Giọng xót xa, ngậm ngùi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong truyện ngắn trần thùy mai, y ban và nguyễn thị thu huệ (Trang 109 - 111)

Chương 3 : MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN

3.3. Giọng điệu

3.3.2. Giọng xót xa, ngậm ngùi

Con người, đặc biệt là người phụ nữ vốn nhiều khát vọng. Họ theo đuổi ước mơ và khát vọng của mình. Tuy nhiên, không ít người trong số họ đã phải ngậm ngùi nhận cái kết không như mong muốn. Họ thất vọng, đổ vỡ niềm tin. Viết về những điều ấy, ba nhà văn đã sử dụng hiệu quả giọng điệu xót xa, ngậm ngùi. Một trong những biểu hiện của giọng điệu ấy là việc sử dụng nhiều câu cảm thán và câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi tu từ. Những câu hỏi đặt ra không cần câu trả lời mà là sự trăn trở, băn khoăn, day dứt của con người trong những bế tắc, những vướng mắc của cuộc sống gia đình.

Có khi đó là câu hỏi lột tả tâm trạng thảng thốt, hốt hoảng và xót xa của con người trước thực tại bất như ý. Đó là tâm trạng của người mẹ thấy con mình sắp rơi xuống “địa ngục trần gian” mà không sao cứu nổi “Sao lại thế hả con? Con lú mất rồi. Tôi phải làm gì bây giờ hả trời? Không phải còn đang chập chững ở miệng vực nữa mà con đang ở trong vực rồi. Bao giờ thì chìm xuống đáy?”, “Mẹ ơi, ngày sau con có phải khổ như mẹ không? Mẹ có khổ

đâu? Có, mẹ có khổ, đêm nào con cũng thấy mẹ khóc? Ừ, mẹ buồn mẹ khóc? Bố làm mẹ buồn à? Con đừng nhắc đến người đàn ông khốn nạn ấy nữa. Không, đấy là bố con, lúc nào con cũng đợi bố về... Con ơi, con ở đâu. Sao khổ thế hả con, ai cứu con tôi bây giờ, ai giúp tôi lôi nó ra khỏi cái thiên đường địa ngục đó bây giờ?”(Hậu thiên đường). Hay là câu hỏi đay nghiến lặp đi lặp lại đầy xót xa của người mẹ có đứa con lỡ ăn trái cấm quá sớm “Ai dạy mày như thế cơ chứ? ” và sự thổn thức của đứa con “Mẹ ơi, ai đã dạy con ư?” (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ).

Nhiều truyện được kết thúc bằng những câu hỏi xót xa, ngậm ngùi thể hiện sự hoang mang, chới với của nhân vật. Câu chuyện đã kết thúc nhưng dư âm còn đọng mãi. Sau bao nhiêu tình yêu, hy sinh và chăm chút cho chàng học trò nghèo, người con gái trong Ai chọn dùm tôi bị phản bội. Chàng ra đi đem theo tình yêu, hy vọng, niềm tin và cả những vật chất mà nàng miệt mài ngày đêm để có. Câu hỏi kết thúc cho thấy sự trống rỗng, hụt hẫng và đắng cay “Còn sông Hồng ư? Liệu có trôi được ra biển không? Hay sẽ mắc vào một gờ đá nào đó rồi vật vờ theo sóng như cái chết của nàng tiên cá”. Hay sự thảng thốt của người đàn ông khi ngày mai hứa hẹn những hạnh phúc bỗng tuột mất mãi mãi ở Phút dành cho tình yêu “Ít ỏi quá! Cô hiểu không?”, “Cô hiểu không?”. Hoặc sự mong mỏi hạnh phúc cho người cậu trong Nước mắt đàn ông “Tôi lên xe, chậm chạp về tự hỏi: Không biết đến bao giờ nữa sẽ có một cánh buồm đỏ trên mặt hồ đầy sóng kia? Cánh buồm của cậu tôi”. Có khi lại là những giây phút tự vấn của cô gái trong Cưới chợ “Tiền, lại tiền. Tiền bây giờ còn có ích gì nữa không?”, và sự hoang mang của con người lạc lõng giữa quê hương “Trời ơi, sao ông ác thế. Cuộc đời ai cũng có một bệ thờ, một điều thiêng. Sao ông nỡ đập bể bệ thờ của tôi như thế. Tôi sẽ sống tiếp thế nào đây?”.

Ngoài ra, giọng xót xa ngậm ngùi còn được thể hiện ở việc kết hợp những câu hỏi và câu cảm thán để tăng giá trị biểu đạt cho tâm trạng. Gặp lại người học trò xưa trong một tình huống éo le, nhân vật tôi trong Nàng công

chúa lạc loài không thể làm gì cứu rỗi được cô bé. Sự ám ảnh về Ái Duy với

lối sống buông xuôi của hiện tại và Ái Duy thánh thiện của quá khứ luôn trở đi trở lại trong suy nghĩ của nhân vật tôi. Anh xót xa khi không thể làm gì để cứu cô bé ra khỏi vũng bùn và luôn khắc khoải: “Không, mãi mãi Ái Duy vẫn là Ái Duy! Mãi mãi em vẫn là em của đêm ấy, chính em đã ra đi với niềm tin của mình bất chấp những lời tôi khuyên nhủ. Ở con người mảnh khảnh nhỏ nhoi ấy là sức sống mãnh liệt không tàn lụi… Ái Duy ngọn lửa nhỏ của tôi, bây giờ em ở đâu?” (Nàng công chúa lạc loài). Để diễn tả nỗi đau bị phản bội của một người luôn tự tin điều khiển được chồng, các câu hỏi và câu cảm thán đã được kết hợp với nhau “ Cái gì? Ai có mang? Ai tha thứ? Trời đất ơi! Bà ngã ngồi xuống bộ ván, trời đất tối sầm”. “Chỉ là khóc thôi sao! Cứ làm bậy, làm đổ vỡ hết rồi khóc như trẻ con là xong thôi sao? Nghĩ vậy bà uất lên tận cổ, chợt vô tình gào lên một tiếng: ‘Khốn nạn, ông không biết xấu hổ sao?” (Tháng tư trở lại).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong truyện ngắn trần thùy mai, y ban và nguyễn thị thu huệ (Trang 109 - 111)