Chương 1 : DIỄN BIẾN KHỦNG HOẢNG UKRAINE
2.1. Nguyên nhân khủng hoảng Ukraine
2.1.2.2. Sự can thiệp của Mỹ, EU với Đông Âu và Ukraine
Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ và EU tiếp tục thực hiện mưu đồ đưa Nga và các nước trong không gian hậu Xô viết phát triển theo quỹ đạo của phương Tây. Dưới sự bảo trợ của Mỹ và NATO, tổ chức khu vực GUAM được thành lập, có nhiệm vụ “xúc tiến dân chủ và cải cách” trong không gian hậu Xô viết. Thực chất đề án này nhằm từng bước vô hiệu hóa sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế của các nước cộng hòa trong không gian hậu Xô viết đối với Nga; tiến tới sáp nhập vào Liên minh châu Âu (EU) và NATO, tạo dựng vành đai địa chiến lược “bao vây” Nga.
Năm 1999, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, GUAM đã phát triển thành GUUAM khi Uzbekistan gia nhập tổ chức này. Cũng trong Hội nghị, GUUAM đã thông qua Tuyên bố Washington, khẳng định chủ trương đưa các nước tham gia Đề án hội nhập EU và NATO. Năm 2001, tại Yalta (Ukraine) GUUAM đã ký Định ước hoạt động. Nhưng sau một năm, Uzbekistan đã tuyên bố rút khỏi GUUAM khi nhận rõ mục tiêu và bản chất của GUUAM. Tiếp đó, vào các năm 2009, 2010 lần lượt các nước Moldova, Ukraine cũng rút ra khỏi tổ chức này.
Trước bối cảnh đó, năm 2008, EU đã chuẩn bị phương án thành lập Đề án Tổ chức “Đối tác phương Đông” để thay cho Đề án GUAM. Đây là Đề án mới của EU, nhằm công khai việc mở rộng các mối quan hệ liên kết giữa EU với 6 nước trong không gian hậu Xô viết (Ukraine, Moldova, Azacbezan, Armenia, Grudia và Belarus). Bề ngoài, những ưu tiên cơ bản của Tổ chức “Đối tác phương Đông” là “xúc tiến cải cách dân chủ, hợp tác kinh tế hướng tới xây dựng khu vực thị trường tự do”, nhưng thực tế bên trong là đưa các quốc gia thành viên từng bước hội nhập, liên kết sâu, rộng vào không gian địa - chính trị của các nước phương Tây, kể cả khả năng gia nhập NATO. Tháng 11/2013 tại Hội nghị ở Vilnius (Litva), EU đã ký tắt Hiệp định về “Khu vực
tự do thương mại” với Moldova và chuẩn bị mọi điều kiện tiến hành ký Hiệp định liên kết Ukraine với EU. Tuy nhiên, Hội nghị đã thay đổi hoàn toàn khi Tổng thống Yanukovich thông báo, Ukraine hoãn ký Hiệp định liên kết với EU. Quyết định này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản Đề án Tổ chức “Đối tác phương Đông” mà EU mới bước đầu nhen nhóm. Các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế cho rằng, đây là nguyên nhân cốt lõi làm cho làn sóng phản đối, lật đổ Tổng thống Yanukovich bùng phát ở Ukraine, không ít người dân nước này xuống đường biểu tình là do “ước mơ châu Âu” bị tan vỡ.
Mỹ và đồng minh tìm cách thúc đẩy dân chủ ở các nước Đông Âu, tăng cường sự phụ thuộc về mặt kinh tế, và gắn với các tổ chức quốc tế như NATO, EU. Trên cơ sở những thành tựu của EU trong quá khứ, những người Đông Âu cho rằng địa chính trị không còn đóng vai trò quan trọng và trật tự tự do bao gồm tất cả các quốc gia sẽ có thể duy trì hòa bình ở châu Âu.
