5. Cấu trúc luận văn
1.2 Vài nét khái quát về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, là nhà văn đương đại Việt Nam trong địa hạt kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết với những góc nhìn mới mẻ, táo bạo. Con đường đến với văn học của Nguyễn Huy Thiệp đầy bươn chải, sóng gió nhưng cũng không thiếu hoa hồng. Ông viết nhiều thể loại khác nhau nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất trong lòng độc giả là ở địa hạt truyện ngắn. Xuất hiện vào những năm 80 của thế kỉ XX, Nguyễn Huy Thiệp lập tức gây chú ý với người đọc, làm văn đàn trở nên sôi động trở lại sau hiện tượng Nguyễn Minh Châu. Người ta gọi ông là hiện tượng văn học “hai lần lạ”: nội dung lạ, nghệ thuật lạ. Ngay từ những sáng tác đầu tay, Nguyễn Huy Thiệp đã định hình cho mình một phong cách nghệ thuật riêng biệt , không lẫn với ai trên văn đàn.
Trước hết, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp khai thác rất nhiều mảng đề tài khác nhau: lịch sử, cuộc sống nông thôn, cuộc sống thành thị…Hầu hết các truyện ngắn đều hướng tới phản ánh hiện thực trong xã hội với sự nảy sinh cái xấu và cái ác, sự đảo lộn những giá trị trong cuộc sống. Do vậy, phần lớn các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đều mang tính triết lý và chiêm nghiệm sâu sắc.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đa dạng và phức tạp. Có kẻ sang, người hèn, kẻ xấu người tốt, người may mắn, kẻ bất hạnh,…Có thể nói truyện của Nguyễn Huy Thiệp như một phòng triển lãm về con người được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Ông tập trung miêu tả sự tha hóa của con người trong cuộc sống hiện thực. Nhưng sự tha hóa đó là do hoàn cảnh sống đem lại, một hoàn cảnh đã được giăng lưới sẵn khiến chúng ta dù có vùng vẫy thế nào cũng không thể thoát ra được. Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ hai cảm quan chủ đạo – cảm quan về sự thật tàn nhẫn, về cái phi lý của cuộc đời làm cho con người trở nên “vô minh”. Nhà văn có lần thừa nhận rằng khi viết ông như người mổ thịt lợn, vứt hết lòng, thịt, chỉ giữ lại trái tim, nghĩa là chỉ mưu cầu đi tới sự thật nên khi cần có thể “lộn trái” để nhìn rõ tất cả.
Đọc những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, ấn tượng sâu sắc nhất để lại trong tâm trí người đọc có lẽ là chất lãng mạn, trữ tình. Đó như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hầu hết những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn đã khéo léo đưa thơ vào những văn bản tự sự cứng nhắc nhằm tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ cho người đọc. Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp có nguồn gốc đa dạng, phong phú: đôi khi tác giả mượn thơ của những nhà thơ khác; đôi khi lại là những câu thơ do chính nhà văn sáng tạo nên; đôi khi nhà văn lại sử dụng lại những câu thơ dân gian theo cách của mình. Chất thơ trong văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp là phương tiện nghệ thuật quan trọng để nhà văn thể hiện cái đẹp, cái lãng mạn của đời sống vốn rất đa sự, của con người vốn rất đa đoan.
Ngoài ra, tính chất lạ, cách nói ngược là một đặc điểm tiêu biểu trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thiệp có biệt tài miêu tả các chi tiết xác thực, có ý nghĩa khái quát cao, khắc sâu chủ đề và lột tả tính cách nhân vật. Chi tiết
trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp giống như một “mồi lửa”, người sử dụng nó phải biết sử dụng một cách đúng lúc, đúng chỗ nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ta thấy có sự đa dạng của các tình huống truyện: tình huống kịch (Sang sông, Không có vua, Tướng về hưu..);
tình huống tượng trưng (Thương nhớ đồng quê, Muối của rừng…); tình huống lựa chọn (Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ…); tình huống giả tưởng
(Những ngọn gió Hua Tát).
Ngoài ra, khi nói đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chúng ta không thể không nhắc đến những đóng góp trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn. Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường có lối kể chuyện biến ảo, lúc ở ngôi thứ nhất, lúc ở ngôi thứ ba, nhưng dù ở ngôi nào thì tác giả vẫn trung thành với lối kể chuyện “không che đậy”. Đó là giọng văn lạnh lùng, tàn nhẫn khi nhìn thẳng vào sự thật, phơi bày cái xấu, cái ác. Đó còn là những trang văn thấm đẫm yếu tố trữ tình, được bao phủ bởi màu sắc huyền thoại, chất thơ và khuynh hướng thể hiện cái đẹp, cái lãng mạn của đời sống đa sự, của tình người đa đoan.
Cuối cùng, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường có kết thúc mở. Đặc biệt ở nhiều truyện, tác giả đưa ra nhiều giả thiết khác nhau cho đoạn kết của câu chuyện. Điều này thể hiện rõ nét tính khách quan trong phong cách Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả cho phép người đọc tự do chọn lựa một kết cục phù hợp chứ không áp đặt. Kết thúc mở được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng nhiều trong nhóm truyện đề tài lịch sử (Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết).
