Tin phát thanh hiện đại là thuật ngữ mới xuất hiện trong ngành phát
thanh Việt Nam độ chục năm trở lại đây cùng với các khoá đào tạo ngắn hạn
về viết tin của các chuyên gia Thuỵ Điển và trường báo chí Lille (Pháp) dành cho các đài phát thanh ở Việt Nam. Từ "hiện đại" dùng để phân biệt tin viết theo kiểu mới với các tin phát thanh truyền thống như đã đề cập ở phần trên,
có thể hiểu theo nghĩa là tiến bộ hơn lối viết tin truyền thống mà các đài phát thanh ở nước ta đang phổ biến áp dụng. Sự tiến bộ này không phải ở chỗ thay đổi ngôn ngữ mà ở chỗ thay đổi lối viết, kết cấu thông tin của tin nhằm đem lại hiệu quả truyền thông cao hơn, thuận lợi cho người nghe tiếp nhận thông tin và tạo tiết tấu sống động hơn cho các chương trình tin tức- thời sự. Như vậy, xét về mặt bản chất, tin phát thanh hiện đại (hay nói chính xác hơn là tin phát thanh được viết theo lối hiện đại) là tin có mô hình, kết cấu phù hợp cho tai nghe và sử dụng triệt để hiệu quả tiếng động, một đặc trưng của báo phát
thanh. Ở các nước có nền báo chí và phát thanh phát triển ở trình độ cao, không còn sự phân biệt tin phát thanh truyền thống và tin phát thanh hiện đại mà chỉ còn có khái niệm tin phát thanh hay tin dùng cho đài phát thanh. "Tin
phát thanh là sự kiện mới, biến cố mới, tình hình mới về con người, sự vật, hiện tượng đã xảy ra, đang tiếp diễn được truyền đạt một cách ngắn gọn, trực tiếp, dễ hiểu tới người nghe bằng phương tiện truyền thông radio" [21, 245]
Đặc điểm của tin phát thanh hiện đại
- Đặc điểm nội dung: mức độ đề cập, dung lượng chi tiết trong một tin phát thanh hiện đại thường có qui mô nhỏ hơn tin trên báo in (tin phát thanh truyền thống). Người đọc báo nhận tin vào sáng nay và 24 giờ sau mới tiếp tục theo dõi tin tức đó, nhưng với phát thanh, tại đầu mỗi giờ trong ngày, người nghe có thể thể nhận liên tục các tin nối tiếp nhau cùng phản ánh về một sự kiện, tin đưa lần sau có bổ sung chi tiết đầy đủ hơn lần trước. Nghĩa là tin phát thanh thanh hiện đại chọn nhiều thời điểm để tạo nên quá trình đó. Chính vì vậy tin phát thanh thật sự mới mẻ bởi mang tính tức thời.
Ví dụ: "Vê-nê-xuê-la sẽ giúp Việt Nam phát triển công nghiệp dầu khí. Tổng thống Vê-nê-xuê-la U-gô Cha-vết đã khẳng định như vậy trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa kết thúc cách đây ít phút. Tổng thống U-gô Cha-vết cho biết Vê-nê-xuê-la có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng các nhà máy lọc dầu hoặc giúp Việt Nam lọc hoá dầu để xuất khẩu sang nước thứ ba."
(Nguồn: bản tin 11 giờ ngày 7/8/2006)
Thông tin về hoạt động của Tổng thống Vê-nê-xuê-la U-gô Cha-vết trong chuyến thăm Việt Nam liên tục được cập nhật trên hệ Thời sự chính trị tổng hợp (VOV1) của Đài TNVN. Trước đó, trong bản tin 9 giờ ngày 7/8/2006 đã đưa tin về lễ đón chính thức và cuộc hội đàm. Đến bản tin 11 giờ, thông tin cốt lõi về cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo được phát sóng. Theo
dõi liên tục trên hệ Thời sự chính trị tổng hợp, người nghe có thể nắm bắt được diễn tiến của sự kiện.
