Trên phương diện tư tưởng, văn hóa, xã hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tiếp biến văn hoá Đông - Tây đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi (Trang 61 - 72)

Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đời sống kinh tế và xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi. Một số ngành kinh tế mới như ngân hàng, công nghiệp chế biến, cơ khí đã hình thành. Các đô thị được mở mang, các lực lượng xã hội mới như công nhân, tư sản, tiểu tư sản cũng ra đời và ngày càng phát triển. Hệ thống giáo dục Pháp – Việt mở rộng hơn trước; tầng lớp học sinh, sinh viên, công chức

và trí thức ngày càng đông đảo. Cơ sở in ấn và xuất bản xuất hiện ở khắp ba kỳ Bắc, Trung, Nam, với hàng chục tờ báo, tạp chí chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.

Trong bối cảnh đó, các trào lưu tư tưởng mới, các thành tựu khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật từ phương Tây thông qua sách báo nước ngoài đã ồ ạt tràn vào Việt Nam, thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ tiếp xúc giữa hai nền văn hóa á - Âu, Đông – Tây. Việc in ấn, xuất bản và giới thiệu các công trình về khoa học tự nhiên, về triết học, luật học của các học giả phương Tây đã góp phần làm thay đổi phương pháp tư duy, nghiên cứu trong một số trí thức tân học, hình thành phương pháp tư duy duy lý tồn tại bên cạnh lối tư duy duy cảm của người Việt.

Có thể coi giai đoạn từ năm 1919 đến 1929 là giai đoạn giao thời, chuyển tiếp của lịch sử dân tộc. Trong giai đoạn đó, dường như có sự giao thoa, đan xen và tồn tại đồng thời giữa những yếu tố văn hóa truyền thống và văn hóa ngoại lai, giữa nền văn hóa nô dịch của các nhà tư bản thực dân và một nền văn hóa mới, văn hóa tiến bộ, văn hóa cách mạng đang nẩy sinh và dần dần phát triển trong lòng xã hội thuộc địa Việt Nam.

Trong thời gian này, thực dân Pháp ra sức sử dụng vũ khí văn hóa phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa, tuyên truyền chính sách hợp tác Pháp – Việt. Chính quyền Pháp ưu tiên xuất bản các sách báo phổ biến tư tưởng Âu châu, cho Phạm Quỳnh ra Nam Phong tạp chí thay Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh; cho lập Hội Khai trí Tiến đức tập hợp những người thuộc các tầng lớp trên trong xã hội lúc đó. Trong bài diễn văn ngày 27/4/1919 tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, nhân ra mắt Hội Khai trí Tiến đức, Toàn quyền Albert Sarraut không che giấu mưu đồ chính trị đằng sau việc thành lập một tổ chức văn hóa, đó là: “Trong một nước thế nào cũng phải có một bọn thượng lưu. Tôi thành tâm muốn cho bọn thượng lưu An Nam càng ngày càng được rộng quyền mà giúp chúng tôi trong mọi việc” [42; 9]. Với danh nghĩa một Hội văn hóa, Khai trí Tiến đức đã thu hút một số đông quan lại Nam triều cùng một bộ phận không nhỏ công chức trong bộ máy chính quyền thực dân, giới tư sản, địa chủ và tầng lớp trí thức, nhằm vào mục đích, như được ghi trong khoản 1 của Điều

lệ Hội là: “Dùng các cách chính đáng và do Chính phủ kiêm đốc truyền bá trong quốc dân An nam học thuật và tư tưởng của đại Pháp, khuyến khích người dân làm việc đạo đức cùng bảo trì cho quyền lợi của người Pháp, người Nam trong trường kinh tế” [Nam Phong, số 10, tháng 1/1919] và “gây mối liên lạc giữa các bậc thượng lưu Tây – Nam, dung hoà hai cái văn hóa Đông – Tây và cổ động cho chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” [Nam Phong, số 206].

Trên Nam Phong tạp chí và các báo chí thực dân, một số học giả Việt Nam và Pháp ra sức viết bài tán dương chủ trương Pháp – Việt đề huề, thừa nhận chế độ cai trị của người Pháp, tuyên truyền, ca ngợi văn minh Pháp như là nền văn minh cao nhất của phương Tây. Ngay ở Mấy lời nói đầu, đăng ở số 1,