Tóm lại, tạo ra được một nét riêng, độc đáo trong phong cách luôn là điều mà mọi nhà văn hướng tới. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo được cho mình một dấu ấn riêng, không lẫn lộn với ai trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, chúng tôi vẫn muốn khẳng định rằng Nguyễn Huy Thiệp là cây bút truyện ngắn số một trong văn học đương đại Việt Nam từ sau Đổi mới. Khảo sát các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ta có thể thấy khuynh hướng huyền thoại hóa giống ở phương Tây chưa xuất hiện, tư duy huyền thoại mới chỉ biểu hiện ở
một mức độ nhất định. Huyền thoại xuất hiện như một yếu tố trong văn bản nhưng chưa làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc thể loại. Nhưng những yếu tố huyền thoại trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp cần được lý giải trên các phương diện thi pháp để thấy được khuynh hướng tiếp cận huyền thoại của các nhà văn đương đại Việt Nam, lí giải tại sao văn học hiện đại vẫn quay về, tìm đến với huyền thoại.
Tiểu kết
Như vậy, huyền thoại không chỉ được hiểu là một khái niệm đồng nhất với thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích hay những yếu tố mang tính chất kỳ ảo, hoang đường mà huyền thoại còn được hiểu là một kiểu tư duy đã xâm nhập vào văn học hiện đại, tạo ra những biến đổi mạnh mẽ về mặt cấu trúc thể loại. Tuy thoát thai từ huyền thoại nhưng truyện cổ tích vẫn mang trong mình những đặc trưng riêng của nó, không pha tạp và trộn lẫn. Văn học dân gian đặc biệt là cổ tích thực sự là “hình thức bảo lưu và hình thức vượt qua huyền thoại” [34, tr. 377]. Huyền thoại trở thành một chất liệu nghệ thuật không thể thiếu cho các nhà văn đương đại trong việc chuyển tải những vấn đề thiết cốt của cuộc sống hiện đại. Bằng chứng là sự thành công của rất nhiều tác phẩm văn học trên thế giới và trong nước nhờ khả năng vận dụng linh hoạt phương thức huyền thoại hóa. Cuộc “xâm lăng” của huyền thoại vào văn học diễn ra vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt trên tất cả các phương diện: đề tài, nhân vật, cốt truyện, kết cấu, loại thể,…Trong đó, truyện ngắn – một thể loại vô cùng nhạy bén ở khả năng chiếm lĩnh hiện thực gặt hái được rất nhiều thành công với những cái tên để lại nhiều ấn tượng trên văn đàn như Y Ban, Hòa Vang, Lê Minh Hà, Võ Thị Hảo, Tạ Duy Anh, Lưu Sơn Minh,…Trong số đó không thể không nhắc tới hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Hầu hết các tác phẩm của nhà văn đều được bao phủ bởi những màn sương mù huyền thoại. Nhờ sử dụng phương thức huyền thoại hóa, qua mỗi tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã chuyển tải thành công tới bạn đọc những vấn đề bức thiết, ngổn ngang của xã hội hiện đại. Mặc dù chỉ xuất hiện len lỏi trong từng tác phẩm như một chất liệu, một yếu tố trong văn bản nhưng qua sự chi phối của tư duy huyền thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chúng ta phần nào thấy được khuynh hướng tiếp cận huyền thoại của các nhà văn đương đại Việt Nam, lý giải vì sao văn học hiện đại không “chối bỏ” huyền thoại mà vẫn “kết nối”, “hòa điệu” với huyền thoại theo cách riêng của mình.
CHƢƠNG 2: PHƢƠNG THỨC HUYỀN THOẠI HÓA VỚI NHÂN VẬT VÀ CỐT TRUYỆN
Nhân vật và cốt truyện là hai yếu tố quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật, giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ, khó có thể tách rời nhau. Thông qua mạch diễn biến của cốt truyện và sự phát triển của tính cách nhân vật với hàng loạt những biến cố, xung đột, các nhà văn chuyển tải tới bạn đọc những thông điệp nghệ thuật và chủ đề - tư tưởng trong tác phẩm của mình. Trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy nhân vật và cốt truyện là hai yếu tố cùng cộng hưởng, “tương tác” với nhau để làm nên màu sắc huyền thoại cho tác phẩm. Có thể nói truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn người đọc bởi những cốt truyện kì ảo, mang màu sắc huyền thoại, bởi hệ thống nhân vật có phép màu kì lạ như trong những truyện cổ tích dân gian. Do đó, chúng tôi, trong chương này không tách cốt truyện và nhân vật thành những mục riêng mà chỉ ra các phương thức huyền thoại hóa trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên cả hai phương diện nhân vật và cốt truyện. Ứng với hai phương diện đó là bốn biểu hiện của phương thức huyền thoại hóa trong truyện ngắn của nhà văn: nhại truyền thuyết, nhại tôn giáo, tái sinh cổ tích, giải thiêng lịch sử.