- Đặc điểm cấu trúc: tin phát thanh hiện đại sử dụng cấu trúc hình tam
giác ngược. Thính giả nghe đài thường có xu hướng vừa nghe tin tức vừa làm
việc khác. Do vậy thường không tập trung. Nếu tình cờ nghe được điều quan trọng, hấp dẫn nhất ngay từ đầu họ sẽ tập trung sự chú ý vào bản tin và chương trình hơn. Ngược lại, nếu chi tiết đầu không quan trọng, họ có thể tập trung tư tưởng vào công việc khác. Cấu trúc hình tam giác ngược sẽ khắc phục được điều này.
Ví dụ về tin phát thanh hiện đại:
"Hàng loạt thiết bị điện của các gia đình ở phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La bị chập, cháy. Sự việc xảy ra lúc 10 giờ sáng nay. Nguyên nhân là do kẻ gian cắt 2 đoạn dây tiếp đất làm tăng áp đột ngột, gây quá tải các thiết bị điện. Công an thị xã Sơn La đang điều tra, truy tìm đối tượng cắt trộm dây điện. Cách đây 3 ngày, trạm biến áp khu vực UBND tỉnh Sơn La cũng bị kẻ gian cắt và lấy đi dây tiếp đất như tình trạng xảy ra ở phường Quyết Thắng."
(Nguồn: chương trình thời sự 18 giờ ngày 12/5/2006)
Nếu tin trên viết theo lối truyền thống, cấu trúc hình tam giác thường như sau "10 giờ sáng nay, kẻ gian đã cắt 2 đoạn dây điện tiếp đất ở phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La. Hành động này của bọn tội phạm đã làm tăng áp đột ngột làm cho hàng loạt thiết bị điện của các gia đình trong
phường bị chập, cháy…" thì rõ ràng không hấp dẫn ngay được thính giả bằng
cách viết hiện đại như trên. Hậu quả để lại của hành động trộm cắp dây điện thường tác động ngay đến khả năng nhận thức của người nghe hơn là hành động của bọn trộm. Khi bớt chợt nghe thấy hậu quả nặng do bọn trộm gây ra, người nghe thường có xu hướng tập trung nghe tiếp thông tin tiếp theo. Và do vậy, hiệu quả truyền thông được nâng lên.
- Đặc điểm về ngôn ngữ: Phát thanh là truyền thông tin đến cho người tiếp nhận qua âm thanh. Do vậy, vấn đề hàng đầu của ngôn ngữ phát thanh được nhiều ngôn ngữ học nghiên cứu là độ dài của câu trong văn bản phát thanh. Trong tâm lý ngôn ngữ học có giả thuyết cho rằng khi chiều sâu của câu càng tăng (tức là độ dài càng lớn) thì câu càng khó nhớ và khó hiểu. Chiều sâu đó là số lượng những đơn vị từ và ngữ mà bộ óc con người cần nhớ trong quá trình tạo câu (đối với người viết) và trong quá trình tìm hiểu câu (đối với người nghe). Chính bởi phục vụ tai nghe nên nhiều người cho rằng câu trong tin phát thanh cần thật ngắn gọn. Công trình đầu tiên ở Việt Nam đề cập ngôn ngữ phát thanh là bài viết “Ngôn ngữ đài phát thanh” của tác giả Nguyễn Đức Tồn, 1977. Trong bài viết này, tác giả cung cấp kết quả thống kê độ dài câu trung bình trong một số văn bản bài nói chuyện, lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người được đánh giá là có văn phong chuẩn mực và giản dị, gần gũi với ngôn ngữ tin phát thanh. Kết quả cho thấy: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều nhất là những câu có từ 10 đến 19 âm tiết, sau đó đến loại những câu có từ 20 đến 29 âm tiết. Số lượng câu có từ 30 âm tiết trở lên rất ít. Dựa trên kết quả khảo sát này, tác giả Nguyễn Đức Tồn cho rằng, câu văn trong tin phát thanh không nên dài quá 30 âm tiết. Câu có khoảng 15 đến 20 âm tiết là thích hợp nhất. Trong “Cẩm nang đào tạo”, 2 chuyên gia Thuỵ Điển và 23 tác giả Việt Nam trong quá trình giảng dạy cho phóng viên, biên tập viên đài phát thanh ở các địa phương nước ta theo dự án SIDA cũng đã đúc rút ra rằng: mỗi câu văn trong văn bản phát thanh tiếng Việt không nên dài quá 30 âm tiết. Do vậy, câu văn tiếng Việt thích hợp nhất cho tin phát thanh hiện đại là câu có độ dài từ 15 đến 20 âm tiết. Tuyệt đối không nên
không quá 30 âm tiết. [4]
Về cấu trúc câu, với đặc trưng thính giả chỉ được nghe một lần thoảng qua, không thể kéo chậm ngữ lưu để nghe lại, để suy ngẫm nên tin phát thanh phải tạo lập sao cho cấu trúc câu đơn giản nhất. Câu trong tin phát thanh chỉ
nên có một mệnh đề, không cầu kỳ, khuôn sáo. Người Việt quen dùng các câu theo cấu trúc “chủ-vị”. Điều đó có nghĩa là không nên dùng câu đảo trật tự nếu không thật cần thiết vì cấu trúc câu đảo ngược ấy sẽ cản trở công chúng trong quá trình tiếp nhận qua radio, thậm chí có thể hiểu sai ý của thông tin.
