Phan Khôi và vấn đề duy tân, cải cách

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tiếp biến văn hoá Đông - Tây đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi (Trang 91 - 96)

- Tràng An: Xuất bản mỗi tuần 2 kỳ (thứ ba và thứ sáu), phát hành số

2.3.1. Phan Khôi và vấn đề duy tân, cải cách

Phan Khôi không phải là người đầu tiên khởi xướng duy tân, cải cách. Vấn đề này đã được Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, và trước đó là Nguyễn Trường Tộ đề xuất. Phan Khôi, dù là người đi sau nhưng cũng có những đóng góp không nhỏ. Nhà Nho này phản bác những luân lý truyền thống cũ, và khẳng định trên Đông Pháp thời báo, số ra ngày 26/7/1928 rằng bao giờ học thuyết cũ của nước Tàu đã tiêu diệt hết rồi, thì cái vận mạng mới của Trung Hoa mới có cơ vững chãi, rằng hễ trong nước Tàu ngày nào còn lưu giữ học thuyết cũ của Khổng Tử, thì ngày ấy còn có những Viên Thế Khải, Trương Tác Lâm và nước Tàu sẽ không thể làm xong công việc cách mạng và dựng nên một nền cộng hòa chân chính.

Cũng trên Đông Pháp thời báo, số ra ngày 9/8/1928, Phan Khôi lên tiếng phê bình về cái sự vệ sinh và luân lý nước nhà mà ông cho rằng “hỏng cả hai”. Từ chuyện ăn ở vệ sinh, ông suy ra câu chuyện về triết lý sống, tuy có phần ngoa ngoắt. Ông nói: “Trong châu thân con người thì biết vệ sanh, trong nhà ở thì biết vệ sanh, nói tóm lại, các nơi khác thì giữ vệ sanh, mà đến trên xe hỏa thì không cần vệ sanh nữa, ấy là nghĩa gì? Hay là cho rằng những tánh mạng của thứ người đi trên xe hạng tư đó là không đáng quý? Có lẽ cũng nghĩ như vậy, nên trên các thớt xe hạng tư mới có những heo, chó, gà, vịt cùng đi với người ta. Nói đến đây, lại động đến vấn đề luân lý. Cho loài vật đi chung ở lộn với người ta, ấy là tỏ ra cái thứ người ta ấy cũng không khác chi loài vật!... Hỏng hết cả! Vệ sanh mà chi! Luân lý mà chi! Ngán cho cái văn minh giả dối của xã hội loài người!”.

Bàn về cách ngôn luận của người á Đông, Phan Khôi cũng chỉ ra những nhược điểm. Ông cho rằng người á Đông không tinh thông luận lý học, vì vậy, trong khi ngôn luận, không noi theo khuôn phép. Theo Phan Khôi, sự biện luận là để tìm ra chân lý. Mà muốn biện luận đạt tới mục đích ấy thì phải thông hiểu luận lý học. Người nghe cũng vậy, nghe lời biện luận mà nếu chẳng biết dùng luận lý học để phán đoán thì nhiều khi bị phỉnh mình, bị làm cho ngu dốt đi.

Người biện luận mà lại dùng đến giọng hàng tôm hàng cá, vọt miệng mắng chửi người ta, vì vậy, rõ ràng người ấy chẳng có óc luận lý chút nào. Những người ấy, không đợi ai công kích hết, tự mình cung khai ra mình là vô giáo dục, dốt nát, ngu muội, tự nhiên bị đẩy ra ngoài làng học vấn, ngoài đám người trí thức, rốt lại, nhập làm một với bọn hạ lưu xã hội [Trung Lập, số 6168, ngày 11/6/1930; số 6170, ngày 13/6/1930]. Phan Khôi cũng chỉ ra rằng sự dốt nát sẽ gây họa khôn lường cho bản thân và cho quốc gia.

