Ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong truyện ngắn trần thùy mai, y ban và nguyễn thị thu huệ (Trang 101 - 104)

Chương 3 : MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN

3.2. Ngôn ngữ

3.2.3. Ngôn ngữ đối thoại

Ngôn ngữ đối thoại cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng giúp nhà văn khắc họa nhân vật và thể hiện nội dung. Đối thoại là dạng lời phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp. Có kiểu đối thoại theo hình thức phân vai, có kiểu lời thoại được nhấn mạnh nhờ chỉ dẫn của người dẫn truyện; đôi khi có lời thoại là sự kết hợp lời của nhân vật và lời trần thuật. Đây là những phát ngôn đặc biệt thể hiện tính đa thanh trong ngôn ngữ truyện ngắn đương đại.

Trong một số truyện ngắn của cả ba tác giả, xen giữa những lời thoại là lời người trần thuật. Lối kể chuyện này đã khiến tâm trạng của nhân vật đằng sau lời thoại, hoàn cảnh đối thoại được cụ thể hơn. Ví như:

“- Nhưng tôi là con trai mà. - Có gì khác nhau nào?

- Bạn chẳng hiểu gì hết, vì tôi muốn gọi bạn bằng em và tôi yêu em mà. - Ờ, cái gì vậy?

- Thật đấy mà…” (Mỗi người đàn ông chỉ của riêng một người đàn bà). Hoặc: “Tôi nhận thấy điều ấy rõ ràng trong mâm cơm khi bà nội tôi sụt sịt:

- Nó lại còn họ hàng gần với nhà mình kia đấy. Thím tôi chen vào:

- Cụ Chùa đói khát mấy hôm nay” (Quê nội).

Hay: “Dù trong mưa, dù ngấm nước mấy tiếng đồng hồ nhưng người chị chợt bốc nóng, hai má bừng bừng: "Em nặng lắm. Anh dắt làm sao được?". Anh cười: "Nước sẽ giúp anh" (Một trăm linh tám cây bằng lăng).

- Khôi!

Tôi nín im, dựa lưng vào vách. Mười ngón tay dính bùn dán chặt vào bức nứa.

- Khôi!

Tôi từ từ lại gần, tim đập thình thình trong ngực. Cha tôi nạt tới:

- Khôi! Đi mô chừ mới về? Sướng dữ há! Hải, lấy cho tao cây roi!”

(Chuyện cũ ở quê nhà).

Chiếm số lượng lớn là những truyện có người kể xưng tôi vừa kể chuyện vừa tham gia giao tiếp như Tàu ngầm xuyên đại dương, Onkel yêu dấu, Phù dung dưới núi, Chờ nhau ở cuối đường, Cánh cửa thứ chín, Chuyện cũ ở quê nhà, Ai chọn dùm tôi, Cõi thù hận, Cưới chợ, Con mang cuộc đời của mẹ, Bây giờ con mới hiểu, Cát đợi, Chị tôi, Huyền thoại, Nước mắt đàn ông, Hậu thiên

đường... Ẩn trong một vai giao tiếp, người trần thuật không chỉ trực tiếp trao

đổi với nhân vật mà còn dễ dàng kể chuyện. Kiểu lời thoại này tạo chiều sâu, độ lắng cho tâm trạng và cảm xúc của nhân vật.

Truyện Y Ban và Nguyễn Thị Thu Huệ có sự xuất hiện đậm đặc những lời thoại nối tiếp lời thoại với nhịp độ nhanh, gấp gáp. Nó diễn tả mạch cảm xúc trào dâng mãnh liệt và thể hiện cá tính của nhân vật. Hơn thế, kiểu lời thoại ấy còn phảng phất hơi thở gấp gáp của cuộc sống đương đại.

“- Có thật không hở cha? Nhưng bố con vẫn tỉnh táo để tránh đạn của quân thù chứ cha?

- Con nói sao?

- Mẹ con dặn, không được nhắc đến bố, nhớ bố cũng không được khóc, vì bố chưa chết, để bố tỉnh táo mà tránh hòn đạn mũi tên. Nhắc nhiều đến bố, bố rối ruột lên.

- Mẹ con dặn thế à? - Đúng không cha?

- Thế con kể đi, vì sao mà con gào khóc dữ thế? ” (Con mang cuộc đời

của mẹ).

Hay: “- Chị đã gửi cái lọ đi chưa? - Chị gửi rồi.

- Nó có trả lời gì không? - Không em ạ.

- Chị đã gửi cái lọ đi chưa? - Rồi em ạ.

- Có trả lời gì không? - Không thấy.

- Gửi đi chưa? - Rồi.

- Trả lời gì không? - Không” (Cõi thù hận) Hoặc:

“- Cháu nghĩ là mình đi đâu đó, cậu sẽ đỡ buồn. - Chả có chỗ nào đỡ buồn hơn chỗ nào. Thế cả.

- Cháu không hiểu một người như cậu mà không có đâu để đến? - Nhiều chỗ lắm, nhưng đến để làm gì?” (Nước mắt đàn ông).

Nếu truyện Y Ban và Nguyễn Thị Thu Huệ có sự xuất hiện đậm đặc những lời thoại nối tiếp lời thoại, nhịp độ nhanh gấp gáp, thì trong văn Trần Thùy Mai lời thoại thường đi kèm lời dẫn nêu rõ tâm trạng, hành động, thái độ của nhân vật:

“Chờ mãi không nghe nói gì, bà Thu phát cáu: Chuyện đến thế, chị tính sao? Chị phải có thái độ đi chứ? Hay chị là Phật đất? Cô Hạnh thở dài: Hoàn cảnh em không có con, dù anh ấy có thế, em cũng chẳng oán trách.

- Nói thế nghĩa là chị biết anh ấy phản bội chị mà cố tình giấu giếm tổ chức?

Anh ấy không phản bội tôi - cô Hạnh ngẩng phắt lên. Vâng, dù rằng ông Phương đã có một người đàn bà khác, có một đứa con không do cô sinh ra, ông vẫn là vị Thánh sống đối với cô. Cô không cho phép ai nặng lời khi nói về ông ấy. Bởi tất cả những chuyện này là do cô: cô đã tự tay sắp đặt, chỉ vì không chịu nổi vẻ buồn thầm lặng trên khuôn mặt ông.

"Không phải dễ dàng mà thuyết phục được anh ấy - Bởi vì anh ấy quá thương tôi. Hơn nữa, là người có chức trách, anh không dám. Tôi phải năn nỉ, ép uổng, hứa giữ bí mật cho anh ấy..." Bà Thu cau mày: "Sao chị lại làm thế? Chị có biết như vậy là phong kiến cổ hủ không? Chính chị đã đẩy anh ấy vào con đường hủ hoá!". (Trăng nơi đáy giếng).

Và: “Khá lâu sau, tôi mới nghe tiếng chị Trúc khẽ khàng:

- Hiệp ơi, ra uống thuốc.

Tôi lặng im không ư hử. Chị Trúc lại gọi, tiếng chị hơi run run. Mãi không thấy tôi ra, chị đành bưng bát thuốc vào. Chỉ chờ có thế, tôi vùng lên ôm đại lấy chị. Chị hốt hoảng, thuốc đổ tung toé xuống giường:

- Hiệp, buông ra không chị la lên cho má đánh chết” (Chị Hai ơi).

Như vậy, lời thoại được sử dụng làm phương tiện xây dựng nhân vật đồng thời là cách phản ánh hiện thực của các nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong truyện ngắn trần thùy mai, y ban và nguyễn thị thu huệ (Trang 101 - 104)