Sự ra đời của báo chí Những tờ báo đầu tiên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tiếp biến văn hoá Đông - Tây đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi (Trang 53 - 61)

Những tờ báo đầu tiên

Do sự tiếp xúc với văn minh phương Tây, nghề in chữ rời, in hoạt bản xuất hiện ở Việt Nam buổi đầu thế kỷ XX. Song song với quá trình đó, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp được thực dân Pháp chủ trương truyền bá rộng rãi để loại bỏ chữ Hán, chữ Nôm. Mặt khác, do sự phân công lao động kiểu tư bản chủ nghĩa, việc viết lách trở thành một nghề kiếm sống, tác phẩm trở thành hàng hóa. Do vậy, thay vì việc “trước thư lập ngôn” để di dưỡng tính tình và giáo dục con cháu, để thể hiện “tâm”, “chí”, “đạo” thì bây giờ, nhà văn, nhà báo sáng tạo tác phẩm như một cách kiếm kế sinh nhai, và thay vì việc độc giả phải đi tìm tác phẩm như trước đây thì nay, tác phẩm phải chạy theo người tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu thụ.

Sự ra đời của báo chí là dấu chỉ của một xã hội hiện đại. ở phương Tây, báo chí được coi là “quyền lực thứ tư”, đại diện cho dư luận và cho nền dân chủ. Ngay từ năm 1904, các nhà Nho yêu nước trong Đông Kinh Nghĩa Thục đã thấy rõ vai trò tích cực của báo chí, nêu vấn đề mở tòa báo “nửa viết bằng chữ nước ta (tức chữ Quốc ngữ), nửa viết bằng chữ Hán” (Văn minh tân học sách) để thông tin những cái mới của Âu Mỹ, những sáng kiến của các nhân tài cùng những cái hay, cái đẹp xưa nay của ta mà có ích cho việc duy tân nước nhà; còn thực dân Pháp thì càng tích cực hơn cho việc dùng báo chí làm công cụ thống trị.

Năm 1861, chỉ ít lâu sau ngày chinh phục được Nam kỳ, người Pháp đã xuất bản tờ báo đầu tiên Công báo của cuộc viễn chinh ở Nam kỳ bằng chữ Pháp và chữ Hán, đăng các nghị định, quyết định, thông báo của quân đội Pháp về hoạt động của họ và những mệnh lệnh ban hành cho người bản xứ. Từ đó cho tới năm 1929, con số báo chí đã lên tới 153 tờ (106 tờ bằng chữ Hán, 47 tờ bằng chữ Quốc ngữ), chưa kể báo chí cách mạng cùng thời kỳ đó. Báo chí cách mạng

tất nhiên bị cấm, chỉ lưu hành bí mật, tranh thủ ra công khai thời kỳ mặt trận Dân chủ 1936-1939.

Tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên thường được cho là tờ Gia Định báo, xuất bản số 1 ngày 15/4/1865 do Ernest Potteaux làm Chánh tổng tài (tức chủ nhiệm kiêm chủ bút). Sau đó, một thời gian dài (1869-1872), Trương Vĩnh Ký được Thống soái Nam kỳ cử làm Chánh tổng tài. Gia Định báo ban đầu xuất bản mỗi tháng một lần, phát hành vào ngày 15 hằng tháng (sau đó được xuất bản hằng tuần). Tờ báo này được chia làm 2 phần: “Phần công vụ gồm các văn thư, quyết định của quan Thống soái và của nhà cầm quyền, nguyên văn bằng tiếng Pháp do Nha nội trị cung cấp và Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ An nam; phần tạp vụ gồm các bài có ích cho sự học và vui thích với các bài sử học, luân lý, thời sự để có thể đọc trong các trường bản xứ và làm cho dân chúng An nam chú ý”

[34; 31].

Sau Gia Định báo, năm 1898 có Phan Yên báo do Diệp Văn Cương làm chủ nhiệm (sau bị cấm lưu hành vì tờ này cho đăng những bài có tính cách chính trị, công khai chỉ trích chính sách của thực dân Pháp.

Tính chất của báo chí buổi đầu thế kỷ XX

Tính chất thuộc địa

Điều đáng chú ý, ở Việt Nam, những tờ báo đầu tiên, kể cả báo Quốc ngữ là báo phát không, ra đời là do nhu cầu tuyên truyền của chủ nghĩa thực dân. Nghị định ngày 14/6/1880 của Thống soái Nam kỳ đăng trên Gia Định báo, số ra ngày 29/6/1880 đủ thấy rõ tính chất thuộc địa của báo chí Việt Nam buổi đầu thế kỷ XX. Theo đó, nhà cầm quyền đặt ra cho tờ báo nhiệm vụ phải truyền bá chữ Quốc ngữ, cũng tức là truyền bá tư tưởng Pháp tới đông đảo dân chúng Việt Nam: “Khoản thứ nhất – Mỗi làng chính, chỗ cai tổng ở chưa có trường học Langsa thì phải lập trường quốc ngữ... Khoản thứ năm – Các xã trưởng ở hạt Nam kỳ, bây giờ được quyền lãnh Gia Định báo, công văn chữ Quốc ngữ mà không phải chịu tiền. Lại sẽ phát cho mỗi làng một luật hình chữ Quốc ngữ cũng không bắt chịu tiền” [34; 30].