Là nhà Nho, nhưng Phan Khôi lại là người nhiệt thành ủng hộ cải cách. Những quan điểm của Phan Khôi trên phương diện này có nhiều điểm gần gũi với quan điểm của các chí sĩ yêu nước tiến bộ trong phong trào Đông du và Đông Kinh Nghĩa Thục mà Phan Khôi từng chịu ảnh hưởng. Lấy thí dụ, trên

Trung Lập, Sài Gòn, các số 6218 (ra ngày 9/8/1930); số 6220 (ra ngày 12/8/1930); số 6221 (ra ngày 13/8/1930); số 6223 (ra ngày 18/8/1930), trong bài Bàn về cải cách, Phan Khôi nhấn mạnh:“Muốn Duy tân cải cách thì phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước”. Ông chỉ ra rằng cuộc giao thương giữa Đông phương và Tây phương chính là nguyên nhân làm nảy sinh nhu cầu duy tân, cải cách, bởi nếu không duy tân, cải cách thì người phương Đông khó có thể sinh tồn được. Và theo Phan Khôi, muốn cải cách thì phải cải cách tận gốc tức là cải cách ngay từ học thuật tư tưởng, để không còn mầm mống thủ cựu. Nói rõ ra là trước phải có những học thuật tư tưởng như người Tây rồi sau mới làm được mọi công việc như người Tây. Còn theo học thuật tư tưởng của Khổng Mạnh, thì không đời nào phát sanh ra khoa học mà mong có những đèn điện nước máy cùng những chế độ tòa án, chế độ nghị viện được. Phan Khôi cũng chỉ ra điểm yếu của các nhà cải cách là chỉ lo cải cách phần ngọn mà không lo cải cách về học thuật tư tưởng. Một nước muốn cải cách mà chỉ cải cách phần ngọn, tức là về phương diện vật chất, thì sự cải cách ấy không có hiệu quả gì.

Phan Khôi luận về sự khác biệt giữa Đông phương và Tây phương.

Sở dĩ phải luận về sự khác biệt giữa Đông phương và Tây phương là vì bối cảnh xã hội mới (những năm 20-30 đầu thế kỷ XX) đã diễn ra sự đan xen,

giao thoa, đấu tranh giữa các luồng tư tưởng cũ và mới, giữa phương Đông và phương Tây, do đó, đòi hỏi những nhận thức mới. Phan Khôi – một trí thức Nho học nhưng lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tân học, không thể không có cuộc giằng xé giữa “ngã ba” này.

Thật ra, trước Phan Khôi, đã có một số học giả luận về sự khác biệt giữa Đông phương và Tây phương, như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Song, Phan Khôi vẫn có những điểm nhìn riêng biệt, sắc sảo.

Trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 780, ra ngày 11/10/1928, Phan Khôi đã phân tích sự khác biệt giữa Đông phương và Tây phương một cách chặt chẽ. Ông phân tích Tây phương chuộng khoa học, Đông phương chuộng huyền học. Theo ý người phương Tây, mọi sự vật trong thế gian bất kỳ lớn hay nhỏ, thấy được hay không thấy được, hễ mình muốn biết thì phải biết cho đến nơi, đâu ra đó, không được mập mờ, không được lộn xộn. Đối với một sự vật gì, cứ nhặt lấy những kinh nghiệm mỗi khi một ít, những cái tri thức mỗi nơi một chút, rồi quán thông lại, lập ra những cái nguyên tắc, công lệ, và những cái thuyết có thống hệ, mà ai cũng không cãi được nữa, thì bấy giờ sự biết mới đích xác và sự học về sự vật ấy mới thành. ấy mới gọi là khoa học. So sánh với sự học phương Đông, Phan Khôi nhận xét rằng sự học phương Đông tuy mênh mông và mầu nhiệm, nhưng lại thiếu tính hệ thống và thiếu phương pháp.

