Ngôn ngữ độc thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong truyện ngắn trần thùy mai, y ban và nguyễn thị thu huệ (Trang 96 - 101)

Chương 3 : MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN

3.2. Ngôn ngữ

3.2.2. Ngôn ngữ độc thoại

Độc thoại nội tâm là phương tiện nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong các sáng tác văn học. Đó là phương tiện để các nhà văn khám phá, miêu tả những trạng thái tâm lý của nhân vật. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm còn cho phép nhà văn đi sâu khám phá và biểu đạt những phần sâu thẳm trong đời sống tinh thần của con người. Ở độc thoại nội tâm, điều quan trọng là tác giả nắm được những quy luật tâm lí của nhân vật và diễn đạt nó một cách tường tận, tỉ mỉ, sâu sắc. Trần Thùy Mai, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ đã xây dựng các nhân vật với những cung bậc cảm xúc, diễn biến tâm lý của đời thường nhưng được phát hiện ở những góc độ hết sức tinh tế, độc đáo, giàu triết lý. Nhân vật của Trần Thuỳ Mai có khi là một cô gái đang bước vào tình yêu với đủ các cung bậc cảm xúc vui, buồn, nhớ nhung, hờn giận (My - Gió thiên

đường), là người phụ nữ giàu đức hy sinh nhưng bất hạnh (Hạnh - Trăng nơi

đáy giếng), là người phụ nữ khát khao tình yêu và sự dịu dàng từ chồng

nhưng thực tế thì giữa họ và chồng mình là hai thế giới tồn tại ngoài nhau

(Tàu ngầm xuyên đại dương và Cánh cửa thứ chín); hoặc là chàng trai yêu

chân thành, bao dung, nhân ái (Tuấn - Biển đời người)… Những suy nghĩ, tình cảm đó ở các nhân vật được Thùy Mai thể hiện qua các đoạn độc thoại nội tâm đã để lại những cảm xúc sâu lắng trong độc giả.

Thế giới nhân vật của Y Ban cũng không ít những khoảng lặng đối diện với lòng để tự vấn, để băn khoăn. Đó là trăn trở của người phụ nữ “có ma lực” nhưng đi gần hết cuộc đời vẫn cô đơn “Ta là một người đàn bà, một người đàn bà rất hoàn hảo nhưng tại sao ta lại không có được cái kết quả của sự hoàn hảo ấy" (Người đàn bà có ma lực); đó là phút đấu tranh tư tưởng của người phụ nữ trót xao lòng trước người đàn ông không phải chồng mình và

“Sau một tháng vật vã với chính những cảm xúc trái ngược, nàng dần cân bằng trở lại bằng chính sự chăm sóc của chồng” (Sau chớp là giông bão)…

So với Trần Thùy Mai và Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ với phong cách khá ấn tượng, luôn có hai mặt bụi bặm và trữ tình đằm thắm, Nguyễn Thị Thu Huệ lôi cuốn độc giả bằng lối văn vừa táo tợn lại vừa thanh khiết. Đặc biệt với cách thể hiện linh hoạt, phong phú các đoạn độc thoại nội tâm, các nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ đã thật sự gây ấn tượng với người đọc bởi sự sinh động, đa dạng của các nét trong nhân cách: Lúc bạo liệt, khi thật thà, khi thâm trầm triết lý, khi đỏng đảnh và có khi dịu dàng đến bất ngờ. Điều này chúng ta có thể tìm thấy trong rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ, tiêu biểu như: Thiếu phụ chưa chồng, Tân Cảng, Xin hãy tin em

Cả ba nhà văn đều sử dụng ngôn ngữ độc thoại như một vũ khí quyền năng nhằm đưa đến cho người đọc những mảnh đời, những con người rất thật. Nó được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau: Độc thoại nội tâm dưới dạng tự bạch tự vấn, dưới dạng nhật ký, đối thoại với người vắng mặt, những hồi tưởng và sự thức tỉnh…

Độc thoại nội tâm dưới dạng tự bạch thường gặp ở truyện kể ngôi thứ nhất. Biểu hiện rõ của tự bạch là nhân vật xưng tôi kể chuyện về mình, bộc bạch những suy nghĩ cảm xúc của mình. Nhân vật kể về những trải nghiệm mà mình tham gia hay chứng kiến. Ở đó, ngôn ngữ kể chuyện đồng thời là ngôn ngữ nhân vật. Có thể nhận thấy trong truyện ngắn cả ba nhà văn, dạng truyện tự vấn tự bạch và ngôi kể thứ nhất chiếm khá nhiều: Biển đời người, Cánh cửa thứ chín, Mắt nhân sư, Nàng công chúa lạc loài, Thương nhớ

hoàng lan, Chị Hai ơi... (Trần Thùy Mai); Sau chớp là giông bão, Bây giờ

con mới hiểu, Cưới chợ, Mỗi người đàn ông chỉ của riêng một người đàn bà...