Chính quyền thực dân cũng sớm có ý thức sử dụng văn hóa như một thứ vũ khí để quảng bá cho tư tưởng “Pháp – Việt đề huề”, “Pháp – Nam hợp tác”, nhằm tạo ra một bầu không khí chính trị ổn định cho việc khai thác Đông Dương. Với mục đích đó, Pháp đã cho phép Phạm Quỳnh ra tờ Nam Phong tạp chí (1917), cho lập Hội Khai trí Tiến Đức (1919) để tập hợp lực lượng trong giới thượng lưu. Trên các phương tiện thông tin đại chúng lúc đó xuất hiện những bài viết của các học giả thân Pháp, tán dương chủ trương “Pháp – Việt đề huề”, trình bày các chủ thuyết cai trị như thuyết “trực trị”, thuyết “quân chủ lập hiến”. Cùng với việc trên, báo chí thực dân bắt đầu tung ra những bài viết bôi đen chủ nghĩa cộng sản.

Để đàn áp các lực lượng văn hóa đối lập và củng cố bộ máy đàn áp, chính quyền Pháp đã ban hành Sắc lệnh 4/10/1927 với những quy định khắt khe, như:

“Điều 3: Mọi ấn phẩm được công bố, trừ những tập san về bầu cử, chuyên san giao dịch trong buôn bán và những danh thiếp, nhãn thuốc, quảng cáo hàng hóa, người in đều phải nộp lưu chiểu hai bản về các ấn phẩm đó và ba ấn phẩm về các tranh khắc và âm nhạc, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 16 đến 300 francs. Bản lưu chiểu có tên nhà in và số lượng xuất bản.

(...)

Điều 5: Mọi báo chí hoặc văn bản định kỳ, toàn bộ hay một phần được viết bằng một thứ tiếng khác tiếng Pháp sẽ phải được sự cho phép trước của Toàn quyền sau khi đã thống nhất với Uỷ ban Thường trực của Hội đồng Chính phủ. Giấy phép này sẽ có thể bị thu hồi bất cứ kỳ lúc nào bằng những hình thức tương tự.

(...)

Điều 13: Sự ấn hành, lưu trữ, công bố, đem bán, phân phát hoặc đem chiếu những hình vẽ, hình khắc, giấy viết, giấy in, phim ảnh, phạm đến chủ quyền của nước Pháp ở Đông Dương và của các chính quyền bản xứ do nước Pháp bảo hộ thì phải phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm và phạt tiền từ 100 đến 3.000 francs, hoặc một trong hai cách ấy. Xúc phạm đến quan Toàn quyền và phạm đến thanh thế, uy quyền nước Pháp, xúc phạm đến nhà vua xứ bảo hộ, vợ vua, tổ

tiên, con cháu các vua chúa, các bà thái hậu và các ông hoàng tử đã được chính thức định vị trí, thì cũng bị xử phạt theo cách trên. Điều 16. Tất cả mọi tờ báo hoặc văn bản định kỳ bị vi phạm luật báo chí thì cá nhân, chủ nhân, giám đốc, quản lý biên tập và tất cả các tác giả đều bị kết án tiểu hình, sẽ bị tù hoặc phạt đến 100 francs” [52; 81- 82]. Vì điều này, chỉ những tờ báo ca ngợi Pháp, tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề, chống phá phong trào yêu nước và cộng sản thì mới trụ lại được.

Ngoài việc đặt cho báo chí nhiệm vụ làm tấm mộc để chắn đỡ ảnh hưởng của phong trào giải phóng dân tộc từ bên ngoài, thực dân Pháp còn sử dụng công cụ báo chí để hướng dẫn dư luận người bản xứ. Báo cáo của Thống sứ Bắc kỳ Simoni ngày 12/3/1912 cho thấy rõ: “... Tôi cho rằng thật là một việc tốn công vô ích và là một đường lối chính trị tồi ở xứ này khi muốn dập tắt tư tưởng và tình cảm của dân chúng An nam đã thể hiện rõ rệt trong sự bàn luận về các vấn đề chính trị. Việc thành lập một tờ báo bằng tiếng An nam không cần tính chất công báo hay nửa công báo, trình bày cho người đọc xứ này, dưới những hạn chế cần thiết những quyền lợi về tự do và độc lập để đáp ứng tình thế hiện nay một cách chắc chắn là một nhu cầu thực tế của dân chúng bản xứ... Hơn nữa, chúng ta sẽ lợi hoàn toàn ở chỗ tờ báo bằng tiếng bản xứ đó mà họ sẽ chỉ dẫn cho họ một cách chính xác để khiến họ sẵn sàng chống lại sự tuyên truyền có dụng ý bất cứ từ đâu tới”.