Một điểm khác biệt nữa giữa Đông phương và Tây phương, cũng trên Đông Pháp thời báo số 780, ra ngày 11/10/1928, Phan Khôi so sánh Tây phương trọng tự chủ còn Đông phương lại trọng thống thuộc. Bởi tự chủ mới có tự do. Phan Khôi lập luận một người đã tới tuổi thành nhân rồi thì không còn ở dưới quyền cha mẹ nữa. Mà cũng không ở dưới quyền chánh phủ hay là dưới quyền ông nguyên thủ, song chỉ ở dưới quyền pháp luật. Một người được y theo trong vòng pháp luật mà tự do. Pháp luật cho mọi người được tư tưởng tự do, ngôn luận tự do, cư trú tự do..., những quyền tự do ấy, người khác - dầu là cha mẹ nữa - không được can thiệp đến. Pháp luật đặt ra cốt là hạn chế sự tự do của từng người để binh vực sự tự do cho từng người. Và bởi vì có tự do thì mới có bình

đẳng. Phan Khôi lại lập luận tiếp, rằng mọi người đối với quốc gia xã hội đều có nghĩa vụ và quyền lợi bằng nhau. Ai nấy đều phải nộp thuế, đều phải đi lính, thì ai nấy đều được hưởng quyền tự do của pháp luật. Trước mặt pháp luật, ai cũng như nấy, hễ có tội thì bị phạt, không cứ ông nguyên thủ hay là người bình dân. Pháp luật đặt ra cũng cốt để duy trì sự bình đẳng giữa từng người. Bởi mỗi người đều có địa vị tư cách vững vàng, tự chủ lấy mà không xâm phạm đến ai như vậy, cho nên khi hiệp với nhau thành đoàn thể thì chỉnh tề và ổn kiện lắm. Quốc gia, tức là của chung của quốc dân; hội xã tức là của chung của hội viên; đối với quốc gia xã hội ai có bổn phận gì thì làm hết bổn phận ấy, có lợi ích thì mọi người cùng hưởng. Trong khi đó, nói đến Đông phương. Theo cái ý nghĩa chữ "một người" ở phương Tây, thì ở phương Đông, trừ ông vua ra, hầu như không có "người" nào hết. Phan Khôi cho rằng nếu cứ chiểu theo sách dạy thì ai cũng là thần thiếp của vua, ai cũng là dân của vua, nhân thần không được tư giao với ngoại quốc, ấy là không có tư cách đối với thế giới; thứ nhân không được nghị luận việc chánh, ấy là không có tư cách đối với quốc gia. Bởi vậy ai nấy phải nộp của cải cho vua, nộp cả đến thân mình nữa; vua thương thì nhờ, bằng vua không thương mà giết đi cũng phải chịu. Như vậy gọi là trọn cái bổn phận thờ bề trên; như vậy gọi là thiên kinh địa nghĩa. Không những thuộc về vua mà thôi, ai còn có cha mẹ đến chừng nào thì phải kể cái thân mình là của cha mẹ đến chừng nấy. Trọng nhất là vua và cha mẹ, rồi thứ đến quan, làng, họ, cũng đều có quyền trên một người. Từ đó, Phan Khôi suy ra xã hội Việt Nam như một cái thang có nhiều nấc. Theo đó, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người không đồng nhau: người trên đối với người dưới không có nghĩa vụ; còn ai có nhiều quyền hơn thì được hưởng nhiều lợi hơn. Pháp luật đối với mọi người thì tùy từng bậc mà khác: cùng phạm một tội mà dân bị phạt trọng, quan được phạt khinh; cùng phạm một tội mà kẻ thứ ấu bị phạt trọng, kẻ tôn trưởng được phạt khinh. Theo Tây phương, như thế là bất bình đẳng; song theo Đông phương thì như thế là có trật tự.

