Xử lý các trường hợp vi phạm chính sách

Một phần của tài liệu 24215 16122020235229824LUNVNFILEPDF (Trang 45 - 48)

Chương 2 : TRIỀU NGUYỄN VỚI VẤN ĐỀ QUẢN LÝ LÚA GẠO GIAI ĐOẠN 1802-1883

2.1.5.Xử lý các trường hợp vi phạm chính sách

2.1 Chính sách quản lý lúa gạo của triều Nguyễn giai đoạn 1802-1883

2.1.5.Xử lý các trường hợp vi phạm chính sách

Đối với các trường hợp sai phạm làm trái quy định trong việc chi lúa gạo công cũng bị triều đình đem ra xử phạt, như: “Đem sơn góc hộc, lúa gạt để nghiêng hộc đi, hoặc đục rộng chỗ gạt ra, vỗ nâng cho khéo thì triều đình yêu cầu quan địa phương xem xét kỹ. Người nào có làm bậy một tí vào đấy, xét được thực trạng lập tức khóa tay, xử tội nghiêm, tâu lên chỉ đợi lệnh trừng phạt. Nếu cứ mãi như thế chỉ mong làm qua loa, xong việc có khi phát giác ra, trừ kẻ phạm tội lập tức đem chém đầu bêu lên. Còn quan địa phương cũng xem xét để xử phạt nghiêm, làm gương cho dân chúng” [28, tr.84]. Triều đình yêu cầu các quan và chức dịch giữ việc chủ thủ kho thu nhận thuế lương phải để cho các hộ nộp thuế tự gạt lấy hộc đông của mình sau khi đủ số lượng yêu cầu thì giao nhận làm số chính thức. Trong trường hợp quan coi kho, người giữ kho không cho hộ nộp thóc gạt thóc mà tự mình đong vào hộc lên để lấy nhiều mức lương trên mặt thì có quy định xử phạt như sau: “Đong sai phạt 60 trượng, nếu tính số thừa ra tổng cộng số tang nặng hơn thì kép vào tội tham tang mà trừng trị nhưng chỉ phạt đến 100 trượng. Quan lại ở tòa đề điệu biết mà không cáo giác cũng phạm tội với kẻ can phạm (số lương thừa ấy trả lại cho chủ nộp), nếu không biết thì không có tội” [28, tr.84].

Trường hợp người làm thuê ở kho man trá đồ cân đong của kho để bớt xén thì triều đình cũng đưa ra lệnh xử phạt, cụ thể đó là “những đồ can đong của các kho mà người giữ việc cân đong, người nhận trong coi thuê hoặc làm man trá để bớt xén, thuê mướn, di dịch (đổi) thứ khác bớt xén tiền lương, thóc gạo của công thì đều bị khép vào tội “coi giữ tự lấy trộm”mà trị tội” [29, tr.220]. Những người chủ thuê đồng tình chia nhau số tang vật bớt xén cũng bị tội như trên không kể chủ ấy là ai. Trong trường hợp những người chủ này có biết chuyện nhưng không chia nhau tang vật mà đồng tình với người làm thuê trình báo man trá lên quan hay không thú cáo ra thì bị triều đình phạt “giảm kém tội (tự lấy trộm) 1 bậc, tội chỉ phạt đến 100 trượng” [29, tr.226 ]. Còn những người tự làm đấu, hộc, cân, thước riêng không đúng mẫu, mà đem dùng ở hàng chợ và đem những đấu, hộc, cân, thước của công phát cho mà thêm bớt thì có lệnh “phạt nặng hơn đó là phạt 60 trượng, người thợ làm ra các thứ ấy cũng phải chịu tội. Còn nếu là của công triều đình phát ra mà

46

làm không đúng phép thì quan lại và thợ làm ra phạt 70 trượng” [29, tr.227 ]. Quan lại ở các kho tàng tự làm thêm bớt những đấu, hộc, cân, thước của công phát cho để thu chi vật hạng của công không đúng mức (khi thu vào thì dùng thứ làm tăng lên, khi phát ra thì dùng những thứ giảm đi) thì xử phạt như sau: “Phạt 100 trượng, đem số tăng giảm ấy tính thành tang tiền nếu nặng hơn (phạt 100 trượng) thì khép vào tội “tang”. Nhân thế mà lấy (số vật tăng, giảm) cho mình thì khép vào tội “coi giữ tự lấy trộm”, người thợ làm những thứ ấy phạt 80 trượng. Quan giác lâm biết chuyện mà không tố giác thì cũng phạt tội với can phạm, nếu chỉ có lỗi không biết kiểm soát thì được giảm nhẹ hơn can phạm 3 bậc tội chỉ phạt đến 100 trượng” [29, tr.301].

