Khái niệm đưa tin tức lên sóng phát thanh có thể nói bắt đầu từ ngày ra đời của ngành phát thanh khoảng hơn 80 năm trước đây. Trong những năm giữa những năm 1920, hàng loạt đài phát thanh ở Bỉ, Đức, Liên Xô, Anh, Tây Ban Nha, Phần Lan, Thuỵ Sĩ, Tiệp Khắc… thực hiện những buổi phát thanh đều đặn đưa tin chi tiết về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Từ đó hình thành khái niệm "tin phát thanh". Tin phát thanh là tin được đọc và qua sóng radio đến với người nghe. Trong buổi đầu, các đài phát thanh chủ yếu khai thác tin từ các báo địa phương hoặc từ các hãng thông
tấn để phát đi. Tin tức gần như không được biên tập và không có tiếng động
(phát biểu của nhân vật, tiếng động nền). Do đặc điểm là tin của báo in, phù hợp với đọc bằng mắt nên loại tin này gây nhiều khó khăn cho công chúng khi tiếp nhận qua nghe đài. Những tin tức loại này, trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu, chúng tôi tạm coi là tin phát thanh truyền thống.
Cho đến giờ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tại các đài phát thanh trên thế giới vẫn tồn tại tin phát thanh truyền thống (tuy nhiên tỷ lệ cao- thấp khác nhau). Tại các nước có ngành phát thanh phát triển như Anh, Thuỵ Điển, tỷ lệ tin phát thanh truyền thống thấp, vẫn còn nhưng số lượng gần như không đáng kể. Đài BBC (của Anh), tỷ lệ tin phát thanh truyền thống chỉ có 5%, đài KBS (của Hàn Quốc) tỷ lệ tin phát thanh truyền thống là 12% [6, 17, 20].
Tin phát thanh truyền thống có các đặc điểm tương tự như tin của báo in hoặc các hãng thông tấn. Đó là:
- Đặc điểm nội dung: mức độ thông tin được đề cập trong tin phát thanh truyền thống thường cao, phản ánh cả quá trình diễn biến sự kiện. Do
vậy, thời lượng mỗi tin thường dài quá 40 giây, độ dài tối đa của tin phát thanh không tiếng động [21,246] . Ví dụ:
" Sau 5 ngày tiến hành vụ đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thặc-xỉn Sin-vắt, ngày 24/9, lãnh đạo phe đảo chính ở Thái Lan đã ra lệnh rút toàn bộ các xe tăng đang án ngữ trước cửa Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Băng-cốc và di chuyển về các vị trí gần dinh thự của Nhà Vua Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt và một số tòa nhà chính phủ trọng yếu. Trong một diễn biến khác, cùng ngày, phe đảo chính đã đóng cửa hàng trăm đài phát thanh địa phương ở các tỉnh ủng hộ Thủ tướng bị phế truất Thặc-xỉn Xin-vắt. Trong số này có hơn 300 đài phát thanh ở 17 tỉnh phía Bắc, gồm cả tỉnh Chiềng Mai, quê hương của ông Thặc-xỉn, và 50 đài phát thanh ở tỉnh Roi Ẹt In I-san, tỉnh nghèo nhất ở phía Đông Bắc Thái Lan. Trước đó, ngày 22/9, lãnh đạo phe đảo chính cũng đe dọa đóng cửa những cơ quan báo chí vi phạm các quy định mới, trong đó có quy định cấm các đài phát thanh và truyền hình phát tin và hình ảnh về các cuộc biểu tình, đồng thời hạn chế các trang web và dịch vụ nhắn tin. Trong khi đó, một ủy ban điều tra gồm 9 thành viên cũng vừa được thành lập để điều tra về những hành vi bị cáo buộc là tham nhũng của ông Thặc-xỉn và chính phủ cũ. Dự kiến, ủy ban này sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 25/9."
