Chương 2 : TRIỀU NGUYỄN VỚI VẤN ĐỀ QUẢN LÝ LÚA GẠO GIAI ĐOẠN 1802-1883
2.1 Chính sách quản lý lúa gạo của triều Nguyễn giai đoạn 1802-1883
2.1.2. Hoạt động mua bán lúa gạo
Mọi hoạt động mua, bán trao đổi lúa gạo không chỉ với thương nhân nước ngoài mà kể cả thương nhân trong nước đều được kiểm soát bởi triều đình nhà Nguyễn, vì đây là mặt hàng quan trọng, có tác động rất lớn đến tình hình xã hội và sự phát triển đất nước.
26
Đối với hoạt động mua bán lúa gạo trong nước, nhằm phục vụ các mục đích như phát lương, thưởng, chẩn tế, cho vay lúa gạo để ổn định tình hình lương thực trong cả nước, ngoài hoạt động thu thuế bằng lúa gạo ra, các vị vua triều Nguyễn tiến hành thu mua lúa gạo từ trong nhân dân. Việc thu mua này do bộ Hộ đảm nhận và thu mua theo định kỳ. “Vào năm 1822, vua Minh Mệnh xuống chỉ cho Bắc thành hàng năm mua 1 nghìn hộc thóc, ở Bình Hòa mua thóc 50.00 hộc, Bình Thuận mua thóc 30.000 hộc, để chứa kho Kinh cho đầy đủ” [23, tr.376]. Cũng trong năm này, ở Lạng Sơn giá gạo tăng cao, dân nghèo vì thế mà không mua được thóc dùng, cho nên triều đình chuẩn lệnh “binh đinh ở tỉnh, đợi giá gạo trở lại bình thường thì mua thóc gạo chợ chứa vào kho để phòng khi dùng đến. Năm 1835, từ Hà Tĩnh trở ra Bắc được mùa, thóc lúa tốt, vua Minh Mệnh lệnh cho phái viên là Tham tri Hoàng Văn Diễn đi Nam Định mua 10 vạn phương gạo” [23, tr.376]. Để tránh trường hợp quan lại thu mua lúa gạo công cho triều đình chèn ép giá, bòn rút của dân, cân thiếu để trục lợi thì triều Nguyễn đã đưa ra một số quy định trong việc thu mua lúa gạo từ trong nhân dân như: “Phải đến tận dân gian mua thóc gạo, thu mua với giá gạo cao, không được xâm phạm, mảy may thóc lúa của dân, phải làm sao cho dân vui lòng đem gạo bán cho triều đình” [23, tr.377].
Với vai trò là người điều tiết thị trường, triều Nguyễn luôn tìm cách hạ nhiệt giá gạo ở những nơi giá cao, cân bằng yếu tố cung và cầu gạo ở các địa phương, nhất là ở những nơi nguồn cung gạo dư dả như Nam Kỳ với những nơi luôn trong tình trạng khan hiếm gạo như Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Nếu triều Nguyễn điều hòa giá gạo không tốt sẽ gây sự bất ổn cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Thường những nơi nạn đói xảy ra ghê gớm triều đình mới chẩn cấp gạo dưới dạng cho không, còn chủ yếu là bán gạo giảm giá hoặc cho dân chúng vay gạo. Vì vậy, các vua triều Nguyễn cho lập kho thường binh (còn được gọi là Bình chuẩn thương dưới thời vua Tự Đức) ở Kinh, đây là những loại kho chứa đựng thóc lúa mà chính phủ đã xuất tiền ra đong; đến thời cơ cận, chính phủ đem thóc này ra bán lại nguyên giá cho dân chúng, cốt để ngăn chặn nạn đầu cơ tích trữ của các nhà buôn, nhân lúa gạo khan hiếm mà mặc thể tăng giá. “Năm 1804, triều đình bán 20.000 phương gạo giảm giá cho dân chúng thành Gia Định” [21, tr.615]. “Tháng 9 năm 1804, do giá gạo ở Phú Yên tăng cao nên vua Gia Long lệnh cho Trấn thủ ở đây lấy gạo trong kho cho dân chúng vay” [16, tr.616]. “Mùa xuân năm 1820, do giá gạo ở Quảng Bình tăng cao
27
nên triều đình đã lấy 10.000 phương gạo trong các kho dự trữ để bán cho dân chúng với giá 1 phương gạo giá 8 tiền” [23, tr.45]. Đây là mức giá mà triều đình đã điều chỉnh cho phù hợp giữa giá thị trường với đời sống nhân dân. Năm 1835, do giá gạo trong kinh kỳ vẫn còn cao, Minh Mệnh sai “lấy 5000 phương gạo của nhà nước chứa ở chỗ khác của nhà kho bán cho những người nghèo túng, không kể ở ngoài Kinh đều cho đến sở đó mà mua: Từ 1, 2 phương đến thưng, đấu, bát đều được bán cho giá hạ, gạo 1 phương giá 2 quan 3 tiền, giảm xuống là 1 quan 8 tiền” [17, tr.223]. “Năm 1842, tỉnh Quảng Bình giá gạo hơi cao, mỗi phương giá 2 quan 6 tiền, triều đình cho phép quan trấn lĩnh ra 1 vạn hộc thóc kho, giảm giá bán ra cho dân chúng, ở Quảng Ngãi cho quan tỉnh ấy lấy ra 1 vạn 5 nghìn hộc thóc kho, bán giảm giá cho dân” [26, tr.376]. “Năm 1848, triều đình lấy gạo trong kho dự trữ để bán cho dân chúng Hà Tĩnh với giá 2 quan 1 tiền 1 phương gạo” [15, tr.73] khi dân trấn này bị lũ lụt. “Năm 1851, hạt Thanh Hoa gạo chưa được dồi dào, giá thị trường ngày một lên cao, cho phép quan tỉnh ấy lấy ra 6 vạn hộc thóc kho, cứ mỗi hộc chiếu giá thị trường 2 quan 2 tiền, giảm xuống 1 quan 7 tiền, những dân gần xa trong hạt đến mà mua” [26, tr.384].
