Chương 2 : TRIỀU NGUYỄN VỚI VẤN ĐỀ QUẢN LÝ LÚA GẠO GIAI ĐOẠN 1802-1883
2.2 Đánh giá chính sách quản lý lúa gạo của triều Nguyễn (180 2 1883)
2.2.1. Ưu điểm
Thứ nhất, chính sách quản lý lúa gạo của triều Nguyễn thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với đời sống của mọi giai tầng trong xã hội, đặc biệt là đối với dân nghèo.
Trong nửa đầu thế kỷ XIX khi đất nước còn độc lập, triều Nguyễn đã ban hành không ít chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng gạo. Việc triều Nguyễn xác định rõ các đơn vị đo lường, định giá gạo, tổ chức vận tải và lưu trữ gạo, chống đầu cơ tích trữ gạo, hạ giá gạo, tổ chức cứu đói dân nghèo v.v.. phần nào cho thấy sự quan tâm của triều Nguyễn đến đời sống của dân chúng.
Để giữ gìn ruộng lúa khỏi bị ngập lụt, triều đình cũng rất quan tâm đến công tác đê điều. Nha Đề Chánh đã được thành lập dưới triều Gia Long để phụ trách công tác đê điều nhất là tại Bắc bộ trước mùa mưa. Việc trong nom và sữa chữa đê điều đòi hỏi nhiều tốn phí quan trọng, “vào năm 1829 công tác sữa chữa và xây lắp đê mới ở Bắc Việt đã tốn lên đến 177.833 quan tiền, và 170 lượng bạc” [15, tr.560].
49
Còn sau khi bị mất mùa giá lúa lên cao, nạn đói hoành hành, lúc ấy cần đưa ra các biện pháp để cứu giúp kịp thời người bị nạn. Trước hết cứu trợ cấp bách bằng cách mở các kho lúa công để cho dân chúng vay, năm sau mới cho hoàn lại, hay bán gạo hạ giá cho dân chúng, một dân đinh được một vuông gạo. Khi tình thế trở nên nghiêm trọng thì tiền hành chẩn cấp cho dân nghèo, tuy nhiên công việc phát chẩn còn tùy thuộc vào tình hình ở mỗi địa phương. Đơn cử như “ở Nghệ An vào năm 1824, mỗi người lớn được phát 1 quan tiền 6 bát gạo, trẻ con nửa quan tiền 3 bát gạo” [15, tr.224]. Năm 1827, sau vụ lũ lụt xảy ra vào tháng bảy ở các tỉnh Sơn Nam, Sơn Tây và Nam Định, những người nghèo khó được chia làm 2 hạng “hạng cực bần được 2 quan tiền 1 vuông gạo, hạn bần được 1 quan tiền 1 vuông gạo” [15, tr.226].
Chính phủ cũng có thể dùng dân chúng những tỉnh đói để thực hiện công tác xây đắp đê và trả công bằng gạo, nhờ thế gạo lưu thông nhiều hơn trong dân chúng. Những công tác ấy đem lại nhiều hiệu quả hơn so với việc chẩn cấp vì nó tạo công ăn việc làm, người dân có lương để sinh hoạt.
Ngoài ra sự quan tâm này được thể hiện thông qua các việc làm, các dụ, chiếu của triều đình như cho nhân dân vay thóc gạo, bán gạo giảm giá cho dân chúng hay chẩn cấp, miễn thuế ruộng cho nhân dân ở những vùng khó khăn, bị thiên tai tàn phá. Ở Quảng Đức, Phú Yên, Bình Định vào năm 1808 bị gặp hạn khô, lúa gạo thất bát nên vua Gia Long chuẩn cho miễn giảm thuế như: “Mười phần mất bốn phần được miễn hai phần, mất 5 phần được miễn 3 phần, mất 6 phần được miễn 4 phần, mất 7 phần được miễn 5 phần, mất 8 phần được miễn 6 phần, mất 9 phần được miễn 7 phần, mất hết được miễn cả”, hay các trấn Sơn Nam thượng, hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương thuộc Bắc thành vụ mùa lúa bị thất bát. Những ruộng cấy một vụ mùa thời công tư điền đều lấy 10 phần làm mất, hễ 10 phần mà mất hết, hay mất 9 phần, 8 phần đều miễn cả thóc tô về năm nay” [26, tr.400]. “Mùa mất khoảng 5/10 thuế được giảm 3/10, mùa mất 8/10 thuế giảm 5/10, mùa mất 8/10 thì miễn giảm thuế điền” [26, tr.450]. Đối với các tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhà vua có thể miễn cho dân một số khoản thuế từ năm trước “vào năm 1841, dân tỉnh Hưng Yên được miễn số thuế thiếu là 23.358 quan và 83.162 hộc lúa, tỉnh Nam Định được miễn 30.327 quan và 103.308 hộc lúa” [26, tr.502].