(Y Ban); Cát đợi, Chị tôi, Nước mắt đàn ông... (Nguyễn Thị Thu Huệ). Ngay cả những truyện được viết ở ngôi thứ ba cũng mang nhiều mầu sắc tự bạch

như Tình yêu ơi, ở đâu? Hình bóng cuộc đời, Một nửa cuộc đời… Ở những truyện ngắn này, nhân vật thường tự bạch về những nỗi niềm của con người, nhất là người phụ nữ; về cả niềm vui lẫn nỗi buồn, hy vọng và thất vọng, đam mê và tỉnh táo, hiện thực và lãng mạn... Những xúc cảm ấy đều gắn với tình yêu, hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ tự bạch để thể hiện nhu cầu giãi bày, hơn hết để mong nhận được sự đồng cảm.

Độc thoại nội tâm còn là sự đối thoại với người vắng mặt. Chúng ta bắt gặp kiểu độc thoại này trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ (Y Ban). Câu chuyện là bức thông điệp được viết từ nỗi đau, sự trăn trở, day dứt của đứa con gửi đến mẹ mình. Ở đó người con gái giãi bày những suy nghĩ, nỗi niềm của mình và của bao thiếu nữ đồng cảnh ngộ. Cô xót xa vì nỗi đau mất con; trăn trở về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc. Tác phẩm còn là sự chất vấn của thế hệ trẻ, là tiếng nói của những con người sống thực với mình bằng cả ý thức và vô thức, lí trí và bản năng, hiện thực và tâm linh. Những dòng cảm xúc gieo vào lòng người đọc sự thức tỉnh và niềm cảm thương. Kiểu đối thoại với người vắng mặt còn có ở Vùng sáng kí ức, Hậu

thiên đường... Có thể nói, việc đối thoại với người vắng mặt (thường diễn

ra trong suy nghĩ) chính là cách nhân vật sống thật với những cảm xúc của mình. Đó là những giây phút xúc cảm trào dâng mãnh liệt, những suy tư trăn trở ngổn ngang chất chồng; đôi khi là sự bế tắc. Với lối trò chuyện này dường như nỗi khổ của nhân vật được vợi đi phần nào.

Nhiều truyện ngắn còn lựa chọn lối viết nhật kí để khám phá thế giới

tâm hồn phong phú của con người. Đó là Hậu thiên đường, Người đàn bà

có ma lực... Là cô bé khát khao tình yêu và sự quan tâm nhưng cô bé trong

Hậu thiên đường lại thường đối diện với sự cô đơn. Bởi mẹ cô còn mải mê

với những cuộc tình chóng vánh, những quán bar ồn ã. Vì thế, nhật ký chính là người bạn tri kỷ để cô gửi gắm những ý nghĩ, cảm xúc; từ chuyện

vụn vặt đến những quan niệm về tình yêu về cuộc đời: “Ngày - Hôm đang ngồi trong lớp đợi mưa tạnh, chợt thấy cuối đường có một chị che cái ô đỏ. Đẹp thế không biết. Trong mưa màu đỏ là màu đẹp nhất. Giá mình có một chiếc nhỉ?”, “Ngày - Sao mẹ hay về khuya thế? Mình mà như mẹ, mình sẽ lấy chồng. Chọn người nào hiền lành và hơi ngu một tý để lấy mà không cần đi làm nhà nước, chỉ cần biết một nghề gia công nào đó như ông Chiu hàn nhôm đằng trước - mẹ sẽ sướng hơn là ở thế này. Mình thích những người thông minh nhưng ở với họ thì sợ lắm. Những buổi chiều chủ nhật, vợ chồng người ta đi chơi, mẹ thì ở nhà, còn đi chơi như mẹ, mình chẳng thích”... Và cũng chính nhờ những trang nhật kí này, người mẹ đã biết được những điều xảy ra với con mình để rồi “có cảm giác mình bỗng hóa thành đá” vì đau đớn, xót xa và ân hận.

