CHƢƠNG I : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.5. Áp dụng mô hình BlendedLearning trong đào tạo đại học trên thế giới
1.5.1. Ưu điểm
Mô hình học tập kết hợp, bao gồm những yếu tố tốt nhất của học tập online và học trên lớp, đem lại nhiều lợi ích như:
- Đối với giảng viên:
Blended Learning giúp giảng viên sáng tạo hơn, chủ động hơn trong quá trình giảng dạy. Khác với phương pháp truyền thống, giảng viên phải tùy chỉnh thiết kế giáo án dựa trên nhu cầu học tập của sinh viên bao gồm: phong cách, sở thích và khả năng học tập. Do vậy, những chương trình giảng dạy sẽ là những sản phẩm học tập tốt nhất phục vụ cho nhu cầu học tập của mỗi sinh viên.
Áp dụng Blended Learning cho phép giảng viên tích hợp được nhiều công cụ truyền đạt thông tin như: bài giảng PowerPoint, text, video sinh động… cho những nội dung đơn thuần cần truyền đạt, giúp giảng viên có nhiều thời gian tập trung hơn vào các nội dung mang tính gợi mở, phát triển thông qua hoạt động thảo luận trực tiếp trên lớp… (Đàm Quang Vinh, 2017).
Sự thay đổi phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm thay vì giảng viên trước đây, người học sẽ trở nên năng động hơn và tương tác nhiều hơn. Giảng viên định hướng, hướng dẫn học viên, xây dựng các nội dung để học viên chủ động truy cập học tập cũng như trả bài.
Việc đánh giá kết quả học tập giờ mang tính khách quan rất cao khi hầu hết việc chấm bài của học viên được thực hiện tự động ngay sau khi học viên nộp bài. Hơn nữa, nội dung bài giảng và các vấn đề liên quan, mở rộng có thể được truyền đạt thông qua bài giảng trên lớp, các tài nguyên online khác như video, slide, ebook,…
Diễn đàn với những chủ đề chuyên biệt trao đổi về môn học cho phép học viên đặt câu hỏi để làm rõ thêm vấn đề mình băn khoăn để nhận được câu trả lời từ giảng viên hoặc từ các học viên khác. Chức năng gửi và nhận tin nhắn cá nhân cho phép học viên thiết lập kênh liên lạc cá nhận với giảng viên cũng như các học viên khác.
Ngoài ra, mô hình học tập kết hợp này còn giúp giáo viên:
+ Phối hợp các công cụ kỹ thuật số để khuyến khích, tăng sự hứng thú và hiệu quả học tập của học viên.
+ Giảm thời gian giảng lý thuyết trên lớp, tăng thêm thời lượng cho việc thảo luận, thuyết trình và làm việc nhóm để đạt hiệu quả đào tạo cao hơn.
+ Tăng sự quản lý, giám sát học tập, đưa ra những phản hồi kịp thời, thường xuyên chi tiết đến từng cá nhân học viên.
+ Tăng trách nhiệm của giảng viên không chỉ trong phạm vi lớp học, trong giờ học mà còn là sự giám sát, hỗ trợ, quản lý học viên bên ngoài lớp học, ngoài giờ học chính thức. Giảng viên hay người quản lý lớp có thể kiểm soát được mọi hoạt động của học viên trên lớp học online như thời điểm truy cập, thời gian làm việc, thời gian làm bài tập, nội dung từng phương án trả lời... từ đó cho phép cá nhân hóa việc quản lý lớp học theo từng học viên.
