển đầu đạn hạt nhân phù hợp với các tên lửa tầm xa của nước này chứ không trực tiếp nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Nga coi hệ thống này là một hiểm hoạ và đe doạ sẽ chĩa tên lửa hạt nhân vào Đông Âu nếu dự án của Mỹ được triển khai.
Ngày 10/9/2008, Chính phủ Séc tiếp tục phê chuẩn thỏa thuận quân sự SOFA, theo đó, thỏa thuận này cho phép quân đội Mỹ triển khai nhân sự tại địa điểm lắp đặt trạm radar nói trên. Thông báo này của Bộ trưởng Quốc phòng Séc Vlasta Parkanova đã lập tức nhận được sự phản đối kịch liệt hơn nữa từ phía Nga. Thời điểm này, Séc cho rằng việc cho phép Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ngoài tác dụng trước mắt là thủ đô của Séc được an toàn trước các đợt tấn công bằng tên lửa trong tương lai của một thế lực thù địch nào đó, nước này còn được tham gia vào năm dự án nghiên cứu của quân đội Mỹ và một thỏa thuận với Mỹ về việc tạo thuận lợi về thị thực cho công dân Séc bất chấp hành động này đồng nghĩa với việc quay lưng lại với Nga. Để xoa dịu và trấn an Nga, chính quyền Mỹ một mực khẳng định rằng việc triển khai hệ thống tên lửa nói chung và một căn cứ radar trên đất Séc nói riêng không chỉ quan trọng đối với Mỹ, Cộng hòa Séc mà còn cho cả NATO và cộng đồng quốc tế trước mọi cuộc tấn công trong tương lai từ một số nước đối địch như Iran, CHDCND Triều Tiên, chứ Mỹ không hề muốn ám chỉ vào Nga.
Ngày 20/8/2008, sau nhiều lần thương lượng, tại thủ đô Warszawa của Ba Lan, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski và Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã ký thỏa thuận chính thức về việc triển khai một bộ phận thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan. Thỏa thuận này trên đạt được sau nhiều năm đàm phán thăm dò và hơn một năm đàm phán chính thức, cho phép Mỹ xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở Ba Lan kể từ khi Liên Xô tan rã. Tại lễ ký, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ là một biện pháp phòng vệ, nhằm giúp châu Âu và Mỹ đối phó với cái mà chính quyền Mỹ gọi là “nguy cơ tấn công từ các quốc gia hạt nhân như Iran và CHDCND Triều Tiên”.
Ngoài ra, Mỹ còn ráo riết can thiệp vào công việc nội bộ của Nga xuyên tạc và vu cáo Nga vi phạm dân chủ, nhân quyền. Thể hiện rõ nhất là cách thức đối xử theo “tiêu chuẩn kép” đối với vấn đề Chechnya - một vùng lãnh thổ của Nga. Trong khi hô hào chống khủng bố và dưới danh nghĩa “chống khủng bố”, Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự, gây bao thảm cảnh nhân đạo ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng Mỹ lại kịch liệt phản đối các hoạt động quân sự mà Nga tiến hành để trấn áp các phần tử ly khai người Chéc- xnhi-a, xem đó là “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, đòi Nga phải nhượng bộ để lực lượng này được quyền xây dựng Nhà nước Chechnya độc lập - một việc làm mà dư luận thế giới cho là để thực hiện mưu đồ chia cắt nước Nga. Tổng thống Nga V.Pu-tin đã phải vạch rõ, yêu cầu của Mỹ đòi Nga đối thoại với lực lượng ly khai người Chechnya cũng tương tự như yêu cầu đòi Tổng thống G.W.Bush đối thoại với Al Qaeda - một việc làm không bao giờ có. [6]
Về mặt quân sự, Mỹ cho điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của NATO thực hiện chiến lược “Đông tiến”, mở rộng biên giới của NATO tới sát biên giới nước Nga. Đồng thời, dưới chiêu bài “chống khủng bố”, Mỹ đã triển khai các căn cứ quân sự ở nhiều nước Trung Á, Trung và Đông Âu, nhằm mở rộng
ảnh hưởng của mình tại khu vực vốn vẫn được coi là “sân nhà của Nga” và tạo thành thế kiềm chế quân sự đối với Nga. Như vậy, có thể thấy, quan hệ của Mỹ đối với Nga trong thời gian này mang tính chất hai mặt: vừa hợp tác vừa cạnh tranh, kiềm chế, khống chế quyết liệt nhằm thực hiện chủ nghĩa bá quyền thế giới, buộc Nga phải đi theo quỹ đạo của Mỹ.