Thế nhưng về mặt khách quan, đây chính là những tiền đề để chuyên chở những trào lưu tư tưởng mới, tiến bộ, những thành tựu khoa học kỹ thuật, những loại hình văn học nghệ thuật phương Tây tràn vào.

Tính chất thương mại

Hai cuộc khai thác thuộc địa đã phá vỡ mô hình xã hội Việt Nam cổ truyền, chủ nghĩa thực dân chế ngự mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với sự phát triển công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa là quá trình đô thị hóa, các lực lượng xã hội mới ra đời, trong đó có giai cấp tiểu tư sản thành thị – những độc giả quan trọng của báo chí. Việc góp vốn đầu tư khiến cho các công ty in ấn, cá tờ báo tư nhân tăng nhanh. Từ năm 1919 đến năm 1930, có tới 13

công ty đầu tư vào lĩnh vực văn hóa ở Sài Gòn với tổng số vốn ban đầu là 9.427.291 francs, năm 1930, con số này tăng lên gấp đôi 18.701.000 francs. Trong đó có cơ quan báo Tin tức Sài Gòn (năm 1922) để khai thác tờ báo này; cơ quan báo Tiến bộ An nam (năm 1924) để xuất bản và khai thác tờ báo cùng tên; cơ quan Điện tín Đông Dương (năm 1928) thành lập và xuất bản mọi loại báo; Nhà xuất bản Viễn á (năm 1928) khai thác mọi loại báo [121; 258]. Theo tác giả cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945, thì trong 6 năm 1919 - 1925 ở Việt Nam đã có 26 tờ báo và tạp chí mới ra đời, nhiều hơn tổng số báo và tạp chí xuất bản trong 54 năm trước (1865 – 1919): 20 tờ [52; 69]. Sự trồi sụt về tài chính làm cho nhiều tờ báo ra đời chóng vánh nhưng cũng nhanh chóng bị đình bản hoặc phá sản nếu không bán chạy, không đáp ứng nhu cầu, thị hiếu độc giả.

Tuy nhiên, ngay từ khởi thủy, báo chí Việt Nam không phải là báo thương mại, mà là báo chính trị. Do đó, tính chất thương mại (kinh doanh) có thể coi là yếu tố thứ yếu, so với nhiệm vụ chính yếu là nhiệm vụ chính trị của tờ báo.

Sự tồn tại, đan xen nhiều dòng báo chí

Ban đầu, báo chí ra đời do mục đích “nô dịch văn hóa” của người Pháp ở xứ thuộc địa và trở thành công cụ của thực dân. Song, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam yêu nước, có tinh thần dân tộc đã tìm cách sử dụng báo chí để tuyên truyền những tư tưởng tiến bộ từ phương Tây, những tinh hoa văn hóa dân tộc và mở đường cho chủ nghĩa Marx – Lenin, chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Như vậy, báo chí Việt Nam buổi đầu thế kỷ XX không phải là một dòng thuần nhất, mà tồn tại song song các dòng báo chí công khai, hợp pháp, được nhà nước thực dân bảo trợ; dòng báo chí theo khuynh hướng Quốc gia cải lương; dòng báo chí đối lập (đối lập triệt để hoặc đối lập ôn hòa), dòng báo chí khuynh tả, dòng báo chí bí mật, bất hợp pháp, dòng báo chí cách mạng chủ yếu của Đảng Cộng sản Đông Dương mà người khai sinh là Nguyễn ái Quốc.

Vị trí, vai trò của báo chí

- Trên phương diện chính trị – xã hội:

Thời kỳ đầu, báo chí hoàn toàn lệ thuộc vào người Pháp. Tuy nhiên, trên cái nền các phong trào chính trị, xã hội sôi động sau chiến tranh thế giới thứ

nhất, báo chí đã dần trở thành diễn đàn của các lực lượng xã hội đông đảo, dĩ nhiên không phải tờ nào cũng làm được. Báo chí phản ánh nguyện vọng dân tộc, dân chủ của dân chúng ở những mức độ khác nhau, góp phần tạo nên môi trường sinh hoạt chính trị sôi động. Báo chí không chỉ là phương tiện thông tin mà còn có sức mạnh tranh đấu. Chẳng hạn, sự kiện vận động đòi thả Phan Bội Châu (12/1925), đám tang Phan Chu Trinh (1926), Lương Văn Can (1927)... trên mặt báo là những bằng chức cho thấy vai trò của báo chí. Báo chí cũng là nơi công bố, gieo rắc những khái niệm chính trị – xã hội mới lạ từ phương Tây vào Việt nam, như: đồng bào, đồng chí, tổ quốc, dân chúng, đảng, nghiệp đoàn, Hội đoàn biểu tình, bãi công, tân văn, văn hóa, văn minh, khoa học, logic...