- Đối với sinh viên:
Thứ nhất, Blended Learning tạo môi trường tích cực và chủ động hơn trong học tập thông qua việc tương tác: sinh viên - sinh viên để học hỏi lẫn nhau, sinh viên - giảng viên qua việc hướng dẫn của giáo viên ở cả trên lớp và qua mạng; học sinh tương tác với bất kì chuyên gia nào trên thế giới. Chat room với các thành viên trong cũng một lớp học cho phép học viên có sự giao tiếp tập thể về mọi chủ đề liên quan. Việc cùng nhau làm một bài kiểm tra hay đề cương ôn tập cho phép học viên có nhiều hứng thú, tiết kiệm thời gian trong khi vẫn có được những đáp án tốt nhất. Về việc cộng tác ngoài lớp học, thông qua bài tập nhóm hay bài tập viết luận về một chủ đề được yêu cầu, học viên có động lực và hứng thú để tìm kiếm sự cộng tác với các học viên khác trong cùng lớp học hoặc với bất kể chuyên gia hay cá nhận có liên quan thông qua các diễn đàn xã hội. Việc cộng tác, trao đổi thông tin có thể được tổ chức ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào và theo hình thức gặp mặt trực tiếp hoặc hội thảo online tạo sự thuận tiện và hứng thú cho học viên.
Thêm vào đó, với các module học trực tuyến cho phép sinh viên được “cá nhân hóa” việc học tập của mình. Có nghĩa là, sinh viên được học theo tốc độ của riêng họ, sử dụng các phương pháp học tập ưa thích và nhận được các phản hồi thường xuyên và kịp thời về các hoạt động học tập họ tham gia.
Thứ hai, sinh viên có môi trường học tập thoải mái, tiện lợi hơn. Học ở trường, học ở nhà, ngay cả học ở quán café, học ở các địa điểm công cộng… miễn là họ có thiết bị kết nối Internet. Trong thời kì mạng Internet thông dụng như ngày nay, việc học chưa bao giờ dễ dàng và thuận tiện đến vậy. Nói theo cách khác, sự chủ động trong học tập của học viên được đề cao khi ngoài giờ học ở lớp, học viên toàn quyền quyết định thời gian, địa điểm cũng như cường độ học tập của mình trên các tài nguyên online đã được định hướng và chỉ đạo. Thực tế cũng chứng minh, “cá nhân hóa” việc học tập theo năng
lực và sở thích giúp sinh viên đạt kết quả cao hơn trong học tập. Thông qua các ứng dụng học tập online cùng với sự hướng dẫn của giảng viên có thể đem đến một trải nghiệm học tập cá nhân hóa và hiệu quả hơn cho học viên. Học viên có thể xem, nghe lại bài giảng nhiều lần mà không bị giới hạn về thời gian. Áp lực phải có mặt ở lớp theo đúng khung giờ quy định của học viên sẽ giảm bớt và giảng viên cũng sẽ không còn phải lo giảng lại bài cho những học viên vắng mặt buổi học trước. Học viên có thể thực hiện việc học vào khung giờ phù hợp nhất với bản thân mà ko phải theo sự sắp đặt cố định và chủ động xem lại hoặc học trước các nội dung liên quan đến môn học tùy vào hứng thú hay mối quan tâm của mình. Theo nghiên cứu của Chuck Dziuban và cộng sự tại Trường Đại học Trung tâm Florida (University of Central Florida), nơi triển khai mô hình E- Learning cũng như Blended Learning từ rất sớm. Từ 8 môn học ứng dụng Blended Learning với 125 sinh viên tham gia vào năm 1997 đã tăng lên 503 môn học có Blended Learning với 13,600 sinh viên theo học. UCF cũng đã bổ sung các hoạt động học online với những môn học còn lại sau khi nhận ra điểm số của sinh viên cao hơn và chi phí chi trả cho cơ sở vật chất giảm đáng kể (Bonk và Graham, 2006).
Thứ ba, Blended Learning còn đem lại cho sinh viên những kỹ năng mềm như: tự tìm kiếm thông tin, tương tác và chắt lọc thông tin để có những nguồn kiến thức tin cậy nhất trang bị cho bản thân. Đây chắc chắn là điều mà các trường nên trang bị cho sinh viên của mình trước khi đưa họ trở lại với môi trường lao động đầy cạnh tranh và năng động.