Nhật ký còn là những tình huống những cảm xúc cho con người thấm thía sâu sắc nỗi cô đơn của hiện tại (Người đàn bà có ma lực). Những trang nhật ký ghi lại tuổi trẻ huy hoàng, rực rỡ của cô gái với sự theo đuổi của bao nhiêu chàng trai không làm vơi bớt nỗi buồn cô lẻ của hiện tại mà ngược lại, nhân vật càng chìm trong sự tái tê:

“Ngày...

Mười bảy tuổi bước vào trường đại học, ta là một cô gái không xinh đẹp, cũng không có duyên. Để bù lại, ta thông minh và học giỏi. Tạo hóa đã rất công bằng khi ban cho cô gái này sắc đẹp nhưng lại ít thông minh. Cô gái kia thông minh nhưng ít xinh đẹp. Nhưng tạo hóa lại không có cách nào để cho người ta hiểu ngay được rằng người ta chỉ có một hoặc vài khả năng nào đó thôi. Bởi thế người xinh đẹp cứ ngỡ mình là người thông minh. Và kẻ thông minh lại tưởng lầm mình là xinh đẹp. Điều này đôi khi cũng đúng. Bởi vì người xinh đẹp thường chinh phục điều họ muốn bằng

sắc đẹp. Người thông minh dĩ nhiên là bằng trí tuệ. Nhưng, có lẽ điều này chỉ đúng với đàn bà mà thôi”;

“Ngày 1-7

Trên chuyến tàu hôm ấy ta và cô bạn gái, một cô bé xinh xắn, dịu dàng thoạt trông rất đáng yêu đi về nhà nghỉ hè. Cô bạn gái bình thản ngồi nhìn qua cửa sổ toa tàu. Còn ta, trong lòng rộn ràng bao sắp đặt cho kỳ nghỉ hè đầu tiên trong đời sinh viên. Tuy thế ta cũng đã nhận thấy một cái nhìn nào đó. Ta cố tạo một bộ mặt phớt và lạnh bằng cách nhìn trân trối lên trần toa tàu. Rồi sau đó ta có vẻ khó chịu”.

Khám phá về con người, các nhà văn còn sử dụng đối thoại trong độc thoại. Đây là dạng đối thoại độc đáo. Nhân vật ở trạng thái tự vấn. Xuất hiện nhiều câu đối thoại ngầm. Những câu hỏi (có khi không cần trả lời) cứ ngổn ngang trong lòng thể hiện những trăn trở suy tư của nhân vật. Có khi đó sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên về những xao lòng của người phụ nữ “Sao nhỉ, người ấy đã ôm lấy mặt nàng. Nhưng thực ra từ trước đó mấy phút nàng đã rất muốn ngả đầu vào vai người ta. Nhưng tại sao nàng lại muốn thế nhỉ?”, “Nhưng tại sao nàng lại muốn ngả đầu vào vai người ta kia chứ?”. Có lúc lại là sự trống vắng đau khổ của cô gái khi nhận được tin bố mẹ chia tay nhau “Thế nào là sống cho mình và sống cho mình thì khác sống cho người nhỉ? Bao năm nay cứ cho là bố mẹ sống cho tôi, bố mẹ cũng có mất gì đâu?”...

Tái hiện hiện thực tâm lý qua độc thoại nội tâm bằng ngôn ngữ trực giác và linh cảm, các cây bút đã bộc lộ khả năng nắm bắt những biến thái của tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đọc truyện ngắn của Trần Thùy Mai, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ người đọc cảm nhận đó là tiếng lòng của người phụ nữ từ những trải nghiệm thường nhật. Dù là lời lẽ góc cạnh hay những khẩu ngữ đời thường gần gũi, hay ngôn ngữ mang sắc thái nữ, thì ẩn

sau những câu chữ vẫn luôn là tiếng lòng, là những dự cảm thân phận được viết ra từ sự dẫn dắt tuyệt diệu của mẫn cảm bản năng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong truyện ngắn trần thùy mai, y ban và nguyễn thị thu huệ (Trang 96 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)