Nam Phong tạp chí đã viết: “Mục đích của Nam Phong là thể cái chủ nghĩa khai hóa của Nhà nước, biên tập các bài bằng chữ Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn để giúp sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức trong quốc dân An nam, truyền bá các khoa học của Thái Tây, nhất là học thuật tư tưởng đại Pháp, bảo tồn cái quốc tuý của Việt Nam ta, cùng là bênh vực quyền lợi của nước Pháp, người Nam trong trường kinh tế... Ta phải hiểu rõ cái nghĩa vụ của ta đối với nước ta, đối với cái đại quốc đã nhận trách nhiệm bảo hộ cho ta mà dạy ta biết cái học thuật sinh tồn trong thế giới bây giờ”. Và để thực hiện bổn phận của một tờ báo mang sứ mệnh “khai hóa”, Nam Phong tạp chí đăng tải mọi triết lý Đông Tây kim cổ, mọi loại văn chương, giáo lý, rồi gọi đó là “bồi dưỡng quốc hồn”, “bảo tồn quốc tuý”. Còn Thực nghiệp dân báo, trong một bài viết gửi Chính phủ thì có đoạn: “Hôm nay, Thực nghiệp dân báo chào đời, nhờ quan Toàn quyền Maurice Long và quan Thống sứ Rivet mà tờ báo được trình diện với bạn đọc. Nhân dịp này, chúng tôi xin cảm tạ quan Toàn quyền và quan Thống sứ Bắc kỳ đã hợp tác với dân tộc Việt, hầu giúp đỡ hai Chính phủ Pháp và Việt trong địa hạt kinh tế” [Thực nghiệp dân báo, số 1, ra ngày 10/2/1920].

Tuy nhiên, chủ trương dùng văn hóa thực dân để lấn át nền văn hóa dân tộc, văn hóa cách mạng đã không mấy thành công. Bởi ngay trong lĩnh vực văn hóa, chính quyền thực dân dường như cũng bất lực trước xu hướng bùng phát và chuyển biến mạnh mẽ của những hoạt động văn hóa sau chiến tranh thế giới thứ

nhất, theo chiều hướng ngày càng đa dạng hóa, hiện đại hóa và phân hóa gay gắt trong vai trò phản ánh hiện thực xã hội, phục vụ chính trị. Và tình trạng này nằm ngoài mong muốn của chính quyền. Mặt khác, bên cạnh bộ phận văn hóa của tầng lớp trí thức đại tư sản, địa chủ tư sản hóa, mà đại diện ngoài Bắc là nhóm Nam Phong và trong Nam là nhóm Diễn đàn Đông Dương, vẫn có một bộ phận văn hóa truyền thống, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của các chí sĩ yêu nước - những người đã và đang cách tân để bắt kịp thời đại cũng như bắt kịp nhu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà đại biểu tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Các cuộc vận động “chấn hưng dân trí, dân khí” và các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục

Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Việt Nam đã xuất hiện những giai cấp, tầng lớp xã hội mới (như đã trình bày ở trên). Tuy nhiên, các lực lượng xã hội mới này vẫn còn quá non trẻ, chưa thể đóng vai trò lãnh đạo phong trào được. Vì thế, vai trò ấy nằm trong tay các sĩ phu tư sản hóa.

Là những trí thức của giai cấp phong kiến, xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, mang nặng tư tưởng trung quân, nhưng đứng trước sự sụp đổ của triều đình, lại là những người yêu nước, họ thực sự khủng hoảng về tinh thần. Chính vào lúc ấy, những chuyển biến lớn của thời cuộc làm họ bừng tỉnh. Việc Pháp chiếm Nam kỳ (1858-1867), đặt dần nền thống trị lên Bắc, Trung kỳ (1884), tiếp đó là cuộc Chính biến Mậu Tuất ở Trung Quốc (1898), đặc biệt là sự thắng lợi của Nhật Bản trong chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905) khiến những sĩ phu cửa Khổng sân Trình phải tự hỏi: Cái văn minh Âu – Tây mà họ vốn khinh bỉ không thèm ngó tới có sức màu nhiệm gì khiến cho cuộc Âu – Mỹ giàu mạnh và Nhật Bản đất hẹp, người thưa, chỉ nhờ Minh Trị Duy Tân (1868), học theo người Tây dương mà thắng được cả Trung Hoa lẫn Nga...

Đặc điểm sinh hoạt tư tưởng Việt Nam thời phong kiến, cho đến giữa thế kỷ XIX là sự cô lập, cách bức với thế giới bên ngoài. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong điều kiện chiến tranh và sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của văn minh phương Tây, các nhà Nho tiên tiến khao khát tìm đến học thuật tư tưởng

mới. Người thì tìm cách du học Trung Quốc, Nhật Bản, người thì tìm đường sang Pháp, Angieri, có người lại tìm cách mua Tân thư, Tân báo của Trung Hoa về đọc...