Trong giai đoạn 2002 - 2004, Mỹ và phương Tây đã chi hàng trăm triệu đô để giúp đỡ đến với lực lượng thân phương Tây tại Ukraine. Hàng triệu đô la cũng đã nhận được từ các tổ chức tư nhân như Soros Foundation và các chính phủ châu Âu. Song số tiền này không được công bố trực tiếp cho các đảng chính trị mà qua các quỹ và các tổ chức phi lợi nhuận. Điều này được đăng trên các trang web Wikileaks - Mỹ ngày 05/01/2010. Đặc biệt, nó giải thích vai trò của các tổ chức NGO. Bài viết Wikileaks cho thấy nỗ lực của Mỹ và nỗ lực không ngừng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Đông Âu, đặc biệt là ở Ukraine. Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp tài chính cho Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED). Riêng ở Ukraine, quỹ phi lợi nhuận này đã tài trợ cho hơn 60 dự án nhằm thúc đẩy xã hội dân sự, và chủ tịch NED, Carl Gershman, gọi quốc gia này là “mục tiêu giá trị nhất”. Sau khi Yanukovich đắc cử tổng thống vào tháng 02/2010, NED quyết định rằng ông này đã phá hỏng các mục tiêu của họ, và do đó tổ chức này tăng cường nỗ lực để hỗ trợ phe đối lập và củng cố các thể chế dân chủ ở Ukraine.
Công cụ gây ảnh hưởng nữa là phổ biến các giá trị phương Tây và thúc đẩy dân chủ ở những quốc gia hậu Xô Viết - một kế hoạch bao gồm việc tài trợ cho các cá nhân và tổ chức ủng hộ phương Tây. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và khu vực Á - Âu Victoria Nuland ước tính từ năm 1991 đến hết 2013 nước Mỹ đã đầu tư hơn 5 tỉ Dolard để giúp Ukraine đạt được “tương lai mà quốc gia này xứng đáng được hưởng”. Ngày 01/01/2015, nhà làm phim, nhà văn nổi tiếng của Mỹ là Oliver Stone đã có cuộc phỏng vấn 4 tiếng đồng hồ cũng với cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich. Ông cũng cho rằng các tổ chức chính phủ Mỹ, chẳng hạn như USAID, đã hoạt động tại Ukraine từ sau khi Liên Xô sụp đổ, và Quỹ Quốc gia vì Dân chủ có thể đã tham gia cố vấn cho phe đối lập tại Ukraine về phương pháp tổ chức biểu tình chống chính phủ. Theo Stone, CIA đã thâm nhập vào Ukraine từ 5 năm qua. Mỹ cũng đã bí mật hiện diện ở Ukraine từ năm 1949 khi Bộ trưởng Quốc phòng James Forrestal đã hợp tác với CIA thành lập lực lượng du kích mang bí danh "Nightingale" với tham vọng đưa Ukraine thành một siêu quốc gia. Hơn nữa, ông Stone cho biết nhiều nhân chứng (gồm cả cảnh sát và các cựu quan chức chính phủ Yanukovich) tin rằng có yếu tố nước ngoài và dấu vết của CIA trong cuộc đảo chính tại Ukraine hồi tháng 02/2014.
Khi nhìn vào công cuộc thiết kế xã hội của phương Tây ở Ukraine, các lãnh đạo Nga lo ngại rằng đất nước của họ sẽ là nạn nhân kế tiếp. Những lo ngại này không phải là hoàn toàn không có cơ sở. Vào tháng 9/2013, Gershman viết trên tờ Washington Post, “Sự lựa chọn gia nhập vào châu Âu của Ukraine sẽ thúc đẩy sự suy tàn của tư tưởng đế quốc Nga mà Putin đang thể hiện.” Tác giả cũng thêm vào: “Nước Nga cũng đang đối mặt với một sự lựa chọn, và Putin có lẽ đang thấy mình ở thế thua cuộc, không chỉ ở bên ngoài mà còn ở bên trong nước Nga”.