Phản ứng của Nga đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ mỹ nga trong vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu âu (2001 2016) (Trang 48)

của Mỹ ở Châu Âu

2.2.1. Quan điểm của Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu

Trong bất kỳ giai đoạn nào, Nga vẫn luôn giữ vững lập trường của mình về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu của Mỹ. Nga kiên quyết phản đối kế hoạch này vì cho rằng kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu, các nước được coi là “sân sau” của Nga, là nhằm khống chế tiềm năng quân sự và đe dọa tới an ninh của Nga. Nga cũng nhiều lần thể hiện quan điểm tham vọng của Mỹ không chỉ đơn thuần dừng lại ở kế hoạch này mà trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa ở các khu vực trọng yếu khác trên thế giới, phục vụ cho kế hoạch và toan tính chính trị “nguy hiểm” của Mỹ. Các cơ sở tên lửa đánh chặn có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng như chứa các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Do đó, Nga cho rằng vấn đề Mỹ quan tâm “an ninh” có thể giải quyết bằng nhiều con đường khác. Triển khai kế hoạch phòng thủ tên lửa không phải là phương án duy nhất và tối ưu mà nó có thể đảo lộn trật tự, tạo nên cuộc bất ổn về an ninh chính trị khu vực và thế giới. Một quan chức người Nga đã từng tuyên bố “Chúng tôi coi quyết định đó là một bước nhằm phá hủy hệ thống an ninh hiện nay, tạo nên một ranh giới phân chia mới ở châu Âu”. Nga cũng đã rất nhiều lần lên tiếng đòi Mỹ phải xác nhận bằng văn bản rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ triển khai ở châu Âu, và cụ thể là ở Đông Âu là không nhằm Nga nhưng không nhận được sự đồng tình của Mỹ.

Nga luôn thể hiện động thái cứng rắn và khẳng định sự sẵn sàng trong việc nâng cao hệ thống vũ khí hạt nhân tấn công nhằm “duy trì cân bằng chiến lược” với hệ thống phòng thủ tên lửa mà chính quyền Mỹ triển khai. Như vậy có thể thấy Nga vẫn luôn bày tỏ sự hoài nghi của mình về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.

2.2.2. Những biện pháp đáp trả của Nga đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ của Mỹ

Sau nhiều lần khẳng định và bày tỏ rõ quan điểm về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Nga cũng đã cũng có những hành động đáp trả tương ứng. Năm 2001, sau hành động đơn phương của Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) đã ký với Liên Xô năm 1972 và tiến hành triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, quan hệ Mỹ-Nga xảy ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Nga có lý do thực sự để lo ngại vì ABM đảm bảo sự cân bằng tên lửa hạt nhân giữa hai nước và kiên quyết phản đối kế hoạch này.

Ngay từ khi Mỹ triển khai kế hoạch lắp đặt lá chắn phòng thủ tên lửa năm 2003, Nga đã kịch liệt phản đối vì cho rằng điều đó chẳng giải quyết được vấn đề gì mà chỉ càng làm cho cuộc chạy đua vũ trang giữa các bên leo thang. Mọi vấn đề nên giải quyết bằng con đường đàm phán ngoại giao.

Sau khi Mỹ và Cộng hòa Séc ký thoả thuận về việc xây dựng một phần lá chắn tên lửa Mỹ ở Séc vào năm tháng 7/2008, đại diện Nga, tướng Nikolai Solovtsov, chỉ huy trưởng lực lượng tên lửa chiến lược Nga, tuyên bố những địa điểm lắp đặt lá chắn tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Cộng hòa Séc có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công của các loại tên lửa của Nga. Ông cũng tuyên bố: "Những địa điểm nằm trong hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và CH Séc cùng tất cả những địa điểm tương tự như vậy trong tương lai đều là mục tiêu tấn công của tên lửa xuyên lục địa của chúng tôi". Theo tướng

Nikolai Solovtsov, chính quyền và quân đội Nga không lo sợ sự hiện diện của 10 tên lửa đánh chặn và một trạm radar ở biên giới nước này bằng tính mập mờ của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ. "Chính vì vậy chúng tôi buộc phải dùng những biện pháp đáp trả thích ứng nhằm ngăn chặn việc làm giảm sự răn đe hạt nhân của Nga"- tướng Nikolai Solovtsov tuyên bố.