Chưa bao giờ ảnh hưởng của thế giới bên ngoài dội đến các sĩ phu Việt Nam mạnh đến như vậy. Nhưng ở thời kỳ này, làn sóng tư tưởng mới mà các sĩ phu Việt Nam giác ngộ chủ yếu vẫn qua con đường Trung Hoa. Bản thân sĩ phu Trung Hoa lúc đó đã tỉnh ngộ rằng lối khoa cử và tư tưởng cũ không hợp thời nữa. Nhiều trí thức tiên tiến đã náo nức du học châu Âu, hấp thụ học thuật mới, đem về nước và dịch các tác phẩm triết học châu Âu của Charles Montesquieu, Rutxo, Hurley, Spencer, Smith, các tác phẩm văn học của Hugo, Dumas, Banzac, Dicken, Scott, Tolstoi, Cervantex... Trong số những nhân vật như thế, những trước tác của Khang Hữu Vi (1858-1927) và Lương Khải Siêu (1873- 1929) có ảnh hưởng to lớn đến tư tưởng, tình cảm của sĩ phu Việt Nam.

Những tư tưởng dân chủ tư sản của Pháp thì ảnh hưởng còn hạn chế và gián tiếp. Nhưng số người Việt Nam biết chữ Quốc ngữ, chữ Pháp vẫn cứ đông dần. Qua văn chương, qua sách vở học thuật, giới sĩ phu tân tiến nước ta dần dần phát hiện ra một kho tàng tư tưởng mới lạ ở chính xứ sở kẻ thống trị mình.

Phan Bội Châu (1867-1940), một nhà Nho xứ Nghệ, thuộc thế hệ cuối cùng của các sĩ phu Cần vương, chịu ảnh hưởng của những tư tưởng tư sản mới, đã thành lập Duy Tân hội (1904) và dấy lên phong trào Đông du (1904-1908). Duy Tân hội có 3 nhiệm vụ chính: Phát triển hội viên, tài chính; xúc tiến bạo động vũ trang và xuất dương cầu viện. Về việc xuất dương cầu viện, Nguyễn Hàm – một chí sĩ của phong trào Duy Tân, giải thích: “Tôi tưởng tình thế liệt cường bây giờ, nếu không phải nước đồng chủng đồng văn tất không ai chịu giúp cho ta. Nước Tàu đã chịu nhượng Việt Nam cho Pháp, lại thêm hiện nay quốc thể suy hèn, cứu mình không xong mà còn cứu được ai. Duy nước Nhật Bản là một nước tân tiến ở trong nòi giống vàng mới đánh được Nga, dã tâm càng hăng lắm. Tới đó, đem hết lợi hại tỏ với nó, tất nó ứng viện cho ta. Nếu nó không xuất binh nữa mà mướn tư lương mua khí giới, tất có thể dễ lắm. Vậy nên chúng ta muốn đứng khóc sân Tần không chi bằng Nhật Bản là phải” [104; 77].

Cuộc gặp gỡ giữa Phan Bội Châu và Lương Khải Siêu – một trong những chủ soái của phong trào Duy tân ở Trung Quốc vào năm 1905 (như đã trình bày ở trên) đã khiến Phan Bội Châu mở rộng tầm mắt, không còn bó hẹp trong hoạt động bạo động cách mạng đơn thuần, mà ông nhận thấy muốn mở rộng cuộc vận động cách mạng thì phải chấn hưng kinh tế, xuất bản sách báo, lập các đoàn thể để nâng cao lòng yêu nước căm thù giặc, nâng cao trình độ văn hóa và chính trị trong nhân dân. Vì thế, Phan Bội Châu dấy lên phong trào Đông du (sang Nhật) nhằm đào tạo những người có trình độ văn hóa và quân sự cần thiết cho công cuộc đánh Pháp sau này. Tuy nhiên, đến tháng 10/1908, phong trào Đông du hoàn toàn tan rã vì đế quốc Pháp câu kết với Nhật Bản đàn áp các du học sinh yêu nước đang trú ngụ và hoạt động trên đất Nhật.

Phan Châu Trinh (1872-1926) là một sĩ phu tư sản hóa, có đường lối, thủ pháp cách mạng trái ngược với Phan Bội Châu. Ông đỗ Phó bảng năm 1901 nhưng lại cự tuyệt con đường làm quan. Sống ở Quảng Nam, một vùng giao thương với nước ngoài, Phan Châu Trinh không chỉ chịu ảnh hưởng Tân thư, ảnh hưởng của Nguyễn Lộ Trạch, mà còn chịu ảnh hưởng của nhiều nhà dân chủ tư sản Pháp, ấn Độ.