Đối với việc quan binh bán trộm, vận chuyển gạo lương, số gạo mà các quan binh đem bán chủ yếu là gạo lương hàng tháng họ được lĩnh từ triều đình. Mỗi binh lính thường được lĩnh mỗi tháng là 1 quan tiền và 1 phương gạo. Tuy nhiên do một số lợi nhuận đã khiến cho binh lính lấy gạo công của mình đem đi bán ra thị trường. Binh lính bán trộm gạo lương là một nhân tố làm cho thị trường gạo mất ổn định. “Năm 1832, lính Ninh Bình mượn cớ là đường xa đã đem gạo bán đi, rồi đong gạo ở chợ đã làm tăng giá gạo trên thịtrường” [24, tr.285]. Để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, vua Minh Mệnh lập tức định lệ xử lý nghiêm khắc: “Từ nay hễ đã lĩnh thóc gạo lương tháng, không được đem bán lại nếu trái lệnh thì không kể số tang vật nhiều hay ít, người mua và người bán đều bị phạt 100 trượng, còn binh lính phải đóng gông một tháng, người đầu mục cai quản và thư lại nếu là kẻ xui khiến thì trị tội thêm lên một bậc” [24, tr.285].

Đối với vấn đề dân chúng bán gạo lậu ra nước ngoài, đối tượng bán gạo lậu trong nước ra nước ngoài chủ yếu là thương nhân và một bộ phận dân chúng ở Nam Kỳ, đặc biệt là Gia Định. Thành Gia Định là nơi tập trung nguồn gạo của xứ Nam Kỳ, nên các hoạt động buôn bán gạo lậu ở đây diễn ra khá sôi động. Bất chấp lệnh cấm bán gạo của triều đình, không ít thương nhân vẫn bí mật chở trộm gạo trong nước bằng đường thủy để đem bán ở Hạ Châu hoặc bán cho thương nhân Thanh triều để kiếm lời.

Từ khi lên ngôi vua, Gia Long đã ra nhiều dụ yêu cầu Trấn thủ các dinh cho khám xét các thuyền buôn để ngăn chặn tình trạng chở trộm gạo ra nước ngoài, không cho thuyền tư nhân tự vận chuyển thóc gạo ra nước ngoài buôn bán kiếm lời. Mặc dù