Trong Văn minh tân học sách, tác phẩm được coi là tuyên ngôn của Đông Kinh Nghĩa Thục, báo chí được nhắc đến như một trong 6 biện pháp mở mang dân trí, chấn dân khí. “Các nước đặt ra báo chí có những danh mục như nhật báo, nguyệt báo, tuần báo, bán nguyệt báo. Thể tài thì chia ra: chính trị, tin tức, thời sự, quảng cáo, v.v... Phàm việc trong, việc ngoài, sáng chế mới, tình hình thương mại cho đến pháp luật, nhà y học, nhà nông, thợ thuyền, thương gia, chẳng giới nào là không có báo. Pháp có hơn 1.230 báo quán, Đức có hơn 2.350 báo quán, Nga có hơn 130 báo quán, Mỹ có hơn 14.150 báo quán, Nhật Bản không quận nào không có báo quán, Trung Quốc gần đây cũng mở báo rất nhiều. Dân trí sở dĩ mở mang là chính nhờ đó. Còn nước ta thì chỉ có Sài Gòn và Hải Phòng có báo viết bằng chữ Tây, người đọc được không mấy! Báo viết bằng chữ Hán chỉ có một tờ Đồng văn thôi” [51; 130].

Còn theo học giả Huỳnh Văn Tòng, trước năm 1930, báo chí đã du nhập tư tưởng của Âu Tây: chủ nghĩa cá nhân, tinh thần dân chủ, nếp sống phóng túng, hưởng lạc thì sau năm 1930, vai trò cải tiến xã hội của báo chí càng thể hiện rõ rệt hơn trước [63; 312]. Trên mặt báo, tư tưởng lãng mạn phương Tây của thế kỷ XIX được du nhập vào Việt Nam khiến cho các nề nếp phong kiến Khổng – Mạnh, luân lý cổ truyền bị tấn công mạnh mẽ, đời sống thường nhật của mỗi cá nhân, gia đình, cũng như quan niệm về quyền bình đẳng nữ giới, về hôn nhân, tình yêu cũng đổi khác so với nề nếp truyền thống.

Năm 1918, tờ báo dành cho nữ giới lần đầu tiên ra mắt, đó là tờ Nữ giới chung của nữ sĩ Sương Nguyệt ánh (con gái cụ Đồ Chiểu). Sự ra đời của Nữ giới chung có thể coi là bước mở đầu quan trọng để giải phóng phụ nữ khỏi những trói buộc của luân lý phong kiến. Các tờ báo kế tiếp như Phụ Nữ Tân Văn, Phụ Nữ thời đàm cũng theo đó mà khuyến khích phụ nữ nên ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, làm công tác xã hội. Các báo khác tuy không dành riêng cho phụ nữ nhưng thỉnh thoảng cũng có phụ trương hay mục về phụ nữ. Muốn cải tiến xã hội, phải cải tiến gia đình mà trong gia đình, phụ nữ có một vai trò quan trọng. Thời kỳ này, vấn đề của phụ nữ được báo chí nói đến nhằm mục đích nâng cao dân trí, tấn công vào cơ cấu xã hội lạc hậu của thời phong kiến.

- Trên phương diện văn hóa:

Khi mới ra đời, báo chí Việt Nam là sản phẩm của văn minh phương Tây, là phương tiện quan trọng, là cầu nối để giới thực dân thực hiện công cuộc “Âu hóa” xứ thuộc địa. Nhưng rồi, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của bản thân nền báo chí, bên cạnh chức năng tuyên truyền, nô dịch văn hóa của chủ nghĩa thực dân, báo chí Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX đã đem lại không ít những giá trị văn hóa đích thực.

Đó là, báo chí là nơi các tác giả viết bằng chữ Quốc ngữ, buổi đầu làm quen với cách viết hiện đại, tư duy hiện đại, không thể viết theo lối cũ dềnh dàng bằng văn biền ngẫu. Báo chí giúp cho sự đổi mới câu văn tiếng Việt, đổi mới các thể tài văn học và du nhập những thể loại mới. Hơn nữa, báo chí là phương tiện hữu ích giúp độc giả thay đổi thị hiếu thẩm mỹ, làm quen với các kiểu văn mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tiếp biến văn hoá Đông - Tây đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi (Trang 53 - 61)