Mức giá của triều đình tuy thấp hơn so với thị trường, nhưng vẫn còn cao so với dân nghèo. Lý do giá gạo bán cho dân chúng luôn thay đổi là vì triều đình không có quy định cụ thể về số lượng gạo được phép bán cho dân, cũng như định mức giá cụ thể cho từng năm hay từng giai đoạn cho cả nước. Số lượng gạo triều đình bán ra đều tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương, theo giá thị trường để từ đó ấn định mức gạo và mức giá bán.
Đối với vấn đề xuất khẩu gạo sang một số nước châu Á, tuy thực hiện chính sách hạn chế giao thương với các nước phương Tây, nhưng triều Nguyễn vẫn duy trì quan hệ thương mại với một số nước châu Á. Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của triều Nguyễn. Không chỉ bán triều Nguyễn còn cho những nước bị nạn vay gạo. Triều Nguyễn đã sử dụng thuyền công để đem gạo đi bán. Năm 1824, vua Minh Mệnh tổ chức những đoàn sứ thần đi công cán ở Hạ Châu, Quảng Đông, Lữ Tống và Tân Gia Ba. Nhân tiện triều đình đã đem một số mặt hàng nông lâm thủy sản đi bán ở những nước này như đường, tơ, dầu, da, muối, cá khô, yến sào, vây cá, ngà voi, nhưng nhiều nhất vẫn là gạo. Triều đình mua về một số mặt hàng thiết yếu, nhất là vũ khí. Triều Thanh ở Trung Quốc cấm xuất khẩu những nguyên liệu quan
28
trọng trong quân sự như sắt, gang, kẽm và lưu huỳnh, nhưng lại cần gạo của triều Nguyễn. Triều Nguyễn tuy cấm xuất khẩu gạo nhưng lại cần các nguyên liệu trên của triều Thanh để phục vụ nhu cầu quân sự. Vì vậy triều Nguyễn đặc cách cho các tàu Trung Hoa đến bán những hàng hóa triều đình đang cần và cho phép xuất khẩu gạo sang Trung Hoa. Trong khi đó chính quyền Quảng Đông ưu đãi cho các tàu Việt Nam sang Trung Hoa bán gạo. Việc xuất khẩu gạo sang các nước phải tuân thủ những quy định do triều đình đặt ra. Năm 1803, vua Gia Long cấm các thuyền buôn nước ngoài mua gạo ở Việt Nam, đồng thời quy định các thuyền buôn nước ngoài đến nước ta khi xuất cảng chỉ được phép mua một lượng gạo theo hạn định làm lương thực: “Khi thuyền trở về, mua gạo để ăn, mỗi người được đóng 100 thưng làm hạn. Làm trái thì bị tội” [26, tr.547]. Triều Nguyễn nắm độc quyền về buôn bán gạo. Gạo chỉ được phép lưu thông và buôn bán trong nước. Chỉ có triều đình mới được bán gạo ra nước ngoài. “Năm 1809, vua Gia Long ban dụ quy định những mặt hàng cấm dân chúng buôn bán là vàng, bạc, muối, gạo và tiền đồng” [26, tr.762]. Tsuboi nhận xét: “Vấn đề gạo đặc biệt tế nhị, vì gạo là sản phẩm thiết yếu hàng đầu đối với người Việt Nam. Xuất khẩu gạo quá nhiều sẽ tạo ra thiếu hụt ngay chính tại Việt Nam, làm tăng giá” [32, tr.178]. Chính sách hạn thương này đã không phản ánh đúng nhu cầu hàng hóa của hai bên, thực tế lại tiếp tay cho cho các hoạt động buôn lậu ngầm.
Từ thời vua Gia Long, triều Nguyễn thường đổi gạo lấy gang, kẽm, sắt và lưu huỳnh của thương nhân Trung Quốc: “Việc đổi chác tồn tại rất lâu dài, nhất là ở vùng rừng núi” [18, tr.145]. Triều Nguyễn lo ngại việc xuất khẩu gạo có thể mang lại những hậu quả khó lường như không đảm bảo được an ninh lương thực trong nước, thiếu hụt nguồn dự trữ gạo, tăng giá gạo, thị trường gạo bị lũng đoạn và mất ổn định xã hội. Tuy nhiên, chính sách cấm xuất khẩu gạo của triều Nguyễn đã làm mất đi tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, không khuyến khích được những người sản xuất gạo thương phẩm, làm cho nền kinh tế Việt Nam càng mang nặng tính chất tự cung tự cấp.