Tháng 8/1906, Phan Châu Trinh trở thành thủ lĩnh của xu hướng cải cách. Ông chủ trương dựa vào người Pháp để đánh đổ giai cấp phong kiến, phát triển kinh tế tư bản ở Việt Nam, rồi mới tính đến độc lập. Ông gọi đó là kế sách “ỷ Pháp cầu tiến bộ”, tiến hành song song với duy tân, đánh đổ chế độ phong kiến, quan trường. Nhiều nhà tư sản đã trở thành đồng chí sát cánh cùng Phan Châu Trinh như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Đào Nguyên Phổ, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương.

Tiếp thu luồng gió mới từ tư tưởng tư sản phương Tây, nhà Nho Phan Châu Trinh đã cổ vũ cho lối học thực nghiệp bằng việc mở trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, dạy văn hóa kỹ thuật; chú trọng phát triển kinh tế, lập các hội buôn lớn, kinh doanh hàng dệt vải, lâm sản, nông sản, hải sản, v.v... và giao thương cả với nước ngoài. Còn trên lĩnh vực tư tưởng, sinh hoạt, các sĩ phu cải

cách vận động để răng trắng, cắt tóc ngắn, ăn vận theo lối mới, tiến tới phê phán gay gắt biểu trưng của chế độ phong kiến như xé áo lam, giật bài ngà...

ở Bắc kỳ, các sĩ phu yêu nước cùng chí hướng với Phan Châu Trinh như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Võ Hoàng, Phạm Duy Tốn đã vận động thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trường chủ trương dạy học theo lối mới, chú trọng khoa học tự nhiên, dạy chữ Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn. Thế nhưng, Đông Kinh Nghĩa Thục không đơn giản chỉ là một trường dạy học bởi những hoạt động chính trị và tư tưởng của nó. Đông Kinh Nghĩa Thục có một Ban Cổ động chuyên lo việc kêu gọi dân chúng chống hủ Nho (sáng tác các bài Văn tế sống hủ Nho, Điếu hủ Nho...); cổ động ra báo bằng chữ Quốc ngữ. Ban này có sáng kiến mua lại bản quyền tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, tờ báo chữ Hán đầu tiên ở Hà Nội, rồi cho tục bản thành tờ Đăng cổ tùng báo bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán vừa là cơ quan ngôn luận của trường vừa là nơi tuyên truyền tư tưởng cải cách. Đông Kinh Nghĩa Thục còn có ban Trước tác mà về thực chất là một nhà xuất bản, phụ trách xuất bản các sách phục vụ cho việc nâng cao dân trí, cổ động tinh thần dân tộc. Nhờ vậy, hàng chục sách dịch hoặc do các tác giả thân tín của nhà trường viết ra, bao gồm lịch sử, địa lý, văn học, v.v... được xuất bản, trong đó phải kể đến Quốc dân độc bản, Nam quốc giai sử, Việt Nam quốc sử lược, Nam quốc địa dư, Quốc văn giáo khoa thư... nhằm tuyên truyền các tư tưởng tư sản tiến bộ, tuyên truyền nếp sống văn minh, đả kích hủ tục, chống Nho giáo lỗi thời. Lấy thí dụ, trong

Văn minh tân học sách (1904), các chí sĩ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã viết: “Người Âu châu, họ tổ chức chính quyền trong nước có chính thể lập hiến, có chính thể quân dân cộng hòa. Cứ số bao nhiêu người dân thì cử một người làm nghị viện. Hễ bàn đến một việc gì thì trước phải khai hội: kẻ bàn, người nói, sớm sửa đi, chiều sửa lại, cốt làm cho đúng chân lý, hợp với tình hình. Nước ta có thế không? Hành chính thì cấm thay đổi, sửa sang; dùng người thì quý im lìm lặng lẽ; chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ không nhất định; luật cũng có ban bố đấy, nhưng dân gian không được đọc luật! Người Âu châu cho nước và dân là có quan hệ mật thiết với nhau. Cho nên có chính thể cộng hoà, mà quốc thể tức là

gia thể; có tục thượng võ, mà quốc hồn tức là gia hồn; có lệ hỗ trái (cho vay), mà quốc mạch tức là gia mạch; có lối kiêm biện, mà quốc sự tức là gia sự; có phái tự do, mà quốc quyền tức là gia quyền. Nước ta có thế không? Ngoài văn chương, không có gì là quý; ngoài áp chế, không có gì là tôn chỉ; ngoài phục tòng, không có gì là nghĩ xa!... Vậy thì sống ở đời mà muốn cầu cho văn minh, không thể không lo mở mang dân trí. Nay dân có trí, là cái công lệ thiên diễn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tiếp biến văn hoá Đông - Tây đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi (Trang 61 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)