50
Sự quan tâm này không chỉ đối với người có công mà còn được thể hiện cả đối với những kẻ làm điều xằng bậy, vi phạm, đánh chém người vô tội, cướp bóc lương thực. Những bọn Thổ phỉ trước đây tiến hành cướp bóc lương thực, phá hoại mùa màng của người Kinh nay đã làm người tốt đều được triều đình khen thưởng, cấp cho một ít tiền và gạo để mở đường làm ăn. Ngoài ra cho vận động nhân dân quyên góp để giúp đỡ những vùng khó khăn như trấn Bắc thành có 72 nhà giàu vận động quyên góp tiền, thóc giúp người ta nghèo, có ruộng đất thì cho người ta mượn để trồng trọt. Số người tham gia và tiền quyên góp vào năm 1834-1835 tại lục tỉnh Nam Kỳ là: “Tỉnh Định Tường, 109 người, quyên được 73.200 quan tiền và 1000 phương gạo. Tỉnh Gia Định, 161 người, quyên được 109.200 quan tiền. Tỉnh An Giang 4 người, quyên được 3.600 quan tiền, 30 hộc gạo và 900 phương gạo” [16, tr.110]
Các biện pháp cứu giúp chẩn tế, hay miễn giảm thuế này làm vơi các vựa lúa của nhà vua và làm hao hụt nhiều công quỹ nhưng cũng chứng tỏ triều đình Nguyễn đã chăm lo đến vấn đề no đủ của dân chúng. Khi nạn thiếu ăn xuất hiện, theo sự báo cáo của các quan địa phương, triều đình nhà Nguyễn tiến hành chẩn cấp, giúp đỡ. Ngoài ra, công tác xử phạt những ai vi phạm cũng được nhà vua quan tâm như bị cắt chức, khiển trách một số quan lại vi phạm chính sách, quan tuần vũ Quảng Trị là Trần Danh Bửu bị cắt chức năm 1835 do để nạn đói lan rộng trong tỉnh mình hay Tổng đốc Quảng Nam là Phạm Duy Trinh bị cắt chức vào năm 1841. Nhờ những việc làm trên của các vua triều Nguyễn đều đem lại kết quả tốt, góp phẩn ổn định đời sống nhân dân cũng như nâng cao thêm quyền lực của triều đình.
Thứ hai, chính sách quản lý lúa gạo của triều Nguyễn được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ. Điều đó đã giúp triều đình hạn chế được tình trạng gian lận nhằm trục lợi của quan lại, hay những người dân có ý định xấu. Cụ thể, trong việc chẩn cấp phát gạo cho dân nghèo, dân gặp khó khăn, trước khi tiến hành chẩn cấp phát gạo triều đình luôn cử người xuống thanh tra, kiểm tra tình hình của địa phương đó xem có đúng như lời tâu của quan địa phương. Năm 1805, vua Gia Long xuống chiếu: “Các hạt thuộc Bắc thành, hàng năm hai vụ chiêm mùa, lúa má bị nạn lũ lụt, sâu bọ làm thiệt hại thì chuẩn cho quan địa phương tâu lên, các viên phủ, huyện sở tại lập tức đến tận nơi để khám xét hạn trong 10 ngày phải làm xong, làm thành văn bản đệ để nộp lên trấn. Quan trấn đến khám lại cũng hạn 10 ngày phải làm xong sau đó làm
51
thành văn bản đệ nộp lên thành. Quan thành tổng hợp lại tâu lên, không được dụng tình man trá ăn tiền” [26, tr.397]. Về sau ở Gia Định, hàng năm nếu lúa má ở vùng bị thiên tai hay ruộng đất bị sạt lỡ mà có đơn tường trình từ dân phản ánh lên thì các quan trấn sức phải cho phủ huyện đến tận nơi khám xét đệ trình, rồi lại lập tức đến phúc khám xác thực, làm thành văn bản trình đệ lên thành để quan thành tổng hợp tâu lên cho nhà vua xem xét.