47

đưa ra nhiều chỉ dụ nghiêm cấm nhưng tình trạng các thương nhân vẫn giao thương, trao đổi lúa gạo với thương nhân nước ngoài tiếp tục diễn ra ngày một nhiều. Trước thực trạng buôn bán gạo lậu trong dân chúng tăng lên, gây nên tình trạng bất ổn trong xã hội, vào năm 1824, vua Minh Mệnh ban dụ định lại điều lệ cấm bán trộm thóc gạo. Dụ quy định rõ các điều khoản xử lý người vi phạm như sau “Nếu người địa phương bắt được gian thương sẽ được thưởng những tang vật bắt được, quan địa phương sẽ bị giáng một cấp nếu không biết xét xử, người hạt khác bắt được tội phạm được thưởng như người trong hạt. Quan tham ăn tiền hối lộ mà xử nhẹ tội hoặc cố ý tha cho tội phạm sẽ bị xử tội thật nặng theo tang vật” [23, tr.342]. Năm 1828, triều đình định lệ cấm: “Từ nay về sau cấm hết thuyền buôn nước ta không được đến Hạ Châu buôn bán, làm trái thì chiếu luật buôn lậu mà trị tội” [23, tr.749]. Mặc dù triều đình cấm ngặt và xử tội nặng người vi phạm, nhưng tình trạng buôn lậu gạo ra nước ngoài vẫn tiếp diễn. Trong những năm 1828-1832, do giá gạo ở một số nước trong khu vực đắt gấp 2 đến 5 lần giá gạo trong nước, nên có không ít người đã chở trộm gạo đi để bán cho người nước ngoài kiếm lời làm cho tình hình xã hội trong nước càng rối ren, dân nghèo thiếu ăn. Việc chở trộm gạo là điều quốc cấm nhưng vẫn có người vi phạm. Triều đình tiến hành điều tra những người có hành vi vi phạm, tự ý buôn bán lúa gạo với nước ngoài và biết được rằng vào năm 1832, giá gạo trong các trấn, hạt bị đẩy lên cao do Mạc Hầu Ni, Chánh đội trưởng suất đội cơ Hà Tiên, chở trộm gạo bán cho Hạ Châu. Mạc Hầu Ni được triều đình cử đi do thám tình hình nước Xiêm, nhưng đã ngầm đem gạo và đường bán ra nước ngoài. Triều đình đã nghiêm trị Mạc Hầu Ni để làm gương cho giới quan lại. Sang đến thời vua Thiệu Trị, triều đình cũng định lại các điều khoản về cấm bán trộm gạo và muối ở Nam Kỳ để ngăn chặn tình trạng thẩm lậu gạo ra nước ngoài nhưng không mấy hiệu quả. Nạn buôn lậu gạo tiếp tục diễn ra và đã làm cho thị trường gạo trong nước rất bấp bênh, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của dân nghèo.

Đối với vấn đề Hoa thương mua gạo lậu, triều Nguyễn cũng có nhiều biện pháp ngăn chặn. Trung Hoa luôn ở trong tình trạng thiếu gạo trầm trọng nên thương nhân người Hoa thường đến Việt Nam thu mua gạo lậu để chở về nước bán kiếm lời. Một trong những điểm tập kết gạo lậu của người Hoa ở Bắc Kỳ là Hải Phòng, ở Nam Kỳ là Gia Định. Trong thời kỳ vua Minh Mệnh trị vì, ông đã ra một số dụ cấm và xử phạt nghiêm khắc Hoa thương đến mua gạo. Trấn thủ thành Gia Định tâu xin cho

48

thuyền buôn của thương nhân Thanh triều đã nộp thuế được đi buôn ở Nam Kỳ rồi ra Bắc Kỳ, vua Minh Mệnh liền dụ rằng: “Người buôn nước Thanh, gian dối trăm vẻ, từ trước đến giờ, nói dối là đóng thuyền đi buôn, trong đó ngầm chở thóc gạo, mua trộm thuốc phiện, đã nhiều lần, vỡ lở ra rồi. Trước đây theo lời bàn của kinh lược sứ, không cho ra biển đi buôn, cốt để ngăn đứt sự gian ác, nay lại tâu xin cho chúng, sao không nghĩ bọn chúng khi đã ra ngoài biển, tự do đi vào Nam ra Bắc, có thể giữ được tệ ư?” [12, tr.20]. Hoa thương sử dụng thuyền buồm làm phương tiện vận tải gạo. Họ mua gạo từ các địa phương rồi chuyển về nơi tập kết lớn. Mỗi thuyền chở được từ 2 đến 3 tấn gạo. Người Hoa có diện mạo khá giống với người Việt nên dễ dàng trà trộn về các địa phương để mua trộm gạo. Bộ phận Hoa kiều mua gạo thuận lợi hơn khi được phép tự do đi lại ở trong nước. Triều đình dù đã có những chế tài xử lý nghiêm khắc, nhưng trong thực tế đã không thể ngăn chặn được Hoa thương mua bán gạo lậu ở Việt Nam để tuồn ra nước ngoài. Tuy triều đình nắm độc quyền xuất khẩu gạo, nhưng Hoa thương mới là kẻ thao túng thị trường xuất khẩu gạo ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Một phần của tài liệu 24215 16122020235229824LUNVNFILEPDF (Trang 45 - 48)