Thời điểm này, Nga đang chế tạo một loại tên lửa xuyên lục địa mới có tên gọi RS-24, trang bị nhiều đầu đạn cùng lúc và có thể dễ dàng phá vỡ lá chắn tên lửa của Mỹ. Tên lửa RS-24 đã được thử nghiệm thành công hai lần năm 2007. Sau nhiều lần thử, từ năm 2010, RS-24 Yars đã được biên chế chính thức vào lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga.Tên lửa RS-24 có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, sau một quãng đường bay nó có thể bắn trúng mục tiêu cách nơi bắn khoảng 5.500km nằm trên bán đảo Kamchatka, ở vùng Viễn Đông của Nga.

Ngoài ra, Nga cũng đã thử thành công một tên lửa hành trình mới đồng thời Nga cũng nêu rõ tất cả những việc này đều nằm trong một phần kế hoạch đối phó của Nga với việc triển khai và bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở các nước thuộc Liên Xô (cũ).

Thời điểm năm 2007, trong một buổi gặp Thủ tướng Bồ Đào Nha tại điện Kremlin, Tổng thống Putin nói rằng, việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu sẽ biến châu Âu trở thành thùng thuốc súng và sẽ gây uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh của châu lục này, do vậy Nga buộc phải “ra tay ứng phó”. Mặt khác, phía Nga đe dọa đáp trả bằng cách triển khai các tổ hợp Iskander gần biên giới với các nước mà Mỹ đã đặt các hệ thống tên lửa và radar ở như Hungary, Séc, Ba lan, khiến cho tình hình ngoại giao ở khu vực căng thẳng. Iskander là tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch-chiến thuật do Nga chế tạo. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar bị mất khả năng phản

hồi. Iskander còn được trang bị một hệ thống điều khiển thông minh cho phép đạn bay lượn linh hoạt. Iskander có tầm bắn tối đa là 480 km, độ chính xác cao. Nó có thể mang đầu đạn hạn nhân hoặc đầu đạn thường. Ngày 22/10/2008, từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-18, mà phương Tây gọi là SS-19 “Stilet”. Tên lửa RS-18, nặng hơn 105 tấn, tầm bắn tối đa 10.000 km, có khả năng mang 6 đầu đạn hạt nhân, với sức công phá từ 0,55 đến 0,75 mê-ga-tôn/đầu đạn. Tên lửa này đã được Lực lượng tên lửa chiến lược Nga đưa vào trực chiến từ năm 1979. Thời điểm đó Nga có hơn 100 tên lửa loại này. Trước đó vào ngày 28/8/2008, Nga từng thành công trong việc bắn thử tên lửa RS-12M.

Theo tiết lộ của người đứng đầu lực lượng tên lửa chiến lược Nga, tướng Nikolai Solovtsov, Nga đang nâng cấp kho vũ khí tên lửa nhằm chống lại kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Tướng Nikolai Solovtsov cho biết, kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa Nga bao gồm việc đưa vào sử dụng những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, cũng như nâng cấp những tên lửa mà nước này hiện đang sở hữu. Ngoài ra, giới quân sự Nga cũng tái khẳng định việc đầu tư hàng chục triệu USD để phát triển các loại tên lửa mới, có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng vệ tên lửa. Đáng chú ý là tên lửa RS-24 mới được trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân được đưa vào sử dụng trong năm 2009 và đây sẽ là lực lượng răn đe "đáng quan tâm". Dự kiến, tên lửa RS- 24 sẽ dần được thay thế các loại tên lửa đạn đạo được sản xuất từ thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên việc thay thế này phải đảm bảo không được ảnh hưởng tới quy trình chung của lực lượng quân sự Nga. Tướng Nikolai Solovtsov khẳng định, tên lửa RS-24, tên lửa RS-12M2 thuộc hệ thống tên lửa Topol-M sẽ trở thành "tổ hợp trọng yếu" của lực lượng tấn công Nga. [29]