Đối với các tỉnh trực thuộc có địa phận biển, khi nhận được tin có thuyền buôn nước Thanh đem hàng đến bán thì phải cho viên phủ huyện hay viên tá liêm chính, công bằng và thạo việc khám xét đến nơi cùng với viên đóng đồn coi cửa biển gọi chủ thuyền đến chỉ bảo rõ ràng và bắt làm sổ kê khai hàng hóa chứa trên thuyền, bắt chủ thuyền làm rõ giấy cam đoan nói rõ những câu: “Nếu có ẩn giấu số hàng hóa tầm thường hoặc chuỗi ngọc, gấm vóc, các thứ quý giá xin theo lệ tính thành tang tiền mà bắt tội, lại xin đem hàng hóa ẩn lậu ấy sung làm của công không dám hối hận” [29, tr.355]. Lệ này vào năm 1842 có sửa đổi để đảm bảo việc quản lý càng chặt chẽ hơn. “Những trực tỉnh hễ tiếp được tin báo có thuyền buôn nước Thanh đem hàng đến lập tức phái quan phủ huyện, hoặc viên tá lĩnh ở tỉnh người liêm chính, công bằng, thạo việc khám xét lấy 1 người đem theo người Minh hương hoặc những người biết nói tiếng Hoa và mặt hàng đến kiểm tra. Nếu thuyền buôn nước Thanh cập bến cùng 1 lúc đến 3,4 chiếc trở lên lúc ấy do quan tỉnh chước lượng phái thêm bát cửu phẩm thư lại của thi làm được việc để đi theo nhưng mỗi thuyền chỉ phái thêm 1 người. Khi kiểm tra xong người đi khám và người chủ thuyền phải cam đoan vào sổ vào sổ hàng hóa ấy và kí tên đóng dấu riêng” [29, tr.356].
2.2.2. Hạn chế
Mục tiêu hàng đầu của các chính sách quản lý và sử dụng gạo của triều Nguyễn là để ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của triều Nguyễn, đó là ngai vàng của các vua Nguyễn, lợi ích của hoàng tộc và quan lại và cột chặt nông dân với triều đình.
Bên cạnh những ưu điểm thì việc quản lý lúa gạo dưới triều Nguyễn vẫn còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất là trong các chính sách miễn thuế, chấn cấp thiên tai giúp đỡ dân khó khăn. Để làm giảm nhẹ nỗi thống khổ của dân chúng, triều đình thường áp dụng những biện pháp như giảm hay miễn thuế má cho những vùng cơ cận. Mất mùa một
52
nửa được giảm 3/10% thuế, mất mùa khoảng 8/10 được giảm 1/2 thuế, mất mùa trên 8/10 được hoàn toàn miễn thuế hoặc phát chẩn cho dân chúng gặp nạn đói. Thực tế dù triều đình có giảm thuế trước những khó khăn, thiên tai mùa màng, nhà nông không dự trữ lúa gạo được chỉ biết đứng giữa hai tình thế, một là vay nợ để mua thực phẩm để giải quyết vấn đề sinh thực cho đến mùa vụ sau và thay thế hạt giống đã hư hỏng và hai là chết đói.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện việc chẩn cấp, không ít quan lại triều đình đã lợi dụng để trục lợi. Trên thực tế, các biện pháp cứu tế lúa gạo cho dân chúng làm công quỹ hao hụt không ít. Song người ta phải đặt nghi vấn về hiệu quả của chúng đem lại. Chúng có thể ngăn nạn đói khỏi lan rộng trong một khoảng thời gian ngắn đồng thời kiềm hãm sự gia tăng giá của thóc gạo, nhưng thật ra đây chỉ là một liều thuốc tạm thời không thể giải quyết triệt để căn bệnh của người nông dân, đó là vấn đề dự trữ thực phẩm. Hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào lương tâm của người cấp phát, vì các vụ phát chẩn là những dịp tốt cho một số người làm giàu. Các chỉ dụ liên tiếp được ban bố để nghiêm trị các vụ phù lạm chứng tỏ vấn đề này thường xuyên xảy ra. Năm 1833, vua Minh Mệnh lại đưa ra dụ riêng cho bộ Hộ yêu cầu phải nghiêm sức các phủ huyện và lũ lại dịch, phàm tiền và thóc của dân đã quyên nên truyền họp những dân cùng túng trong xóm giềng mà chia cấp cho, chớ để lại một đồng tiền, một hạt thóc nào. Nếu ai lừa gạo chấm mút một mảy hễ nghe có người phát giác và tố cáo thì lập tức đem người đó đi trừng trị nghiêm minh, viên chức có trách nhiệm xem xét, lại không xét ra, cũng tùy nhẹ nặng trị tội.