Điểm khác biệt thứ ba giữa Đông phương và Tây phương, theo Phan Khôi, đó là Tây phương quý tấn thủ, Đông phương quý an phận. Ông lấy thí dụ

Tây phương hay có những người đi bộ quanh trái đất một vòng, đi tìm đất mới, đi thám hiểm đến Nam cực, Bắc cực, là vì họ có tư tưởng trọng sự tấn thủ, không chịu đầu hàng cảnh ngộ và sức tự nhiên, mà lại cố chiến thắng cảnh ngộ và sức tự nhiên, không tin có số mạng; mà dầu biết có số mạng chăng nữa, họ cũng lo làm cho hết sức mình. Vì có cái tinh thần tấn thủ, muốn chiến thắng sức tự nhiên mà lợi dụng nó, nên mới sanh ra các thứ khoa học và làm được những công trình to tát, như là dùng điện khí, hơi nước, bắc cầu trên sông lớn và đặt đường hỏa xa xuyên qua núi, v.v... Ngược lại, người Đông phương chỉ muốn sống cách làm sao cho êm đềm lặng lẽ. Trời bắt thế nào thì hay thế. Trải các đời, những ông vua nào hay đi chinh phục các nước xa, thì bị chê là cùng binh độc võ; những người nào có chí lớn cử đồ việc lớn, thì người ta cho là không biết an thường thủ phận. Ai nấy đều lấy sự ở nhà làm sướng, đi ra làm khổ... Đối với sức tự nhiên, người phương Đông không dùng chước chiến mà dùng chước hòa; cũng lợi dụng nó mà lợi dụng một cách khác. Một hòn núi to và cao, người Tây có thể vỡ thành đường quanh theo chơn nó mà đi, người Đông thì cứ để vậy mà trèo ngang qua; một cái thác, người Tây có thể dùng sức chảy của nó dựng nên bộ máy mạnh mấy ngàn ngựa, người Đông thì không, chỉ dùng làm chỗ ngắm cảnh và ngâm thơ. Cho nên phương Đông khó lòng mà nảy ra khoa học được; mà như vậy thì cũng không cần dùng khoa học làm gì.

Từ sự khác biệt đó, Phan Khôi “bác thuyết Tân – Cựu điều hòa” lúc bấy giờ và vạch rõ:

“Mấy năm gần đây, ở nước ta có một số ít người bàn luận đến cái vấn đề tư tưởng cũ và tư tưởng mới, thì hầu hết đều chủ trương cái thuyết điều hòa, nghĩa là đem tư tưởng cũ và tư tưởng mới mà trộn lộn cùng nhau. Cái thuyết ấy mới nghe qua dường như có lẽ lắm, dễ nghe lắm, mà nghiền ngẫm cho kỹ, gạn hỏi cho cùng, thì gần gần thành ra vô nghĩa, không có thể đem mà thiệt hành ra được” [Đông Pháp thời báo, số 780, ngày 11/10/1928].

Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, Phan Khôi lại là người đầu tiên khởi xướng xu hướng duy tân, cải cách, bằng một lối thơ mới, thoát khỏi mọi quy định, phạm trù ước lệ của văn thơ cổ trung đại. Bài “Tình già” có thể coi là dấu

mốc khởi đầu cho cuộc đổi mới thi ca, cũng tức là đổi mới về tư tưởng, về cách nhìn ngắm thế giới, về thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt trong phong trào Thơ Mới (1932-1945).

Trên lĩnh vực lý luận văn học, Phan Khôi cũng là người đầu tiên châm ngòi cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật – nghệ thuật vị nhân sinh” để rồi sau đó Hải Triều và Hoài Thanh bút chiến sôi nổi trên mặt báo. Và cũng nhờ cuộc tranh luận này, cùng với công “châm ngòi” của Phan Khôi, vị trí, vai trò và bản chất của văn nghệ được nhận thức lại và làm rõ hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tiếp biến văn hoá Đông - Tây đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi (Trang 91 - 96)