(Nguồn: TTXVN, phát sóng Thời sự 6 giờ ngày 25/9/2006) Trong tin trên, không chỉ có thông tin mới nhất về việc phe đảo chính ở Thái Lan rút xe tăng ra khỏi cửa Cung điện Hoàng gia, còn đưa thêm thông tin về việc phe đảo chính đóng cửa đài phát thanh địa phương và lập uỷ ban điều tra tham nhũng. Tin còn phản ánh cả tiến trình phe đảo chính hạn chế quyền tự do báo chí qua việc "đe doạ đóng cửa… hạn chế các trang web và
dịch vụ nhắn tin". Rõ ràng là dung lượng thông tin rất lớn có thể tách ra làm 3
tin độc lập. Tin trên có 262 từ, nếu tính tốc độ đọc chuẩn cho phát thanh là 180 từ/phút thì tin có độ dài 1 phút 30 giây.
- Đặc điểm cấu trúc: tin phát thanh truyền thống chủ yếu sử dụng cấu
trúc tin hình tam giác thường hay hình chữ nhật, thông tin được thể hiện theo
trình tự thời gian, kể lể diễn biến sự việc, kết quả quan trọng nhất hay thông tin cốt lõi được đưa xuống cuối cùng. Ví dụ:
"Tối 30/8, khi nhận được tin của nhân dân báo có vụ vận chuyển gỗ trái phép theo đường tắt từ huyện Võ Nhai xuống thành phố Thái Nguyên, 8 cán bộ thuộc đội kiểm lâm cơ động Thái Nguyên đã tổ chức chặn và bắt giữ tại khu vực xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ. Khi lực lượng kiểm lâm thu giữ phương tiện, chúng đã chống trả quyết liệt và có hành động cướp xe. Nhưng do bọn “lâm tặc” quá đông và tấn công liều lĩnh, nên 8 cán bộ kiểm lâm đã bị đánh trọng thương và bị chúng đốt xe máy. Đội kiểm lâm cơ động đã huy động thêm lực lượng kiểm lâm thuộc Đội kiểm lâm số 2, Cảnh sát 113, công an huyện Đồng Hỷ mới thu giữ được toàn bộ số gỗ vận chuyển trái phép gồm hơn 2 m3 gỗ nghiến và 13 xe máy"
(Nguồn: TTXVN, phát bản tin 20 giờ ngày 1/9/2006)
Ở tin trên, thông tin cốt lõi, quan trọng nhất là 8 kiểm lâm bị lâm tặc đánh trọng thương thì bị đưa xuống dưới. Tin kể lể quá trình xảy ra vụ việc từ khi "nhận được tin báo", đến "triển khai lực lượng", rồi bị tấn công như thế nào và cuối cùng là kiểm lâm bị đánh trọng thương…
- Đặc điểm ngôn ngữ: câu văn trong tin phát thanh truyền thống mang đặc trưng của câu văn trong báo in, báo điện tử. Đó là câu thường dài, nhiều
con số, nhiều từ viết tắt, câu văn được viết theo lối bị động…
Ví dụ: "Theo tin từ Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, tình hình thời tiết khí hậu diễn ra phức tạp, hanh khô kéo dài làm nhiều tuyến sông khan cạn, đáng chú ý là tuyến sông Hồng (Việt Trì - Hà Nội), mực nước chỉ dao động dưới 2,4 m, có lúc còn 1,7 m, gây ách tắc giao thông ở một số khu vực trên tuyến, ảnh hưởng đến họat động giao thông vận tải và trật tự an toàn giao thông đường thủy. Tháng 3/2006, tai nạn giao thông đường thủy xảy ra
16 vụ, làm chết 16 người, chìm 15 phương tiện, thiệt hại về tải sản trên 200 triệu đồng. Riêng tuần từ ngày 1 đến 6/4, đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 2 người, chìm và hư hỏng 4 phương tiện, thiệt hại 130 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông đường thủy trong tháng 3 chủ yếu do người điều khiển phương tiện mắc các lỗi về tránh vượt sai quy định (5 vụ), phương tiện đâm va chướng ngại vật (5 vụ), phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật (1 vụ), neo đậu không an toàn (2 vụ), chưa rõ nguyên nhân (3 vụ)."
(Nguồn: báo Nhân Dân, phát bản tin 9 giờ ngày 8/4/2006)
Tin trên có tất cả 19 con số gồm cả số thường và số thập phân, số chỉ ngày tháng, số chỉ đơn vị đo lường… Đọc bằng mắt thì chắc chắn tin này không gây khó khăn nhiều cho độc giả nhưng với người nghe qua radio, để nhớ được những thông tin trên là việc không thể.