Tin phát thanh hiện đại là tin được viết để phục vụ người nghe qua radio chứ không phải viết để đọc bằng mắt nên phong cách viết thường giản
dị, ngắn gọn, thân mật, rõ ràng. Để ngắn gọn không dùng từ ngữ thừa, sao
cho một từ thể hiện ý nghĩa thay cho hai hoặc ba từ. Chẳng hạn, dùng cụm từ “sẽ hội đàm với” thay cho cụm từ “sẽ tổ chức cuộc hội đàm với” mà ý nghĩa không thay đổi. Sử dụng thì hiện tại và tương lai sẽ làm cho tin phát thanh nóng hổi hơn. Và vì thế, hạn chế sử dụng từ “đã” trong tin phát thanh, mà thay vào các từ ”vừa”, “mới đây”, “cách đây ít phút”...
- Đặc điểm về âm thanh (tiếng động): như chương 1 đã đề cập, so với tin trên báo in hay tin phát thanh truyền thống, điểm khác biệt cơ bản của tin
phát thanh hiện đại chính là tiếng động. Tiếng động làm nên sự chân thực,
hấp dẫn, gần gũi của tin phát thanh hiện đại. Tại Đài TNVN tin có tiếng động còn được gọi là "tin sống", để phân biệt với tin chay (tin không có tiếng động). Cũng có thể coi tin có tiếng động là thể loại tin phát thanh đặc thù mà ở đó có sự phối hợp giữ kỹ thuật viết tin và kỹ thuật phỏng vấn. Nói cụ thể hơn, những sự việc được đề cập và những con số mà phóng viên có được từ việc tìm hiểu thông tin và lấy được từ những câu trả lời phỏng vấn, sẽ được phóng viên viết lại bằng ngôn từ của mình, chỉ giữ lại những đoạn phỏng vấn hay nhất mà ở đó người trả lời phỏng vấn phân tích sự việc, kể lại những gì họ đã trải qua, bày tỏ quan điểm, tình cảm của mình hoặc cách nhìn nhận sự việc.
Tóm lại, tin phát thanh hiện đại thực chất là thuật ngữ để chỉ tin thực sự phù hợp với nguyên lý nghe qua radio. Nó khác hẳn với tin phát thanh truyền thống, loại tin được cắt trên báo in hay khai thác của các hãng thông
tấn mà ít biên tập, chuyển thể thành tin theo tiêu chuẩn phát thanh. Sự khác biệt này được thể hiện ở cả đặc điểm về nội dung, cấu trúc, ngôn ngữ và đặc biệt là tiếng động. Cũng chính những khác biệt này đã dẫn đến những tác động theo chiều cả thuận lợi lẫn khó khăn đối với người nghe đài và những người làm phát thanh Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp, giao thời, đang trong quá trình hoàn thiện để đi lên hiện đại.
Sự khác biệt giữa tin phát thanh truyền thống và tin phát thanh hiện đại trên phương diện lý thuyết:
Tin phát thanh truyền thống Tin phát thanh hiện đại Nội dung - phản ánh quá trình
- dung lượng dài
- phản ánh thời điểm - dung lượng ngắn Cấu trúc viết tin - hình tam giác thường
- hình chữ nhật
- hình tam giác ngược
Ngôn ngữ - câu văn dài, câu phức - nhiều số
- văn nói - ít số
Tiếng động - không có - có tiếng động