Cách nhận xét của người ngoại quốc cũng cho thấy là các biện pháp phát chẩn không mấy hiệu quả. Giám mục Retord ở địa phận Đông Bắc kỳ trong một bức thư đề ngày 2/4/1858 đã tả cảnh đói năm 1857-1858 và kể lại như sau: “Nhà vua đã mở nhiều vựa lúa trong ba, bốn tỉnh để phát chẩn cho dân chúng. Một vựa lúa quan thường có chiều dài là 146 thước, chiều rộng là 8 thước, chiều cao là 4 thước. Trong mỗi tỉnh có từ 15 đến 20 vựa lúa luôn luôn đầy ắp, đủ biết số thóc lúa chứa đựng nhiều là bao. Nhưng các sự bố thí ấy được thực hiện quá sớm một cách hỗn độn và bất lương. Bắt đầu từ tháng 11-12 và hiện nay lúc nạn đói đạt tới cực điểm thì các vựa lúa đã trống rỗng. Thêm nữa, những lúc cấp phát, dân chúng hôn độn, chen lấn, xô đẩy đến nổi nhiều người bị xéo đạp và chin phần mười số người tới xin phải trở về tay không mặc dù họ đợi từ rất lâu và đói lả khi trở về nhà. Sau hết các
53
quan viên, khi trích gạo trong kho để cứu tế dân đói cũng không quên trích lại một phần để làm giầu cho bản thân họ” [32, tr.31]
Thứ ba, chính sách hạn chế số lượng lúa gạo xuất khẩu sang các nước Châu Á của triều Nguyễn đương thời đã kìm hãm sự phát triển của ngoại thương và tỏ ra kém hiệu quả trong quá trình thực thi. Trên thực tế, việc độc quyền buôn bán lúa gạo của triều Nguyễn phản ánh chính sách thương mại thiển cận của này triều này. Chính sách này thực tế đã đẩy chế độ quân chủ Việt Nam dưới triều Nguyễn lún sâu vào bế tắc và khủng hoảng, triệt tiêu đi yếu tố kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp, kìm hãm lực lượng sản xuất nông nghiệp, và trái với quy luật cung cầu của nền kinh tế. Sự độc quyền buôn bán gạo còn phản ánh chính sách hạn chế giao thương của triều Nguyễn. Chính sách này đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền ngoại thương nước nhà, làm cho đất nước mất đi nhiều nguồn ngoại lực để phát triển, đồng thời đẩy nhanh tiến trình xâm lược Việt Nam của thực dân phương Tây.
Mặc dù triều Nguyễn đã đưa ra nhiều chỉ, dụ để cấm thuyền buôn chở lậu thóc gạo đem ra giao thương với người Thanh và thương nhân một số nước khác, nhưng trên thực tế, lệnh cấm này không đem lại nhiều hiệu quả. Các viên quan của triều đình được phái đi tuần tiễu đường biển vẫn phát hiện nhiều thuyền của dân đến Hạ Châu bán gạo, khi thấy thuyền công nhà nước tới thì sợ hãi và nhanh chóng tản đi nơi khác.