Giới chuyên môn cho rằng, để phản đối kịch liệt kế hoạch triển khai 10 tên lửa đánh chặn của Mỹ ở Ba an và hệ thống radar ở Séc của Mỹ, Nga sẽ

nhanh chóng cải tiến những loại tên lửa có thể thích ứng với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ngày 1/7/2011, đại diện của Nga tại NATO, ông Dmitri Rogozin tuyên bố: Nga sẽ thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa riêng không phụ thuộc vào việc các đối tác phương Tây của Nga sẽ làm gì trong lĩnh vực này. Ông Rogozin cho biết Nga sẽ điều chỉnh nhịp điệu đảm bảo khả năng quốc phòng của họ và các hướng công việc này bằng những nhu cầu riêng. Tuy ông Rogozin thừa nhận, trong triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa, Nga có một chút tụt hậu so với Mỹ, nhưng Nga đang nỗ lực để khôi phục lại tiềm năng, sức mạnh tên lửa của mình. Ngoài ra, trong lĩnh vực hạt nhân chiến lược Nga và Mỹ khá cân bằng và đó chính là đảm bảo quan trọng nhất cho chủ quyền của nước Nga.

Trên thực tế ngày 11/08/2010, Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 ở vùng ly khai Abkhazia của Gruzia. Theo tướng Alexander Zelin, Tư lệnh không quân Nga, lực lượng không quân nước này sẽ triển khai một hệ thống tương tự tại vùng Nam Ossetia. Tướng Alexander nói: "Nhiệm vụ của các hệ thống phòng không này không chỉ là bảo vệ an ninh trong khu vực lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia mà còn có trách nhiệm chống lại những hành động vi phạm vùng biên giới, không phận quốc gia Nga và thậm chí được lệnh phá hủy những vật thể lạ bay vào vùng trời Abkhazia và Nam Ossetia [20]. Hệ thống này cũng sẽ bảo vệ các căn cứ quân sự của Nga ở Abkhazia và Nam Ossetia. Sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại bậc nhất thế giới do Nga triển khai tại vùng đất đang gây nhiều tranh cãi càng khiến cho Gruzia phản ứng gay gắt.

Trên thực tế, từ đầu những năm 1990, hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia đã ly khai khỏi sự kiểm soát của chính phủ Gruzia. Tháng 8/2008, Nga đã đưa quân đội nước này vào Nam Ossetia để tham chiến với Gruzia sau khi chính quyền Tổng thống Mikhail Saakashvili mở chiến dịch tấn công vùng đất này. Khi cuộc chiến kết thúc, Nga đã nhanh chóng công nhận hai

vùng lãnh thổ này là những quốc gia độc lập và củng cố vị thế của mình với những chính quyền này bằng cách ký hiệp định hợp tác và xây dựng căn cứ quân sự. Trong khi đó, Gruzia vẫn là một đồng minh thân cận của Mỹ và mong được sớm gia nhập khối quân sự NATO. Tuy nhiên, vấn đề về Abkhazia và Nam Ossetia cùng với sự ủng hộ của Nga với hai vùng ly khai này khiến mong ước này của Gruzia càng khó trở thành hiện thực.

Trong khi đó Mỹ xem xét đề nghị triển khai tên lửa mới ở Gruzia và đang tìm kiếm thêm thông tin. Đồng thời, Mỹ cũng bày tỏ hy vọng Nga và Gruzia sẽ gác những bất đồng để tránh tranh chấp, góp phần tạo dựng an ninh và ổn định ở khu vực Kazkav. Cuối tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến công du Tbilisi và bày tỏ lo ngại về kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của Nga ở Abkhazia và Nam Ossetia.

Trong năm 2013 sau khi NATO tuyên bố triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu gây lo ngại cho Nga, quân đội Nga tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch triển khai 10 hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 mới nhất, đủ để tiêu diệt máy bay, tên lửa tầm trung và chiến lược của kẻ thù. Nga cũng đã quyết định tăng cường triển khai ba hệ thống tên lửa phòng không S-400 vào năm 2014.

Bên cạnh đó, Nga có kế hoạch tiến hành phóng 3 lần vệ tinh GLONASS để duy trì và phát triển "chòm sao" hệ thống GLONASS, ban đầu có kế hoạch phóng ba lần vào quý 1, quý 2, quý 4 năm 2013, đưa 5 vệ tinh GLONASS-M lên quỹ đạo. Ngày 26/4/2013, tên lửa đẩy Soyuz-2 đã thành công đưa một vệ tinh GLONASS-M lên quỹ đạo. Tổng số vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo của Nga năm 2014 khoảng 120 chiếc, trên 70% do Trung tâm hàng không vũ trụ Titov của Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga quản lý, trong đó có trạm không gian quốc tế và tàu vũ trụ dân dụng.

Đối với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-500. Đến cuối tháng 6/2014, Nga đã thử thành công tên lửa chống tên lửa tầm xa sẽ trang bị cho hệ thống tên lửa phòng không S-500. S-500 được hy vọng như một hệ

thống tên lửa phòng không thế hệ mới, sử dụng nguyên tắc giải quyết riêng biệt nhóm nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu tên lửa đạn đạo và các phương tiện bay các loại. Nhiệm vụ chính của hệ thống tên lửa là tiêu diệt các đầu đạn tên lửa đạn đạo tầm trung: tự động đánh chặn các tên lửa đạn đạo IRBM với tầm bắn đến 3500 km với tốc độ bay lên đến 5km/s, trong trường hợp cần thiết tiêu diệt các đầu đạn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối của quỹ đạo đường đạn hoặc trong một giới hạn nhất định, ở giai đoạn giữa. Những hệ thống vũ khí này có thể bảo vệ các các khu vực dân cư, các thành phố lớn, công trình công nghiệp và các mục tiêu chiến lược đặc biệt quan trọng. Ngoài ra S-500 cũng có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa hành trình siêu thanh, chiến đấu cơ và UAV trên độ cao thông thường, tên lửa siêu thanh có tốc độ 5M trở lên (Waverider); tiêu diệt các vệ tinh quỹ đạo thấp và các phương tiện bay mang vũ khí trên vũ trụ được phóng từ máy bay siêu thanh, các máy bay không người lái siêu âm và các hệ thống phóng vũ khí trên vũ trụ.

Đối với kế hoạch triển khai tên lửa S-400, ngày 10/12/2015, Nga tuyên bố “hàng loạt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 đã được thử nghiệm sẵn sàng chiến đấu". S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa phục vụ quân đội Nga từ năm 2007. Tính đến cuối năm 2015, tổng cộng có 12 trung đoàn của Nga được trang bị hệ thống này và thời điểm bấy giờ, Nga dự kiến sẽ tăng lên 16 trung đoàn vào cuối năm 2016. Đây là một phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300 và là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới cho tới khi hệ thống S500 ra đời. S-400 được thiết kế để tiêu diệt tất cả máy bay, tên lửa hiện nay cũng như trong tương lai. Hệ thống có thể bắn hạ mọi mục tiêu khí động học, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và đầu đạn hạt nhân ở tầm bắn. Radar cho phép hệ thống bắt mục tiêu ở khoảng cách lên đến 600km. Hệ thống tên lửa chống máy bay chiến đấu 48N6E3 S-400 có thể hạ gục mọi mục tiêu không kích ở độ cao 10.000-27.000 và mục tiêu đạn đạo ở độ cao 2.000-25.000km.

Như vậy có thể thấy rõ lập trường và quan điểm cứng rắn của Nga cương quyết phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Châu Âu. Nga không chỉ có những quan điểm bằng lời nói mà còn thể hiện bằng các hành động đáp trả tương ứng để bảo vệ cũng như tăng cường sức mạnh quân sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ mỹ nga trong vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu âu (2001 2016) (Trang 48)