- Đối với các nhà trường: Trong các nhà trường thì chi phí cho hệ thống giảng đường, trang bị là một khoản chi phí không hề nhỏ. Những khoản đầu tư cho hệ thống phòng học đạt chuẩn luôn là khó khăn thường trực đối với các trường học từ cấp mầm non đến đại học trên thế giới, càng rõ nét hơn đối với Việt Nam. Nếu áp dụng Blended Learning thì nhu cầu đối với phòng học truyền thống sẽ giảm đi đáng kể và áp lực đầu tư cũng sẽ giảm theo. Mặt khác, thời gian đứng lớp của giảng viên, đặc biệt ở bậc đại học là một vấn đề cần giải quyết. Giảng viên giỏi thì có nhiều sinh viên muốn đăng kí học, nhưng trong mô hình truyền thống, khả năng đáp ứng này bị giới hạn bởi không gian lớp học và thời gian mà giảng viên có thể bố trí lên lớp được. Hơn nữa, chúng ta thấy, giảng viên đại học ngoài yêu cầu đứng lớp, họ có áp lực rất lớn là dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, tham gia hội thảo, tư vấn nghề nghiệp… Do đó, Blended Learning lại một
lần nữa chứng minh tính hiệu quả của nó trong giải quyết mâu thuẫn thời gian đứng lớp và nghiên cứu khoa học của các giảng viên đại học, mâu thuẫn giữa khả năng đáp ứng của giảng viên với số lượng vô tận của người học hướng đến cả giảng viên giỏi. Mô hình này cho phép giảng viên mang bài giảng của mình đến hàng triệu người học (lớn hơn nhiều nếu giảng truyền thống) và đặc biệt, họ có thể truyền đạt kiến thức cho sinh viên thậm chí cả khi đang ngủ (Đàm Quang Vinh, 2017).
- Đối với xã hội: Chúng ta vẫn muốn xây dựng một xã hội học tập, tức là một xã hội mà cơ hội học tập đến với bất kỳ một ai, bất kỳ lúc nào trong quãng đời của người học (khi còn trẻ cũng như lúc đã về hưu), học không phải chỉ để lấy kiến thức, lấy bằng, mà học trước hết là để hội nhập xã hội, để hiểu nhau, làm việc cùng nhau và sống tốt đẹp với nhau. Vì những hạn chế của mô hình học tập truyền thống, nên chỉ những ai vượt qua các kỳ thi, những ai có thể bố trí thời gian và tài chính… mới có thể vào được giảng đường đại học. Với Blended Learning và tương lai là E-Learning thì có hội học tập đã có thể mở ra với hầu hết mọi người, khi mà họ chỉ cần ngồi nhà, với kết nối Internet hay điện thoại… là đã có thể nghe được những bài giảng của những giáo sư hàng đầu ở những phương trời rất xa (Đàm Quang Vinh, 2017).
1.5.2. Hạn chế
Mô hình BL đang là một xu hướng phát triển ở rất nhiều nơi trên thế giới. Việc triển khai hệ thống BL cần có những nỗ lực và chi phí lớn, mặt khác nó cũng có những rủi ro nhất định. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật như trên, BL còn có một số khuyết điểm mà ta không thể bỏ qua cần phải khắc phục sau đây:
- Do đã quen với phương pháp học truyền thống nên sinh viên và giáo viên sẽ gặp một số khó khăn về cách học tập và giảng dạy. Ngoài ra họ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới.
- Sinh viên cần phải có gắng nỗ lực hết mình khi tham gia khóa học để có kết quả học tập tốt do việc môi trường học tập phân tán.
- Giáo viên phải mất nhiều thời gian và công sức để soạn bài giảng, tài liệu giảng dạy, tham khảo cho phù hợp với mô hình học tập này.
- Các vấn đề khác về mặt công nghệ: cần phải được xem xét công nghệ hiện thời có đáp ứng được các mục đích đào tạo hay không, chi phí đầu tư cho công nghệ đó có hợp lý không. Ngoài ra, khả năng làm việc tương thích giữa các hệ thống phần cứng và phần mềm cũng cần được xem xét.
CHƢƠNG II: PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ CÁC KẾT QUẢ PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU