Có thể nói hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu là một trong những nhân tố chủ yếu tác động đến quan hệ Mỹ-Nga. Các chính quyền Mỹ và đại diện Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ nhằm chống lại tên lửa tấn công từ những nước như Iran và không sử dụng để đối phó với bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ Nga. Đặc biệt sau nhiều năm trì hoãn, năm 2016, Mỹ kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa ở Romania khiến quan hệ Mỹ -Nga rơi vào giai đoạn khó khăn mới.
Thời điểm này, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại NATO Roberth Bill đã khẳng định: hệ thống tên lửa Aegis ở Romania không làm phương hại đến năng lực răn đe chiến lược của Nga và nó cũng không có khả năng làm điều đó; những lo ngại của Nga chỉ là “hoang tưởng” [19]. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, thật khó có nhà lãnh đạo quốc gia nào, nhất là Nga, lại tin vào điều đó bởi rất nhiều lý do, trong đó chủ yếu bao gồm các lý do sau:
Thứ nhất, mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và kéo theo đó là sự tan
rã của Liên Xô, nhưng đối với Mỹ, sự tồn tại của nước Nga có chủ quyền đã và đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ vẫn là một trong những vật cản lớn nhất đối với tham vọng kiểm soát trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Vì thế, việc sử dụng hệ thống lá chắn tên lửa để giành ưu thế quân sự đối với Nga là mục tiêu nhất quán của Mỹ trong việc duy trì và khẳng định ngôi vị số
một thế giới. Điều này càng được khẳng định khi năm 2012, trong trao đổi, đàm phán về vấn đề này, Nga đề nghị Mỹ và NATO cam kết bằng văn bản, có tính ràng buộc về pháp lý rằng, hệ thống lá chắn tên lửa của họ “không nhằm chống lại Nga” nhưng đã bị Mỹ thẳng thừng từ chối.
Thứ hai, việc Mỹ khẳng định rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu
Âu chủ yếu để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Iran là chưa có tính thuyết phục. Nếu ở thời điểm trước đó 6 năm (khi kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ được thông qua) khi Mỹ lo ngại về tên lửa của Iran do quan hệ Mỹ và Iran còn đối đầu gay gắt về chương trình hạt nhân của Iran thì lý do này có thể được Nga tạm thời bỏ qua. Tuy nhiên, với thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa nhóm P5 + 1 với Iran (năm 2015), “mối đe dọa” từ nước Cộng hòa Hồi giáo này không đủ sức nặng để Mỹ viện cớ triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu.
Thứ ba, việc kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu vào đúng
thời điểm quan hệ căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt không khỏi khiến Nga cảm thấy bất an. Hơn nữa, hệ thống vũ khí này, mặc dù ở trạng thái phòng thủ, nhưng nếu được cài đặt lại, chúng có thể làm nhiệm vụ tấn công bất cứ lúc nào, càng làm Nga đứng ngồi không yên. Vì thế, dư luận cho rằng, việc biện minh cho động thái trên của chính quyền Mỹ chưa có tính thuyết phục, nhưng khẳng định hoạt động đó chủ yếu chĩa mũi nhọn vào Nga cũng chưa thỏa đáng. Vậy, phải chăng việc “kích hoạt” hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu còn nhằm các mục đích khác, cao hơn?
Theo giới quan sát cũng như giới chuyên môn, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu là “mũi tên hướng đến nhiều đích”, trong đó khẳng định ưu thế về quân sự và gây ảnh hưởng về chính trị đối với khu vực là đích ngắm chủ yếu của Mỹ. Với kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được chính thức thông qua (năm 2010), mục đích thực sự của hệ
thống này nhằm vô hiệu hóa khả năng tấn công trả đũa của đối phương tiềm tàng sau khi Mỹ thực hiện đòn tấn công hạt nhân phủ đầu họ. Qua đó, Mỹ sẽ chiếm ưu thế toàn diện về quân sự và lấy đó làm cơ sở để bảo vệ và cung cố ngôi vị số 1 thế giới của mình. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, sở dĩ Mỹ quyết định xây dựng và triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu, bởi Mỹ cũng lo ngại hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga [1].
Cùng với ý đồ giành ưu thế về quân sự, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu còn nhằm mục đích chính trị đối với “Lục địa già”. Theo các nhà quan sát, Mỹ có thể sử dụng hệ thống này để thổi bùng “nguy cơ xâm lược” từ Nga, biến “mối đe dọa ảo” thành “đe dọa thật”, thúc đẩy chạy đua vũ trang, buộc các nước thành viên NATO phải gia tăng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, di cư và làn sóng khủng bố ngày một lan rộng. Không những thế, hệ thống lá chắn tên lửa này phần lớn do Mỹ thiết kế và chi phối bí mật về công nghệ; từ đó dẫn đến sự phụ thuộc về an ninh của châu Âu vào Mỹ, nhất là các nước vốn đã nằm trong sự bảo trợ từ “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ.
Không khó để nhận thấy rằng, việc kích hoạt một mắt xích trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu đã tác động đến an ninh của nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là quan hệ với Nga. Như đã trình bày ở chương 2, Nga cũng có phản ứng mạnh mẽ cả bằng lời nói và hành động đối với động thái trên của Mỹ. Chính quyền Nga cho rằng, mục đích thực sự của hệ thống lá chắn tên lửa này là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga, đủ để Mỹ có thể ra đòn tiến công hạt nhân trước trong tình thế có chiến tranh. Đặc biệt, việc triển khai các tên lửa đánh chặn đến sát biên giới Nga, vô hình trung Mỹ và NATO đã và đang tìm cách bao vây, cô lập, nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga.
Có thể thấy, quan hệ Mỹ-Nga trải qua nhiều thăng trầm nhưng chịu tác động không nhỏ trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu
của Mỹ và các hành động đáp trả của Nga. Hai nước mặc dù đều rất dè chừng nhưng cũng khá cứng rắn giữ vững lập trường với những quan điểm cũng như kế hoạch đã đề ra. Việc này còn tác động đến các mối quan hệ trong các lĩnh vực khác của Mỹ-Nga cũng như trong khối NATO và toàn khu vực.